Ngày Cuối Cùng Của Chúa Giêsu


WGPQN (21.03.2021) – Không thể viết về cuộc đời của Chúa Giêsu với những sự kiện đầy đủ và kết nối với nhau như cần phải có để viết tiểu sử. Các Tin Mừng không cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đầy đủ – trừ một trường hợp ngoại lệ, đó là trình thuật về ngày cuối cùng của Chúa Giêsu. Câu chuyện này nên được dựng lại một cách chính xác trên nền tảng của trình thuật về cuộc thương khó của Tin Mừng Marcô. Đàng sau Tin Mừng Marcô chương 14-15 (Bài Thương Khó, Chúa Nhật Lễ Lá năm B) phải là những truyền thống xa xưa, được cẩn thận truyền lại, và đàng sau những truyền thống này là ký ức của những chứng nhân tận mắt các biến cố, bởi vì hai chương này cho thấy một loạt những sự kiện liên kết với nhau và tường trình một số chi tiết cụ thể nhiều khác thường.

Chỉ nhìn vào con số đông đảo tên các nhân vật trong trình thuật thương khó của Marcô cũng cho thấy điều đó: ông Simon từng mắc bệnh phong, Giuđa Iscariô, Phêrô, Giacôbê, Gioan, Philatô, Baraba, Simôn thành Xyrênê, Alexandrô, Rufus, Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê Thứ, Maria mẹ Gioset, bà Salômê, Giuse Arimathia. Đàng khác, Marcô không nêu tên vị thượng tế đương nhiệm. Matthêô và Luca thấy thiếu sót này và sửa lại. Khác với Marcô, họ nêu tên thượng tế tên là Caipha (Mt 26,3; Lc 3,2; xem Ga 11,49). Điều đó là bằng chứng có thể nói lên trình thuật thương khó của Marcô là rất cổ xưa. Học giả Kinh Thánh Rudolf Pesch cho rằng giống như nếu có ai kể chuyện về hôm nay họ sẽ quy chiếu vào vị tổng thống đương nhiệm, chứ không vào vị tiền nhiệm.[1] Cũng thế, câu chuyện cuộc thương khó tiền-Marcô nói về vị thượng tế.  Vậy họ có trở về thời Caipha vẫn còn đương nhiệm không?  Ông ta làm thượng tế từ năm 18 đến 37 sau Công Nguyên.

1. Giếtsêmani

Vào thời đó, tiệc Vượt Qua kết thúc bằng việc hát một ít Hallel, là thánh vịnh 114(115) – 118. Marcô kể rằng Chúa Giêsu và các môn đệ lên núi Cây Dầu sau khi hát thánh vịnh (14,26). Dù đây chỉ là một chi tiết nhỏ, thường bị bỏ qua, nhưng chứng tỏ rằng Chúa đã cử hành tiệc Vượt Qua.

Ở một nơi gọi là Giếtsêmani, dưới chân núi Cây Dầu, Chúa Giêsu ngập tràn lo sợ: “và Ngài bắt đầu kinh sợ và buồn sầu” (Mc 14,33). Chúa Giêsu thấy cái chết đến gần, ngài tranh đấu với Chúa Cha trong nguyện cầu: “Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con! Nhưng không theo ý con muốn, một theo ý Cha” (14,16). Một mặt, lời kinh này nói lên sự tín thác sâu xa của Chúa Giêsu vào Cha ngài: tiếng thưa Abba (Cha ơi!), trong ngôn ngữ Aram, không thấy được dùng trong kinh nguyện của đạo Do Thái đương thời. Đó là lối diễn tả sự tín thác và yêu thương của trẻ con, nhưng cũng của cả con trai con gái đã trưởng thành, vào cha mình.[2] Theo bản văn thì Chúa Giêsu cầu nguyện với sự tín thác như con trẻ. Nhưng mặt khác, ngài đấu tranh với Chúa Cha, vì ngài dùng ngôn ngữ kinh thánh khi  nói đến “chén” Cha trao. Đó là chén phẫn nộ và u sầu[3], trong trường hợp này là chén của cái chết. Rõ ràng là Chúa xin cho mình khỏi chết. Chúng ta không dám xem nhẹ cũng như không thể tát cạn ý nghĩa của việc này. Theo trình thuật, Chúa Giêsu rất sợ hãi. Đàng khác, ngài đặt trọn vẹn cuộc sống vào tay Cha ngài. Có lẽ việc sợ hãi và đau đớn là do những phần tử đáng tin cậy nhất của nhóm Mười Hai – Phêrô, Gioan, Giacôbê – để ngài một mình trong cơn khủng hoảng. Họ không hiểu. Họ mê ngủ.

Rõ ràng là câu chuyện cuộc thương khó đã khéo léo nối kết hai yếu tố: một mặt là hồi ức chính xác về những gì đã xảy ra ở Giếtsêmani, mặt khác là giải thích thần học về biến cố với sự trợ giúp của ngôn ngữ kinh thánh. Sự liên kết này luôn hiện diện trong câu chuyện về cuộc thương khó. Sự giải thích tinh tế về chừng mực nào là ngôn ngữ thánh vịnh và chừng mực nào là thần học về “người công chính chịu đau khổ” trong trình thuật thương khó, chứng tỏ đây không phải là những biến cố được giáo hội tiên khởi tự sáng chế ra dựa trên nền tảng Cựu Ước. Hiện tượng phải được giải thích khác: câu chuyện thương khó kể về những sự kiện có thật, dùng ngôn ngữ kinh thánh, để minh chứng rằng những gì đang xảy ra ở đây là lịch sử giữa Chúa và dân của ngài, như vẫn luôn được lập đi lập lại, trong lịch sử Israel.

Cũng cần xác nhận một điều khác nữa: Cảnh ở Giếtsêmani khác về căn bản so với những mô tả về sau này về các cuộc tử đạo của các Kitô hữu tiên khởi. Các mô tả này không có kiểu thức (motif) cám dỗ hay tranh đấu dằn vặt trong cầu nguyện. Chúng ta đừng quên Celsius, triết gia và là người phê bình Kitô giáo, đã chế giễu nỗi sợ chết của Chúa Giêsu; hoàng đế Giulianô “bội giáo” đã thấy hành vi của Chúa Giêsu “đáng thương hại”.[4] Đối với cái nhìn thời cổ đại, người anh hùng phải hành xử khác. Nhưng đối với các tác giả Cựu Ước và Tân Ước thì ngược lại: lối mô tả những khủng hoảng hiện sinh như thế không những có thể[5] mà còn thích hợp: Người công chính trong Israel đã chịu đau khổ thế nào, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ làm sao.

2. Bị bắt

Ngay sau khi Chúa cầu nguyện với những đấu tranh dằn vặt, một toán quân võ trang đến bắt ngài. Không có lý do để cho rằng cảnh Chúa Giêsu bị bắt, như Marcô thuật lại, không phải là câu chuyện lịch sử. Cách đặc biệt về nụ hôn của Giuđa, thường được các học giả phê bình coi là kiểu của trình thuật huyền thoại. Để phản bác điều này chúng ta phải nói rằng việc bắt bớ này xảy ra trong đêm. Sau khi đã thất bại nhiều lần, như trong trình thuật của Gioan (Ga 7,30.32.44; 10,39) các người chống đối Chúa muốn lần này phải bắt được ngài. Việc không bắt Chúa vào ban ngày nhưng vào giữa đêm là vì họ lo lắng có nhiều người Galilê hành hương ở Giêrusalem trong thời gian đó. Đêm lễ Vượt qua là cơ hội thích hợp nhất để bắt Chúa mà không ai thấy. Marcô viết: “Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến” (Mc 14,43). Có vẻ như đây là một đội võ trang không chuẩn bị trước, nếu không nói là một nhóm được thuê để chống lại Chúa Giêsu. Các dịch giả kinh thánh tốt hơn nên dịch là “gậy tuần đêm (nightsticks)” thay vì “dùi cui (clubs)”. Đó là điều Marcô muốn, và dịch như thế để làm rõ đây là một đội cảnh vệ.

Ngoài đội canh giữ đền thờ thường xuyên, Thượng Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin) còn có một đội cảnh vệ đông hơn để giữ trật tự cần thiết, để bắt bớ, và để canh gác tù nhân. Điều này cũng làm cho rõ đây là lệnh bắt chính thức do Hội Đồng đưa ra theo như trật tự bình thường của sự việc. Họ sai một số đông những người có võ trang đến vì họ biết có một số các môn đệ đang ở với Chúa lúc đó. Cũng có thể toán lính này còn được bổ sung thêm các đầy tớ của các gia đình thượng tế Anna và Caipha (x. Mc 14,47).

Các môn đệ kinh ngạc vì Chúa bị bắt bất ngờ như thế. Họ bỏ ngài và trốn hết. Phêrô cố gắng ở lại gần với các biến cố tiếp theo. Ông nán lại một lúc trong sân nhà ông Anna[6], nơi ông chối Chúa, và rồi biến mất khỏi quang cảnh đó – theo như tường thuật của Marcô.

3. Tại nhà Anna

Chúa Giêsu bị điệu vào thành qua thung lũng Xêrong. Theo trình thuật của Tin Mừng Marcô, Chúa bị đưa ngay đến nhà vị thượng tế đương nhiệm (Caipha), nơi Thượng Hội Đồng Do Thái đang nhóm họp trong đêm để xét xử (Mc 14, 53). Tin Mừng Gioan thì tường thuật khác. Theo tin mừng thứ tư, trước tiên Chúa bị điệu đến nhà nguyện thượng tế, Anna (nhạc phụ của Caipha), để ông thẩm vấn, sau đó mới đưa đến nhà vị thượng tế đương nhiệm là Caipha (Ga 18,12-24). Tin Mừng thứ tư không tường trình gì hơn về một phiên họp của hội đồng, điều đó cũng gián tiếp cho thấy việc Chúa bị điệu đến nhà Caipha (Ga 18,24).

Rất có thể Chúa bị điệu đến Thương Hội Đồng Do Thái mà không phải qua cuộc tra vấn, hay ít ra là cố gắng để biết ngài khai gì, trước phiên họp của hội đồng. Anna là vị thượng tế tiền nhiệm đầy kinh nghiệm, có thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc này. Có lẽ cuộc thẩm vấn sơ khởi xảy ra trong khi chờ các thành viên của Thượng Hội Đồng có mặt đông đủ.[7] Nhưng đó không là vấn đề. Có lẽ họ đã được thông tin trước rồi. Dù sao Thượng Hội Đồng cũng được nhóm họp trong đêm thứ Năm.

4. Trước Thượng Hội Đồng Do thái (Sanhedrin)

Phiên họp vào ban đêm là bất thường. Điều này thường gây bàn cãi vì, theo hướng dẫn của Mishnah (xem m.Sanh.IV), đối với những vụ án liên quan đến án tử, Thượng Hội Đồng không được họp vào ban đêm. Những người chống lại lý luận này cho rằng Mishnah chỉ được biên tập lại khoảng năm 200 sau Công Nguyên do Rabbi Yehuda Hanasi và trong nhiều khía cạnh nó là lý thuyết trừu tượng về luật. Những chỉ dẫn về luật hình sự của nó có lẽ không đóng vai trò nào trong cuộc xử án Chúa Giêsu. Ngài bị xử án theo Cựu Ước và hình luật của nhóm Sađốc, và chúng ta không biết về luật này, ngoại trừ quy định của Cựu Ước về tố tụng hình sự. Nhưng Cựu Ước không cấm xử án vào ban đêm.[8]

Hơn nữa, Thượng Hội Đồng Do Thái còn bị thời gian lễ Vượt Qua thúc bách. Nếu theo thời biểu của các Tin mừng Nhất lãm thì Chúa Giêsu chết vào ngày 15 tháng Nisan, tức là vào chính ngày lễ Vượt Qua. Bằng mọi giá họ tránh một phiên toà sau ngày lễ Vượt Qua. Thượng Hội Đồng ở thế bị thúc ép về thời gian vì Chúa bị bắt trễ quá. Có lẽ không có vấn đề phải bàn cãi về quan điểm của các quan chức Do thái trước việc phải đợi đến sau lễ và ngày Sabát kế đó. Việc Chúa Giêsu bị bắt không thể giữ kín mãi, và họ sợ rằng những người có cảm tình với Chúa trong dân có thể tụ họp lại. Vì thế, Thượng Hội Đồng phải hành động nhanh chóng và quyết đoán, triệu tập phiên xử trong đêm. Marcô 14,53 viết: “Họ điệu Đức Giêsu đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ”.

Marcô nêu tên ba nhóm người họp thành Thượng Hội Đồng. Nhóm thứ nhất gồm vị thượng tế đương nhiệm và những người giữ các vị trí quan trọng trong đền thờ cũng như những thượng tế không còn tại vị. Nhóm thứ hai gồm các kỳ lão, những người thuộc các gia đình thường dân có thế lực nhất trong dân. Cả hai nhóm này chủ yếu theo khuynh hướng của phái Sađốc. Nhóm thứ ba của Thượng Hội Đồng gồm các kinh sư, nhóm này là những người đại diện chủ yếu của phái Pharisiêu. Tuy nhiên, Hội mà Marcô gọi là Thượng Hội Đồng (Sanhedrin), không phải là tòa án tối cao cho toàn Israel mà sách Mishnah mô tả sau này, mang tính cách lý thuyết về luật pháp hơn là thực hành; đúng hơn, đó là một nhóm mà thượng tế quy tụ quanh ông để đưa ra những quyết định quan trọng. Nói cho cùng, đó là công cụ của phe nhóm Anna dùng để vận dụng quyền lực.

Chỉ có một cái tên trong những người tham gia được biết một cách chắc chắn đó là Caipha. Ông phải là một nhà ngoại giao khôn khéo và một nhà chính trị rất thực dụng, vì ông thành công trong việc xoay xở thế nào để tại vị trong gần hai mươi năm, từ năm 18-37 sau Công nguyên. Không có vị thượng tế nào trong thế kỷ thứ nhất được tại vị lâu như thế. Caipha không thể tồn tại lâu như thế nếu không có một phe nhóm quyền lực đứng đàng sau và chấp nhận một vị thế uyển chuyển đối với các viên toàn quyền Rôma.  Caipha là người chủ trì phiên họp đêm đó của Thượng Hội Đồng.

Marcô tường thuật rằng các nhân chứng xuất hiện chống lại Chúa Giêsu tại phiên toà này tương ứng chính xác với luật xét xử của Cựu ước và của người Do thái.[9] Tương phản với luật Rôma, chỉ tập trung vào việc xét bị cáo, tiến trình tố tụng của người Do thái dựa trên những nhân chứng chống đối hay ủng hộ; chứng nhân chống đối đóng vai trò như biện lý. Những tuyên bố của của nhân chứng phải phù hợp trong từng chi tiết; bằng không, chúng không thích hợp cho tiến trình xét xử.

Điều quan trọng cần hỏi là những lời tố cáo nào được đưa ra để chống lại Chúa Giêsu. Một vài điều cho rằng ngài đã “dẫn dân đi lầm đường lạc lối”. Như lời tố cáo từng được đưa ra chống lại ngài trong quá khứ (xem Ga 7,12), cũng như xuất hiện trong một số tài liệu của người Do thái sau khi ngài chết. Sách Talmud Babylon viết: “(Chúa Giêsu) thực hành ma thuật và dẫn dân Ítrael đi lầm đường lạc lối” (Sotah 47a). Tội dẫn dân đi lạc lối cũng gồm cả những việc như không tôn trọng lề luật và hành động chống lại đền thờ. Đặc biệt hành vi tại đền thờ của Chúa đóng vai trò quan trọng cho lời tố cáo này. Dân ở Giêrusalem rất dị ứng với bất cứ hành vi thù nghịch nào với đền thờ. Điều đó bảo đảm đền thờ mang ý nghĩa chính của thành phố như là trung tâm hành hương và là nguồn thu nhập cho dân chúng, đặc biệt cho giới quý tộc địa phương, là nhóm tùy thuộc vào những cuộc hành hương. Theo trình thuật của Marcô, những phát biểu của Chúa Giêsu về đền thờ đóng vai trò quan trọng khởi đầu trong việc xử án. Nhưng rõ ràng là không dễ cho Thượng Hội Đồng kết án Chúa Giêsu với một hành vi xét xử nhanh gọn dựa trên những gì ngài đã nói về đền thờ. Những lời tố cáo của các chứng nhân không ăn khớp với nhau, và cuộc xử án đi đến chỗ bế tắc.

5. Đấng Thiên Sai (Messiah) và Con Người

Trước tình trạng trên, Caipha phải chuyển qua một phân đoạn khác trong cuộc xử án, vì các chứng từ không ăn khớp với nhau, và toà án thiếu bằng chứng. Điều đó khiến vị thượng tế phải đi thêm một bước để đưa ra quyết định. Caipha hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Đấng Kitô (Messiah), Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?” (Mc 14,61). Không có lý do gì để không tin là thượng tế đã hỏi câu hỏi đó. Nó có nhiều ý nghĩa và hợp lý. Nó phản ánh nhiều ý kiến và tin đồn đã được lan truyền từ lâu về Chúa Giêsu. Cách đặc biệt, việc ngài vào thành gây ấn tượng sâu sắc là yếu tố mới cho việc đánh giá về con người này. Hơn nữa, câu hỏi của Caipha theo sau câu hỏi về hành vi trong đền thờ vốn đã là chủ đề được thẩm vấn, vì hành vi đó mang tính cách của sự thống trị và thiên sai (messianic). Vì thế, Caipha một lần nữa điều tra về thẩm quyền của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã bị một nhóm được Hội Đồng sai đến tra vấn về thẩm quyền của ngài ngay sau những hành vi ngài thực hiện trong đền thờ. Ngài không trả lời, thay vào đó ngài đặt câu hỏi ngược lại: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” (Mc 11,29-30). Câu hỏi lại của Chúa Giêsu dựa trên việc cho rằng việc tuyên xưng công khai không phải lúc nào cũng thích hợp. Việc nhóm được Thượng Hội Đồng sai tới bỏ qua câu hỏi và không đưa ra quan điểm của mình cho thấy việc Chúa không trả lời trước đó được biện minh.

Bây giờ Chúa lại bị hỏi một lần nữa về thẩm quyền của mình, nhưng trong một trạng huống mới và khác biệt. Lúc này ngài đang đứng trước Thượng Hội Đồng, trước vị thượng tế, đại diện cho Israel. Tính chất chung quyết của khoảnh khắc này là rất rõ ràng cho Chúa Giêsu. Vì thế, ngài trả lời trực tiếp, đối với câu hỏi ngài có phải là đấng Thiên sai không, ngài tuyên xưng: “Phải, chính ta”.

Đương nhiên là người đọc tin mừng thắc mắc sao Chúa có thể chấp nhận trước mặt Thượng Hội Đồng một tước hiệu về thẩm quyền hết sức bí ẩn, có thể là mục tiêu của những hiểu lầm về chính trị, là tước hiệu ngài đã tránh từ lâu trước mặt công chúng và thậm chí cấm các môn đệ dùng nó công khai,[10] và ngài chỉ gợi ý cách biểu tượng qua việc đi vào thành và những hành vi tại đền thờ. Câu trả lời chỉ có thể như thế lúc này, trước sự hiện diện của thẩm quyền cao nhất của Israel, giờ đã đến để nói lên công khai. Bây giờ phải chấp nhận có thể bị hiểu lầm hay cố ý giải thích sai lạc. Dù sao Chúa Giêsu tránh né những lối giải thích chính trị việc ngài vào thành qua việc cưỡi một con lừa, và bây giờ trước mặt Caipha ngài cảnh giác trước mọi quan điểm sai lạc về tính cách thiên sai của ngài. Như thế Chúa không hài lòng khi chỉ nói “Phải, chính ta”. Việc phân định lập tức tước vị Đấng Thiên Sai là thuyết phục và khẩn thiết: “Rồi các ông ‘sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng’ và ‘ngự giá mây trời mà đến’“. (Mc 14,62).

Việc Marcô và truyền thống của ngài lập lại từng chữ những gì Chúa Giêsu nói lúc đó, là kết nối giữa thánh vịnh 110,1 và Đn 7,13, vẫn còn là một câu hỏi mở. Dù sao, chắc chắn là Chúa Giêsu nói rõ về quyền bính của ngài trước mặt Caipha – là thẩm quyền luôn được ẩn dấu trong lời nói và hành động, thẩm quyền vượt quá mọi lối hiểu thiển cận về Đấng Thiên Sai. Cũng vì mục đích này, lối nói “Con Người” từ Đn 7 là rất thích hợp, vì một mặt Con Người được trao cho: “quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”. (Đn 7,14). Mặt khác Con Người này, đại diện cho xã hội con người rốt cùng, có nghĩa là chấm dứt mọi sự thống trị bằng sức mạnh và bạo lực.

Chúa Giêsu đã công khai dùng tước vị Con Người nhiều lần trong cuộc đời rao giảng của ngài.[11] Ngài dùng nó để nói lên sự thấp hèn của ngài – Con Người là sự kết thúc của tất cả mọi xã hội tạo lập bởi sức mạnh và bạo lực – nhưng ngài cũng có thể qua đó khai triển uy quyền cánh chung của ngài, sẽ được trao cho ngài khi sự thống trị của Thiên Chúa viên mãn. Cả hai – sự thấp hèn và sự thống trị – dưới con mắt của Chúa Giêsu không tương phản nhau. Như thế Con Người trong Đaniel 7 là một cá vị tập hợp, và không tạo nên vấn nạn nào vào thời đó. Chúa Giêsu thấy mình là hiện thân, là đại diện cho tập hợp đó, tức là Israel cánh chung.

Như thế, khi Chúa Giêsu nói về mình trước Hội Đồng là Con Người phải đến ngài cũng sửa lại quan điểm sai lầm về Đấng Thiên Sai: Ngài nhấn mạnh đến tính cách bất bạo động của mình. Nhưng cùng lúc Ngài mạc khải sự thống trị của mình. Với quyền uy thống trị được Thiên Chúa trao ban này, ngài sẽ trở thành thẩm phán xét xử Thượng Hội Đồng và toàn dân Israel. Không phải ngài bị xử án, nhưng chính Thượng Hội Đồng đang là bị cáo, và Chúa Giêsu buộc họ đối diện với giây phút quyết định.

Tuy nhiên, Caipha hiểu rằng Chúa Giêsu đã định hướng những gì ngài nói. Hai con đường mở ra cho ông: tin vào những gì Chúa Giêsu khẳng định về sự thống trị hay cho rằng chính tai ông đã nghe lời lộng ngôn kinh khủng chống lại Thiên Chúa. Quyết định của vị thượng tế là đã rõ. Theo ông, tuyên xưng rằng Chúa Giêsu sẽ sớm ngự bên hữu của Thiên Chúa như vị thẩm phán là một sự ngạo mạn đầy lộng ngôn và đáng đáng trừng phạt. Bây giờ cuối cùng các nhân chứng cũng đã chứng minh điều từ lâu nghi ngờ: Chúa Giêsu là ngôn sứ giả hiệu, một tên lộng ngôn, một người dẫn dân Israel đi lầm đường lạc lối.

Vì thế, Caipha làm ngay điều mà Lề Luật đòi một người bị buộc phải nghe những lời lộng ngôn: xé áo mình ra,[12] và chỉ cách mà Lề Luật đã quy định đối với ngôn sứ giả là phải chịu tội chết. Israel phải trừ khử những sự xấu xa ra khỏi mình (Đnl 13,2-6). Mọi người trong Hội Đồng đồng ý với quyết định của Caipha: “Tất cả đều kết án Người đáng chết” (Mc 14,65). Vào lúc này Marcô mô tả hai cảnh tượng: đầu tiên, rất ngắn và cô đọng, là cảnh chế nhạo và ngược đãi Chúa sau lời kết án của Caipha (Mc 14, 65), kế đến, trong một trình thuật dài hơn, cảnh Phêrô chối Chúa ba lần (Mc 14,66-72). Sau đó tác giả tin mừng trở lại với bước kế tiếp của Hội đồng, ngài tường thuật việc kết thúc phiên họp – Thượng Hội Đồng đưa ra quyết định chính thức chuyển Chúa Giêsu lên cho Philatô phán xử: “Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô”(Mc 15,1). Một phiên toà mới xử án Chúa Giêsu bắt đầu ngay trước mặt Philatô, phiên toà này xét xử theo luật Rôma và do một viên chức Rôma chủ toạ.

