Người Trẻ Đảm Nhận Tác Vụ Âm Nhạc Trong Cử Hành Phụng Vụ


NGƯỜI TRẺ ĐẢM NHẬN TÁC VỤ ÂM NHẠC TRONG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ[1]

Lm. Rôcô Nguyễn Duy

WHĐ (28.3.2022) – Người trẻ đảm nhận tác vụ âm nhạc trong cử hành phụng vụ là một đề tài liên quan chủ yếu đến Kitô hữu giáo dân trong một Giáo hội Cầu nguyện (cử hành phụng vụ với lời ca tiếng hát – âm nhạc). Nên cần phải nhìn lại địa vị của người giáo dân trong Giáo hội; dòng chảy của âm nhạc và thánh nhạc; vai trò của âm nhạc, thánh nhạc; người giáo dân trẻ đảm nhận những tác vụ âm nhạc; hướng đi mục vụ cho các thừa tác viên âm nhạc.

I. ĐỊA VỊ CAO QUÝ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

Công đồng Vaticanô II (CĐ Vat.II) đã mở ra một cái nhìn mới về địa vị và vai trò cao quý của người giáo dân mà trước đó họ bị coi như “một vị thành niên trong Giáo hội”. Công đồng nhắc nhở mọi người ý thức về địa vị người giáo dân là một thành phần của cộng đoàn Giáo hội, bình đẳng với các thành phần khác và có vai trò riêng biệt không thể thay thế.

1. Hiến chế Giáo hội của CĐ Vat.II

Sau khi xác định những ai thuộc về Giáo hội và nói về Dân Thiên Chúa, Hiến chế Giáo hội (GH) dành hẳn chương 4 để nói về giáo dân là thành phần trọn vẹn của Dân Thiên Chúa, với đầy đủ quyền lợi và bổn phận, đặc điểm của họ là tính cách trần thế.

Được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, người giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô.[2] Cùng với giáo sĩ, tu sĩ có chức thánh, người giáo dân được mời gọi dự phần vào một Giáo hội tham gia.

2. Tông huấn Kitô hữu giáo dân

Để khai triển nội dung của Hiến chế Giáo hội về địa vị người giáo dân, sau này Đức thánh cha Gioan Phaolô II (thánh Giáo hoàng) đã ban hành Tông huấn Kitô hữu giáo dân về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và thế giới [Christifideles Laici] tại Rôma, ngày 30-12-1988, Lễ Thánh Gia. Sau khi nói về các tác vụ và đoàn sủng: những ân huệ do Thánh Thần ban cho Giáo hội; về tác vụ, trách vụ và nhiệm vụ, v.v… (21, 22), tông huấn dành hẳn số 23 bàn về tác vụ của giáo dân trong phụng vụ: Các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân.

… Tiếp theo sau cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng cổ võ,

chính giáo dân, vì đã ý thức rõ ràng hơn về các công việc thuộc về họ trong cộng đoàn phụng vụ hoặc trong việc chuẩn bị cộng đoàn này, nên rất sẵn sàng cho cử hành của họ: quả thực, cử hành phụng vụ là một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn, chứ không của riêng hàng giáo sĩ mà thôi. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi những hoạt động không thuộc riêng các thừa tác viên có chức thánh lại được các giáo dân thi hành. Một khi có được sự tham dự hữu hiệu của giáo dân vào trong hoạt động phụng vụ, thì đương nhiên ta cũng chấp nhận sự tham gia của họ vào việc loan báo Lời Chúa và công tác mục vụ.

Tuy thế, cũng trong Thượng hội đồng vừa qua, bên cạnh những nhận định tích cực, cũng không thiếu những phê phán. Các phê phán này đề cập đến việc sử dụng không phân biệt từ ngữ “tác vụ”, sự lẫn lộn và đôi khi san bằng giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác, việc áp dụng không đúng đắn một số quy tắc và luật lệ của Giáo Hội, giải thích tùy tiện theo quan niệm “thay thế”, khuynh hướng “giáo sĩ hóa” giáo dân và nguy cơ tạo nên trong thực tế một cơ cấu phục vụ trong Giáo Hội song song với cơ cấu đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức Thánh.

Hẳn nhiên, để tránh những nguy cơ ấy, các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải minh định, bằng thuật ngữ chính xác hơn, sự duy nhất về sứ vụ của Giáo Hội, mà mọi người đã được thánh tẩy đều tham dự, và sự khác biệt chính yếu về tác vụ của các chủ chăn, đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức Thánh, so với các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ khác trong Giáo Hội, đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức.

Vì thế, khi nhìn nhận và trao phó cho giáo dân các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ, trước hết, các vị chủ chăn cần đặc biệt lưu ý dạy cho họ hiểu rằng các công việc ấy bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy…

để việc thi hành trong Giáo Hội các tác vụ trao phó cho giáo dân được trật tự và mang lại hiệu quả, thì tất cả mọi Giáo Hội địa phương phải trung thành tôn trọng các nguyên tắc thần học được nhắc tới trên đây, đặc biệt là sự khác biệt chủ yếu giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng, và do đó, sự khác biệt giữa các tác vụ do bí tích Truyền Chức Thánh và các tác vụ do bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức.

3. Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (HDMVTN)

Đề cao một Hội thánh tham gia và vai trò Kitô hữu giáo dân trong cử hành Phụng vụ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã soạn văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc. Văn kiện “khẳng định rõ vai trò của toàn thể cộng đoàn phụng vụ trong việc thờ phượng Thiên Chúa (giám mục, linh mục, phó tế, người giúp lễ, người đọc sách thánh, ca trưởng, ca đoàn, các tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, và cộng đoàn). Nhờ ơn thánh, cộng đoàn phụng vụ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Ba Ngôi cũng là sự hiệp thông yêu thương. Bằng một cách thế hoàn hảo, dù chia sẻ cho nhau trọn vẹn hiện hữu của mình, nhưng từng Ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hiện hữu nguyên vẹn. Phần chúng ta, “tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.”[3] Hội Thánh khuyến khích mọi thành phần trong cộng đoàn phụng vụ đón nhận hồng ân linh thiêng này và tham dự một cách trọn vẹn “tùy vào phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự. [4] Và tham dự một cách tích cực, hiệu quả khi chu toàn tác vụ âm nhạc của mình.[5]

4. Đức thánh cha Phanxicô và Thừa tác vụ Giáo lý viên

Mới đây một lần nữa Đức thánh cha Phanxicô lại đề cao địa vị người Kitô hữu giáo dân khi ngài ban tự sắc thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên – “Antiquum Ministerium – Thừa tác vụ cổ kính.”[6]

Trong dịp đại hội quốc tế về giáo lý vào năm 2018, ngài đã nói rõ rằng “giáo lý viên là một ơn gọi… không phải làm việc như một giáo lý viên’” Ngài nói thêm rằng “hình thức phục vụ được thực hiện trong cộng đoàn Kitô hữu” cần phải được công nhận “là một thừa tác vụ thật sự và đích thực của Giáo hội.”

Qua một vài trích dẫn trên đây, người ta nhận thấy, Giáo hội ngày càng nhấn mạnh đến địa vị người giáo dân trong cộng đoàn Hội thánh và trao cho họ nhiều tác vụ (dành cho những người không có chức thánh) để họ phục vụ Giáo hội và thi hành nhiệm vụ Loan báo Tin Mừng trong cách thế riêng của họ, đặc biệt tác vụ âm nhạc trong Phụng vụ. Vì âm nhạc được nhìn nhận có một vai trò nổi bật trong truyền thống Phụng tự Kitô giáo.

