Ngày 28/01: Thánh Tôma Aquinô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Tôma Aquinô là vinh dự và là ánh sáng của Giáo hội Công giáo. Cậu chào đời tại lâu đài Rô-ca-xê-ca, vùng Nê-a-pô-li nước Ý, thuộc dòng dõi quý tộc. Cha cậu là ông Lan-đun-pho, lãnh chúa miền A-quy-nô, mẹ là Tê-ô-đô-ra.
Lên 5 tuổi, cậu Tô-ma được gửi đi học ở đan viện Ca-xi-nô của các cha dòng Biển Ðức. Theo kể lại, thì ngay từ lúc này cậu vẫn thường hay thắc mắc : “Thiên Chúa là gì ?” Sau một thời gian học ở đan viện, cậu Tô-ma trở về Nê-a-pô-li tiếp tục việc học.
Năm lên 18 tuổi (1244), cậu Tô-ma xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo. Mẹ và anh em cậu không đồng ý. Họ đã đến tu viện và bắt cậu trở về ; biết được tin đó, cậu Tô-ma trốn qua Rô-ma rồi sang Pa-ri, nhưng cuối cùng cũng bị các anh bắt được đưa về nhốt trong một cây tháp. Bà mẹ, có lẽ vì tự ái không muốn cho con mình thuộc gia tộc quý phái lại vào một dòng khất thực nên đã tìm cách để khuyên con từ bỏ ý định, thậm chí còn dùng cả mỹ nhân kế để hy vọng quí tử vì đó mà bỏ đường tu. Nhưng cậu Tô-ma đã thắng. Bà mẹ đành chịu để cậu trốn khỏi tháp giam trở về tu viện Nê-a-pô-li .
Sau khi được thụ huấn với thánh An-be-tô Cả, cha Tô-ma năm 25 tuổi đã giữ chức giáo sư giảng dạy thần học và triết học rất nổi tiếng. Trong lối đối thoại của cha, người ta thấy toát ra một sắc thái khiêm tốn và rất nhân bản. Cha để lại rất nhiều tác phẩm. Qua đó, người ta thấy cha đã kết hợp sự khôn ngoan nhân loại với việc phục vụ chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa một cách tài tình, khởi đi từ Thánh Kinh, nguồn mạc khải và các thánh Giáo phụ rồi giải thích bằng những lý lẽ triết học rất chặt chẽ. Người là một trong những giáo sư tên tuổi được nhiều người biết đến vì lòng hâm mộ tìm kiếm chân lý và hăng say thuyết giảng.
Dưới sự chỉ đạo của các bề trên, cha Tô-ma đã đến với tất cả các trung tâm học thuật có tầm cỡ lúc bấy giờ như Cô-lô-ni-a, Pa-ri, Rô-ma, Nê-a-pô-li ; nổi bật về đời sống trong trắng, và gương mẫu trong sự trung thành tuân giữ kỷ luật tu trì. Ðối với sứ vụ riêng của Dòng tức là việc nghiên cứu và giảng truyền Lời Chúa trong tinh thần khó nghèo tự nguyện, cha đã ngày đêm miệt mài trong công tác tìm tòi và giảng dạy thần học. Châm ngôn của cha đã trở thành châm ngôn của cả Dòng Ða Minh đó là chuyên chăm tìm kiếm chân lý, khao khát đạt đến chân lý, khi đã tìm được thì hết sức vui mừng và ao ước chia sẻ cho tha nhân.
Tuy thế, cách làm việc của cha lại rất khiêm tốn. Cha Tô-ma vẫn chia sẻ với chân phước Rê-gi-nan-đô là bạn của người rằng : tất cả những gì mình biết được là do Chúa ban xuống chứ không phải do tài khéo riêng. Cha còn cho biết, tất cả những gì cha học được là học dưới chân thánh giá Chúa. Mỗi khi sắp nghiên cứu trình bày một vấn đề gì, cha thường quỳ lặng lẽ lâu giờ trước Thánh Thể và Thánh giá. Một lần ở Nê-a-pô-li, khi đang cầu nguyện sốt sắng trước ảnh chuộc tội, cha Tô-ma nghe tiếng phán : “Tô-ma, con đã viết rất đúng về cha, con muốn xin gì ?” cha Tô-ma thưa : “Con không xin phần thưởng nào khác ngoài chính Chúa.”
Nơi cha nổi bật lòng sùng kính Chúa Ki-tô Cứu Thế trong cuộc khổ nạn và trong bí tích Thánh Thể, chính cha đã soạn nhiều bản văn phụng vụ rất sốt sắng trong thánh lễ. Cha cũng đáng là gương mẫu của lòng con thảo yêu mến Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa.
Cha qua đời tại Phốt-xa-nô-va ngày 7-3-1274, đang lúc trên đường đi dự phó hội Công đồng Li-ông. Ngày 18-7-1323, đức giáo hoàng Gio-an XXII ghi tên cha vào sổ các thánh trên trời.
Ngày 11-4-1567, đức giáo hoàng Pi-ô V tuyên bố cha là vị Tiến sĩ thứ năm của Giáo hội La-tinh. Rồi ngày 4-8-1880, đức giáo hoàng Lê-ô XIII phong người làm quan thầy các đại học Công giáo. Lễ kính người hiện nay là ngày 28-1, nhằm ngày kỷ niệm việc dời thi hài của người từ Phốt-xa-nô-va về Tu-lu-dơ.
Nguồn: Website Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam