Ngày 12/8: Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích, Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm


Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm

Linh mục (1781 – 1838)

Ngày tử đạo: 12 tháng 8

Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, nhưng mà sau này ta sẽ lại được gặp nhau.

Giacôbê Đỗ Mai Năm có tên trong sổ bộ của làng đời Tây Sơn là Mai Ngũ, sinh năm 1781, người làng Đông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cha được chịu chức linh mục năm ba mươi hai tuổi.

Từ bé, Giacôbê Năm đã sống trong Nhà chung, sau đó được vào Chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị), thời Đức giám mục Jacques Benjamin Longer – Gia. Khi làm thầy giảng, thầy Năm được cử ở lại giúp Chủng viện Kẻ Vĩnh. Ban ngày thầy coi sóc kẻ liệt, buổi tối thầy đi dạy trẻ con làng Kẻ Vĩnh. Làm thầy giảng được mấy năm thì bề trên gọi thầy học Đại chủng viện, truyền chức linh mục cho thầy, cùng sai đi giúp các xứ đạo lúc thầy mới đến ba mươi hai tuổi.

Linh mục Giacôbê Năm là người hiền hòa, dễ mến. Cha năng đọc kinh, lần hạt. Đặc biệt, cha Giacôbê Năm có lòng thương kẻ khó khăn, hay giúp đỡ người nghèo về cơm áo, thuốc men.

Vào khoảng giữa thời Minh Mạng, bề trên đem cậu Năm về Nhà chung Kẻ Vĩnh được hai ba năm thì có chỉ cấm đạo, bắt các đạo trưởng, triệt hạ các nhà thờ, nhà xứ. Bấy giờ Nhà chung Kẻ Vĩnh phải tản đi. Linh mục Năm ẩn trốn ở nhà ông trùm Tốn, họ Kẻ Nguồi ba bốn năm. Khi cơn cấm đạo đã nguôi, Nhà chung đã hồi lại, cha Năm lại về Kẻ Vĩnh.

Chẳng được bao lâu, các quan lại bắt đạo ngặt quá, cha Năm phải ẩn trốn trong nhà ông trùm Đích ở làng Kẻ Vĩnh. Lúc ấy có kẻ tên Tỉ quê ở Đông Mặc và tên Xuân quê Tiểu Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, tố giác cha Năm với quan tuần phủ nam  Định tên là Trịnh Quang Khanh.

Sáng ngày 11/05/1838, quan tuần phủ đi thuyền đến bến Kẻ Vĩnh, lên ngồi ở đình làng, đòi mọi người từ mười tám tuổi trở lên phải đến tại đình trình diện. Quan bắt lý trưởng làm tờ cam kết, hễ bắt được đạo trưởng, cùng đồ đạo quốc cấm trong làng thì mình chịu tội.

Lúc ấy, linh mục Năm thắt lưng, xắn quần xắn áo định đi làm cơm cho quan cùng với người dân. Lính đến gần nhà ông trùm Đích gặp linh mục Năm, thấy người trắng trẻo, lại râu ria đẹp đẽ thì hỏi người rằng: “Ông là ai, có phải là Cụ chăng?” Cha Năm thưa rằng: “Tôi là người nhà này”. Bấy giờ kẻ Tỉ và Xuân liền kêu lên rằng: “Đó chính là linh mục đang trú ở nhà ông trùm Đích đấy”. Cha Năm nói: “Phải, tôi là linh mục đây”. Lính xông tới bắt và trói cha cùng ông trùm Đích đem nộp cho quan đang ngồi tại đình làng.

Khi đến trước mặt quan, cha cũng xưng mình là linh mục. Quan bảo rằng: “Triều đình nghiêm cấm đạo Giatô, sao chẳng về nhà làm ăn còn giảng đạo làm gì?” Quan lại hỏi cha rằng: “Linh mục có bước qua thập giá chăng?” Cha thưa rằng: “Bẩm quan lớn, chúng tôi không bước qua thập giá”. Quan hỏi cho qua chuyện rồi truyền đóng gông cha Năm cùng ông trùm Đích và lý trưởng, con rể ông trùm Đích, và xuống truyền chài ra Nam Định. Khi cha Năm vừa đến Nam Định thì bị giam ngay. Hôm sau, các quan đòi cha ra và bắt bước qua thập giá, nhưng cha cương quyết không chịu.

Ngày 12/08/1838, cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ bị chém đầu ở Bảy Mẫu. Ngày sau, khi đã bình yên, Nhà chung dựng nhà mồ có treo câu đối:

“Hoành hoành nghĩa khí quần giam Cụ

Lẫm lẫm trung thành vạn cổ sư”[1].

