Nhìn Từ Vụ Việc Nhà Thờ Bùi Chu: Những Cơ Hội Cho Giáo Hội Việt Nam
Giáo hội Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung bỗng sục sôi trong những ngày qua xung quanh kế hoạch hạ giải Nhà thờ chính toà Bùi Chu. Trong mối bận lòng với Giáo hội, bản thân tôi vừa có những cảm giác buồn lòng, vừa xen lẫn những niềm an ủi và hy vọng.
Buồn khi đọc những lời bình luận khá khó nghe của những người bực tức với những nhà hữu trách và với Giáo hội nói chung khi ra quyết định hạ giải một di tích lịch sử văn hoá có giá trị. Và càng buồn hơn khi thấy những lời đáp trả của những người ủng hộ việc hạ giải với những lời lẽ cũng khó nghe không kém. Tuy nhiên, tôi lại thấy được an ủi khi hướng về góc nhìn khác của vụ việc, với những biểu hiện rất tích cực mà trước giờ chúng ta ít thấy, như sự quan tâm của công chúng dành cho một công trình của Công Giáo, đặc biệt là hành động của nhóm 20 kiến trúc sư, những người vẫn đang không ngừng nỗ lực hết sức mình vì trách nhiệm với cộng đồng, dù bị gán mác là ‘thương vay khóc mướn’.
Và hôm nay, tôi càng vui hơn khi đọc được thông báo từ giáo phận Bùi Chu, mà tôi trộm nghĩ là hết sức khôn ngoan, rằng sẽ hoãn việc hạ giải nhà thờ lại. Dù chưa biết vụ việc sẽ kết thúc thế nào, nhưng tôi thấy một niềm hy vọng dâng tràn trong lòng. Niềm hy vọng ở đây không chỉ là được thấy nét đẹp trong tinh thần lắng nghe và cầu thị của Đức Cha và các vị hữu trách ở Bùi Chu, mà còn vì nhìn thấy những cơ hội lớn lao dường như đang mở ra cho Giáo hội Việt Nam qua những dấu chỉ từ vụ việc này.
Mục Lục Bài Viết
Cơ hội đối thoại và truyền giáo
Có một thực tế là Giáo hội Công Giáo đã và đang chịu rất nhiều thành kiến, không chỉ từ chính quyền mà còn từ người không Công giáo nói chung, trong đó có những thành kiến rất oan uổng và không đáng có cho Giáo hội, như việc bị gán mác là ‘theo Vatican và luôn chống nhà nước’, thậm chí là ‘chống dân tộc’. Ngay cả công trình Chữ Quốc Ngữ của các thừa sai cũng bị cho là gắn liền với ý đồ chính trị của thực dân.
Có lẽ những thành kiến trên đã dẫn đến một khoảng cách khá lớn giữa hai bên, vốn đang được phân biệt rạch ròi: ‘bên Đạo’ và ‘bên Lương’. Khoảng cách này được thể hiện rất rõ nét từ vụ việc nhà thờ Bùi Chu, nhất là qua các cách lập luận, ‘giọng điệu’ và cách dùng từ ngữ của hai bên.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là chúng ta dường như không có nhiều cơ hội để đối thoại hay thanh minh trước những thành kiến này. Giải trình bằng Giáo lý thì chẳng mấy ai (không Công giáo) quan tâm; còn giải trình bằng các tư liệu, nghiên cứu lịch sử thì chưa có ‘sân chơi’.
