Ngày 12/7: Thánh Anê Lê Thị Thành, Thánh Phêrô Hoàng Khanh, Thánh Ignacio DELGADO – Y


Thánh nữ Anê LÊ THỊ THÀNH (Đê)

Giáo dân (1781 – 1841)

Ngày tử đạo: 12 tháng 7

Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?

Thánh Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền (Bái Đền hay Gia Miếu), huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Song thân là người đạo gốc, gia đình khá giả nhưng không có con trai nối dõi tông đường nên thân phụ cưới thêm vợ thứ hai, khiến mẹ bà Thành phải mang hai cô con gái Thành (12 tuổi) và Thuộc (10 tuổi) ra đi lập nghiệp tại thôn Đông, xã Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình.

Năm mười bảy tuổi, cô Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, sinh được hai cậu con trai và bốn cô con gái. Theo phong tục địa phương, người làng lấy tên cậu con trai đầu lòng để gọi song thân, vì thế mà bà Thành còn được gọi là bà Đê.

Hai ông bà quan tâm nuôi dưỡng và giáo dục đức tin cho con cái. Đặc biệt, bà Đê rất trọng những người dâng mình cho Chúa, cách riêng các thừa sai và linh mục bản quốc. Gia đình ông bà luôn sẵn sàng đón tiếp giáo sĩ đến tá túc trong thời bị bách hại.

Vào sáng ngày đại lễ Chúa Phục Sinh, 14/04/1841, tên Đễ, người theo giúp cha Thành, muốn lập công và ham tiền thưởng đã mật báo nơi trú ẩn các đạo trưởng tây nam với Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Linh mục thừa sai Jean Paul Galy Carles – Lý được ông trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê, núp trong đường mương khô cạnh bụi tre, có rơm rạ che khuất. Nhưng lính đã nhìn thấy bóng người chạy trốn nên cố sức lục soát và cuối cùng thì bắt được cha. Bà Đê, chủ nhà, cũng bị bắt vì tội che giấu đạo trưởng trong nhà. Ông trùm Cơ, bà Đê và tám người khác bị đóng gông đưa về ngục Nam Định. Vì chiếc gông quá nặng, bà Đê nhiều lần gục ngã trên đường.

Tại công đường, tổng đốc Trịnh Quang Khanh khuyến dụ ngọt ngào, tra tấn nhục hình, đánh đòn đến tan nát thân mình, thả rắn độc vào hai ống quần… cũng không thể lung lạc niềm tin son sắt của bà Đê.

Khi vào thăm mẹ, cô Nguyễn Thị Nụ khóc nức nở khi nhìn thấy tấm áo mẫu thân loang lổ vết máu, nhưng bà Đê âu yếm an ủi: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Một lần viếng thăm khác, bà Đê nhắn nhủ: “Con hãy về chuyển lời mẹ đến với anh chị em con, nhớ coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối nguyện kinh, dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá đến cùng. Không bao lâu nữa, mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”.

Ngoài cực hình tra tấn, ăn uống kham khổ, bà Đê còn mắc chứng kiết lỵ. Mặc dù có nữ tu tận tình chăm sóc, sức lực bà Đê ngày càng yếu và đã an nghỉ trong Chúa vào đêm 12/07/1841 nơi chốn lao tù, dưới đời vua Thiệu Trị. Theo quy định, binh lính đốt ngón chân của bà để xác nhận tử tội đã từ trần. Thi hài của bà được an táng tại pháp trường Năm Mẫu, và sáu tháng sau được giáo hữu cải táng về nhà thờ Phúc Nhạc.

Thánh nữ Anê Lê Thị Thành (Ðê) được nâng lên bậc chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

—————————————————–

Thánh Phêrô HOÀNG KHANH

Linh mục (1780 – 1842)

Ngày tử đạo: 12 tháng 7

Bảo tôi khai xưng tôi là thầy thuốc,
đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng thì còn ai nghe nữa?