Linh mục Giacôbê Ðỗ Mai Năm được nâng lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

————–

[1] Dịch nghĩa: Nghĩa khí, hiên ngang trong giam cầm, đó là Cụ. Oai nghiêm, trung thành nhiều năm mới có, đó là Thầy.

—————————————————

Thánh  Micae Nguyễn Huy Mỹ 

Lý trưởng (1804 – 1838)

Ngày tử đạo: 12 tháng 8

Ông lý Mỹ: “Ta được phúc tử vì đạo thì mẹ Mỹ có bằng lòng chăng?” Vợ: “Thầy mình có được phúc trọng ấy thì tôi bằng lòng lắm”.

Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ ra đời năm 1804. Quê cha ông lý Mỹ ở trại Đại Đăng giáp tỉnh Vân Sàng, bây giờ gọi là Ninh Bình. Ông lý Mỹ, còn gọi là Nguyễn Huy Diệu, là con trai cả. Ông Mỹ bỏ nhà quê mà đến ở làng Kẻ Vĩnh, lấy vợ ở làng ấy, sinh được tám người con.

Ông Mỹ mồ côi cha lúc mười tuổi, mồ côi mẹ lúc mười hai tuổi. Ông và các em phải ở với người dì. Ông được dì cho học chữ Nho và nghề thuốc. Đến năm hai mươi tuổi thì lập gia đình cùng thị Mến là con ông trùm Đích. Mặc dù còn thanh niên nhưng ông Mỹ đã có tiếng là người sắc sảo, giỏi giang, ăn nói trôi chảy. Đến khi làng khuyết cai tổng, người làng bầu ông Mỹ làm cai tổng, nhưng ông không nhận. Về sau, Đức cha Du[1] bảo ông Mỹ ra gánh việc lý trưởng để bênh đỡ Nhà chung và giúp dân trong thời buổi cấm đạo. Ông vâng lời Đức cha ra làm lý trưởng. Từ đó, người ta gọi ông là lý Mỹ.

Khi còn bé, ông có tiếng nết na nghiêm trang, có lòng đạo tốt. Khi có gia đình, ông lý Mỹ càng sống tốt đạo hơn nữa. Ông chẳng uống rượu, không đánh bạc bao giờ, chỉ chuyên một việc làm ăn, chăm sóc gia đình và giữ đạo mà thôi. Vợ chồng ông hòa thuận thương yêu, chẳng nói nặng lời nhau bao giờ. Ông lý Mỹ thương kẻ khó khăn và hay bố thí cho họ. Đức cha Liêu, giám mục Tây Đàng Ngoài làm chứng rằng, Nhà chung và dân Kẻ Vĩnh được nhờ ông lý Mỹ nhiều lắm. Khi đã giúp ai việc gì ông lý Mỹ không bao giờ lấy của tạ ơn của họ. Ông ấy chẳng ăn bớt của dân một đồng nào, xử kiện phân minh, đánh đòn sửa phạt kẻ có lỗi, chẳng vị nể ai. Hàng tổng khen làng Kẻ Vĩnh yên bình hơn các làng khác.

Thời ông Mỹ làm lý trưởng cũng là lúc vua cấm đạo rất ngặt. Ông Mỹ tỏ ra vững vàng, lại năng khuyên bảo người ta phải giữ đạo vững vàng trong thời buổi ngặt nghèo ấy. Khi quan tuần phủ Nam Định, Trịnh Quang Khanh, bắt các người lính có đạo trong hạt Nam Định phải bước qua thập giá, ông lý Mỹ, lúc ấy ở xa, liền gửi thư cho các người lính Vĩnh Trị rằng: “Xin anh em chịu khó đừng bước qua thập giá, chẳng mấy ngày nữa tôi về nhà thì tôi sẽ ra với anh em”.

Sáng ngày 11/05/1838, khi lính quan tuần phủ Nam Định đến vây làng Vĩnh Trị, ông lý Mỹ đến nhà ông trùm Đích, đưa tin ấy cho cha vợ rằng: “Cha con đồng sinh đồng tử với nhau. Việc Đức Chúa Trời định đã đến rồi”. Lúc ấy, quan Trịnh Quang Khanh ở dưới thuyền lên ngồi tại đình, truyền đòi mọi người trong làng từ mười tám tuổi trở lên đến điểm mục, cùng bảo kỳ mục rằng: “Bao nhiêu đạo trưởng ở trong làng này thì phải đem nộp, bằng không thì mất đầu”. Ông lý Mỹ thưa rằng: “Bẩm lạy quan lớn muôn tuổi, ông lớn khám mà bắt được trưởng đạo Tây, trưởng đạo Nam hay là đồ đạo quốc cấm thì tôi xin nộp đầu”.

