Ngày 14-5: Thánh Matthia Tông Đồ
Sau khi Chúa lên trời, các Tông Đồ đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các ngài đã chọn thánh Matthia vào nhóm Mười Hai, thay thế cho Giuđa, để làm trọn con số tượng trưng của mười hai chi tộc Israel. Thánh Matthia vốn là một môn đệ của Chúa và nhân chứng của sự kiện Chúa sống lại. Theo truyền tụng, ngài đã giảng đạo và tử đạo tại Ethiopia. Nhờ sự vận động của thánh nữ Helena, di hài của thánh nhân đã được chuyển về Trier nước Đức, và được tôn nhận làm bổn mạng của thành phố này.
Thiên Chúa tuyển chọn.
Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn và cắt đặt các con đi hầu đem lại hoa trái, ngõ hầu hoa trái các con tồn tại.
Sau khi Giuđa phản bội, chỗ của ông trong nhóm Mười Hai bị bỏ trống. Cuộc tuyển chọn người thay thế Giuđa đã làm trọn lời Chúa Thánh Thần tiên báo, và Chúa Giêsu đã thiết định rõ ràng: Chúa muốn có mười hai Tông Đồ, bởi vì Dân Mới của Chúa cũng phải có mười hai trụ cột, giống như dân Israel có mười hai chi tộc. Thánh Phêrô đã dùng quyền tối cao trong cộng đoàn gồm 120 môn đệ, nêu lên những điều kiện Thầy Chí Thánh đã đặt ra. Ai hội đủ những điều kiện ấy sẽ được đứng vào Tông Đồ đoàn: người ấy phải quen biết Chúa Giêsu, và phải làm chứng cho Người. Thánh Phêrô đã giải thích cho cộng đoàn: Trong số những anh em cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã phục sinh. Thánh Phêrô nhấn mạnh người được tuyển chọn phải là một chứng nhân về những lời giảng dạy và những sự kiện trong toàn bộ cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, nhất là sự kiện phục sinh. Ba mươi năm sau, chúng ta thấy thánh nhân cũng lặp lại điều ấy trong chứng từ sau cùng cho các tín hữu: Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người.
Thánh Phêrô không tự mình tuyển chọn, nhưng trao phó việc ấy cho Thiên Chúa, như tập tục thỉnh thoảng vẫn gặp trong Cựu Ước. Chúng ta đọc trong sách Châm Ngôn, Người ta gieo quẻ trong nếp áo, nhưng mọi quyết định đều do nơi Giavê. Vậy họ đề cử hai người: ông Giuse, biệt danh là Barsabbas, cũng gọi là Công Chính, và ông Matthia – tên đầy đủ là Mattathias, nghĩa là ‘quà tặng của Thiên Chúa.’ Họ rút thăm, và ông Matthia đã trúng thăm: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Tài liệu lịch sử cổ xưa ghi lại một truyền tụng, cho biết vị Tông Đồ này thuộc nhóm bảy mươi hai môn đệ Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng tại các thành nước Israel.
Trước khi bầu chọn, thánh Phêrô và toàn thể cộng đoàn đã cầu nguyện, bởi vì sự lựa chọn không phải là của các ngài: ơn gọi luôn luôn là một sự lựa chọn của Thiên Chúa. Vậy các ngài cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này. Mười một Tông Đồ và các môn đệ không dám đảm nhận hoặc từ chối trách nhiệm tuyển chọn người thay thế Giuđa, nhưng trao phó cho Thiên Chúa. Về sau, thánh Phaolô cũng nói ngài được cắt đặt không bởi người đời hay nhờ người đời, nhưng là nhờ Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha. Chính Thiên Chúa đã tuyển chọn và sai đi, ngày nay cũng như ngày xưa.
Mỗi người chúng ta có một ơn gọi nên thánh và tông đồ. Chúng ta lãnh nhận ơn gọi ấy trong bí tích Thánh Tẩy. Và ơn gọi ấy đã được Thiên Chúa xác nhận qua những lần can thiệp vào đời sống chúng ta. Có những giờ phút trong cuộc đời, lời mời gọi theo Chúa Giêsu trở nên đặc biệt căng thẳng và rõ rệt. Tôi không nghĩ Thiên Chúa cưỡng ép tôi. Nhưng… Thiên Chúa không cần sự đồng ý của chúng ta để làm ‘rắc rối’ cuộc đời chúng ta. Người cứ vào: và việc là thế đấy! Lúc đó, chúng ta có đáp ứng hay không là tùy chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi trong giờ cầu nguyện: Tôi có trung tín với những gì Thiên Chúa muốn về tôi hay không? Tôi có cố gắng thực thi thánh ý Chúa trong mọi công việc của tôi hay không? Tôi có sẵn sàng đáp lại những điều Thiên Chúa đòi hỏi tôi trong cuộc đời hay không?
Ơn thánh luôn đầy đủ để đáp ứng ơn gọi.
…Và lá thăm chỉ đúng Matthia. Ơn gọi của thánh Matthia nhắc cho chúng ta rằng, ơn gọi luôn luôn là một tặng ân nhưng không. Thiên Chúa tiền định cho chúng ta được nên giống Con của Người và được thông phần đời sống thần linh của Người. Thiên Chúa ban cho chúng ta một sứ mạng trên trần gian, để rồi muôn đời được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống thân mật với Người và mở rộng vương quốc của Người, ai nấy trong hoàn cảnh và địa vị riêng.
