Ngày Giới Trẻ Thế Giới là biến cố đầy vẻ lạ thường
NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LÀ BIẾN CỐ ĐẦY VẺ LẠ THƯỜNG
Giới trẻ khắp thế giới đang chuẩn bị cho cuộc họp mặt lớn đợi chờ họ ở Ba Lan. Ngày Giới Trẻ Thế Giới (GTTG – WYD: World Youth Day) sẽ được tổ chức tại Krakow từ ngày 25 –31/7 và kể từ ngày 28/7 sẽ cùng chào đón sự hiện diện của ĐGH Phanxicô.
Để biết hơn về lễ hội Giới Trẻ này, Zenit phỏng vấn Đức Ông Miguel Delgado Galindo, Thư ký Ủy ban Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân đã diễn tả ngày Giới Trẻ Thế Giới “không chỉ là một biến cố có khởi đầu và kết thúc mà phải sâu xa hơn. Ngày GTTG không phải là một lâu đài pháo hoa như kiểu người ta vẫn thường làm với các cử hành thông thường được kết thúc vào ban đêm với một chuỗi pháo hoa từ biệt và rồi chẳng để lại một vết tích nào”
Zenit: Ngày GTTG là một biến cố cứ 3 năm một lần được lặp lại, nhưng luôn luôn là mới. Người ta mong chờ gì cho việc cử hành biến cố lớn này tại Krakow?
Đức Ông Delgado: Thật ra, ngày GTTG do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985 cũng là năm Liên Hiệp Quốc công bố làm “Năm Quốc Tế của Giới Trẻ”, luôn là một biến cố đầy vẻ lạ thường. Chẳng có đại hội nào giống đại hội nào trước đó: vì mỗi kỳ đại hội có riêng một điều gì đó làm cho nó trở thành đặc biệt và không trùng lặp. Năm tháng qua đi, nhưng ngày GTTG vẫn tiếp tục đánh thức sự chú tâm vào những thế hệ người trẻ mới, vì luôn có những con người sẵn sàng tham dự ngày GTTG. Và đây chính là một lý do cho niềm hi vọng của Hội Thánh và xã hội.
Rõ ràng là mong ước cho được tốt đẹp về mọi phương diện. Để chuẩn bị cho ngày GTTG, muôn vàn công việc kéo dài suốt 3 năm qua. Đến hôm nay, hầu như một triệu người từ khắp các châu lục đã bày tỏ ý định tham dự ngày này. Đây là một con số kỷ lục trong lịch sử ngày GTTG. Cần phải thêm vào đấy mọi bạn trẻ vốn luôn có nhiều người chưa được dự biến cố, sẽ tới Krakow.
Zenit: Đâu là những thách thức lớn nhất, thưa Đức Ông?
Đức Ông Delgado: Có quá nhiều điều phải làm cho việc tổ chức những sự kiện có Đức GH tham dự, cho các giờ giáo lý do các vị Giám mục trình bày cho giới trẻ, và cho những việc khác nhau liên quan đến vận chuyển phải làm trong những ngày đại hội, như là: chỗ nghỉ, giao thông, phân phối thực phẩm, v.v… Tuy nhiên, thách thức chủ yếu của ngày GTTG chính là làm sao để những ngày này thực sự là biến cố ân phúc khiến những người trẻ tham dự nhận được trong Hội Thánh, cùng với ĐTC Phanxicô, một cuộc gặp gỡ cá nhân và thân thiết với Chúa Giêsu để có thể chuyển hoá cuộc đời họ, giúp họ đat được những đích điểm cao hơn cho đời kitô hữu như là: hoán cải, ơn gọi (làm linh mục, sống đời giáo dân và đời thánh hiến), v.v…
Zenit: Chủ đề của ngày GTTG là “Phúc cho người xót thương vì họ sẽ được thương xót”. Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, thành phố Krakow được thế giới biết đến như là thủ phủ của Lòng Chúa Thương Xót. Vậy thì ngày GTTG ghi dấu ấn tất cả những điều này thế nào?
Đức Ông Delgado: Ngày GTTG tại Krakow năm 2016 là đại hội Giới Trẻ của Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang sống. Chủ đề Lòng Thương Xót rất đậm nét trong lòng ĐTC Phanxicô và trong triều Giáo hoàng của Ngài. ĐTC sẽ giúp người trẻ suy tư sâu hơn về lòng thương xót; làm cho họ hiểu rõ hơn rằng, những người Công giáo chúng ta tin vào một Thiên Chúa gần gũi, yêu thương chúng ta như Cha. Ngài là người Cha có trái tim của một người mẹ. Khám phá ra điều này giúp chuyển hoá đời sống mỗi người. Đây là thời gian thích hợp để đọc lại sứ điệp ĐTC gửi cho các bạn trẻ toàn thế giới trong thời gian chuẩn bị cho năm tổ chức ngày Giới Trẻ Thế Giới này. ĐTC Phanxicô nói về một sự gặp gỡ của chính ngài với Lòng Chúa Thương Xót như thế này: vào một ngày nọ, khi ngài được 17 tuổi, ngài đi vào Đền thờ Thánh Giuse ở Flores tại Buenos Aires nơi ngài đang ở cùng với gia đình. Tại đó, ngài gặp một linh mục đang giải tội đã gieo vào tâm hồn ngài một niềm tin tưởng đặc biệt và cậu thanh niên Jorge Mario đã đến gần vị linh mục, mở lòng ra với ngài qua Bí tích Hoà Giải. ĐTC nhắc lại rằng chính cuộc gặp gỡ đó với lòng thương xót của Chúa đã biến đổi đời ngài. ĐTC đoan chắc rầng Thiên Chúa đang đợi chờ ngài.