II. ÂM NHẠC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI

Thật vậy, âm nhạc là hiện tượng cổ xưa và phổ biến trong đời sống con người. Dù lịch sử không thể xác định âm nhạc đã khai sinh vào niên kỷ nào, cũng không thể minh định được âm nhạc bắt đầu từ đâu và quá trình hình thành như thế nào; nhưng chắc chắn âm nhạc đã có cùng với sự xuất hiện của con người, ít nhất là âm nhạc có lời ca.[7] Âm nhạc gắn liền mọi giai đoạn, mọi sinh hoạt của đời người, của tập thể. Nhờ những dấu ấn của âm nhạc để lại, người ta có thể biết được từng thời kỳ lịch sử nhất định của xã hội, và người ta nhận ra âm nhạc có mặt trong mọi lãnh vực của cuộc sống.[8]

Lịch sử chứng minh rằng trong quá trình phát triển, âm nhạc cũng góp phần đáng kể, trong đời sống tôn giáo qua các nghi lễ. Chính Đức Piô XII quả quyết: “Không ai ngạc nhiên khi thấy nghệ thuật âm nhạc nổi bật trong những tài liệu cổ xưa và hiện đại, luôn được sử dụng khắp nơi, để tăng thêm vẻ huy hoàng mỹ lệ cho các nghi lễ, kể cả lễ nghi tôn giáo. Ngay cả các dân tộc ngoài Công giáo… từ đầu người ta đã sử dụng nghệ thuật đó”[9]. Vì vậy, không có tôn giáo nào không sử dụng âm nhạc trong các lễ nghi tế tự. Martin Luther đã đưa vào Phụng vụ Tin Lành bài Choral và coi là một thành phần cốt yếu.[10]

Riêng với Phụng vụ Rôma việc dùng âm nhạc trong lễ nghi – đã có từ rất xa xưa, ngay thời Cựu Ước, nó bắt nguồn từ chính ý muốn của Thiên Chúa và được hoàn thiện qua không gian và thời gian, dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội. Kho tàng thánh nhạc của Giáo Hội Rôma còn tồn tại trong tuyển tập được mệnh danh là “bình ca” (cantus planus), và sau này còn được gọi là “ca điệu Grêgôriô”, để tôn vinh vị khai sinh ra nó.

III. VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC, THÁNH NHẠC

1. Công đồng Vaticanô II

Các nghị phụ CĐ Vat.II đã xác nhận: “Thánh ca không những đã được Thánh Kinh mà cả các Giáo phụ và các vị Giáo hoàng khen ngợi, nhất là các vị trong khoảng thời gian gần đây, tiếp bước Đức Piô X, đã cho thấy rõ ràng hơn vai trò của thánh nhạc trong phụng tự.”[11]

2. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong tác phẩm Tinh Thần Phụng Vụ đã viết: “… ca hát, vượt qua lối nói bình thường, là biến cố ‘thánh linh’.”Âm nhạc của Giáo hội hiện hữu như một ‘đoàn sủng’, hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là một glossolalia [hiện tượng nói tiếng lạ] đích thực, một thứ tiếng mới đến từ Chúa Thánh Thần.[12]

Chiều thứ bảy 17.10.2009, tại Thính đường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tham dự buổi hòa nhạc dương cầm do Nhạc viện Dương cầm quốc tế Imola tổ chức để chào mừng ngài. Vị Giáo hoàng nghệ sĩ dương cầm đã chia sẻ những suy tư về sức mạnh của âm nhạc: “Âm nhạc có thể trở thành lời cầu nguyện, ngôn ngữ để trò chuyện cùng Thiên Chúa. ” Ngài còn nói tiếp: “Âm nhạc là một phần của mọi nền văn hóa, và có thể nói âm nhạc đi cùng với mọi trải nghiệm của con người, từ nỗi đau đến hạnh phúc, từ lòng thù hận đến tình yêu, từ nỗi buồn đến niềm vui, từ cái chết đến cuộc sống.”

Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà nền văn minh nào cũng coi trọng và đánh giá cao âm nhạc với nhiều thể loại và cách biểu diễn rất phong phú.”

ĐGH cũng suy tư về “chiều dọc” của âm nhạc, nó có sức mạnh đưa tâm hồn lên với Chúa.

Ngài nói: “Âm nhạc, âm nhạc tuyệt hảo, làm cho tinh thần được thư thái, đánh thức những tình cảm sâu thẳm và hầu như tự nhiên mời gọi chúng ta nâng tâm trí lên cùng Chúa trong mọi hoàn cảnh trong đời, dù vui hay buồn. Âm nhạc có thể trở thành lời cầu nguyện.”[13]

3. Đức Giáo hoàng Phanxicô

Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi canh tân Thánh nhạc khi tiếp kiến 400 tham dự viên đang tham gia Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc tại Roma, ngày thứ Bảy 04-03-2017. Ngài nhắc nhở: “Phải nhập thể và diễn dịch Lời Chúa thành lời ca tiếng hát, thành giai điệu làm rung động trái tim của những con người thời đại chúng ta, và còn tạo ra cả một bầu khí tâm tình thúc đẩy đức tin và khơi gợi người ta đón nhận và tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm được cử hànhBởi vì âm nhạc là con đường ngắn nhất để tham dự trọn vẹn vào hy tế tạ ơn, nên những suy tư và dấn thân mục vụ liên quan đến thánh nhạc phải hướng đến sự hiểu biết sâu xa hơn để đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, để chiêm ngắm, thờ lạy và đón nhận mầu nhiệm ấy.

Trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống [Christus vivit] gửi Người trẻ và Cộng đoàn Dân Chúa, Đức Phanxicô đề cao vai trò âm nhạc: “Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn… để họ chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa…; làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát…; các trung tâm sinh hoạt của giáo xứ và giới trẻ là nơi chia sẻ niềm say mê âm nhạc…

Từ những nhận định này, Đức Phanxicô đề cao âm nhạc: “Tầm quan trọng của âm nhạc vô cùng đặc biệt; âm nhạc là một môi trường thực sự và giới trẻ thường xuyên ngụp lặn trong đó, như một loại văn hóa và một loại ngôn ngữ có khả năng khơi dậy cảm xúc và xây dựng căn tính. Ngôn ngữ âm nhạc cũng là một lợi ích cho mục vụ, đặc biệt là cho phụng vụ và canh tân phụng vụ. Ca hát có thể là một lực đẩy quan trọng đối với người trẻ khi họ đi trên con đường trần thế. Như thánh Augustinô nói: ‘Hãy ca hát, nhưng cũng tiếp tục tiến bước. Hãy hát ca… Hãy tiến bước trong nhân đức, trong đức tin chính thực…”[14]

4. Những người làm âm nhạc trong Lịch sử

Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều biết lịch sử âm nhạc nói chung đồng phát triển với nền âm nhạc phụng tự. Có rất nhiều trưng dẫn về nền phụng tự ca hát từ các thánh vịnh làm căn bản để ta hiểu được sự nối kết không thể tách rời giữa âm nhạc và nghi lễ. Có lẽ hai thánh vịnh 149 và 150 cùng với thánh ca Giuđitha tóm tắt hay nhất ý tưởng này:

Alleluia !

Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,

ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung !

Hỡi Israel, nào hoan hỷ,

vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi.

Con cái Sion, hãy nhảy mừng,

vì được Chúa làm Vua hiển trị.

Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu vũ,
nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca.

Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người, ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng.[15]

Alleluia !

Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,

ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh.

Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ, ca tụng Người lẫm liệt uy phong. Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và, ca tụng Người, họa tiếng cầm tiếng sắt. Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa, ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo. Ca tụng Chúa đi, với chũm choẹ vang rền, ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi.

Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng CHÚA đi nào! Alleluia![16]

Thánh ca Giuđitha bắt đầu với những lời lẽ sau:

Bà Giuđitha cất tiếng nói:

“Hãy ca ngợi Thiên Chúa của tôi, theo nhịp trống, hát lên mừng Người, rập tiếng chiêng, trầm bổng hòa vang thánh ca cùng thánh vịnh, hãy suy tôn và cầu khẩn danh Người.

Vì Chúa là vị thần tiêu diệt chiến tranh, Người đặt doanh trại ngay giữa lòng dân thánh, để giải thoát tôi khỏi tay phường bách hại.”[17]

Nhớ rằng cả ba bài hát kinh thánh này đã được hát lên với nhạc khí kèm theo. Hơn nữa, cũng không có phân biệt nào về kiểu âm nhạc được sử dụng. Người ta cũng không xếp nhạc nghi thức vào loại “thánh” (sacred) hay “thế tục” (secular), cũng không có bất cứ phân chia lớn lao nào là “cổ điển”(classical) hay “phổ thông” (popular). Âm nhạc nghi lễ đơn giản là âm nhạc, như bài hát là bài hát. Người ta dùng âm nhạc để tôn kính Chúa, hát những lời ca ngợi Thiên Chúa, và vì vậy khơi gợi cộng đoàn cầu nguyện và ca tụng.

