Nhà Nước Trung Quốc Xóa Bỏ Các Từ “Thiên Chúa, Thánh Kinh Và Chúa Kitô” Khỏi Các Sách Cho Trẻ Em
Nhà nước Trung Quốc đã ra lênh xóa bỏ các từ “Thiên Chúa”, “Thánh Kinh”, “Đức Kitô” khỏi các sách cho trẻ em tiểu học.
Vào đầu năm nay khi in một cuốn sách cho trẻ em lớp năm tiểu học trong đó có 4 câu chuyện của các nhà văn ngoại quốc và các câu chuyện khác của các nhà văn cổ điển Trung Hoa, nhà in giáo dục đã loại bỏ ba từ nói trên khỏi các bản văn. Mục đích của các câu chuyện này là giúp trẻ em hiểu biết các nền văn hóa khác, nhưng rất tiếc chúng đã bị lèo lái, muốn bóp nghẹt mọi tâm tình tôn giáo trong tâm hồn người dân.
Trong câu chuyện “Cô bé bán diêm” của Hans Christian Andersen, khi bà cô bé đã qua đời hiện ra và nói với cô: “Mỗi khi có một ánh sao rơi là có một linh hồn về bên Chúa”, thì bản văn tiếng Hoa viết: “Mỗi khi có một ánh sao rơi, thì có một người từ giã thế giới này”.
Cả chuyện “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe cũng bị nhà nước vô thần kiểm duyệt. Sau khi bị đắm tàu, Robinson tìm thấy 3 cuốn Thánh Kinh. Bản văn tiếng Hoa viết: “Crusoe đã tìm được vài cuốn sách từ con tàu bị vỡ”.
Trong câu chuyện “Vanka” của Anton Chekhov có kể lại một buổi cầu nguyện trong nhà thờ, nhưng mọi tên “Kitô” đều bị xóa bỏ trong bản dịch tiếng Hoa. Việc kiểm duyệt và loại trừ các yếu tố tôn giáo cũng được triệt để thi hành trong sách vở của các lớp cao hơn.
Trong các trường đại học, cũng có các giáo sư lên án các từ liên quan tới tôn giáo, và tịch thu các sách và tài liệu cổ điển. Trong số này có cuốn “Quận công Montecristo” của Alexandre Dumas, cuốn “Phục sinh” của Lev Tolstoj, cuốn “Nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo v.v…
Tất cả mọi kiểm duyệt nói trên nhằm đáp lại lời của chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi từ năm 2015, theo đó mọi tôn giáo nếu muốn sống thì phải được “Trung Quốc hóa”. (Asia News 1-8-2019)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vatican News