6. Trước mặt Philatô

Sở dĩ có sự ăn khớp liền lạc nhau trong các phiên xét xử vì viên quan toàn quyền Roma, thường cư ngụ ở Cêsarêa Maritima bên bờ Địa Trung Hải, đã về dinh thự của mình ở Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua, và vì người Rôma có lệ bắt đầu phiên toà vào tảng sáng. Dĩ nhiên, một loạt các câu hỏi được đặt ra lúc này: Tại sao có hai phiên toà? Sao cần phải có phiên toà của người Rôma khi phiên toà của người Do Thái đã xét xử vừa xong? Ngược lại, nếu các người có thẩm quyền trong dân Do Thái biết là cần phải có tiến trình xét xử của người Rôma, tại sao họ lại tiến hành việc xét xử của mình trong đêm? Hơn nữa, đâu là bản chất của quyết định chính thức của Thượng Hội Đồng? Quyết định lên án tử có là chính thức không hay chỉ là cách giải quyết để nộp Chúa Giêsu lên trên, tức là quyết định tố cáo ngài trước quan toàn quyền?

Cách hiểu tốt nhất tình huống này là, cùng với nhiều nhà chú giải, chúng ta nắm bắt ý nghĩa dựa trên căn cứ của phúc âm Gioan 18,31, là vào thời người Rôma đô hộ, họ không cho người Do thái có quyền lên án xử tử ai.[13] Tức là, họ không còn có quyền tiến hành án tử, theo một vài chú giải họ cũng không có quyền chính thức thông qua án tử. Nếu người Do thái lúc đó sở hữu quyền hành quyết Chúa Giêsu theo hệ thống pháp luật của mình thì có lẽ ngài đã không bị đóng đinh; có lẽ ngài bị ném đá, vì cách hành quyết đóng đinh trên cây thập giá, phổ biến trong thời cổ đại và tiêu biểu của người Rôma, người Do Thái rất hiếm khi thực hành trừ trong vài trường hợp ngoại lệ.

Các quan chức Do Thái nộp Chúa Giêsu cho Philatô cho thấy rõ ràng họ đã xem là ngài phạm tử tội, một tội theo quan điểm của họ đáng phải xử tử. Trong trường hợp này họ phải để vấn đề ra ngoài thẩm quyền của mình và cho phép viên toàn quyền Rôma tra vấn tội của bị cáo qua hệ thống xét xử và kết án theo luật Rôma. Quyết định chính thức của Thượng Hội Đồng trong đêm qua hình thành tội của Chúa Giêsu và ra lệnh nộp ngài. Hiển nhiên là Philatô không thể thoái thác tiến trình đã được khai triển cách này; nó rõ ràng tạo sức ép cho ông phải hành động.

Nhưng quyết định của Thượng Hội Đồng cũng có thể mang một ý nghĩa khác nữa: nhờ vào đó các thành viên của Hội Đồng có thể biện minh cho mình về cách thức họ trình bày những lời cáo buộc về Chúa Giêsu trước mặt quan toàn quyền Rôma. Sau khi tiến hành thủ tục của mình để xác định tội, họ có thể nói rằng Chúa Giêsu rõ ràng là một tội phạm đáng chết, ngay cả nếu việc kết tội ngài do Philatô có thể là kết quả của các phương thức rất đáng ngờ và không thể tránh sai sót. Chúng ta phải thảo luận về những phương thức đáng ngờ này được dùng trong việc trình bày lời tố cáo lên Philatô.

Hội Đồng đã kết án Chúa Giêsu tội lộng ngôn hay, một cách chính xác, là đã xác định sự việc ngài đã nói lộng ngôn phạm thánh. Rất có thể lời tố cáo dẫn dân đi lầm đường lạc lối cũng đóng vai trò rất có ý nghĩa trong việc xét xử. Trong hệ thống luật pháp của người Do Thái, cả hai tội đều là tử tội. Nhưng nếu việc tố cáo chống lại một người Do Thái trong toà án Roma, thì cả hai tội lộng ngôn và dẫn dân đi sai đường lối được coi là nghịch với tôn giáo của người Do Thái, và không vị quan toà Rôma nào lên án tử một người Do Thái chỉ vì vi phạm luật nội bộ của tôn giáo người Do Thái. Hội Đồng thấy rõ điểm này, vì vậy họ đưa ra một chiến thuật thích hợp hơn, đó là đưa “vụ án Giêsu” ra trước người Rôma bằng một hướng khác. Tuy không còn nói về “lộng ngôn” nhưng tội xúi dục nổi dậy vẫn còn đó. Thượng Hội Đồng muốn biến một người quyến dụ dân chúng về tôn giáo thành một người làm cách mạng mang tính cứu thế – chính trị.  Đó là cách duy nhất để hiểu câu hỏi mỉa mai của Philatô hỏi Chúa Giêsu:  “Ông là vua dân Do Thái sao?” (Mc 15,2), và cũng chỉ cách này mới hiểu được tại sao Chúa bị hành hình dưới tấm bảng viết: “Vua người Do Thái”(Mc 15,26).

Lời tố cáo Chúa Giêsu xưng mình là vua thiên sai (Messia) rất hữu hiệu vì suốt thời gian chiếm đóng của người Rôma hầu như mọi phong trào thiên sai (messianic) luôn bị nghi ngờ là cuộc khởi nghĩa quốc gia chống lại người Rôma. “Vua Thiên sai” (Messianic king) cũng luôn được xem như đồng nghĩa với “chiến sĩ cho tự do”, “người kích động quần chúng” – và người Rôma thường phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ chống lại bất cứ những gì có mùi “nổi loạn” (seditio). Đúng là khi Chúa Giêsu bị tố cáo trước mặt Philatô là một đấng thiên sai mang tính cách chính trị có thể – trên bề nổi – nại vào hành vi của ngài trong đền thờ và việc ngài xưng là Đấng Thiên Sai, nhưng trong thực tế đây là một sự bóp méo và xuyên tạc lời công bố của Chúa Giêsu. Sau cùng, ngài đã nói rõ chống lại mọi hình thức nổi loạn (xem Mc 12,13-17), và không chấp nhận cho rằng hành vi của ngài trong đền thờ như là dấu hiệu cho cuộc nổi dậy chính trị.

Và với lời tố cáo này, một tiến trình khác, một phiên xử về chính trị, được bắt đầu tiến hành. Vấn đề bây giờ là “mưu phản” (perduellio). Philatô phản ứng làm sao trước việc thay đổi này? Rõ ràng là ông có vẻ lưỡng lự. Cả bốn tác giả tin mừng để đồng ý về điểm này. Lý do khiến ông lưỡng lự chắc chắn sẽ được nhận thấy.

Trước hết, là một sĩ quan Rôma, Philatô không thể hài lòng chấp nhận những lời tố cáo mơ hồ. Ông chỉ ban quyền lên án tử Chúa Giêsu khi được chứng minh rõ ràng ngài đã phạm tử tội. Ông cần chứng cứ thật rằng Chúa Giêsu đã kêu gọi cuộc nổi dậy về chính trị hay tham gia tích cực vào một cuộc khởi nghĩa. Hiển nhiên là những bằng cớ như vậy không có, Philatô nhanh chóng nhận ra điều này. Có vẻ như sau cuộc giáp mặt ngắn ngủi với Chúa Giêsu ông không còn cho là nghiêm trọng việc bị cáo là một nhà cách mạng chính trị.