Và đó chắc chắn là một “bài ca mới”. Đúng thực, hành động này là một khám phá mới mẻ về một đức tin cố cựu. Âm nhạc và bài ca làm mới lại đức tin được xem như là sự thăng hoa theo Kinh thánh Cựu ước. Các nhà phụng vụ ngày nay cho biết: họ không thấy một khác biệt nào trong các kiểu âm nhạc với Phụng vụ. “Không có một khác biệt nội tại nào trong kiểu âm nhạc giữa “thánh thiêng” và “thế tục,” Đức Tổng giám mục Rembert Weakland đã tuyên bố như thế khi ngài giữ chức chủ tịch ủy ban Phụng tự và Thánh nhạc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ năm 1966. Lời tuyên bố ấy đã được Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đưa vào hướng dẫn thánh nhạc với xác định âm nhạc và phụng vụ luôn hòa quyện với nhau: phụng vụ có âm nhạc phải được chuẩn hóa. Một Thánh lễ không có âm nhạc, chẳng hạn phần Phụng vụ Lời Chúa mà các thánh vịnh và những lời tung hô không được hát, sẽ thiếu đi một cái gì đó về giá trị nội tại của chính việc cử hành nghi thức.

Như một cách diễn tả về văn hóa của một cộng đoàn nhất định với tất cả đặc tính định hình của cộng đoàn ấy, âm nhạc đi vào trọng tâm những gì mà phụng vụ nhắm hoàn thành. Kiểu cách dân chúng thờ phượng Chúa không thay đổi tận căn khi đến nhà thờ. Cách dân chúng ca hát chúc tụng Chúa phải được thực hiện theo kiểu của người Việt Nam đương thời. Điều đó không có nghĩa là nhạc disco phù hợp với phụng vụ, nhưng có ý nói đến những nhà soạn nhạc đương đại có nhiều cách để giúp dân chúng ca hát thế nào trong Thánh lễ Chúa nhật. Liệu có thể canh tân đức tin trong những lúc khủng hoảng hay đổi mới đức tin theo cách thức sâu xa mà phụng vụ Công giáo nhắm tới, người làm âm nhạc phải thể hiện được thừa tác vụ quan trọng và cốt yếu này trong Giáo hội trên toàn thế giới.

Không phải lúc nào người ta cũng hiểu được điều này. Vai trò của âm nhạc thời Kitô giáo sơ khai cũng không rõ ràng lắm, mặc dù xem ra chỉ có một số ít người nghi ngờ thì lúc đó người ta đã hát hay đọc theo cung điệu các thánh vịnh.

Trải qua nhiều thăng trầm, một hình thức âm nhạc mới xuất hiện (khoảng năm 900 sau công nguyên) mà ngày nay chúng ta gọi là “Ca điệu Gregorian – Bình ca”, rồi phát triển thêm loại nhạc đa âm. Thời kỳ này, việc ca hát trong phụng vụ được các chuyên gia giáo sĩ đảm nhận. Hầu hết dân chúng mù chữ và thất học nên chỉ biết thinh lặng lắng nghe. Trải qua dòng lịch sử thánh nhạc trong Giáo hội cho đến CĐ Vat. II, các Đức giáo hoàng kêu gọi mọi tín hữu tham dự “tích cực, trọn vẹn và linh động” khi cử hành Thánh lễ; giục giã kitô hữu giáo dân đảm nhận các tác vụ thánh nhạc. Và họ đã tham gia.

IV. NGƯỜI TRẺ ĐẢM NHẬN TÁC VỤ THÁNH NHẠC

Cần hiểu rõ có 2 loại thừa tác viên

– Các thừa tác viên có chức thánh thực thi việc phục vụ đặc biệt của mình qua việc giảng dạy, cử hành phụng vụ, v.v…

– Các thừa tác viên không có chức thánh được trao một số nhiệm vụ do các giám mục quy định theo các truyền thống phụng vụ và nhu cầu mục vụ: “người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và các ca viên cũng thật sự đảm nhận một tác vụ phụng vụ.[18] Cách riêng là tác vụ âm nhạc trong Phụng vụ.

Các tác viên thánh nhạc trước hết phải nắm vững vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong cử hành phụng vụ.

Vai trò thừa tác vụ âm nhạc trong Phụng vụ rất phong phú và đa dạng tùy theo tài năng của những anh chị em nhất là những người trẻ được mời gọi thể hiện ca hát trong cộng đoàn phụng vụ. Thật vậy, người ta có thể liệt kê những người sáng tác [composers], nếu không có họ sẽ không có những lời nguyện cầu được hát lên; những người thể hiện âm nhạc bao gồm ca đoàn [choir] (nam, nữ và thiếu nhi) mà tiếng hát của họ được hợp nhất nhờ người phụ trách chung về âm nhạc [music director] của giáo xứ, người chơi đàn đại quản cầm [organist] và ban nhạc, nhạc công [instrumentalists]; gần bàn thờ hơn có ca xướng viên [cantor] và vị chủ tế [the celebrant]; nhưng tác viên thể hiện âm nhạc quan trọng và nhiều nhất là chính cộng đoàn phụng vụ [congregation].

1. Tác viên phụ trách chung về thánh nhạc

Tác vụ này chắc chắn phải dành cho người chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về nghi lễ Công giáo. Là người chuyên nghiệp, tác viên này cần phải có trình độ đại học âm nhạc và biết những gì mình có thể làm được một cách thông thạo. Thông thường người này sẽ điều khiển ca đoàn gồm những người trong giáo xứ với những khả năng khác nhau, có lẽ cũng cần có những ca sĩ chuyên nghiệp hỗ trợ. Tác viên âm nhạc này có bổn phận giúp ca đoàn thấm nhuần hiểu biết danh mục âm nhạc của Giáo hội, như một số nhạc cổ điển, ngay cả bình ca Latin, đa âm và chắc chắn phải có những bài hát mới hơn phù hợp với các Thánh lễ sử dụng tiếng bản địa. Nếu có nhóm nào hát các bài thánh ca mang âm hưởng dân tộc (dân ca) trong giáo xứ, thật là tốt nếu người phụ trách thánh nhạc hướng dẫn họ chọn bài thánh ca.

Người phụ trách chung về âm nhạc hay tác viên điều hành cũng phải quan tâm đến những bài thánh ca được chọn trong phụng vụ sao cho phù hợp với mùa phụng vụ và các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa dựa trên các thẩm định về âm nhạc, phụng vụ và mục vụ như Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc chỉ dạy.[19]

Ngày nay mỗi giáo phận, giáo xứ nên có người phụ trách chung về Thánh nhạc. Vị này sẽ cộng tác với giám mục hoặc cha xứ để kiểm tra chương trình hát, phối hợp và đôn đốc các anh chị em thực hiện chương trình đã đề ra về Thánh nhạc trong giáo xứ hoặc giáo phận. Vị phụ trách chung về Thánh nhạc thúc đẩy cộng đoàn phụng vụ tham gia tích cực và linh động trong việc ca hát; đồng hành với các anh chị em có nhiệm vụ chuẩn bị những bài thánh ca sẽ được hát trong các cử hành Phụng Vụ; giúp cộng đoàn luôn đi đúng với truyền thống đức tin của Hội Thánh, diễn tả được truyền thống đức tin ấy một cách hiệu quả với sự nhạy cảm mục vụ.

Vì mỗi tác vụ đều bắt nguồn từ các Bí Tích Khai Tâm, là những Bí Tích làm cho Dân Thiên Chúa nên “cộng đoàn các môn đệ được thiết lập do sứ vụ của Đức Kitô và vì sứ vụ ấy,” nên người phụ trách chung về Thánh nhạc có vai trò “tìm ra chỗ đứng của mình trong sự hiệp thông của Hội Thánh và phục vụ sứ mệnh của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần.”