Thiết tưởng, chúng ta chỉ có một số điều khả dĩ có thể dựa vào như những phương tiện để tiến hành việc đối thoại khi có thời điểm thích hợp. Những điều đó thuộc về những đóng góp của Giáo hội Công Giáo cho toàn thể xã hội nói chung, như Chữ Quốc Ngữ, các công trình nghệ thuật, các dấu ấn giáo dục,…
Và vụ việc Nhà thờ Bùi Chu đã cho thấy những dấu chỉ rằng đây có thể là thời điểm thích hợp để ta có thể đối thoại với những người không Công giáo. Trước hết, chúng ta đang có cơ hội giải bày những khó khăn lâu nay của mình, nhất là những khó khăn với chính quyền. Quả vậy, đã có một số bài viết phản biện, trong đó nêu rõ những khó khăn về quỹ đất, những thủ tục pháp lý nhiêu khê gây ra cho nhà thờ, vv., mà lâu nay Giáo hội Việt Nam đang phải chịu. Dù những khó khăn này chưa được chính quyền lưu tâm giải quyết ngay, thì chí ít chúng ta cũng được những người không Công giáo thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của mình.
Thứ đến, đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta giới thiệu tinh thần và đóng góp của Giáo hội, qua ví dụ cụ thể là một công trình kiến trúc như thế này. Quả vậy, giả như trong vấn đề nhà thờ Bùi Chu, và các vấn đề tương tự, Giáo hội có thể tổ chức theo những cách thức thu hút được sự quan tâm và tham gia của những thành phần khác trong xã hội, nhất là giới chuyên gia hoặc giới nghiên cứu, thì hẳn sẽ mang lại những cơ hội vô cùng lớn trong việc đối thoại và xoá bỏ dần các thành kiến, đồng thời kiến tạo một tương quan tốt lành hơn giữa ‘lương’ và ‘giáo’.
Việc làm sáng tỏ những nội dung, những hoạt động và tinh thần của giáo hội, xoá bỏ đi những hiểu lầm, những thành kiến không đáng có, tự nó cũng là một cách truyền giáo. Hơn nữa, không chỉ là vấn đề xoá bớt những thành kiến, cách làm đó còn cho thấy tinh thần cộng tác xây dựng và đối thoại của người Công giáo. Đó chính là cách rất hữu hiệu để giới thiệu căn tính Ki-tô giáo trong thế giới hôm nay, như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Ki-tô hữu không phải là những người xây tường ngăn cách, mà là những người bắc các nhịp cầu”.[1]
Cơ hội đào sâu đức tin
Những công trình như nhà thờ Bùi Chu tự nó là một ‘quyển sách’ thiêng liêng sống động; và chúng ta có thể đào sâu đức tin của mình dựa vào những công trình này. Những công trình đó không đơn thuần chỉ là một tài sản văn hoá nghệ thuật hay một di tích lịch sử, mà còn là một chứng tích sống động của đời sống đức tin. Một ngôi nhà thờ hơn một trăm tuổi là cả một ký ức sống đạo, là một ‘trầm tích’ thánh thiêng thấm đẫm những lời ca tiếng hát, những tiếng kinh cầu, những ước nguyện trăn trở, những hy sinh và đóng góp của bao người; nhà thờ cũng là nơi lưu dấu những ân sủng của Thiên Chúa và biểu hiện đức tin của giáo dân qua bao thế hệ.
Vì thế, việc tôn trọng và giữ gìn những công trình đó không chỉ là biểu hiện của lòng quý trọng văn hoá, nghệ thuật và lịch sử; cũng không chỉ dừng lại ở việc tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, mà còn là cách ứng xử với đức tin hiện tại của chúng ta. Đức tin đó không phải tự nhiên mà tới với chúng ta, mà là một đức tin được rao truyền và trao truyền, không chỉ bằng những bản văn giáo lý, mà còn bằng cả những chứng nhân và những chứng tích, trong đó bao gồm những công trình, nếp sống, cung cách cách hành xử, vv.