Zenit: Thánh nữ Faustina và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là các vị Thánh Bổn mạng của những ngày này. Các ngài trở nên gương mẫu cho những người trẻ như thế nào?
Đức Ông Delgado: Các thánh nhân là những người bạn trung thành ở trên trời của chúng ta. Các ngài cho chúng ta tình bằng hữu và sự chuyển cầu trước nhan Chúa. Thánh nữ Faustina Kowalska và Thánh Gioan Phaolô II đã sống tại Krakow đều là những vị tông đồ của lòng Thương Xót mà mọi người trong thời đại chúng ta – cũng như ở mọi thời trong lịch sử – đều đang rất cần đến. Các vị Thánh này giúp chúng ta hiểu điều ĐGH Phanxicô đã từng nói: Lòng Thương xót là thuộc tính đầu tiên của Thiên Chúa; lòng thương xót chính là tên gọi của Thiên Chúa.
Trong nhật ký của Thánh Nữ Faustina được viết từ những năm 1930 thế kỷ trước, nhà thần bí người Ba Lan này nhắc đến một chân lý cao cả của đức tin, đó là: tình yêu lân tuất của Thiên Chúa dành cho con người. Thực ra, sự thờ kính Lòng Chúa Thương Xót bao gồm niềm tin vào tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và việc thực hành những công việc của lòng thương xót.
Đức Thánh GH Gioan Phaolô II, một người bạn lớn của người trẻ đã tận hiến cho Lòng Chúa Thương Xót. Ngài đã phong Chân phước cho Nữ Tu Faustina vào năm 1993 và đặt lên hàng hiển thánh vào năm 2000. Theo các mạc khải của vị Thánh này, ĐTC Wojtyla thiết lập Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được ấn định vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh.
Thánh Nữ Faustina sống vào thời Thế chiến thứ nhất và Thánh Gioan Phaolô II chịu thảm cảnh của thế chiến thứ hai. Cả hai vị thánh đều nhận biết sự hiện diện của các ý thức hệ ma quỷ đã ghi dấu ấn trong lịch sử Âu Châu vào thế kỷ 20. Tuy nhiên, vào cuối đời, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng sự dữ có những hạn chế của nó: sự thiện hảo thánh thiêng và nhân loại luôn luôn mạnh hơn bất kỳ sự dữ nào; tắt một lời là, sự dữ bị giới hạn nhờ Lòng Chúa Thương Xót.
Zenit: Đại hội GTTG cụ thể hoá cách nào trong một sứ điệp hi vọng cho người trẻ?
Đức Ông Delgado: Đại hội GTTG tự nó là một dấu chỉ của niềm hi vọng cho Hội Thánh và cho thế giới – về niềm hi vọng đến với chúng ta nhờ đức tin và niềm vui của những người trẻ của mọi châu lục. Ngày GTTG dạy chúng ta rằng có thể tin vào Thiên Chúa và trở thành chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Ngài, mang niềm tin đến cho những người đã xa lánh Chúa Kitô hoặc những ai có thể chưa bao giờ biết Ngài; mang niềm hi vọng đến cho những người nản lòng, mang tình yêu đến cho những ai có nhu cầu thiêng liêng hoặc thể chất, và đem niềm vui vì tất cả chúng ta đều là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Zenit: Hội Thánh làm cách nào để kéo dài những thành quả của những cuộc gặp gỡ này đọng lại nơi những người trẻ và các tín hữu dấn thân?
Đức Ông Delgado: Bằng cách làm cho những ngày GTTG được tiếp diễn theo thời gian, không chỉ là một biến cố có khởi đầu và kết thúc mà phải sâu xa hơn. Ngày GTTG không phải là một lâu đài pháo hoa như kiểu người ta vẫn thường làm với các cử hành thông thường được kết thúc vào ban đêm với một chuỗi pháo hoa từ biệt và rồi chẳng để lại một vết tích nào. Vậy thì thời điểm bắt đầu để những người đã tham dự ngày GTTG đồng hành với nhau, để giúp họ cụ thể hoá trong đời sống họ thành quả đã nhận được trong những ngày đó, làm hiện thực điều này là: người tông đồ tốt nhất của một người trẻ chính là một người trẻ khác. Nhiệm vụ này liên quan đến các vị mục tử trong Hội Thánh, các Tu sĩ và các tín hữu!
Linh mục Hoàng Gia Thành Trích dịch
bài phỏng vấn của Rocío Lancho García “INTERVIEW: WYD Is Event Full of Novelty” ngày 21/7/2016 –
nguồn: zenit.org)