Những Chiến Sĩ Của Các Bí Tích


NHỮNG CHIẾN SĨ CỦA CÁC BÍ TÍCH

Peter Jesserer Smith (*)
Phêrô Phạm Văn Trung dịch từ ncregister.com

Trong đôi mắt ngơ ngác của người đàn ông sắp chết, vị linh mục nhìn thấy nỗi kinh hoàng bị bỏ rơi. Điều lẽ ra là một cuộc chia tay nhẹ nhàng khỏi cuộc sống này trong phòng riêng của mình với những người thân yêu ở bên cạnh đã biến thành một cảnh quan không như thực tế: Những người thân yêu đứng xa, cùng với đội nhóm nhà tế bần và linh mục, tất cả được bọc kín trong PPE (trang thiết bị bảo vệ cá nhân).

Một linh mục (chính giữa) đi qua Đơn vị Chăm sóc Chuyên sâu và chuẩn bị ban phép lành cho bệnh nhân và cho họ rước lễ vào Lễ Phục sinh ngày 12 tháng 4 tại Bệnh viện Sant’Orsola ở Bologna, Ý. Trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, các linh mục mặc đồ bảo hộ để xức dầu cho người bệnh giữa đại dịch. Hình ảnh Max Cavallari / Getty

Cha Daniel O’Mullane nói với tờ báo Register, “ Ông ấy sẽ chết cùng với COVID, nhưng không phải vì COVID. Một căn bệnh nan y khác đang cướp đi mạng sống của người đàn ông. Cơn mưa trút xuống bên ngoài, và, trong nhà, đôi mắt đau khổ xuyên qua trái tim của vị linh mục Công giáo New Jersey, đứng đó, mặc đồ kín mít, đeo kính và găng tay bảo hộ. Người đàn ông hấp hối cần một cái đụng chạm cuối cùng của con người trước khi rời khỏi thế giới này; thay vào đó, ông ta dường như bị bao vây bởi những người ngoài hành tinh đeo mặt nạ đến từ hành tinh khác. Vì vậy, vị linh mục chấp nhận một sự mạo hiểm cá nhân đã cân nhắc.

Ông tuột găng tay và bắt đầu thực hiện các nghi thức cuối cùng. Ông nói chậm rãi và rõ ràng; tuy nhiên, nghi thức đặt tay không nói nên lời này lại là nghi thức có tiếng nói lớn nhất.

“Ngay cả trong nghi thức ngắn ngủi đó, có một điều gì đó có lẽ sâu sắc hơn về sự tĩnh lặng”, ông nói, không chỉ cho người được xức dầu mà cho tất cả những người trong phòng. “Tất nhiên, những lời nói đi cùng với việc xức dầu trên trán và đôi bàn tay rất quyền năng, nhưng sự im lặng mới thực sự tập trung mọi người vào tác động. Vị linh mục xức dầu vào đầu người đàn ông, làm dấu Thánh giá bằng ngón tay cái. Ông có một cảm giác dè chừng thoáng qua khi y tá không mang nước rửa khử trùng ra để rửa tay khi kết thúc nghi thức. Vì thế, ông lấy đại một chai nước rửa tay, trao đổi với các thành viên gia đình của người đàn ông đang hấp hối, sau đó rời khỏi nhà để hoàn thành việc vệ sinh và cởi đồ bảo hộ.

Khi trở lại xe, ông chỉ ngồi đó để thở và suy nghĩ.

Ông nói, “đây là một vụ xức dầu mà tôi sẽ nhớ nhất”. Đó là khoảnh khắc khiến ông nghĩ về Chúa Kitô và những người phong cùi, là những người không ai được chạm tới vào thời đó, và vai trò của vị linh mục trong việc chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân COVID, những người không ai được chạm tới của ngày hôm nay – ông cảm thấy cách sâu sắc sự căng kéo giữa việc chăm sóc mục vụ như Chúa Kitô và yêu cầu của xã hội đối với việc giãn cách xã hội, trong cả hai tình huống.

Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã khiến cả thế giới bế tắc. Nhưng trên khắp thế giới, Giáo hội Công giáo đang chứng kiến những lực lượng các linh mục ​​trẻ, khỏe mạnh được đào tạo, mặc trang phục PPE, mau chóng đến an ủi và xức dầu thánh cho những người bệnh và thực hiện những nghi thức cuối cùng cho người đang hấp hối trong nhà, nơi bệnh viện và cơ sở dưỡng lão .