Tác viên phụ trách Thánh nhạc giáo phận, giáo xứ cũng như các tác viên giáo dân khác trong Hội Thánh đều thi hành vai trò của mình trong mối tương quan với các vị giáo sĩ và cộng đoàn tín hữu. Người đặc trách Thánh nhạc giáo xứ (giáo phận) là những cộng tác viên của các giám mục, linh mục. Các ngài thi hành tác vụ mục vụ của mình do Bí Tích Truyền Chức Thánh, là Bí Tích làm cho các ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là Đầu, và thánh hiến các ngài trong một vai trò duy nhất và cần thiết cho sự hiệp thông của Hội Thánh. Các tác viên giáo dân trong Hội Thánh đều là những thành phần tín hữu giáo dân “chia sẻ vào chức tư tế chung của mọi người đã chịu Phép Rửa” và “được kêu gọi nên môn đệ Chúa.”[20]

2. Tác vụ của Ca đoàn và Ca xướng viên

Hai tác vụ này đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp cho phụng vụ linh động.

Hiến chế Phụng vụ thánh (HCPV) nhắc nhở các Giám mục và mục tử coi sóc các linh hồn ‘“phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là tại các nhà thờ chính tòa.[21] Như vậy cần phải thành lập ca đoàn trong các giáo xứ lớn nhỏ và đào tạo các tác viên âm nhạc cho các ca đoàn.

Ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn, vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cử hành phụng vụ. Vì vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn tới được.[22]

Có thể chia thành từng nhóm nhỏ như Ban hát, Nhóm ca, Hội Ca vịnh (chỉ cần hai bè: nữ bổng, nữ trầm; nam bổng hay nam trầm, đồng giọng) hoặc đông hơn như Ca đoàn, Ban hợp xướng dị giọng (bốn bè: nữ bổng [soprano], nữ trầm [alto], nam bổng [tenor], nam trầm [basso], v.v… Cũng có thể quy tụ theo lứa tuổi (thiếu nhi, giới trẻ, các bà mẹ, các bậc trung niên,…) hoặc theo nhu cầu mục vụ (lễ dành cho thiếu nhi, cho giới trẻ hay người lớn).

Nhìn vào Tổng giáo phận Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh với trên 200 đơn vị giáo xứ và giáo điểm truyền giáo, con số ca đoàn chắc hẳn không dưới 1.000. Gần một nửa ca viên tham gia ở trong độ tuổi còn trẻ. Bởi vì đây là tác vụ âm nhạc được nhiều bạn trẻ yêu mến và tích cực đảm nhận.

Hầu hết các thành viên ca đoàn đảm nhận tác vụ ca viên hát bè được phân công theo giọng nam hay nữ, bổng hay trầm. Nhưng trong ca đoàn còn có một số anh chị em đảm nhận những tác vụ đặc biệt: ca trưởng, đệm đàn, người xướng thánh vịnh, đơn xướng viên (soloist), ca xướng viên (cantor).

Ca đoàn phục vụ bằng nhiều cách khác nhau. Việc phục vụ quan trọng của ca đoàn trong Thánh lễ là chia hai bè hát đối đáp với nhau hoặc với cộng đoàn; cũng có thể hát thêm bè hòa âm để làm phong phú tiếng hát của cộng đoàn. Trong kho tàng thánh nhạc, ca đoàn có thể chọn ra những tác phẩm do các nhạc sĩ thuộc nhiều thời kỳ khác nhau sáng tác theo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Cũng có thể chọn những bài diễn tả đức tin của nhiều nền văn hóa khác nhau vốn là nét đa dạng phong phú của Hội Thánh. Những lúc thích hợp cho ca đoàn hát riêng là: bài ca trước Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ. [23] Phần hát riêng của ca đoàn phải luôn hợp với phụng vụ; hoặc hát bản văn phụng vụ của đúng ngày lễ, hoặc hát bài có chủ đề sát với phụng vụ của ngày hôm ấy. Khi không hát riêng, ca đoàn cùng hát với cộng đoàn. Trong trường hợp này vai trò của ca đoàn không phải là hướng dẫn cộng đoàn hát, nhưng là cùng hát với cộng đoàn đang tự hát hoặc đang hát nương theo tiếng đàn.

Như mọi người khác đang góp phần việc của mình vào phụng vụ, các thành viên ca đoàn phục vụ với đức tin sáng ngời, và tham dự trọn vẹn cử hành phụng vụ, nhìn nhận mình là đội ngũ giúp việc trong phụng vụ và là thành viên của cộng đoàn được Chúa Kitô quy tụ.[24]

3. Tác vụ của Ca xướng viên (cantor)

Ca xướng viên vừa là người hát vừa là người hướng dẫn cộng đoàn hát. Nhất là khi không có ca đoàn, ca xướng viên có thể hát đối đáp với cộng đoàn. Thí dụ, ca xướng viên có thể bắt hát Kinh Xin Chúa Thương Xót, Lời mời gọi theo mẫu thứ ba của nghi thức thống hối, Kinh Vinh Danh và Alleluia, giúp cộng đoàn hát những câu tung hô ngắn khi kết thúc các bài đọc, hát câu Tung hô trước Tin Mừng, hát Ỷ nguyện trong Lời nguyện chung, hát Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Ca xướng viên cũng có thể hát những câu xướng trong Thánh vịnh đáp ca, Ca nhập lễ, khi Chuẩn bị lễ vật, và khi Rước lễ.

Là người hướng dẫn cộng đoàn hát, ca xướng viên nên tham gia ca hát với toàn thể cộng đoàn. Để điều khiển việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ, ca xướng viên không được để giọng hát của mình lấn át cộng đoàn. Lúc chuyển nhạc hay chuyển đoạn bài hát, ca xướng viên có thể hát lớn hơn để khơi dậy và dẫn dắt cộng đoàn ca hát khi tiếng hát của họ yếu ớt. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đã cất cao tiếng hát, thì ca xướng viên phải biết cách giảm bớt âm lượng giọng hát của mình cho phù hợp. Nhiều lúc, có thể sử dụng một cử chỉ nhã nhặn mời gọi cộng đoàn tham gia ca hát và ra hiệu khởi tấu thật rõ ràng cho cộng đoàn bắt đầu, nhưng chỉ sử dụng cử chỉ cách dè dặt và khi thật cần thiết.

Khi hướng dẫn cộng đoàn, ca xướng viên nên đứng ở vị trí để mọi người nhìn thấy, nhưng không làm cho họ mất tập trung vào các hành vi phụng vụ đang diễn ra. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đang hát những câu đối đáp hay những câu tung hô hoặc những bài ca quá quen thuộc rồi mà trong đó không có những câu hát dành riêng cho ca xướng viên, thì ca xướng viên nên lánh mặt đi.

Ca xướng viên thi hành tác vụ của mình tại một vị trí thuận tiện nhưng không phải ở tại giảng đài.[25]

4. Tác viên xướng thánh vịnh

Người xướng thánh vịnh là người đọc hoặc hát câu xướng của bài Đáp ca sau Bài đọc I và giúp cộng đoàn hát hoặc đọc câu đáp. Khi cần thiết, người xướng thánh vịnh cũng có thể xướng Tung hô Tin Mừng cho cộng đoàn hát theo hoặc đọc hay hát câu Tung hô trước Tin Mừng. Mặc dầu phận vụ đọc hay hát câu Tung hô này phân biệt với vai trò của người hát thánh vịnh, nhưng đôi khi cả hai nhiệm vụ này đều được ủy thác cho cùng một người.

Những ai được giao cho nhiệm vụ xướng (hoặc hát) thánh vịnh cần phải “biết ca hát, có khả năng phát âm và đọc cho đúng.”[26] Là người công bố Lời Chúa, người xướng thánh vịnh cần có khả năng xướng (hát hoặc đọc thánh vịnh một cách rõ ràng, tự tin, và truyền cảm đối với bản văn, bản nhạc và những người đang lắng nghe.

Người xướng thánh vịnh hát những câu xướng của Thánh vịnh đáp ca tại giảng đài.[27]

5. Tác vụ của các Nhạc công

Nhạc công đại phong cầm, các nhạc công các nhạc cụ, nhạc khí khác và nhạc công của ban nhạc cũng có một vai trò quan trọng, mặc dầu thứ yếu trong tác vụ âm nhạc. Sau khi CĐ Vat. II canh tân phụng vụ, các cử hành phụng vụ (nhất là thánh lễ), thời gian dành cho việc gian tấu và đơn tấu của các nhạc cụ, nhạc khí giảm thiểu rất nhiều.

Tuy nhiên, các tác viên đại phong cầm, nhạc cụ, nhạc khí khác và ban nhạc có nhiệm vụ trước tiên là dẫn và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn, ca đoàn và tác viên xướng thánh vịnh. Vì thế, không được để tiếng nhạc lấn át tiếng hát, không đệm đàn khi chủ tế đang đọc hay hát.