Thánh Phêrô Hoàng Khanh sinh năm 1780 tại Hoa Duệ, tỉnh Nghệ An. Song thân sống nhân đức, chuyên nghề buôn bán nên dời gia đình về sống ở làng Lương Khế, phủ Anh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 22 tuổi, chú Khanh ao uớc dâng mình cho Chúa để làm thầy giảng, vào phụ giúp cha già Đạc trong nhà xứ. Sau này, thầy Khanh xin vào chủng viện để chuẩn bị làm linh mục. Thầy thụ phong linh mục khoàng năm 1820.

Cha Khanh là một linh mục sốt sắng, thương yêu giáo dân, hay giúp đỡ người nghèo khó túng cực trong các xứ đạo Trại Lê, Thuận Nghĩa, Thọ Kỳ, Làng Truông, Ngàn Sâu. Ngài đặc biệt quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi tu trì, tìm thầy dạy chữ Nho và tiếng Latinh cho các chú. Ngài có tám người con linh tông được làm linh mục phục vụ Giáo hội.

Ngày 29/01/1842, cha già Khanh đang ở Ngàn Sâu, nhận được thư của cha Chính Masson – Nghiêm, xuống thuyền ra Nhà Chung Xã Đoài. Khi trở về, thuyền của cha bị chặn lại khám xét. Thấy ngài phương phi, đẹp lão, có sách kinh, dầu thánh, dây các phép…, cai đội hỏi ngài là thầy thuốc hay làm nghề gì, cha Khanh nói ngài là đạo trưởng. Thế là họ đóng gông và giam ngài.

Khi bị nhốt, cha được các quan thương mến muốn tìm cách tha cho cha, nên khuyên cha khai mình là thầy lang, nhưng cha đạp: “Biểu tôi khai xưng tôi là thầy thuốc, đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng, thì còn ai nghe nữa?”.

Bị giam trong ngục, cha vẫn còn phải mang gông và bị xiềng, ban đêm còn bị cùm. Nhưng cha vẫn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện và nhân từ giúp đỡ các bạn tù. Cha bốc thuốc, điều trị được các bệnh tình nguy kịch trầm trọng, nên các quan, nha lại, cai đội, lính tráng tin tưởng loan truyền rằng thang thuốc cụ đạo thì hiệu nghiệm lắm.

Án lệnh xử trảm được thi hành ngày 12/07/1842 tại Hà Tĩnh, dưới triều vua Thiệu Trị. Cha Khanh bị điệu ra phía cửa hậu, pháp trường Cồn Cổ. Một tiếng chiêng vang lên, cha bị lý hình chém đứt đầu. Thi hài vị chứng nhân đức tin linh mục Hoàng Khanh được đưa về họ đạo Kẻ Gốm và được an táng nơi nền nhà thờ cũ.

Linh mục Phêrô Hoàng Khanh được tôn lên bậc chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

—————————————–

Thánh Ignacio DELGADO  – Y

Giám mục dòng Đa Minh (1762 – 1838)

Ngày tử đạo: 12 tháng 7

Nếu các ngài biết đạo Chúa Giêsu, hẳn các ngài sẽ theo.

Thánh Ignacio Delgado – Y sinh ngày 23/11/1762 tại làng Villafeliche, tỉnh Saragozza, miền Aragon, nước Tây Ban Nha.

Lúc đầu anh gia nhập dòng Đa Minh, tỉnh dòng Aragon và tuyên khấn năm 1781. Nhưng những lá thư của cha Alonsô – Phê về sứ vụ tại Việt Nam đã thắp lên nơi thầy Delgado ước vọng truyền giáo. Thầy liền xin chuyển qua tỉnh dòng Mân Côi, tiếp tục học thần học tại Manila và được thụ phong linh mục tại đây năm 1787. Sau hai năm hành trình, năm 1790 cha Delgado cùng với ba anh em khác đến Việt Nam.

Cha Delgado được cử coi sóc chủng viện hai năm, rồi làm cha chính giáo phận, kiêm đại diện giám tỉnh hai năm. Và theo sự giới thiệu của Đức cha Alonsô – Phê, cha Delgado được bổ nhiệm làm giám mục phó ngày 11/02/1794 và được tấn phong vào tháng 9 năm sau.