Trách nhiệm đối với các nghi thức cuối cùng trong đại dịch COVID-19 rơi thẳng vào thế hệ linh mục trẻ, họ không sống với các linh mục lớn tuổi có nguy cơ cao bị tàn phá bởi căn bệnh này. Chẳng hạn, các linh mục như Cha O’Mullane, từ Giáo phận Paterson, bị cách ly không được tiếp xúc với các linh mục lớn tuổi. Tuổi trung bình của một linh mục Công giáo ở Mỹ là 70 tuổi.

Tất cả đều phải đề phòng. Cha O’Mullane lưu ý rằng ngài chấp nhận rủi ro cá nhân: Nếu đang khi xức dầu mà có chỗ nào bàn tay lộ ra, ngài sẽ rửa chúng trong nước rửa pha cồn để khử trùng vùng da khỏi dính phải coronavirus. Các linh mục khác áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ hơn, nhưng nhiệm vụ của họ là như nhau – làm cho mọi người biết Chúa Kitô và Giáo hội đang ở cùng với họ.

Đội xuất kích của tổng giáo phận

Đại dịch COVID-19 đã làm choáng váng Giáo hội toàn cầu, nơi không phải đối phó với đại dịch toàn cầu kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, lần đầu tiên tấn công Hoa Kỳ tại Kansas. “Làm thế nào để ban các bí tích trong thời gian dịch bệnh” chưa được coi là một khóa học bắt buộc trong chủng viện tính đến nay.

Nhưng các dự thảo đào tạo mới cho các linh mục đang được phát triển nhanh chóng.

Học Viện Tô-ma, có cơ sở bên ngoài ngôi nhà dành cho nghiên cứu của dòng Đa-minh tại Washington, DC, đã đưa ra các dự thảo mới để trông nom các bí tích một cách an toàn và hiệu quả, các dự thảo này được phát triển với cách tiếp cận học thuật liên ngành kết hợp các chuyên gia về y học, khoa học, chăm sóc mục vụ và thần học Công giáo. Học Viện Tô-ma đã công bố các bản hướng dẫn về việc xưng tội và về việc bắt đầu lại Thánh lễ cộng đoàn, và các hướng dẫn mới về xức dầu bệnh nhân sẽ sớm được ban bố.

Cha Legic Legge dòng Đa-minh, giám đốc Học Viện Tô-ma, nói với Register, “Nhóm của chúng tôi được linh hoạt bởi một mong muốn rất mạnh mẽ là tìm cách mang các bí tích đến với mọi người”.

Ngài giải thích rằng việc xức dầu bệnh nhân là một thách thức, vì xã hội hiện nay đang yêu cầu giãn cách.

Cha nói, “Bạn không thể ban bí tích xức dầu bệnh nhân từ cách đó 2 mét. Phải là xức dầu thực sự có dầu”. Tuy nhiên, các dòng chữ đỏ của nghi lễ cho phép linh mục sử dụng một dụng cụ, chẳng hạn như miếng gạc bông hoặc tăm bông nhúng trong dầu thánh, để xức dầu. Mục tiêu là để hạn chế các điểm tiếp xúc có thể lây nhiễm cho linh mục hoặc những người khác.

Cha Legge cho biết Học Viện Tô-ma sẽ có nhiều hướng dẫn sắp tới, chẳng hạn như ban bí tích rửa tội và cho người bệnh rước lễ. Cho đến nay các phản hồi từ các giám mục, linh mục và giáo dân là ủng hộ.

“Tôi cảm thấy được an ủi nhiều khi nghe nói như thế”, cha nói. Theo Đức Giám mục phụ tá Richard Umbers, trong cuộc chiến tâm linh chống lại COVID-19 các linh mục trong Tổng giáo phận Sydney có tinh thần làm việc cao. Giáo hội đã hoạt động theo nhiều cách khác nhau trong bối cảnh khủng hoảng, và một triệu người Úc đã bật máy theo dõi trực tiếp các buổi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh tại Nhà thờ Thánh Maria ở Sydney. Khi nói đến các nghi thức cuối cùng, Đức cha Umbers nói với Register rằng tổng giáo phận được chúc phúc vì có rất nhiều linh mục trẻ, và các linh mục trẻ sẵn sàng và sẵn lòng bước lên để đem Mình Thánh và xức dầu cho những người Công giáo bị bệnh và chết trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc, đặc biệt là vì COVID-19.

Đức Giám mục Umbers và các linh mục từ mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận đã trải qua khóa đào tạo tại Bệnh viện Thánh Vinh-sơn ở Sydney. Quá trình đào tạo rất nghiêm ngặt và bệnh viện yêu cầu mỗi linh mục không chỉ được đào tạo phù hợp mà còn có tất cả các loại vắc-xin cần thiết cho công việc của bệnh viện. Công việc chính của giám mục trong giai đoạn này là giám sát việc thiết lập các đội nhóm, nhưng một khi mọi thứ đã ổn định (gồm cả các nhận xét của Giám mục), Ngài lên kế hoạch đưa mọi thứ vào guồng.

