Ngước Nhìn Đồi Cao
Những ngày này, Phụng vụ của Giáo Hội suy tôn thập giá Chúa Giêsu. Vào thời xa xưa, thập giá là dụng cụ để thi hành án tử cho các phạm nhân trọng tội. Những ai bị treo trên cây thập giá vừa phải chịu đau đớn thể xác, vừa mang nỗi nhục nhã xấu hổ cho đến chết. Cách nay gần hai ngàn năm, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, đã chấp nhận nhục hình thập giá và đã chịu chết để chứng minh tình thương vô bờ của Thiên Chúa đối với trần gian. “Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14). Kể từ ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh, thập giá mang một ý nghĩa mới, không còn gợi lại sự kinh hoàng, nhưng là biểu tượng của tình yêu thương và niềm hy vọng. Những ai tin vào Đấng chịu treo trên thập giá, vừa tìm được sức mạnh thiêng liêng khi sống ở đời này, vừa được hưởng hạnh phúc ở đời sau. Trong những ngày thiêng liêng của Tuần Thánh, cùng với toàn thể Giáo Hội, tôi ngước nhìn đồi cao, là đồi Canvê, nơi Chúa Giêsu chịu khổ hình năm xưa, để suy chiêm và sống mầu nhiệm thập giá trong đời.
Ngước nhìn đồi cao, điều đầu tiên tôi nhận thấy là Đấng chịu treo trên cây gỗ. Người là Con Thiên Chúa nhập thể. Người đã mang lấy thân phận nhân loại như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người cũng mệt mỏi khi đi đường dài, cũng ngạc nhiên khi thấy người ta cứng lòng tin, cũng giận dữ khi thấy người Do Thái biến Đền thờ thành nơi buôn bán, cũng cảm thương những người bệnh tật và rơi lệ trước nấm mồ của người mới chết. Con Người ấy đã bị một số kỳ mục Do Thái ghen ghét. Lý do vì Chúa Giêsu lên án thói giả hình và bóc trần lối sống vụ lợi cá nhân của họ. Người muốn họ sống ngay thẳng công chính để trở nên mẫu mực cho người khác. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội, Đấng chịu treo trên thập giá vẫn sống. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng yêu thương nơi mọi nẻo đường của trần gian. Người mời gọi tôi hãy noi gương Người để thực hiện sứ mạng ngôn sứ, là sứ mạng nói sự thật, bất chấp những nghịch cảnh gian nan của cuộc đời. Người ta nói: ăn thì no lòng, nói thì mất lòng. Lối lý luận này đã khiến nhiều người sống trong dối trá, lừa phỉnh. Tin vào Chúa là sống trong sự thật, nhờ đó tôi được giải thoát và được sống trong tự do của con cái Chúa. Tin vào Chúa, tôi còn có sứ mạng loan báo cho anh em đồng bào tôi về Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực khoan nhân.
Ngước nhìn đồi cao, tôi thấy một người cô đơn đau khổ, mặt mũi biến dạng và đẫm máu. Đó chính là Người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã diễn tả. Người Tôi Tớ chịu đau khổ, không phải vì tội lỗi của chính mình, nhưng vì tội lỗi của người khác. Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá vì tội của nhân loại, hầu đem cho nhân loại hạnh phúc và bình an. Người đã mang lấy trên thân mình tất cả tội lỗi của thế gian, của tôi, của mọi người mọi thời đại. Trên thập giá, Người đã trở nên người bất hạnh đến tột cùng, bị nguyền rủa xa lánh như đồ bị chúc dữ. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang chịu khổ hình nơi khuôn mặt của những người đau khổ bất hạnh, những người bị bỏ rơi quên lãng, những người di dân, những phụ nữ trẻ em bị buôn bán và bị bắt làm nô lệ tình dục. Hình ảnh Đấng chịu đóng đinh trên thập giá là lời kêu gọi con người hãy ngưng bạo lực, tôn trọng phẩm giá con người và hãy tha thứ cho nhau. Tin vào Chúa là sống cảm thông và giúp đỡ những ai nghèo khổ cơ hàn, giúp họ tìm thấy niềm hy vọng và lạc quan trong hành trình cuộc đời.
