Ngoại Trưởng Toà Thánh: Không Thể Cam Chịu Chiến Tranh Ở Ucraina Tiếp Tục Kéo Dài


Phát biểu tại hội nghị “Vũ khí ngoại giao. Đối thoại giữa Toà Thánh và châu Âu trước chiến tranh”, do Unesco của Ý tổ chức ngày 19/01/2023, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại rằng “ngoại giao Toà Thánh có giá trị vì hướng đến lòng thương xót, điều duy nhất có khả năng phá vỡ xiềng xích hận thù và trả thù”, và “chúng ta không thể cam chịu để cho chiến tranh ở Ucraina tiếp tục kéo dài”.

Ngọc Yến – Vatican News

Tại hội nghị, giáo sư Alberto Melloni, chủ tịch Unesco về đa nguyên tôn giáo và hoà bình nhắc lại rằng, so với các chủ thể khác, ngoại giao của Toà Thánh có lợi thế hơn, bởi vì Toà Thánh có thể hoạt động, không cần nghĩ đến lợi ích vật chất.

Ở điểm này Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher khẳng định rằng, ngoại giao Toà Thánh còn có thêm giá trị đó là lòng thương xót, điều duy nhất có khả năng phá vỡ xiềng xích hận thù và trả thù. Theo nghĩa này, Tòa Thánh hoạt động để thu hẹp những khác biệt chứ không làm gia tăng khoảng cách, con người luôn được ưu tiên trong mọi lợi ích. Đây là lý do tại sao Đức thánh Cha dấn thân với chính sách ngoại giao của ngài là “dám chịu bẩn đôi tay” và dấn thân bằng mọi cách có thể cho hòa bình, một nền hòa bình cụ thể, có thể thay đổi và đang đến, tạo nên một tương quan mới chứ không chỉ có bên thắng bên thua.

Trong giai đoạn của lịch sử này, ngoại giao thế giới đang theo đuổi các sự kiện và đã đánh mất bản chất của mình, tức là khả năng ngăn chặn xung đột. Ngoại giao không phải chỉ là một cách để ngăn chặn xung đột bằng các thỏa thuận ngừng bắn, nhưng còn là một công cụ để gắn kết phòng ngừa. Một quá trình không chỉ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao nhưng còn phải có càng nhiều bên tham gia càng tốt, như các tôn giáo. Một ví dụ cụ thể là chuyến tông du Congo và Nam Sudan sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài sẽ cùng đi với Tổng Giám Mục Anh giáo của Canterbury, Justin Welby.

Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh đặc biệt đến cuộc chiến ở Ucraina đã cho thấy sự khủng hoảng của hệ thống đa phương và của các tổ chức quốc tế, trước hết là Liên Hiệp Quốc. Đức Tổng Giám Mục hy vọng tổ chức quốc tế này có một cuộc cải cách hoạt động, theo một cách đại diện hơn và có tính đến nhu cầu của tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng quốc tế và sự phục hồi, như Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin thường nhấn mạnh, về “tinh thần Helsinki”.

Ngoại trưởng Toà Thánh nói: “Chúng ta không thể cam chịu cho rằng chiến tranh ở Ucraina sẽ tiếp tục kéo dài, ngay cả tại thời điểm này dường như không có cơ sở cho các cuộc đàm phán. Cần phải duy trì ý tưởng về một cuộc chiến sẽ kết thúc, ngay cả khi đó không phải là kiểu kết thúc mà ông Zelensky hoặc Putin hình dung. Chúng ta muốn một nền hòa bình công bằng, nhưng nền hòa bình phải đến và để làm được điều này, nếu cần, chúng ta cũng phải bắt đầu ‘nghĩ những điều không tưởng’”.