Nhưng có lẽ một lý do khác đã khiến Philatô không tán thành ngay lập tức. Như nhiều chứng từ cổ đại khác nhau để lại, ông ta là thù nghịch hơn là thân hữu với người Do Thái. Triết gia Do Thái Philô viết trong tác phẩm Legatio ad Gaium viết “[ông không muốn] làm gì mà những thần dân [Do Thái] của ông chấp nhận” (XXXVIII, 303). Chúng ta có thể cho rằng khi Philatô xác định được các người có thẩm quyền trong dân Do Thái cố gắng dùng ông để triệt hạ người Galilê mà họ thù ghét, ông sẽ lập tức chống lại ý muốn của họ.

Như vậy có lý do để Philatô cố trả tự do cho Chúa Giêsu. Nhưng ông cũng không cho phép mình đơn giản là đuổi những người tố cáo về và tha Chúa Giêsu ngay tại chỗ. Lời buộc tội về cuộc nổi dậy về chính trị là quá nghiêm trọng. Theo Tin Mừng Matthêô, Marcô, và Gioan, quan toàn quyền có lệ tha một người tù cho người Do Thái trong dịp lễ Vượt Qua (Mt 27,15; Mc 15,6; Ga 18,39) . Có lẽ một ủy ban của người Do Thái được chỉ định để trình bày thỉnh nguyện xin ân xá đã đến dinh toàn quyền từ sáng sớm. Tuy nhiên, họ chỉ xuất hiện sau đó (Mc 15,8). Dù sao thì người được đề cử đã được chọn lựa trước đó từ lâu, đó là Baraba, người đang ở tù với một số người khác vì khởi đầu một “cuộc khởi nghĩa” và đang bị xét xử về tội giết người. Cuộc khởi nghĩa này có lẽ vừa mới xảy ra và đã ám sát hay tấn công trực tiếp vào người Rôma. Cách mô tả của Marcô (x. 15,7) cho rằng Baraba không phải là thủ lãnh của nhóm nhưng chỉ là đồng lõa, hay rất có thể chỉ là một trong những người bị tố cáo là đồng lõa. Đoàn đại biểu có thể chủ yếu là những người thân và bạn bè của Baraba.

Philatô phải biết trước là năm nay họ sẽ xin ông tha cho Baraba, người bị giam vì tội phản loạn, trong dịp lễ Vượt Qua. Có lẽ là ngây thơ khi cho rằng trong sáng thứ Sáu đó Philatô chưa biết mục đích cụ thể của đoàn đại biểu. Có thể ông đã thấy trước nguy cơ to lớn khi phóng thích một người bị bắt vì hành vi khủng bố, là nguy cơ chống lại những quyền lợi của ông cũng như của những người ở Rôma. Mặc khác, một tù nhân được phóng thích trong lễ Vượt Qua – một tục lệ được các tin mừng xác nhận – là đáng ngờ. Trong trạng huống này, một cách giải quyết lý tưởng được đưa ra cho Philatô là phóng thích Chúa Giêsu. Thoạt nhìn giải pháp này xem ra thích hợp với những mục tiêu của ông về mọi khía cạnh: bằng cách này, ông có thể thoát khỏi “vụ án Giêsu” gây khó chịu, đồng thời tránh khỏi phóng thích Baraba.

Các chi tiết về tính toán, cân nhắc của viên quan toàn quyền không được thuật lại tiếp, nhưng chúng ta có đủ cơ sở để giả định rằng những nỗ lực của ông với những suy tính kế hoạch để phóng thích Chúa Giêsu có thể mang lại kết quả là ông có thể tránh không phóng thích tên phản loạn Baraba, là điều nguy hiểm hơn cho ông rất nhiều.

Nhưng rồi chính tính toán này lại là một sự lượng định sai lầm với những hậu quả nghiêm trọng. Philatô lượng định thấp về sự việc con số đông những người chống đối ông lại ủng hộ cho Baraba, và ông có lẽ cũng đánh giá thấp hoạt động tích cực của các viên chức Do Thái để theo đuổi việc hành quyết Chúa Giêsu. Nhưng trên hết, khi ông đề nghị tha Chúa Giêsu thay vì Baraba, ông ta đã xác định tội của Chúa Giêsu cho công chúng. Mưu tính của ông đưa ông vào tình huống chính ông phải chịu sức ép.

Rõ ràng là tình huống mới này bị các kẻ thù của Chúa Giêsu nhận thấy và nắm bắt. Vị quan toàn quyền rất nhanh chóng phải đối diện với tiếng la hét của công chúng như bài ca chống lại Chúa Giêsu: “Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!“(Mc 15,13-14) Tình huống thay đổi cách bất ngờ. Philatô, với một kế hoạch khôn ngoan, đã để cho quyết định của toà án không còn trong tay mình. Ông không quyết định bị cáo có tội hay vô tội cách đơn giản như vị thẩm phán không thiên vị. Bằng cách cố làm cho một người vô tội thành đối tượng của sự tha thứ ông đã nối kết hai mức độ xét xử và chính trị chung với nhau.

Vì thế không ngạc nhiên là kết cục, dưới những áp lực gia tăng, ông đã đưa ra một quyết định đơn thuần ở mức độ chính trị – và bây giờ là chống lại Chúa Giêsu. Ông từ bỏ mục tiêu ban đầu bảo đảm việc hành quyết Baraba để tha Chúa Giêsu, và ông đã lên án tử cho ngài trên thập giá như một người phản bội và phản loạn về chính trị. Có lẽ ông đã công bố bằng công thức như thường dùng: Ibis in crucem (ngươi phải đi đến thập giá).

7. Hành quyết

Đối với Chúa Giêsu, khi toan tính của Phongxiô Philatô thất bại có nghĩa là ngài phải chết, và chết bằng một cách hành hình khủng khiếp nhất mà con người có thể tạo ra để tra tấn người khác. Đối với người Rôma, chết trên thập giá là quá khủng khiếp và ô nhục nên chỉ dành cho người nô lệ hay không phải là công dân Rôma. Cicerô viết: “Người hành hình, và việc che phủ đầu, và chỉ đơn thuần tên của giá treo cổ, phải cất đi cho xa không chỉ khỏi những công dân Rôma – nhưng còn khỏi những suy nghĩ, khỏi mắt, khỏi tai của họ” (Pro Rabirio 16). Nhưng cả trong những bản án dành cho người nô lệ hay ở các tỉnh, hành hình thập giá thường chỉ dành cho những tội ác nghiêm trọng như giết người, cướp đền thờ, mưu phản, và nổi loạn.

Theo phong tục Rôma, họ thường đánh đòn trước mỗi cuộc hành quyết trên thập giá. Tin Mừng Marcô và Matthêô có tường thuật cảnh này (Mc 15,15; Mt 27,26). Đối với họ, việc đánh đòn Chúa Giêsu là một hình phạt thêm vào trước khi hành hình trên thập giá và như một phần của tiến trình hành hình.[14] Như vậy trước khi thực sự bị hành quyết Chúa Giêsu đã chịu một hình phạt kinh khủng thường làm cho chết. Việc đánh đòn của người Rôma rất nguy hiểm vì không giới hạn số lần đánh và roi còn được gắn thêm những viên tròn bằng xương hay kim loại. Điều đó cho chúng ta hiểu thế nào là việc “Philatô truyền đánh đòn Chúa Giêsu”.

Thêm vào đó, khi Chúa Giêsu được trao cho các binh lính Roma hành hình, họ đã đùa nghịch và chế nhạo Chúa. Họ khoát áo cho ngài như vua, bắt chước việc long trọng thần phục bái chào, sấp mặt trước mặt Chúa. Họ đánh Chúa và la lên: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái! ” trong khi tát mạnh vào mặt ngài (Mc 15,16-20). Kết quả của trận đòn và những hành hạ kèm theo, Chúa Giêsu không thể vác thập giá đến nơi hành hình. Vì thế quân lính bắt ông Simôn thành Xyrênê, một người từ ngoài đồng về và tình cờ đi ngang qua con đường dẫn tới nơi hành hình, mang đỡ thập giá cho Chúa (Mc 15,21).