Do đó, tu sửa một nhà thờ như Bùi Chu có thể trở thành một cơ hội tuyệt vời để chúng ta đào sâu đức tin của mình bằng cách trở về nguồn. Đây đó đã có những bài viết nhắc lại lịch sử, nhắc lại những ý nghĩa và chức năng của ngôi nhà thờ, và những thăng trầm đời sống đạo của các Ki-tô hữu đã gắn liền với nó. Thiết tưởng, nếu chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc định hướng những suy tư và học hỏi như thế, không chỉ giới hạn trên một số trang mạng hay trong một số diễn đàn của giới trí thức, mà phổ biến rộng rãi cho giáo dân, thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn lao. Giáo dân sẽ được làm mới lại và đào sâu vốn liếng đức tin mà mình được lãnh nhận qua sự trao truyền từ cha ông, và sẽ ý thức hơn về trách nhiệm sống đạo của chính mình và cho các thế hệ mai sau.
Cơ hội học cách lắng nghe tìm kiếm ý Chúa
Những cơ hội trên sẽ chỉ là lý thuyết suông nếu chúng ta không nắm lấy cơ hội căn bản này: học cách lắng nghe. Chỉ với một thông báo hoãn lại việc hạ giải nhà thờ, đã có biết bao người – gồm cả những người không Công giáo – cảm thấy mến phục vì tinh thần lắng nghe của Đức cha và các vị hữu trách ở Bùi Chu. Một hành vi lắng nghe đích thật thường mang lại một giá trị rao giảng Tìn Mừng rất lớn lao. Vì thế, thiết tưởng đây là dịp rất tốt để Ki-tô hữu Việt Nam chúng ta suy xét và học hỏi về tinh thần lắng nghe.
‘Lắng nghe’ đòi hỏi một thái độ khiêm tốn và tinh thần đạo đức. Chúng ta có thể học hỏi thái độ này từ chính Thầy của mình là Đức Ki-tô. Ngài luôn để tâm lắng nghe những tâm tư của các môn đệ mình. Không chỉ lắng nghe các môn đệ, Đức Giê-su còn lắng nghe tất cả mọi người khác, từ những thắc mắc của những người có quyền thế như các Pha-ri-siêu, cho tới những lo âu trăn trở của những người bị gạt ra lề xã hội như các bà goá. Ngài lắng nghe vì Ngài yêu mến họ, vì Ngài là Đấng “hiền từ và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Nói cách khác, nền tẳng căn bản của lắng nghe chính là thái độ tôn trọng và yêu mến tha nhân, bất kể họ là ai.
Lắng nghe cũng là một cách tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa qua các đối thoại và các dấu chỉ thời đại. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong mọi hoàn cảnh. Dù một sự việc có thể chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, nhưng ta vẫn luôn có thể tìm thấy những ‘cánh cửa mở’ mang lại khả năng đối thoại và xây dựng, nếu chúng ta thực sự biết lắng nghe, cầu nguyện và tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa, như nhận định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Luôn có những cánh cửa không đóng. Hãy tìm ra những cánh cửa dù chỉ hé hé mở, hãy bước vào đó và nói về những điểm chung và từng bước tiến về phía trước.”[2]
Vì vậy, ước gì trong lúc cùng cầu nguyện cho vụ việc liên quan đến nhà thờ Bùi Chu được giải quyết một cách tốt đẹp, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cho Giáo hội Việt Nam để có thể nắm lấy những cơ hội đang mở ra hầu làm vinh danh Thiên Chúa hơn và mưu ích cho con người hơn. Đó cũng là cách sống Mùa Phục Sinh rất thiết thực, với tinh thần để cho niềm vui Phục Sinh nơi mỗi người được chiếu toả trào tràn ra bên ngoài theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
———————-
[1] <https://www.americamagazine.org/faith/2019/03/31/pope-francis-build-bridges-not-walls>. Cập nhật ngày 09/05/2019.
[2] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Fatima về Rome, ngày 14/05/2017. Xem tại: <http://www.catholicherald.co.uk/news/2017/05/14/pope-francis-i-personally-doubt-authenticity-of-medjugorje/>. Cập nhật ngày 09/05/2019.
Khắc Bá, SJ – tình nguyện viên Vatican News
Nguồn: Vatican News
[irp posts=”22921″ name=”TGMBC Hoãn Việc Hạ Giải Nhà Thờ Chính Toà”]