Ngoài ơn gọi nên thánh phổ quát, Chúa Giêsu còn đặc biệt mời gọi riêng nhiều cá nhân: một số làm nhân chứng bằng nếp sống xa lìa trần thế; một số khác phụng sự Người qua thiên chức linh mục. Nhưng với đại đa số, Chúa để họ sống giữa trần thế và thánh hóa trần thế từ bên trong, hoặc trong bậc hôn nhân, như một con đường nên thánh, hoặc trong bậc độc thân, để hiến dâng trọn vẹn trái tim tình yêu cho Thiên Chúa và các linh hồn.
Ơn gọi không phát xuất từ những khát vọng hay ước muốn tốt lành. Các thánh Tông Đồ, và hôm nay là thánh Matthia, đã không chọn Chúa Giêsu làm Tôn Sư như kiểu những người Do Thái thường chọn một rabbi nào đó làm tôn sư. Chính Chúa Giêsu đã tuyển lựa – một số trực tiếp – số khác, như thánh Matthia, qua việc bầu chọn mà Giáo Hội phó thác trong tay Chúa. Không phải các con đã chọn Thầy, Chúa Giêsu nhắc nhở các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại. Những người này diễm phúc biết bao khi được lãnh nhận đặc ân lớn lao? Thực sự không có gì để thắc mắc tại sao những người này lại được tuyển chọn. Đơn giản vì Chúa đã gọi họ, chứ không gọi những người khác: Chúa gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Đó là toàn bộ phận phúc và mục đích của cuộc sống.
Từ giây phút Chúa Giêsu tuyển chọn và mời gọi một linh hồn theo Người, sau đó còn nhiều lời mời gọi khác nữa, có thể lặng lẽ, nhưng đánh dấu con đường cho linh hồn bước đi trong cuộc sống. Thiên Chúa ban cho linh hồn những tri thức và ân sủng đặc biệt để nâng linh hồn lên cao, làm cho linh hồn khao khát sự hoàn thiện, muốn phục vụ toàn thể nhân loại, nhất là những người chung quanh. Ơn Chúa không bao giờ thiếu cho chúng ta.
Truyền tụng kể lại, như các Tông Đồ khác, thánh Matthia cũng đã chịu tử đạo. Thánh nhân đã làm trọn nhiệm vụ vinh quang, nhưng đôi khi rất gian nan mà Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho ngài từ ngày ấy. Trong trường hợp chúng ta, việc trung thành với ơn gọi sẽ giúp chúng ta tìm được hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc đời.
Hạnh phúc và ý nghĩa của đời tín hữu.
Chúa Giêsu đã tuyển chọn những kẻ thuộc về Người: Người kêu gọi họ. Ơn gọi là một vinh dự lớn lao, cho họ được hợp nhất thân thiết với Thầy Chí Thánh, với những quyền lợi đặc biệt để đáng được nhậm lời khi cầu nguyện. Trên một số điểm nào đó, ơn gọi mỗi người dựa trên con người của họ: có thể nói ơn gọi và đương sự nên một với nhau, hợp nhất với nhau. Điều này nghĩa là – trong sáng kiến của Thiên Chúa – có một ưu ái đặc biệt dành cho những người được gọi, không những được ơn cứu độ, mà còn phân phát ơn cứu độ nữa. Và vì thế, từ đời đời, từ khi chúng ta bắt đầu xuất hiện trong chương trình của Đấng Tạo Hóa và Người muốn chúng ta được hiện hữu, Người cũng muốn chúng ta được mời gọi, qua việc an bài cho chúng ta tất cả những ân huệ và điều kiện, để chúng ta tự tình và ý thức đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô hoặc của Giáo Hội. Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta, chính Người là Tình Yêu, là Đấng đã kêu gọi chúng ta (cf Rm 9:11).
Thánh Phaolô hầu như bao giờ cũng khởi đầu các bức thư bằng những câu như sau: Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được mời gọi là Tông Đồ, được dành riêng cho Phúc Âm của Chúa… Thánh nhân được kêu gọi và tuyển chọn không phải bởi con người hoặc nhờ con người, nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta như Người đã kêu gọi Moses, Samuel, Isaia. Đó là một ơn gọi không dựa trên công trạng cá nhân: Thiên Chúa đã gọi tôi từ lòng mẹ. Thánh Phaolô còn trình bày rõ ràng hơn: Người đã cứu độ chúng ta và đã kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người.
Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy chia sẻ chén đắng, tức là cuộc sống và sứ mạng của Người. Giờ đây Chúa cũng mời gọi chúng ta như thế: chúng ta phải cẩn thận đừng để tiếng Chúa bị mất hút giữa những náo động. Nếu không ở trong Chúa hoặc không phải vì Chúa, thực sự chẳng có gì là niềm vui. Một khi chúng ta đã nhận ra tiếng Chúa Kitô mời gọi chúng ta theo Người, thì không còn gì là quan trọng nữa so với việc theo Chúa. Về phần Chúa Kitô, Người sẽ dần dần tỏ cho chúng ta – trong suốt cuộc đời chúng ta – những kho tàng phong phú của ơn gọi mà chúng ta lần đầu tiên đã nghe thấy, khi Người đi qua bên cạnh chúng ta.
Sau khi được tuyển chọn, thánh Matthia không còn được Thánh Kinh nhắc đến nữa. Cùng với các Tông Đồ khác, ngài đã nghiệm được niềm vui bừng cháy trong ngày Hiện Xuống. Thánh nhân đã đi rao giảng và chữa lành bệnh tật. Ngài để lại một di sản đức tin không thể phai nhoà, một đức tin bền vững mãi đến thời kỳ của chúng ta. Ngài cũng là một ngọn đèn cháy sáng trên thiên đàng cho Thiên Chúa vui hưởng.
Nguồn: Tinmung.net