Do có nhiều âm sắc khác nhau và có nhiều khả năng biểu đạt, đại phong cầm và ban nhạc làm cho tiếng hát của cộng đoàn thêm phần phong phú và hoa mỹ hơn, nhất là khi có sự góp mặt của kỹ thuật hòa âm.

Nếu có được các nhạc công tài giỏi và được đào tạo đầy đủ, nên khuyến khích họ tiếp tục truyền thống ứng tấu trong phụng vụ. Có những giây phút cần đến tiếng nhạc ứng tấu, ví dụ khi cộng đoàn đã hát xong mà nghi tiết phụng vụ chưa hoàn tất. Nghệ thuật ứng tấu đòi hỏi nhạc công phải có khả năng đặc biệt và được huấn luyện ở trường lớp. Tiếng nhạc ứng tấu không phải chỉ nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống chờ đợi. Nếu không thể ứng tấu cho xứng hợp, nhạc công nên diễn tấu những bản đàn in sẵn, từ dễ đến khó, trong các tập nhạc có giá trị.

Có những thời điểm đại phong cầm hoặc các nhạc cụ khác được phép diễn tấu riêng, như dạo nhạc mở đầu trước khi Nhập lễ, đệm nhạc cho toàn bộ phần Chuẩn bị lễ vật, tấu nhạc khi kết lễ thay thế bài hát Kết lễ, hoặc diễn nhạc kết sau khi bài hát đã được hát xong, trong những mùa phụng vụ và những ngày lễ cho phép dạo đàn.[28]

6. Tác vụ âm nhạc của chủ tế

Rõ ràng từ khi thực thi Hiến chế về Phụng vụ thánh của CĐ Vat. II, cả chủ tế và cộng đoàn phụng vụ đều có vai trò phải đảm nhận trong tác vụ âm nhạc. Từ ngàn xưa linh mục nắm giữ phần chính yếu trong việc hát một mình “cung chủ tế”. Công đồng không miễn trừ chủ tế (giám mục hoặc linh mục) khỏi phận vụ này (nhất là các linh mục trẻ).

Người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cộng đoàn Phụng Vụ là vị linh mục chủ sự, ngài “cầu nguyện nhân danh Hội thánh và cộng đoàn được quy tụ.”1 “Khi cử hành Thánh Lễ… ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn, trong cách cử hành và đọc lời Chúa, ngài còn phải lo cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô.”[29] [30]

Không bao giờ quá lời khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc linh mục tham gia tích cực vào Phụng Vụ, nhất là bằng lời ca tiếng hát. Linh mục hát những lời nguyện dành cho chủ sự và những phần đối đáp (giữa linh mục và cộng đoàn) trong Phụng Vụ tùy theo khả năng của ngài.[31] Khi hát chung với cộng đoàn, linh mục nêu gương khuyến khích cộng đoàn đem lời ca tiếng hát tham gia vào Phụng Vụ. “Nhưng., nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Tuy nhiên, linh mục hay thừa tác viên không được đọc thay vì hát chỉ vì muốn tiện cho mình.”[32]

Linh mục hát với cộng đoàn những phần chung cho cả cộng đoàn (câu tung hô, điệp xướng, ca vịnh và những bài ca Phụng Vụ). Tuy nhiên, linh mục không hát chung với cộng đoàn câu Tung hô Tưởng niệm (sau khi truyền phép) hay lời đáp AMEN long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể). Ngài nên lưu tâm đến ca xướng viên và người hát thánh vịnh khi họ hướng dẫn cộng đoàn ca hát. Để khuyến khích cộng đoàn hát chung, linh mục và ca xướng viên không nên để tiếng của mình lấn át tiếng cộng đoàn, cũng không nên hát câu thưa của cộng đoàn trong phần đối đáp.[33]

7. Cộng đoàn phụng vụ là tác viên âm nhạc chính

“Trong khi cử hành Thánh Lễ, các tín hữu hợp thành dân thánh, dân thuộc về Thiên Chúa, dân hoàng tộc chuyên lo tế tự để tạ ơn Thiên Chúa, dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền không những nhờ tay vị tư tế, nhưng còn cùng với ngài, và để học cho biết dâng chính mình nữa.[34] Đây là nền tảng để các tín hữu “tham dự trọn vẹn, tích cực và có ý thức”. Chính căn tính của Phụng Vụ đòi hỏi sự tham dự như thế.[35]

Bởi vì cộng đoàn phụng vụ khi được quy tụ sẽ làm thành một thân thể, nên mỗi một thành viên phải tránh “mọi hình thức sống cá nhân và riêng rẽ, họ phải nhớ rằng họ chỉ có một Cha trên trời và như vậy mọi người đều là anh chị em với nhau.”[36]

Ca hát là một trong những cách thế hàng đầu giúp cộng đoàn tín hữu tham gia cách tích cực vào Phụng Vụ. Cha xứ có nhiệm vụ khuyến khích giáo dân “tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, đối ca và thánh ca…”[37] Huấn luyện việc ca hát cho cộng đoàn phải là mối quan tâm liên tục để giúp mọi người tham dự cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức.

Để toàn thể dân thánh đều lên tiếng hát, âm nhạc phải hợp với khả năng của họ. Một số cộng đoàn lĩnh hội rất nhanh và muốn thay đổi nhiều thể loại để hát. Một số cộng đoàn khác cảm thấy thoải mái hơn với một số bài hát cố định, để khi hát thì hát dễ dàng. Một tuyển tập những bài ca phụng vụ quen thuộc với nội dung thần học phong phú có thể giúp cộng đoàn đào sâu đức tin nhờ hát đi hát lại đến thuộc lòng. Phải biết thẩm định về mục vụ để thích ứng với mọi trường hợp.[38]

Để đáp ứng yêu cầu có một tuyển tập những bài ca phụng vụ, trong 10 năm vừa qua, ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tuyển chọn và san định những bài thánh ca đã đi vào lòng người Công giáo Việt Nam, kể từ khi có nền thánh nhạc Việt Nam (1930) cho đến nay: Tuyển tập Thánh Ca Việt Nam, quyển 1 và 2 (hơn 1.000 bài).

Ngày nay ở các cộng đoàn giáo xứ, giới trẻ đều có những trình độ âm nhạc nhất định và thích được hát. Nhờ đó các mục tử nên lưu ý đến khả năng này của cộng đoàn mình coi sóc: một cộng đoàn ca hát. Đó cũng là cách duy nhất cảm nhận được niềm vui thấm nhập cộng đoàn Chúa nhật qua thái độ say sưa ca hát.

8. Tác viên là ca trưởng thánh nhạc

Hiện nay, trong Tổng giáo phận Sài Gòn, các tác viên ca trưởng vừa chuyên nghiệp vừa không chuyên nghiệp (không chuyên nghiệp chiếm phần hơn vì nhu cầu mục vụ của cộng đoàn phải có người tập hát và đánh nhịp), trong số ấy giới trẻ chiếm hơn một nửa.

Ở Việt Nam, tác viên là ca trưởng có một vai trò rất đặc biệt không chỉ với ca đoàn mà cả cộng đoàn phụng vụ. Tác viên ca trưởng là người điều khiển việc thể hiện âm nhạc trong phụng vụ nên có trách nhiệm lớn hơn, từ phần huấn luyện chuyên môn cho ca viên, đến phần chọn bài cho phù hợp với tiêu chuẩn của thánh nhạc, dọn bài để tập hát cho ca đoàn và cộng đoàn, cuối cùng là điều khiển cộng đoàn hoặc ca đoàn trong cử hành phụng vụ (ví dụ: Thánh lễ). Ngoài ra còn phải phối hợp chặt chẽ với các người lo các phần việc khác, như QCTQ số 111 đòi hỏi: “Tất cả những người có nhiệm vụ, hoặc về nghi thức, hoặc về mục vụ và âm nhạc, phải đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ, dưới sự điều khiển của vị quản thủ thánh đường. Cũng phải nghe ý kiến các tín hữu trong những gì trực tiếp liên quan đến họ.”

