Ngày 5/10: Thánh Faustina Kowalska


Tên của Thánh Mary Faustina thì mãi mãi đi liền với ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa (được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh), chuỗi lòng thương xót Chúa và kinh cầu xin lòng thương xót Chúa được nhiều người đọc vào lúc 3g chiều.

Sinh trong vùng mà giờ đây thuộc vùng trung tây Ba Lan (một phần của nước Đức trước Đệ I Thế Chiến), Helena là con thứ ba trong gia đình 10 người con. Sau khi 16 tuổi, cô làm việc quản gia trong ba thành phố trước khi gia nhập Tu Hội Các Nữ Tu của Đức Bà Thương Xót vào năm 1925. Chị giữ việc nấu bếp, làm vườn và gác cổng trong ba nơi của tu hội.

Ngoài việc trung thành với bổn phận hàng ngày, độ lượng phục vụ nhu cầu của các nữ tu và dân địa phương, chị còn có một đời sống nội tâm sâu đậm. Đời sống này bao gồm những thị kiến về Chúa Giêsu, các sứ điệp mà chị đã ghi lại trong nhật ký theo lời yêu cầu của Đức Kitô và cha giải tội của chị.

Vào thời điểm mà một số người Công Giáo có hình ảnh quan tòa nghiêm khắc về Thiên Chúa đến độ họ cảm thấy tuyệt vọng về sự tha thứ, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến lòng thương xót và sự tha thứ khi tội nhân thú nhận và đi xưng tội. Có lần Chúa nói với Chị Mary Faustina, “Thầy không muốn trừng phạt nhân loại đau khổ, nhưng Thầy muốn chữa lành, đưa nó vào trái tim đầy thương xót của Thầy” (Nhật Ký 1588). Chị cho biết, hai luồng sáng phát ra từ trái tim Chúa Kitô tượng trưng cho máu và nước đổ ra sau khi Người chịu chết (Phúc Âm Gioan 19:34).

Vì Chị Mary Faustina biết rằng những thị kiến chị được lãnh nhận tự nó không góp phần cho sự thánh thiện, trong nhật ký, chị viết: “Không phải ơn sủng, không phải những thị kiến, không phải những ngất ngây, không phải những quà tặng được ban phát làm cho một linh hồn trở nên tuyệt hảo, nhưng đúng ra là sự kết hợp mật thiết của linh hồn với Thiên Chúa. Các quà tặng này chỉ là vật trang sức cho linh hồn, nhưng không góp phần cho bản chất cũng như sự tuyệt hảo của linh hồn. Sự thánh thiện và tuyệt hảo của tôi là nhờ kết hợp chặt chẽ ý muốn của tôi với ý muốn của Thiên Chúa” (Nhật Ký 1107).

Chị Mary Faustina chết vì lao phổi ở Krakow, Ba Lan,  vào ngày 5 tháng Mười, 1938. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho chị vào năm 1993 và tuyên thánh vào năm 2000.

Lời Bàn:

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa có những tương tự như sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cả hai trường hợp, tội nhân được khuyến khích đừng tuyệt vọng, đừng hồ nghi sự tha thứ của Thiên Chúa nếu họ sám hối. Như Thánh Vịnh 136 viết, “Tình thương [lòng thương xót] Chúa tồn tại đến muôn đời.”

Lời Trích:

Bốn năm sau khi phong chân phước cho Chị Faustina, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Cung Thánh Lòng Thương Xót Chúa ở Lagiewniki (gần Krakow) và nói chuyện với các thành viên của tu hội. Người nói: “Sứ điệp lòng thương xót Chúa luôn luôn gần gũi và quý báu đối với tôi. Như thể lịch sử được viết trong thảm kịch của Thế Chiến II. Trong những năm khó khăn ấy, sứ điệp này là nguồn hỗ trợ và hy vọng khôn cùng, không chỉ cho những ai sống ở Krakow, nhưng cho toàn thể quốc gia. Đây cũng là một cảm nghiệm cá nhân của tôi, mà tôi đem theo vào Tòa Thánh và, trong một ý nghĩa nào đó, tạo nên hình ảnh của triều đại giáo hoàng này. Tôi cảm ơn sự quan phòng của Chúa vì cá nhân tôi có thể góp phần bằng cách thể hiện ý Chúa Kitô, qua việc thiết lập ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa. Ở đây, gần với thi hài của Chân Phước Faustina, tôi cảm tạ Thiên Chúa vì món quà là chị đã được phong chân phước. Tôi không ngừng cầu xin Thiên Chúa ‘thương xót chúng ta và toàn thế giới’ (chuỗi Lòng Thương Xót Chúa).”

Nguồn: nguoitinhuu.org