Ngày 18/5: Thánh Gioan I – Giáo Hoàng, Tử đạo (523-526)


1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ thánh Gioan I được cử hành vào ngày kỷ niệm ngài qua đời – theo Sách Giáo Hoàng (Liber pontificalis) – trong ngục thất tại Ravenne. Cuộc tử đạo của ngài bắt nguồn từ các cuộc đấu tranh giữa hoàng đế Công giáo Justin với vua Théodoric (454-526) theo lạc thuyết Arius.

Thánh Gioan I, quê tại Toscane, nước Ý, thuộc thành phần giáo sĩ Rôma trong tư cách linh mục và Tổng phó tế, trước khi lên ngôi Giáo Hoàng (523 –526). Triều đại Giáo Hoàng ngắn ngủi của ngài được nổi tiếng qua việc ngài sửa sang các nghĩa trang của thánh Achille và Nêrée cũng như nghĩa trang của thánh nữ Priscille và Pétronille. Ngài đã triệu tập nhiều Công đồng miền.

Năm 524, vua Théodoric ủng hộ nhóm Arius, từ Ravenne cai trị cả nước Ý. Vua phái Đức Giáo Hoàng Gioan đến Constantinople nhưng ngài từ chối việc tham gia vào bè rối Arius. Tại Đông Phương, ngài được Đức Thượng phụ Constantinople và hoàng đế Justin tiếp đón rất trân trọng. Hoàng đế cũng xin Đức Giáo Hoàng phong vương ngày 19 tháng 4 năm 526, trước sự hiện diện của các giáo sĩ Hy Lạp và La Tinh, cả triều thần và quần chúng. Ngay hôm ấy, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Phục Sinh trong đại thánh đường Sophia. Nhưng khi trở về Ý, thánh nhân đã bị cầm tù tại Ravenne: Vì cho mình gạt, nên Théodoric đã bỏ đói ngài cho đến chết. Trên bia mộ ngài, người ta đọc được giòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong đại thánh đường Phêrô, với các nghi thức trang trọng dành cho các vị tử đạo.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện riêng gợi lại “cuộc tử đạo”, “công đức” và “đức tin kiên vững” của Giáo Hoàng Gioan I. Lời nguyện vọng lại ý tưởng của bài đọc một (2 Tm 2,8 – 3,12): Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích … Đây là lời đáng tin cậy: nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Bài Tin Mừng Thánh lễ (Ga 15,18-21) trích một trong những lời của Đức Kitô: Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em (c. 20)

b. Các bài đọc trong Kinh sách đưa ra một bản văn trích từ thư của Jean d’Avila gửi cho các bạn hữu, trong đó ngài diễn giải lời thánh Phaolô: “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi”. Rồi Jean d’Avila viết tiếp: “Thiên Chúa rộng mở đôi tay đón chúng ta, đôi cánh tay nhẹ nhàng thân ái và êm dịu biết bao, để tiếp rước những kẻ bị thương tích khi chiến đấu cho Người ! Chắc hẳn điều này mang lại một sự êm dịu ngọt ngào hơn mọi thứ mật ong mà công lao vất vả có thể sản xuất ra ở trên đời !” Nào là chúng ta bị hiểu lầm, bị bác bỏ và bị bách hại vì Tin Mừng. Jean d’Avila lại viết: “Đây là con đường mòn mà Chúa Kitô và những kẻ thuộc về Người đã đi. Người gọi đó là con đường hẹp, nhưng chính nó lại đưa thẳng tới sự sống.”

Enzo Lodi

Nguồn: Website Tổng giáo phận Hà Nội