Để đảm nhận tác vụ CA TRƯỞNG THÁNH NHẠC, tác viên cần học biết về phụng vụ; hiểu biết cặn kẽ và áp dụng cách sáng tạo những hướng dẫn (Hiến chế về phụng vụ thánh, các Thông điệp, các Huấn thị, v.v…) của Giáo Hội về âm nhạc phụng vụ, thông thạo khả năng chuyên môn như nhạc lý, ký xướng âm, hòa âm, điều khiển hợp xướng, đệm đàn cơ bản (organ hoặc piano).[39]

Nhằm mục đích trang bị cho bạn trẻ muốn tham gia ca đoàn và đảm nhận tác vụ ca trưởng, ủy ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGMVN và Học viện Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn đã mở các lớp nhạc và thánh nhạc từ năm 2006 cho đến nay.

Chương trình đào tạo và huấn luyện được chia thành các cấp lớp (từ thấp lên cao): Nhạc lý ký xướng âm (1,2,3), thanh nhạc (1,2,3), đệm đàn cơ bản, đệm đàn trong phụng vụ, hòa âm, phân tích hòa âm, bình ca, đánh nhịp, phác họa tiết tấu, điều khiển hợp xướng và thánh nhạc trong phụng vụ.[40]

9. Nhạc sĩ sáng tác thánh ca xứng đáng là tác viên âm nhạc trong Phụng vụ

Trong cử hành phụng vụ (thánh lễ) khi bài thánh ca được tấu lên để làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu, người ta thường quan tâm đến ca đoàn, ca trưởng, người hát thánh vịnh đáp ca, người đơn ca hay ca xướng viên mà ít ai nhớ đến tác giả của những bài thánh ca đó.

Nhờ có những nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm thánh ca mà “truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã làm thành một kho tàng vô giá, nổi bật giữa các phong cách nghệ thuật khác…”[41] Trong kho tàng đó, Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của Phụng vụ Rôma.[42]

Có thể ghi nhận một vài nét đặc trưng của bình ca như sau:

– Xây dựng giai điệu trên một phách cơ bản, nên một vần trong một chữ của bản văn La Tinh đều có một thời gian tối thiểu để phát âm, giúp người nghe lãnh hội được.

– Hình thành các âm theo độ dài ngắn của bản văn. Không lệ thuộc luật cân phương hay cân đối của nhiều loại nhạc thời đó.

– Toàn bài xây dựng theo một tổng thể duy nhất, được hình thành theo ý nghĩa của bản văn, theo đúng vai trò và vị trí của từng chữ trong câu, từng dấu nhấn trong mỗi chữ.

Chính vì thế, bình ca được coi là bản dịch của bản văn, vì nhờ âm nhạc, ý nghĩa của lời ca được chuyển tải tới người nghe cách thâm sâu hơn.

Trong Thông điệp kỷ luật thánh nhạc, Đức Piô XII đã ghi nhận: “Sự thánh thiện là biểu hiện rực rỡ nhất của thánh ca Grêgôriô, từng được sử dụng trong Hội Thánh từ bao thế kỷ, và người ta có thể gọi đó là sản nghiệp của Hội Thánh. Quả thật, bởi các giai điệu của loại thánh ca này mật thiết hoà hợp với bản văn thánh, nên chẳng những ăn khớp với các ngôn từ cách chặt chẽ, mà còn giống như một bản dịch ý nghĩa và dẫn giải, đồng thời làm cho vẻ hấp dẫn của ngôn từ thâm nhập tâm hồn các thính giả (số 41).”

Vì thế “các nhạc sĩ đã được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được mời gọi thực thi trau dồi và phát triển kho tàng thánh nhạc. Hãy sáng tác những bài ca có cung điệu thực sự mang tính thánh nhạc, không chỉ dành cho các ca đoàn lớn nhưng còn thích hợp cả với những ca đoàn nhỏ, hỗ trợ nhiều cho sự tham dự tích cực của toàn thể cộng đoàn tín hữuLời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn hết là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.[43]

Như vậy, các nhạc sĩ thánh nhạc thực thụ phải thấm nhuần tinh thần Kitô giáo với những tố chất mà HĐGMVN đã vạch ra như sau:

Hội Thánh cần đến các nhạc sĩ và các nhạc sĩ cần đến Hội Thánh. Trong mọi thời đại, Hội Thánh đã kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác đưa ra những tác phẩm mới để làm phong phú kho tàng Thánh nhạc. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thổi Thần Khí sáng tạo của Người để làm cao quý và đa dạng hơn tác phẩm từ bàn tay và tâm trí của các nhạc sĩ.

Hội Thánh đã giữ gìn và tôn vinh những cách diễn tả này trong nhiều thế kỷ. Trong thời chúng ta, Hội Thánh tiếp tục mong muốn mang đến cả những cái mới và cũ.[44] Hội Thánh vui mừng thúc giục các nhà sáng tác và các nhà soạn lời sử dụng tài năng đặc biệt của mình hầu Hội Thánh có thể tiếp tục làm tăng thêm kho tàng nghệ thuật Thánh Nhạc.

Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để ca ngợi tình yêu dâng lên Thiên Chúa. Qua những hoạt động và lời cầu nguyện, chính Phụng Vụ thánh làm cho mọi người nhận biết những hình thức liên quan đến những sáng tác mới. Các nhạc sĩ tìm được cảm hứng của mình nơi Thánh Kinh, và đặc biệt nơi các bản văn Phụng Vụ, để những tác phẩm của họ tuôn tràn từ chính Phụng Vụ. Hơn nữa, thật thích hợp để sử dụng trong Phụng Vụ, một bản văn được hát lên không phải chỉ đúng về giáo thuyết, mà tự bản văn phải là cách diễn tả đức tin công giáo. Vì thế, những bài hát trong Phụng Vụ không bao giờ được phép có những lời lẽ khẳng định về đức tin không đúng hay sai lạc. Chỉ trong bầu khí Kinh Thánh, Phụng Vụ và tôn giáo, người sáng tác là người ý thức được hành trình lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử con người, và là người đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae). Họ được trang bị một cách thích đáng để nhận biết và diễn tả bằng giai điệu chân lý của Mầu nhiệm được cử hành trong Phụng Vụ. Thể loại âm nhạc không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát.

Nhiều năm qua, ngay sau khi Công đồng Vaticanô II cải cách phụng vụ, đặc biệt cho phép sử dụng ngôn ngữ của bản xứ, các nhạc sĩ và các nhà xuất bản đã hoạt động để cung cấp danh mục những bài thánh ca mới cho nền Thánh Nhạc Việt Nam. Trong những thập niên qua, nỗ lực này đã lớn mạnh và định hình một nền Thánh Nhạc tiếng Việt có giá trị tiếp tục phát triển, cho dù có nhiều bài thánh ca Việt Nam tiên khởi đã rơi vào quên lãng. Ngày nay, các nhạc sĩ sáng tác vẫn tiếp tục phục vụ Hội Thánh và được khích lệ tập trung đem hết khả năng và tài nghệ để sáng tác những tác phẩm Thánh Nhạc hoàn hảo bằng mọi thể loại âm nhạc, nhất là đem những đặc tính nhạc cổ truyền và dân tộc vào trong các sáng tác mới, hầu hình thành dần nền Thánh Nhạc đậm nét dân tộc Việt Nam.

Hội Thánh ước mong nền thánh ca ngày càng được phong phú hơn để phục vụ cộng đoàn được quy tụ. “Đức tin của vô số các tín hữu đã được những giai điệu nuôi dưỡng, những giai điệu tuôn tràn từ trái tim của các tín hữu khác, và cũng được đưa vào Phụng Vụ hoặc được sử dụng như là một trợ giúp cho việc thờ phượng trang nghiêm. Trong ca hát, đức tin được cảm nghiệm như một niềm vui sống động, một tình yêu thương, và lòng mong đợi phó thác vào sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa.[45]

Nói chung, các bài thánh ca phải được thể hiện bởi các nghệ sĩ (nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ, ca viên …) Kitô giáo chân chính với đời sống xứng danh Kitô hữu (có đức tin và sống đức tin), trong tinh thần cầu nguyện (bài hát phải được viết khi nhạc sĩ cầu nguyện,[46] phải được hát lên trong tâm tình cầu nguyện, vì không ai có thể cho cái mình không có [47]), có khả năng chuyên môn (hồng ân âm nhạc Chúa ban: có thể có nơi người này mà không nơi người khác; phong phú nơi người này mà nghèo nàn nơi người khác).