Lý trưởng vừa cam kết xong thì thấy lính điệu cha Năm và ông trùm Đích nộp cho quan. Quan truyền nọc ông lý Mỹ ra đánh đòn và đóng gông đem xuống thuyền, giải ra tỉnh làm một cùng cha Năm và ông trùm Đích. Quan lớn truyền tra tấn ông lý Mỹ để ông ấy ngã lòng mà bước qua thập giá. Nhưng mà ông Mỹ chẳng những không bị lay chuyển, mà lại càng vững vàng.

Ngày 12/08/1838, khi được tin vua Minh Mạng châu phê án tử, cả ba vị đã chuẩn bị tầm hồn đón nhận Bí tích Giải tội và rước Mình Thánh Chúa sốt sắng. Cha Năm, ông trùm Đích và ông lý Mỹ bị chém đầu cùng ngày tại pháp trường Bảy Mẫu.

Ông lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ được tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

—————–

[1] Đức cha Du: Đức Giám mục Tây Đàng Ngoài, Jean Marie Havard Du.

——————————————

Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích

Trùm họ (1769 – 1838)

Ngày tử đạo: 12 tháng 8

Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt (Ga 12, 24).

Thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích sinh năm 1769 tại làng Chi Long, huyện Nam Xang, tỉnh Nam Định. Lớn lên, ông sang lập nghiệp tại làng Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị). Ông là mẫu gương của người chủ gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục con cái.

Gia đình thánh nhân còn cống hiến hai chứng nhân đức tin là ông Lý Thi, người con thứ hai bị xử giảo năm 1858 dưới thời Tự Đức, và ông Phó Nhâm, người con thứ tư, cương quyết không bước qua thập giá, bị đày lên Cao Bằng và qua đời tại đó.

Người ta quen gọi ông là cụ trùm Tiến Đích. Ông yêu quý hàng giáo sĩ, chủng sinh, hăng say quảng đại giúp đỡ họ về vật chất. Thời gian chủng viện Kẻ Vĩnh bị nạn dịch tả, ông đón nhận một số thầy về chăm sóc và chữa bệnh cho đến khi hoàn toàn bình phục mà không kể lao nhọc tốn phí.

Vào thời cấm đạo ngặt nghèo, ông trùm Tiến Đích tình nguyện đón tiếp, cho trú ẩn trong nhà một lớp chủng sinh Chủng viện Vĩnh Trị suốt hơn hai năm. Đức cha Joseph Havard – Du cũng thường lưu lại trong nhà cụ trùm.

Cụ trùm Tiến Đích có người con rể là Nguyễn Huy Mỹ, 34 tuổi, làm lý trưởng, có một gia đình đầm ấm hạnh phúc với tám mặt con đạo hạnh. Hai cha con bị bắt và bị giam giữ vì theo đạo. Khi quan tổng đốc hạ lệnh truyền đánh đòn cụ trùm Tiến Đích, thì con rể dõng dạc đứng lên thưa: “Cha tôi đã già nua tuổi tác, xin quan lớn tha cho, tôi xin chịu đòn thay”. Thấy người con rể có lòng hiếu kính, quan chấp nhận lời xin ấy.

Quan tổng đốc dụ dỗ ông trùm Đích bước qua Thánh Giá để về vui hưởng tuổi già với con cháu, nhưng ông vẫn một mực cự tuyệt. Khi nhận được thực phẩm tiếp tế từ gia đình, ông mang chia cho các bạn tù, không phân biệt lương giáo.

Bình minh ngày 12/08/1838, chứng nhân đức tin Nguyễn Tiến Đích và Nguyễn Huy Mỹ lãnh án xử trảm do vua Minh Mạng châu phê, tại pháp trường Bảy Mẫu. Linh hài hai đấng được long trọng rước về làng Vĩnh Trị ngay trong đêm, giữa rừng đèn đuốc sáng rực cả góc trời.

Ông Chánh trương Antôn Nguyễn Tiến Ðích được nâng lên hàng chân phước ngày 27/05/1900 và được nâng lên bậc hiển thánh ngày 19/06/1988.

Nguồn: Website HĐGM Việt Nam