Tuy nhiên, chúng ta không nên tưởng tượng việc vác thập giá như nghệ thuật Kitô giáo thường diễn tả. Trong các cuộc hành hình, người bị kết án không phải vác nguyên cây thập giá, nhưng chỉ vác thanh ngang. Thanh dọc thường được chôn tạm trước dưới đất. Khi đến nơi hành hình, người bị kết án bị đặt nằm trên đất, hai tay dang thẳng ra và bị đóng đinh vào thanh ngang, sau đó thanh ngang được đưa lên gắn vào thanh dọc đã được chôn trước. Thanh ngang được cột vào đỉnh của thanh dọc và lúc đó chân của người bị kết án mới bị đóng đinh. Nên Chúa Giêsu và Simon thành Xyrênê không vác nguyên cây thập giá, nhưng chỉ vác thanh ngang. Việc Chúa không vác nổi chỉ một thanh gỗ này chứng tỏ ngài đã hết sức sau khi bị đánh đòn.

Trên đường đến nơi hành hình, một người mang tấm bảng án (titulus) ghi lý do bị hành quyết đi trước tội nhân. Titulus của Chúa Giêsu ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19,19; x. Mc 15,26). Philatô muốn tấm bảng ghi: “Vua dân Do thái” chứ không phải “người này tự xưng là Vua dân Do Thái” được hiểu như là lời chế nhạo thâm độc của ông đối với dân Do Thái. Rõ ràng là sau khi phải thua thiệt một cách nào đó khi đối đầu với Thượng Hội Đồng, Philatô muốn ít ra bằng cách này trả thù họ. Nhưng cùng lúc những lời trên titulus cũng là lời mỉa mai đầy ác ý chống lại Chúa Giêsu: các binh lính Rôma đã chế giễu nhạo cười ngài, bây giờ việc nhạo báng tiếp tục.

Cũng nên lưu ý là việc Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai người phản loạn vẫn được xem như một phần của biểu tượng cho việc nhạo báng này. Một vị vua không thể xuất hiện long trọng trước công chúng mà không có “triều thần” của mình. “Triều thần” được cẩn thận xếp “bên phải, bên trái” (Mc 15,27) Chúa Giêsu là hai tên tội phạm, và Chúa Giêsu ngự trên ngai ở giữa. Hai “tên trộm cắp” có lẽ là những tên khủng bố hay đấu tranh giành tự do đã bị tống giam cùng với Baraba. Dù tin mừng không nói rõ như thế, nhưng chúng ta phải thừa nhận là Philatô cũng đã kết án hai tên khủng bố này cùng sáng thứ Sáu. Như thế quan toàn quyền không phải tốn nhiều thời gian cho việc kết án Chúa Giêsu; ông rút ngắn cuộc xử án của mình.

Ngọn đồi nơi Chúa chịu hành quyết có tên là “Golgotha”, được dịch là “Sọ” (Mc 15,22), không phải vì ở đó có nhiều sọ của những người bị hành quyết trước đây – là điều không thể nghĩ tới theo luật thanh sạch của người Do thái – nhưng là vì ngọn đồi có hình dáng của cái sọ. Nhà thờ Mồ Thánh hiện nay được xây trên nơi Chúa chết. Như các cuộc thăm dò khu vực này vào năm 1961 cho thấy, vào thời Chúa Giêsu ở đó có một mỏ đá bỏ hoang từ thời các vua, và phía tây của mỏ đá có một số hầm mộ được đục trong đá. Về phía đông, hướng về thành đô, còn di tích của một vách đá nhô ra, đây là “đồi sọ”. Ở giữa có những khu vườn (x. Ga 19,41; 20,15). Điều đó cho chúng ta tưởng tượng cách rõ ràng là đồi Gogotha và những khu vực chung quanh vào thời đó nằm ở bên ngoài tường thành. Những cuộc khai quật dưới nhà thờ Đấng Cứu Thế cho chúng ta thấy rõ tường thành đi theo lối nào. Chỉ có một thung lũng nhỏ giữa tường thành Giêrusalem và đồi Golgotha. Chúa Giêsu vác thánh giá từ dinh tổng trấn tới bờ tường thành, và từ đó đến nơi hành hình, là không xa lắm, có lẽ đó là con đường ngắn nhất được chọn.

Theo Tin Mừng Marcô, đội hành quyết đến đồi Golgotha trước trưa; chừng giờ thứ ba – tức khoảng 9 giờ – và họ đóng đinh đinh Chúa ở đó. Các tin mừng không thuật lại việc đóng đinh, với những đau khổ cùng cực và đáng sợ của nó. Những cảm xúc tế nhị của giáo hội tiên khởi không cho phép làm điều đó. Marcô viết rất chuẩn mực và rất ngắn: “Chúng đóng đinh Người vào thập giá” (15,24). Ngay trước đó họ trao cho ngài rượu pha mộc dược (15,23). Theo tập tục Do Thái, đây là thức uống gây tê, thường được cho tội nhân uống trước khi hành quyết.[15] Rượu được pha với những thảo dược mạnh để giúp cho  tội nhân chịu đựng những đau đớn khi hành hình. Nhưng Chúa Giêsu từ chối uống rượu đó.

Việc này khác với sự việc sau đó khi Chúa đã bị treo trên thập giá và đang chiến đấu với cái chết. Lúc đó một người đi qua đó cố gắng cho ngài uống bằng cách thấm miếng bọt biển gắn trên cây sào vào giấm và đưa lên miệng ngài (Mc 15,36). Chúng ta không biết người đó làm việc này vì thương xót Chúa Giêsu hay chỉ muốn cho ngài bớt khát để kéo dài nỗi đau của cái chết. Nhưng sự việc này cho thấy Chúa bị treo cao trên thập giá, cây cột đứng phải cao và cứng và được chôn chặt xuống đất để dùng lâu về sau.

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, quân lính chia nhau áo ngài (Mc 15,24). Một quy luật bất thành văn cho đội hành quyết là họ được phép lấy những gì mà người bị hành hình mang trên người trong lúc hành quyết. Trong trường hợp của Chúa Giêsu là áo ngoài, áo trong, thắt lưng, dép, và có lẽ cả khăn đội đầu của ngài.

Trong khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu bị chế nhạo bởi những người qua đường – vì không xa tường thành – và bởi những người hiếu kỳ tụ tập nơi hành quyết.  Cũng như ở nơi xử án trong dinh toàn quyền, lời nhạo báng chủ yếu về việc xưng mình là Đấng Thiên Sai, được tóm gọn trong tước hiệu được gi trên bản án: “Vua dân Do thái”. Vì thế, có người chế giễu: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (15,32).  Sở dĩ có những lời mỉa mai chế giễu đó vì việc Chúa bị đóng đinh trên thập giá là bằng chứng rõ ràng bác bỏ những gì ngài khẳng định. Đấng thiên sai thực sự không bao giờ bị treo trên thập giá và chịu đau khổ; ngài phải tiêu diệt mọi kẻ đối nghịch.

Theo Marcô, Chúa Giêsu cầu nguyện lớn tiếng phần khởi đầu của thánh vịnh 22 vào giờ thứ chín (khoảng 3 giờ chiều): “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “. Một số người đứng gần đó hiểu lầm là ngài gọi Êlia. Có lẽ thời đó đã có trường hợp Êlia đã đến giúp trong giờ chết. Vì Chúa kêu lên phần đầu của thánh vịnh 22 bằng tiếng Aram (“Eloi, Eloi”), và có lẽ tiếng kêu của ngài bị trại đi; và những lời chế giễu tiếp tục.

Rất có thể Chúa không chỉ cầu nguyện với phần mở đầu của thánh vịnh 22. Ngài phải cầu nguyện mọi phần trong cả thánh vịnh như là lời cầu nguyện trong lúc sinh thì, nhưng vì ngài lịm dần, và nên chỉ nghe vài tiếng đứt quảng. Ý kiến của một số tác giả cho rằng tiếng kêu: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? ” nói lên sự tuyệt vọng tột cùng và tận cùng là đi ngược lại với việc cầu nguyện trong Cựu Ước.[16] Thánh vịnh 22 không chỉ là những lời kêu van tín thác (“Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh”, c.11), kết thúc của thánh vịnh còn nói đến bữa tiệc của các dân trong nước Chúa (27-29); khởi đầu của thánh vịnh tự nó không phải là lời kêu van trong tuyệt vọng; nhưng là một lời than thở, và trong các thánh vịnh nó hoàn toàn khác với tuyệt vọng. Thánh vịnh 22 bao gồm cả hai: Chúa yên lặng và không đáp lời, sự ẩn giấu kinh khiếp của Chúa và việc tỏ dung nhan của ngài (c.24); sự cô đơn tột cùng của người đang cầu nguyện và ân huệ mới của cộng đoàn.