Tác viên nhạc sĩ sáng tác phải tuân thủ những quy tắc chuẩn nhận các bài thánh ca (imprimatur).[48]

V. HƯỚNG ĐI MỤC VỤ

Giáo dục và đào tạo Giới trẻ yêu mến và đảm nhận tác vụ thánh nhạc

Mục số 2 của bài viết về Tác vụ của Ca đoàn cho biết hiện nay Tổng giáo phận Sài Gòn có trên 1.000 ca đoàn với ít nhất 20.000 ca viên; phải cần ít nhất 1.000 tác viên ca trưởng, 1.000 tác viên đệm đàn v.v…

Đa số ca trưởng và người đệm đàn là những người trẻ nhiệt tình đảm nhận tác vụ âm nhạc như một cách thế tham gia vào Giáo hội như chi thể trong một thân thể, hầu thiết thực đóng góp cho công trình loan báo Tin Mừng tại giáo xứ.

Tuy nhiên, những người trẻ đảm nhận tác vụ này cần phải được chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, kỹ năng và nâng cao trình độ phục vụ đúng với danh xưng tác viên thánh nhạc.

“Để thúc đẩy tiến trình này”, Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “chúng ta cần huấn luyện một nền giáo dục âm nhạc đúng đắn, nhất là cho các chủng sinh chuẩn bị làm linh mục – trong sự đối thoại với các xu hướng âm nhạc của thời đại chúng ta cũng như với những đòi hỏi của các vùng văn hoá khác nhau, và với tinh thần đại kết…” Đức giáo hoàng kêu gọi canh tân thánh nhạc, vừa “bảo vệ và phát huy di sản phong phú và đa dạng thừa hưởng từ quá khứ” vừa đưa đưa thánh nhạc “hội nhập vào ngôn ngữ nghệ thuật và âm nhạc…; phải nhập thể và diễn dịch Lời Chúa thành lời ca tiếng hát, thành giai điệu làm rung động trái tim của những con người thời đại chúng ta, và còn tạo ra cả một bầu khí tâm tình thúc đẩy đức tin và khơi gợi người ta tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm được cử hành. Bởi vì âm nhạc là con đường ngắn nhất để tham dự trọn vẹn vào hy tế tạ ơn, nên những suy tư và dấn thân mục vụ liên quan đến thánh nhạc phải hướng đến sự hiểu biết sâu xa hơn để đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, để chiêm ngắm, thờ lạy và đón nhận mầu nhiệm ấy”.[49]

Đức giáo hoàng nhìn nhận rằng sau CĐ Vat. II “sự giao thoa với tính hiện đại và việc đưa các ngôn ngữ bản xứ vào Phụng vụ đã tạo ra khá nhiều vấn đề về ngôn ngữ, hình thức và thể loại âm nhạc. Đôi khi, một sự tầm thường, hời hợt và xoàng xĩnh nào đó đã lấn lướt, làm thiệt hại đến vẻ đẹp và sự cao cả của các cử hành phụng vụ”.

Đức giáo hoàng khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc phụng vụ – từ các nhạc sĩ, ca trưởng, nhạc công và ca viên, đến các linh hoạt viên phụng vụ – làm hết sức mình để đóng góp vào việc canh tân thánh nhạc và nhạc phụng.

Với những chỉ dẫn trên, các Ban thánh nhạc giáo phận, các Đại chủng viện, cũng như các học viện cần đề ra chương trình, nội dung và kế hoạch huấn luyện, đào tạo các tác viên thánh nhạc. Cụ thể:

  1. Các ban thánh nhạc cấp giáo phận cần tổ chức các trung tâm mục vụ (tùy theo khả năng) và nỗ lực đào tạo các ca đoàn.[50]Bởi ca đoàn là một tập hợp các tác viên là ca viên, ca trưởng, xướng vịnh viên, ca xướng viên, người đệm đàn…
  2. Tổ chức các lớp huấn luyện nghiêm túc về Phụng vụ cho các nhạc sĩ, ca sĩ, ca viên, nhất là các thiếu nhi.[51]
  3. Tham gia ca đoàn, ca viên biết cách phát âm rõ ràng (luyện giọng trước giờ tập hát), có kiến thức căn bản về nhạc lý ký xướng âm (nhận ra cao độ, trường độ, cường độ nốt nhạc).
  4. Khuyến khích các ca viên và các tác viên thánh nhạc theo học các lớp chuyên môn về nhạc, tìm hiểu thánh nhạc trong phụng vụ.
  5. Hiện nay có rất nhiều lớp như thế được ủy ban Thánh nhạc phối hợp với Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn tổ chức.
  6. Ngoài ra các tác viên nhạc sĩ sáng tác thánh ca dành thời gian để tìm hiểu thêm tính văn chương, văn học trong lời ca. Trong thánh canhạc vị lời chứ không phải lời vị nhạc.Các bạn trẻ là tác viên ca đoàn cũng tìm cách học hỏi để nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của lời ca. Việc này sẽ giúp các bạn trẻ hát có tâm tình và nghệ thuật.
  7. Cũng nên tìm hiểu để phân biệt thánh ca và bài ca tôn giáo: tránh nhầm lẫn giữa thánh ca và bài ca tôn giáo; nhận biết một số hình thể thánh ca trong phụng vụ.
  8. Và trên hết là huấn luyện cho các tác viên âm nhạc vềtinh thần ca háttrong Phụng vụ, như những gì mà Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn đã nhắn nhủ các ca viên ca đoàn ngày 28-11-2020, tại Trung tâm Mục vụ TGP: “ca viên ca đoàn phải có:

– Tinh thần đạo đức: Vì là thành phần phục vụ Phụng vụ thánh nên ca viên phải là người có tâm hồn đạo đức, chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa (tránh nói chuyện, ngủ gật trong lúc nghe giảng, trong lúc nghe huấn từ của Đức Giám mục…);

– Tinh thần siêu nhiên: Ca đoàn phải phục vụ với tinh thần siêu nhiên, nghĩa là phục vụ vì Chúa (không nên đòi thù lao, quyền lợi.);

– Tinh thần hiệp thông, hiệp nhất: Ca đoàn phải là người thuộc về cộng đoàn (belong to), nhằm xây dựng cộng đoàn và tránh những trục trặc không đáng có;

– Tinh thần đoàn kết: Cần có tinh thần đoàn kết giữa các ca đoàn trong cùng giáo xứ, giữa các đoàn thể trong giáo xứ.

Tóm lại là tất cả để sáng danh Chúa (không phải sáng danh mình!).”

Ca đoàn còn có nhiệm vụ làm việc tông đồ truyền giáo khi đảm nhận tác vụ âm nhạc. Trong những thánh lễ an táng, thánh lễ hôn phối hay dịp lễ đặc biệt nào đó, tại nhiều nơi ngoài sự tham dự của cộng đoàn tín hữu còn có sự hiện diện của một số bà con không phải là Kitô hữu. Có lẽ điều ấn tượng và thu hút sự chú ý của họ trước tiên đó là tiếng hát và sự trang nghiêm thánh thiện của ca đoàn. Khi nghe ca đoàn hát, có thể họ sẽ được chìm sâu vào tâm tình sốt mến của việc thờ phượng diễn ra trong Phụng vụ, qua tiếng hát thánh thiêng của thánh ca. Đây quả thực cũng là một cơ hội để truyền giáo.

Ngoài ra, tại nhiều giáo xứ, ca đoàn ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ thánh nhạc, các ca viên cũng hăng hái và tích cực tham gia việc tông đồ truyền giáo và bác ái như các hội đoàn bác ái khác. Có những ca đoàn tình nguyện đóng góp quỹ tháng để sử dụng vào việc tương trợ nội bộ, trong phạm vi giáo xứ hoặc lan rộng ra những nơi cần giúp đỡ.[52]

Phụ lục 1: Sự kiện thánh nhạc

Roma – Thánh nhạc có một sự hấp dẫn phổ quát, nhưng là một sự thu hút đặc biệt đối với giới trẻ, theo một Đức Ông tài trợ một loạt các buổi hòa nhạc tại các vương cung thánh đường Roma.