Ngước nhìn đồi cao, tôi nhớ lời Chúa phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). “Kéo lên với Chúa”, một hình ảnh rất dễ hiểu và cũng rất thân thương. Chúa kéo tôi lên với Chúa, tức là Chúa cho tôi được gần Người, gắn bó kết hợp với Người, để cùng hưởng vinh quang phục sinh với Người. Đó cũng là hình ảnh người mẹ kéo con vào lòng để thể hiện tình âu yếm, và để che chở con mình khỏi những bão giông cuộc đời. Được Chúa kéo lên, chắc chắn tôi sẽ hạnh phúc và an vui, như môn đệ Gioan tựa đầu vào ngực Chúa trong đêm tiệc ly. Tuy vậy, trước khi được nếm hưởng vinh quang phục sinh, tôi phải trải qua kinh nghiệm của thập giá. Chúa kéo tôi lên thập giá, tức là cùng chịu đau khổ với Người. Những gian nan tôi gặp phải trong cuộc sống hôm nay, chính là thập giá tôi phải trải nghiệm để xứng đáng hưởng vinh quang với Đấng đã chiến thắng sự chết. Kiên nhẫn trong đau khổ, vững vàng trong thử thách, chắc chắn tôi sẽ được hưởng vinh quang với Đấng Phục sinh. Việc Chúa kéo tôi lên cũng khẳng định rằng, trong những chặng đường thập giá của cuộc đời, tôi không bước đi đơn lẻ, nhưng có Chúa ở với tôi để đỡ nâng và giúp sức. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Có nhiều khi tôi chỉ phàn nàn trách móc trước những đau khổ và gian truân mà không nghĩ đến Chúa là nguồn sức mạnh. Đấng chịu treo trên thập giá khẳng định với tôi rằng: những gian nan là dịp thử thách lòng trung thành của tôi, như lửa thử vàng. “Các con hãy can đảm lên, Thày đã thẳng thế gian”(Ga 16,33). Trên thập giá, Đức Giêsu tiếp tục khẳng định với tôi điều ấy. Tin vào Chúa là cảm nhận luôn được Chúa yêu thương và tiếp sức trong mọi hoàn cảnh.
Ngước nhìn đồi cao, tôi thấy thập giá là điểm quy tụ muôn dân trong tình hiệp nhất. Hai thanh gỗ, một ngang một dọc, hướng về bốn phương trời và gặp nhau ở giữa, nơi đó có Đấng chịu đóng đinh. Chúa là điểm quy tụ muôn dân trên toàn thế giới. Thánh Gioan, tác giả của Tin Mừng thứ tư, đã nhận ra tính chất ngôn sứ trong lời của vị thượng tế: “Đức Giêsu không chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tự con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Vâng, Chúa Giêsu đến thế gian để khẳng định rằng, dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ hay văn hóa, mọi người sống trên thế gian đều là con của một Cha trên trời. Cái chết của Chúa phá tan mọi ngăn cách, liên kết hài hòa mọi dị biệt. Cái chết của Chúa là lời mời gọi con người hãy ngưng bạo lực và hãy chân thành tha thứ cho nhau để cùng nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ. Ơn cứu độ Thiên Chúa đã ban qua Con của Ngài như ánh nắng mặt trời chiếu tỏa muôn dân, không trừ một ai. Những ai thiện chí đón nhận và thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ được cứu rỗi. Hai ngàn năm đã qua, thập giá đã quy tụ muôn dân, làm thành gia đình Giáo Hội. Gia đình ấy đang ngày càng phát triển và chiếu tỏa ánh sáng đến những góc khuất của cuộc đời. Tin vào Chúa là cộng tác với Người để kết nối muôn dân trong tình hiệp nhất.
Ngước nhìn đồi cao, tôi đứng trước một huyền nhiệm và tự hỏi: tại sao Chúa lại không dùng một phương thế khác mà lại dùng cây thập giá để cứu độ con người? Tại sao Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng vô tội lại chịu đau khổ và trở nên như một kẻ bị chúc dữ? Đó là huyền nhiệm của tình yêu. Tôi tìm thấy câu trả lời khi so sánh với tình mẫu tử: nếu người mẹ thức khuya dậy sớm, chấp nhận mọi gian nan tần tảo để chăm sớc con mình, đó là vì tình thương như trời như bể, một tình thương không cần đền đáp. Tình thương ấy đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mẹ. Tin vào Chúa là xác tín vào tình thương vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương, đã đau khổ và đã chết vì tôi.
Vâng, chính tình yêu là câu trả lời cho tất cả. Đó cũng là điều tôi cảm nghiệm sâu xa khi ngước nhìn thập giá. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Xác tín điều ấy, tôi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin giúp cho lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24). Lời cầu nguyện ấy giúp tôi được an bình.
Mùa Chay 2018
Gm Giuse Vũ Văn Thiên