Theo Marcô, Chúa Giêsu chết vào giờ thứ chín, tức khoảng 3 giờ chiều, sau khi kêu một tiếng lớn (15,34.37). Cũng đáng ngạc nhiên là ngài chết chỉ sau sáu giờ bị đóng đinh, vì thường người bị đóng đinh phải vật vã lâu hơn. Sự khủng khiếp và vô nhân đạo của lối hành hình trên thập giá là ở chỗ việc đóng đinh gây nên một cái chết  dở sống dở chết lập đi lập lại và kéo dài thật lâu. Nếu muốn cho người bị đóng đinh chết nhanh hơn, họ đập gãy ống chân, như thế sức nặng của thân thể dồn cả vào hai cánh tay khiến người bị đóng đinh ngạt thở nhanh hơn. Cho đến nay chỉ mới tìm thấy một hài cốt của người bị đóng đinh trong thời cổ đại tại Giêrusalem năm 1968, với một cây đinh rỉ sét đóng qua cả hai bàn chân cùng lúc, cả hai xương ống quyển bị đập gãy cùng chỗ do bị đập mạnh. Khám phá này giúp các nhà khảo cổ xác định tục lệ crucifragium, đập gãy chân, như Tin Mừng Gioan đề cập đến (Ga 19,32). Theo Tin Mừng Gioan, cái chết của hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đến nhanh do bị đánh gãy xương chân, nhưng chân của Chúa không bị đánh gãy vì ngài đã chết.  Cái chết nhanh chóng của ngài, chỉ sau vài giờ, là do việc bị đánh đòn dữ dội và bị mất máu nhiều.

8. Chôn táng

Chúng ta biết rằng vào thời cổ đại người bị đóng đinh bị từ chối không cho chôn cất, vì thế chúng ta hiểu vì sao ông Giuse Arimathia đến gặp Philatô để xin. Ông Giuse, một trong những người có cảm tình với Chúa Giêsu, cũng mua khăn liệm và trông coi việc Chúa được cất khỏi thập giá. Rồi Chúa được bọc trong khăn liệm mới và đặt trong mồ. Những người phụ nữ trong số những người đi theo Chúa cũng có mặt.

Chúng ta có thể vẽ lên một hình ảnh sống động về ngôi mộ của Chúa dựa trên những khám phá khảo cổ về thời đó ở Giêrusalem song song với những tường thuật của các tin mừng. Nó nằm gần đồi Golgotha(Ga 19,41); nó được đục trong vỉa đá chạy qua hầm mỏ bị bỏ hoang ở phía Tây Golgotha; nó nằm trong một khu vườn; đó là  hốc đá trong ngôi mộ với những dãy kệ đá dài bên hông để đặt xác chết; nó có lối vào tương đối thấp, người muốn vào phải cúi đầu và được đóng hay mở bằng viên đá có thể lăn qua lại (Mc 15,46); đó là ngôi mộ mới chưa từng chôn táng ai (Ga 19,41). Chúng ta chắc chắn rằng xác của Chúa không bị để trên thập giá hay ném vào mộ tập thể dành cho tội nhân; xác ngài được đặt trong ngôi mộ gia đình có nơi chốn được biết đến ở Giêrusalem. Vào sáng ngày thứ nhất trong tuần sau ngày Sabát các phụ nữ đến viếng ngôi mộ này.

9. Các kế hoạch

Các sự kiện của cuộc khổ nạn được dồn vào chỉ vài giờ: chiến đấu trong cầu nguyện, bị bắt, tra vấn trước mặt Anna, các phiên xử án của Hội đồng, nộp lên Philatô, đánh đòn, chế nhạo, hành quyết, chôn táng. Tất cả đều diễn ra trong vòng dưới 24 giờ. Những người muốn Chúa chết biết tại sao họ phải hành động nhanh chóng như vậy, họ biết phải làm gì. Việc họ làm là những kế hoạch của những người đối nghịch với Chúa. Nội bộ Hội Đồng cho rằng Chúa đáng chết vì mê hoặc dân lầm lạc và lộng ngôn. Nhưng trước mặt Philatô họ làm cho người quyến dụ dân về tôn giáo thành một tên phản loạn về chính trị, và lời tuyên xưng của Chúa Giêsu về thẩm quyền của mình thành sự công nhận mình là đấng thiên sai với mục tiêu chính trị. Chính kế hoạch xuyên tạc hoàn toàn những khẳng định chân thật của Chúa đã đưa ngài đến thập giá.

Nhưng Philatô cũng theo những kế hoạch của mình. Ông tránh việc tha Baraba trong dịp lễ Vượt Qua, và Chúa Giêsu thành phương tiện cho mục tiêu của ông. Philatô vì quá lo thi hành kế hoạch của mình nên ông không để ý vì đề nghị tha Chúa thay vì Baraba vô tình ông lại xác định rằng Chúa có tội và vì thế làm mất đi quyền tài phán của mình. Chiến lược chính trị của Philatô cuối cùng cũng thành cái chết cho Chúa. Nhưng Philatô, dù cho quyền lực to lớn hơn, lại là một hình tượng yếu hơn trong trò chơi đối đầu quyền lực này. Thượng Hội Đồng – hoàn toàn không giống như Philatô – không bao giờ rời bỏ mục tiêu và theo đuổi nó không chút sai sót nào. Mục tiêu là đưa Chúa Giêsu lên thập giá.

Nhưng chúng ta có thể hiểu hơn về mục tiêu không sai sót của nhóm quý tộc đền thờ tại Giêrusalem khi tìm cách đóng đinh Chúa Giêsu nếu xét đến bối cảnh trong sách Đệ nhị luật 21,22-23, viết về việc chôn cất những người bị hành hình. Nó hàm ý việc sau khi hành quyết họ sẽ bị bêu xác trên trụ (như để cảnh cáo). Luật trong sách Đệ nhị luật 21,22-23 bảo rằng xác của những người bị treo như thế không được để qua đêm, nhưng phải được chôn trong ngày. Trong văn mạch đó còn nói “ai (chết) treo trên cây là bị Chúa nguyền rủa”. Do Thái giáo thời tiền-Kitô giáo đã áp dụng câu này của sách Luật cho những ai bị đóng đinh. Trong “Cuộn Đền Thờ” được tìm thấy ở Qumran cho thấy câu: “ai (chết) treo trên cây là bị Chúa nguyền rủa” dành cho việc đóng đinh những người Do Thái phản quốc theo ngoại bang và đem điều dữ đến cho dân.[17] Vì thế điều đó xem ra lôi cuốn Hội Đồng tìm mọi cách cho Chúa Giêsu bị đóng đinh, với sự trợ giúp của người Rôma đô hộ, như là người dẫn dân đi lầm đường lạc lối và làm cho họ ra hư hỏng.

Từ quan điểm này, lễ Vượt Qua với đông đúc người hành hương là cản trở gây bất tiện cho các cảnh vệ đền thờ bắt Chúa Giêsu, nhưng nhìn một cách tích cực đây là cơ hội để tỏ cho dân Israel đang quy tụ thấy Chúa Giêsu như là một người bị Thiên Chúa nguyền rủa. Vì một khi ngài bị treo trên thập giá, hiển nhiên là Thiên Chúa không thể nào ở với loại người như thế.