Chương trình “In Signo Domini (Nhân danh Chúa): Thánh nhạc trong các Vương cung thánh đường Roma” đang được tài trợ bởi Học viện âm nhạc châu Âu và A Voce Sola.

Một loạt buổi biểu diễn sẽ cung cấp cho thính giả cơ hội đào sâu trong mùa phụng vụ, chẳng hạn ngày 13-4 sẽ trình bày tác phẩm của nhạc sĩ Bach về Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan, ngày 20-4 sẽ trình bày nhạc oratorio của nhạc sĩ Vinci về Đức Mẹ Sầu Bi, và ngày 27-4 sẽ trình diễn tác phẩm “Sự Phục Sinh” của nhạc sĩ Handel.

Tại một buổi giới thiệu lễ hội, Đức ông Andreatta nói về “ngôn ngữ mạnh” của thánh nhạc trong một “xã hội tiêu thụ và sung túc”.

Ngài nói với hãng ZENIT thế nào là một “thành phần thiết yếu của phụng vụ mà chúng ta đang tái khám phá và đặc biệt đến với người trẻ tuổi, là những người có một ngôn ngữ gần gũi hơn”.

Đức ông Andreatta nói về “tình trạng thất vọng, trống vắng, cô đơn của con người, trong đó con người thật là quá thất vọng”. Trong bối cảnh như vậy, ngài nói, thánh nhạc là một công cụ và ngôn ngữ để giúp đỡ con người tái khám phá các điểm tham chiếu cho cuộc đời.

Đức ông khẳng định: “Nỗi nhớ mà mỗi người có về nguồn gốc và số phận của mình là nỗi nhớ về Thiên Chúa”.

Ngài tiếp tục nói về tầm quan trọng của các biểu tượng, được xem là một ngôn ngữ nguyên sơ – chẳng hạn các điều như một nụ hôn, một ánh mắt, hoặc một sự ôm chặt. Ngài nhận xét rằng cần phục hồi một ngữ nghĩa học của các dấu hiệu và ngôn ngữ, và đó là nơi những người trẻ có một lợi thế.

Ngài phát biểu: “Giới trẻ có một khả năng bản năng tức thời, bởi vì họ chưa bị hư hỏng hoặc chưa bị ô nhiễm bởi kinh nghiệm cuộc sống, vốn có thể tước mất ý nghĩa của cảm thức ngôn ngữ”.

Đức ông Andreatta nói về thánh nhạc như là một “thành phần thiết yếu của phụng vụ”, ngài nhắc lại thánh nhạc trong Cựu Ước được trình tấu trước Cung Cực Thánh. Theo ngài, đó là biểu hiện sâu sắc của một ngôn ngữ, vốn không phải là của con người mà là của Chúa.

Đức ông phản ánh rằng một điều gì đó của tính thánh thiêng đã bị mất trong phụng vụ hôm nay. Ngài tố cáo các giai điệu tùy hứng, vốn là “hoa trái của thời hiện đại, chứ không phải là của truyền thống sâu xa của Giáo Hội, mà sau hàng ngàn năm đã có một di sản đã phần nào bị lãng phí theo cách ấy”.

Tuy nhiên theo ngài, ĐTC Biển Đức 16 đang dẫn dắt việc phục hồi cho sự phong phú này. Ngài kết luận bằng cách bày tỏ niềm hy vọng rằng “các linh mục trẻ và thế hệ tương lai sẽ xây dựng lại di sản phi thường này”. (Zenit.org 5-4-2011)

Chuyển ngữ: Nguyễn Trọng Đa, 08/04/2011

Phụ lục 2: Thơ Rabindranath Tagore

Khi Ngài truyền lệnh cho con cất lời ca,

trái tim con như vỡ ra vì hãnh diện.

Con ngước nhìn nhan Ngài,

mà lệ trào dâng

Mọi nghịch âm, lạc điệu trong đời con

đều tan hòa thành một hài thanh dịu ngọt.

Và lòng tôn thờ của con rộng dang đôi cánh

như loài chim hân hoan

bay vượt trùng khơi.

Con biết Ngài thích nghe con hát.

Con biết chỉ khi hát lên

con mới đến trước mặt Ngài.

Bằng đầu chiếc cánh dang rộng của bài ca, con chạm đến chân Ngài, là nơi con chẳng bao giờ

dám mong đạt tới.

Mải say sưa hoan lạc hát ca,

con quên cả phận mình,

và gọi Ngài, Chúa của con, là bạn.

Rabindranath Tagore

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 126 (Tháng 9 & 10 năm 2021)

—————-

[1] Ba tài liệu tham khảo chính của bài viết: 1/ Các văn kiện Công đồng Vaticanô II 2/ Edward J. Mc Kenna, The Ministry of Musicians, Liturgical Press, 1983, và 3/ Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, của Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2017

[2] Xem GH số 31, 32, 33, 34, 35 và 36

[3] Rm 12,5-6

[4] HCPV, số 26

[5] x. HDMVTN, các số 10 đến 15

[6] Ban hành ngày 10 tháng 5 năm 2021 tại Rôma, cạnh Đền thờ thánh Gioan Latêranô

[7] Lan Hương, Các Thể Loại Âm nhạc, NXB Văn Hóa Hà Nội, 1981, tr.10

[8] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ Ca dao dân ca Việt Nam, NXB.KHXH, Hà Nội, 1997, trang 21

[9] Quy Luật Thánh Nhạc [QLTN], số 5

[10] Kim Long, Thánh ca trong phụng vụ, trang 13

[11] HCPV, số 112

[12] Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, biên dịch: Lm. Nguyễn Luật Khoa, OFM, nữ tu Phạm Thị Huy, Nxb Tôn giáo, 2007, tr.153

[13] WHĐ, ngày 19 tháng 10 năm 2009, theo Zenit & ESM

[14] Tông huấn Chúa Kitô đang sống, các số 204,214,218,226

[15] Tv 149,1-4

[16] Tv 150

[17] Gđt 16,1-2

[18] Từ điển Công giáo, ủy ban Giáo lý đức tinban Từ vựng Công giáo, từ Thừa tác viên, năm 2016, trang 868

[19] Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (HDMVTN), các số 116 đến 125

[20] HDMVTN, số 48-50

[21] HCPV, số 114

[22] HDMVTN, số 29

[23] x. HDMVTN, Âm nhạc và Cấu trúc Thánh lễ, số 126

[24] x. HDMVTN, các số 29-34

[25] HDMVTN, số 40-43

[26] Quy chế Tổng quát [QCTQ], số 102

[27] X. Verbum Domini, số 68-69; HDMVTN, các số 37-39

[28] x. QCTQ, số 102 ; HDMVTN, các số 44-47

[29] QCTQ, số 33

[30] QCTQ, số 93

[31] x. QCTQ, số 40

[32] Huấn Thị Âm Nhạc [HTÂN], số 8

[33] Trong khi cộng đoàn hát, linh mục nên đứng xa microphone, hoặc, nếu sử dụng micro không dây (cordless microphone), ngài nên tắt đi; xem HDMVTN, các số 19-22

[34] QCTQ, số 95

[35] x. HCPV, số 14

[36] QCTQ, số 95

[37] HCPV, số 30

[38] HDMVTN, các số 25-28

[39] HDMVTN, số 35-36

[40] Học viện TTMVTGP Sài Gòn, thống kê từ 2006 đến 2021: số học viên: 9368, độ tuổi từ 15 đến 35: 4868, số học viên được cấp Chứng nhận Ca trưởng Thánh nhạc: 60. (cập nhật 29-5-2021)

[41] HCPV, số 112

[42] HCPV, số 116

[43] HCPV, số 121

[44] x. Mt 13,52

[45] HDMVTN, số 76-80

[46] Một linh mục nhạc sĩ cảm nghiệm: “Hát hay là cầu nguyện hai lần, nhưng sáng tác hay là cầu nguyện mười lần.”

[47] Nemo dat quod non habet

[48] HDMVTN, số 114 và 115

[49] Phát biểu trong buổi tiếp kiến 400 tham dự viên đang tham gia Hội nghị quốc tế về Thánh nhạc tại Roma, thứ Bảy 04-03-2017…

[50] HCPV, 114

[51] HCPV, 115

[52] Xem thêm các bài khác liên quan đến chủ đề Giới Trẻ & Thánh Nhạc in trong số HIỆP THÔNG này.