Năm 1799, Đức cha Phê qua đời, Đức cha Delgado – Y phải đảm đương giáo phận. Bốn năm sau, công tác này được san sẻ với vị tân Giám mục phó Henares – Minh. Dù đường xá khó khăn, hai vị giám mục đã không ngại đi hàng ngàn cây số đường mòn bờ đê, xuyên rừng leo núi đến thăm từng giáo xứ và các họ đạo.

Tận dụng giai đoạn bình an, Đức cha Delgado lo củng cố lại giáo phận. Ngài tái lập các chủng viện Ninh Cường, Lục Thủy, Tiên Chu và Ngọc Đồng. Tín hữu được tham dự kinh lễ mỗi ngày, học giáo lý kỹ lưỡng hơn và sống đạo tốt hơn. Nhờ những nghi lễ long trọng tại các giáo xứ, trong mười năm, hơn 10.000 người lớn xin rửa tội.

Năm 1838, vì những lá thư của cha Viên gửi các thừa sai bị phát hiện, dưới áp lực của triều đình và sự nhiệt tình của tổng đốc Trịnh Quang Khanh, các chủng viện, nhà thờ phải tự tháo dỡ, chủng sinh và nữ tu phải về gia đình. Các thừa sai tạm lánh qua làng Kiên Lao. Nhưng do sự chỉ điểm của thầy đồ Hy, cả hai vị giám mục lần lượt bị bắt.

Đức cha Delgado bị giam trong cũi gỗ với chắn song phủ kín bốn phía, chỉ chừa một lỗ nhỏ bên trên để đưa cơm nước cho tù nhân. Một viên quan xúi Đức cha: “Ông đã bị bắt, ông có thể tự vẫn như những người dũng cảm khác thường làm”. Đức cha trả lời: “Chúng tôi không được tự vẫn, vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo, quan truyền giết tôi thì tôi hết sức vui mừng”.

Trưa ngày 30 tháng 5, cũi của Đức cha được áp giải từ phủ Xuân Trường về Nam Định gặp tổng đốc Trịnh Quang Khanh trong bầu khí lễ hội, với gần 2000 binh lính, cờ xí rợp trời và chiêng trống vang dội.

Ngày 14 tháng 6, Trịnh Quang Khanh gửi bản án về triều đình nhưng vua Minh Mạng chần chừ vì muốn ép vị thừa sai nhận tội “mật thám”. Dĩ nhiên ngài không thể nhận điều vu cáo ấy. Ngài nói: “Tôi ở An Nam đã 48 năm, tôi có giấy tờ của Tiên Đế (Gia Long) cho phép giảng đạo”. Thỉnh thoảng Đức cha lại nói: “Các ngài chưa biết về đạo Chúa Giêsu, nếu biết, hẳn các ngài sẽ theo đạo”.

Kể sao cho xiết những khốn cực Đức cha phải chịu suốt 43 ngày trong cũi. Cũi nhốt Đức cha được đặt ngoài cửa thành, khiến cha ban ngày thì nhễ nhại mồ hôi dưới sức nóng mặt trời, ban đêm thì lạnh cóng vì sương gió.

Án xử lần thứ hai gửi vào kinh được vua châu phê ngay, nhưng bản án chưa kịp về đến Nam Định thì Đức cha đáng kính đã từ trần. Với tuổi già (76 tuổi), cộng với bệnh tật, một tháng rưỡi trong cũi đã làm Đức cha kiệt lực và an nghỉ ngày 12/07/1838. Quân lính thấm dầu vào vải, quấn quanh ngón chân, đốt thử để biết là đã chết thật.

Tuy nhiên quan vẫn quyết: “Cứ thi hành mọi sự như án đã đề ra, để mọi người biết tội y nặng nề dường nào”. Quân lính liền khiêng cũi có xác Đức cha ra pháp trường Bảy Mẫu, đưa thi thể ra ngoài rồi chém đầu.

Thi hài vị tử đạo được các tín hữu an táng tại một nhà thờ đã bị tàn phá ở Bùi Chu. Thủ cấp bị treo nơi công cộng ba ngày rồi ném xuống sông Vị Hoàng. Ba tháng sau một người đánh cá vớt được, đưa về an táng chung với thi hài của ngài.

Vị giám mục dòng thuyết giáo Ignacio Delgado – Y được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

Nguồn: Website Hội Đồng Giám Mục Việt Nam