Ngày 21-01: Thánh Anê, đồng trinh tử đạo


Thánh A-nê 

Đồng Trinh Tử Đạo

Một cuộc đời được gặt bởi gươm đao. Đó là tất cả. Không có nhiều việc, không có nhiều chuyện, nhưng danh tiếng đã nên lẫy lừng.

Một sử gia đã chân nhận như thế theo những lời truyền khẩu. Người ta biết rằng: Anê qua đời khoảng năm 13 tuổi. Cuộc khảo sát xương sọ cho biết như vậy. Người ta còn biết được rằng, theo thánh Ambrôsiô, vào năm 375 đã cử hành các lễ kính thánh nữ và vị thánh trẻ trung này được trình bày như vị thánh tử đạo sau khi đã chiến đấu để giữ mình đồng trinh.

Người ta yêu cái tên của Ngài, Anê theo tiếng La tinh có nghĩa là con chiên, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là trong trắng. Người ta muốn rằng Ngài có nét đẹp duyên dáng quyến rũ và thuộc gia đình quý phái. Các cô gái lập gia đình sớm. Trong số những chàng trai ngưỡng mộ Ngài, có con trai một vị tổng trấn, nhưng Anê tự cởi lòng đã chọn lựa vị hôn phu của mình. Ngài đã nghe về Chúa Giêsu, đã trở thành Kitô hữu và đã tận hiến vĩnh viễn cho Chúa Kitô. Các trẻ em thời này hay có tư tưởng anh hùng vì đã được thấy dòng máu của những vị tử đạo tuôn đổ. Anê từ khước lời cầu hôn của người thanh niên lương dân và bị tố giác trước quan tổng rấn. Theo một trong các cuộc đối chất tuyệt vời mà cả trăm nghìn Kitô hữu cho là chính xác, các lời hứa hẹn với những đe dọa chẳng có nghĩa lý gì đối với đức tin và lòng can đảm của thánh nữ. Người thiếu nữ từ chối không thờ lạy thần Minerva. Một ý tưởng quỷ quái nảy ra trong đầu óc quan tổng trấn. Ông truyền dẫn thiếu nữ đến xóm bất lương mặc cho bọn say mê nàng xâm phạm. Ngài bị lột hết y phục. Nhưng tóc dài phủ kín người Ngài. Hơn nữa nguồn sáng bởi trời bao quanh Ngài làm thành một chiếc áo trắng diệu kỳ. Con của vị tổng trấn định cả gan xâm phạm tới Ngài nhưng bị ngã chết như bị sét đánh. Anê đầy thương cảm đã xin thiên thần cứu sống anh và anh sẽ trở lại đạo.

Điều kỳ diệu không có giới hạn và mọi sự đều có thể cả. Bị đưa vào lò lửa, nhưng người thiếu nữ bất khuất không bị thiêu sống. Thánh Ambrôsiô nói:
– Ngài đi chịu khổ hình một cách vui vẻ cỏn hơn một người đi vào loan phòng của mình, vì Ngài không đi đến cái chết nhưng đi vào bất tử, Ngài được trang điểm không phải bằng những trân châu ngọc báu, nhưng bằng ánh sáng siêu nhiên.

Các ngọn lửa vây kín mà không thiêu đốt Anê. Vậy Ngài phải bị chém đầu mới được. Và người ta thấy một thiếu nữ yếu ớt khuyến khích người lý hình tay chân run rẩy:
– Chặt đi đừng sợ gì, để tôi sớm đến được với Đấng lòng tôi yêu mến.

Tường thuật đã được tiểu thuyết hoá và làm say mê lòng đạo đức của các tín hữu, nhưng sẽ không đủ để tên Ngài được quí trọng như vậy, nếu không chắc chắn rằng Anê là thánh trẻ tử đạo mà đức tin, đức mến và lòng ái mộ đức khiết trinh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết.
Lịch sử thánh Anê còn được phép thêm bằng qua lời truyền khẩu về Emêrentiana, người chị em cùng một vú nuôi với Ngài. Vài ngày sau khi Anê tử đạo, dân ngoại bắt gặp Emêrentiana với các tín hữu khác cầu nguyện bên mộ Ngài. Các Kitô hữu chạy trốn nhưng Emêrentina ở lại và bị ném đá. Cha mẹ Anê chôn cất nàng bên mộ con gái mình. đêm sau họ thức cầu nguyện và thấy Anê ở giữa các thánh nữ đồng trinh, với con chiên trắng hơn tuyết bên phải. Thánh Anê nói với cha mẹ:
– Đừng khóc vì con phải chết, trái lại cha mẹ hãy vui mừng vì con được hiệp nhất ở trên trời với Đấng con đã yêu mến hết lòng khi ở dưới đất.

Để nhớ đoạn lịch sử này, ngày 21 tháng giêng, sau thánh lễ cử hành trên mộ xác thánh Anê, người ta dẫn tới hai con chiên, lông kết sao vàng và đeo nải trắng một con, đỏ một con. Hai con chiên được đặt trên bàn thờ trong một giỏ mây, được chúc lành và dâng cho Đức Thánh Cha, sau đó được gởi về tu viện thánh Cêcilia.

Nơi đây các nữ tu nuôi chúng lớn lên, lông chúng dùng để dệt các “Pallium”, phẩm phục dệt bằng len trắng, có thêu thánh giá đen, mà Đức Giáo Hoàng gửi cho các Đức Tổng Giám mục mặc trên áo choàng ngoài, như dấu hiệu tỏ sự kính trọng.

(Nguồn: Website Tổng Giáo phận Sài Gòn)