Tất cả những chiến thuật này cho thấy Chúa Giêsu bị rơi giữa hai cột mốc của quyền lực mạnh mẽ hơn ngài nhiều, quyền lực của những người (như Philatô) không muốn làm gì hết với vấn nạn về sự thật hay của những người (như Thượng Hội Đồng) thấy nhiệm vụ tôn giáo của họ cần phải tỏ cho mọi người biết Chúa Giêsu và loại bỏ ngài. Nhưng họ có thực sự mạnh mẽ hơn ngài? Giới quý tộc đền thờ Giêrusalem là những người đã kết án ngài đã biến mất trong dòng lịch sử, Chúa Giêsu thì không. Ngài khai mào một trào lưu không thể tưởng tượng được. Ngài đã thay đổi thế giới và đang tiếp tục thay đổi. Tất cả những ai cố gắng loại bỏ ngài đã thất bại. Các dự phóng tiếp tục đi theo chiều ngược lại.

10. Vấn nạn về tội

Những ai muốn tái tạo lại những gì xảy ra trong ngày cuối cùng của Chúa Giêsu không thể tránh vấn nạn về tội. Họ không thể hài lòng chú giải cách lãnh đạm và lạnh lùng những gì xảy ra ở Giêrusalem trong ngày đó. Họ phải nghĩ về tội của Hội Đồng và của Philatô cũng như tội của tất cả những người gặp gỡ Chúa Giêsu, từ khi ngài xuất hiện ở Galilê, với việc không tin, nghi ngờ, hay dửng dưng. Và họ phải suy tư về tội của các môn đệ của Chúa, những người đã bỏ Chúa đang trong cơn hoạn nạn mà trốn mất.

Chúng ta không có ý bàn cãi về một căn nguyên bài Do Thái, và gieo thù ghét cho người Do Thái. Đáng buồn là có những thù ghét như thế trong Kitô giáo, với một con số đáng sợ trong suốt nhiều thế kỷ. Nhưng không thể không nói về bất cứ loại tội tập thể nào về phần của Israel, và nếu có như thế đi nữa thì sự đáp trả của Kitô hữu vẫn phải hoàn toàn khác.

Trong khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu chúng ta phải từ bỏ việc đơn giản hoá sự việc như các vở tuồng thương khó ngày xưa: đây là Đấng Thánh, kia là bọn tội lỗi! Thay vì như thế chúng ta phải giả định là có nhiều người trong những người chống đối Chúa Giêsu không muốn gì khác hơn là làm theo lương tâm của mình. Sự sâu xa của cuộc xung đột với Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần với sự kiện là công chúng ở đây hành động chống lại điều tốt – mặc dầu, dĩ nhiên người ta luôn nghĩ có thể là như thế. Có một thứ thèm khát sự dữ, thật ngây thơ khi nghĩ rằng mọi người đều muốn sự thật và điều tốt. Trong mọi trường hợp, thường họ thích không phải sự dữ cũng không phải điều tốt nhưng chỉ đơn thuần là sự thuận tiện cho mình. Trở lại với vấn đề, chiều kích sâu xa thực sự của sự xung đột chỉ nổi lên nếu chúng ta thấy rằng ở đây dân chúng tìm cách bênh vực danh dự của Thiên Chúa hay của Lề Luật của ngài, và họ chống lại một cá nhân mà theo ý họ là lộng ngôn chống lại thanh danh của Chúa và phá hủy lề luật của ngài.

Xem ra Thượng Hội Đồng nghĩ họ phải bảo vệ đền thờ, Lề Luật (Torah), và dân chúng chống lại Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không chất vấn về đền thờ, Lề Luật, hay Dân Chúa. Ngài muốn quy tụ Israel lại để cuối cùng họ trở nên như những gì Chúa muốn. Và ngài không phá hủy Lề Luật, nhưng giải thích chúng cách triệt để theo như ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn đền thờ trở nên một nơi như các ngôn sứ mong ước: một nơi thờ phượng thật sự và cả ở sân ngoài dành cho họ dân ngoại cũng thờ phượng. Tất nhiên, đàng sau đó là khẳng định việc thành toàn Lề Luật đã đến nơi chính con người của ngài và nơi ngài sống Nước Thiên Chúa với những người đi theo ngài “ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa” (Mt 12,6) là đây. Israel cùng với Thượng Hội Đồng phải đối mặt với lời khẳng định mạnh mẽ này.

Đây là điều khiến cho vấn nạn về tội của những người đối nghịch với Chúa Giêsu trở nên phức tạp hơn nhiều. Vì nếu tất cả những điều này là thực, thì đó chính là cuộc xung đột mà tất cả chúng ta đều phải đương đầu mà trong đó chúng ta nhận thấy mình đều có tội: chúng ta cũng không ngớt nghe những khẳng định thật sự của Chúa, những bằng chứng đầy đủ nơi Chúa Giêsu, nhưng chúng ta che đậy chúng bằng những ý kiến, thói quen, hay sự thuận tiện của chúng ta và đẩy nó ra ngoài thế giới. Vì thế, việc tra cứu kỹ lưỡng lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải để giảm bớt hay làm nhẹ đi tội của những người đối nghịch với Chúa Giêsu. Trái lại, là để khám phá những chiều kích sâu xa của tội này, vì đó là cách chúng ta sẽ khám phá ra tội của tất cả chúng ta.

Tác giả: Gerhard Lohfink
Chuyển ngữ: Lm. Antôn Bùi Kim Phong
Từ sách:  JESUS OF NAZARETH,  What He Wanted, Who He was, Minesota: Liturgical Press, 2012, tt. 269-287)

Nguồn: gpquinhon.org 

[1] Xem Rudolf Pesch, Das Markusevangelium, Phần 2, HTKNT II/2, Freiburg: Herder 1977, 21

[2] Xem Gerhard Lohfink, Jesus and the Message of the New Testament, ed. K.C. Hanson, Minneapolis: Fortress, 2002, tt. 39-74.

[3] Tv 11,6; Is 51, 17, 22; Ed 23, 32-33.

[4] Xem M. Hengel – A.M.Schwemer, Jesus und das Judentum, Tubingen: Mohr Siebeck 2007, 588

[5] Xem Trong Cựu Ước, nỗi đau khổ của Giêrêmia (e.g., Gr 20,7-18). Hay như thánh Phaolô trần tình về mình trong Tân Ước (e.g., 2 Cor 4,7-18)

[6] Xem Ga 18, 12-15

[7] Hengel – Schwemer, Idem., 593

[8] Xem Joseph Blinzer, The Trial of Jesus and Roman Proceeding against Jesus Christ Described and Assessed from the Oldest Account, Westminster, MD: Newman Press 1959, 117-121; và 86-89.

[9] Xem Ds 35,30; Dnl 17,6; 19,15.

[10] Xem Mc 8,29-30; 9,7-9.

[11] Những ý tưởng cho rằng Chúa Giêsu đã không dùng tước vị Con Người là thiếu nền tảng. Hầu như tước vị này không có mặt ở bất cứ nơi nào trong Tân Ước trừ nơi miệng Chúa Giêsu. Một vài trường phái Kitô-học không lý giải về tước vị này.

[12] Xem m. Sanh.VII, 5. Lệnh này có trước luật trong Mishnah.

[13] Xem lượt tóm những tranh luận về vấn đề này trong Pesch, Markus Evangelium, Phần 2, 418-419.

[14] Trong trình thuật của Tin Mừng Thứ Tư, việc Chúa chịu đánh đòn xảy ra trước khi bị lên án tử (Ga 19,1; x, Lc 23,16). Trường hợp này có thể là nỗ lực cuối cùng của Philatô để khỏi phải lên án tử Chúa Giêsu

[15] X. b.Sanh. 43a: “Khi một người bị dẫn đến nơi hành quyết, phải trao cho một ly rượu có pha hạt nhũ hương, để cho các giác quan bị tê, vì có lời chép rằng, hãy cho thức uống mạnh để hắn sẵn sàng chết, và rượu vào trong sự cay đắng của linh hồn” (Sanhedrin, trans. Jacob Schachter – Harry Freedman, ed. Isidore Epstein, London: Soncino, 1987.

[16] X. Hengel –Schewemer, Jesus und das Judentum, 617; Schalom ben Chorin, Brother Jesus: The Nazarene through Jewish Eyes, Atlanta: University of Georgia Press, 2001, 184

[17] 11QTemple 64, 6-10. Xem Peter Stuhlmacher, Biblische Theologie des Neuen Testaments 1, Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1992, 155-156.