Đức Giám mục Umbers cho biết các linh mục đang được đào tạo để ra đi theo cặp. Bởi vì virus có thể gây ra thiệt hại như vậy trong bệnh viện, mọi thứ đều phải có sẵn để dùng.

‘Bất cứ thứ gì bạn mang theo mình, bạn phải bỏ lại phía sau”, Đức Giám mục nói.

Đem viaticum (ND: của ăn đàng) cho bệnh nhân COVID-19 là việc đặc biệt khó khăn. Thách thức là thực hiện điều này với “tình yêu và sự tôn kính”, Ngài nói, nhưng các linh mục đã tìm ra cách, đó là trao Mình Thánh từ bình đựng ở bên ngoài phòng cách ly vào tay vị linh mục được bọc trong PPE, sau đó linh mục mới vào phòng bệnh và trực tiếp trao Chúa Giê-su cho bệnh nhân.

“Bạn phải đặc biệt cẩn thận với Chúa chúng ta”, Ngài nói.

Nhưng Đức Giám mục Umbers cho biết bây giờ “tinh thần thì cao hơn” trong các linh mục tổng giáo phận vì một số vị đã có thể làm điều này. Và các linh mục giữ cho mối liên lạc giữa các giám mục và linh mục được mạnh mẽ. Các linh mục đọc Giờ Kinh Phụng vụ trên Zoom, và các giám mục đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc thảo luận công nghị qua chương trình hội nghị bằng điện thoại.

“Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều tập chú vào khía cạnh trao đổi mọi tin tức”, Đức Giám mục nói. “Mọi người đang bận rộn”.

Đội xuất kích của tổng giáo phận

Tại Hoa Kỳ, các tổng giáo phận cũng đã đi đầu bằng cách tạo ra những đội được gọi là các nhóm linh mục xuất kích để bắt đầu ban các bí tích cho các bệnh nhân COVID-19 còn bệnh hoặc sắp chết.

Ví dụ, Tổng giáo phận Chicago và Boston, làm việc với các bệnh viện, đã phát triển các kế hoạch và đào tạo các linh mục để lo liệu cho sự chăm sóc tinh thần quan trọng này.

Tổng giáo phận Chicago đã tập hợp các đội gồm 24 linh mục, trải khắp lãnh thổ tổng giáo phận, được các bệnh viện địa phương đào tạo để ban phát các bí tích cho người bệnh trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vì COVID-19.

Đức Hồng Y Blase Cupich ở Chicago yêu cầu các linh mục tình nguyện viên dưới 60 tuổi và không mắc bệnh mãn tính tiến bước. Cha Matthew O’Dellell, cha sở Nhà thờ Thánh Columbia ở Phía Nam Chicago, đã chú ý đến lời kêu gọi này.

Cha nói với Register rằng sự hiện diện của linh mục là một sự an ủi đối với không chỉ những người bệnh và người sắp chết, mà cả gia đình của họ.

Cha sở nói rằng ngài nhận được một cuộc gọi nói một bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện đang ở trước cửa tử thần. Nhưng khi đến nơi, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngồi dậy và lanh lợi. Họ nói chuyện và cầu nguyện cùng nhau. Linh mục đã ban bí tích. Một tuần sau, bệnh nhân đột ngột suy kiệt và qua đời.

“Tôi nghĩ rằng đó là một phước lành cho gia đình đó”, ngài nói khi theo dõi họ sau khi bệnh nhân qua đời. “Chính Chúa Kitô làm việc thông qua bí tích đó”.

Có lẽ một suy nghĩ duy nhất còn làm cho ngài day dứt là “hiện tại có rất nhiều người không thể có ai ở bên khi họ sắp chết”.

“Đây là một điều tôi có thể làm được”, cha nói.

Dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Seán O’Malley, Tổng Giáo Phận Boston đã đào tạo 30 linh mục để làm công việc mục vụ chuyên biệt cho các bệnh nhân COVID-19, và hơn một chục linh mục tình nguyện làm công việc hỗ trợ.

Tổng giáo phận đã tổ chức một buổi đào tạo cho 80 linh mục về các thủ tục mới. Các linh mục tình nguyện viên được sắp xếp xem họ sẽ làm việc trong một nhóm tại bệnh viện hay đóng vai trò dự phòng hoặc trong vai trò hỗ trợ bằng cách cung cấp một nơi còn trống chỗ cho các nhóm linh mục COVID-19 sống, cũng như cung cấp cho họ thức ăn và chạy việc lặt vặt để họ có thể làm công việc mục vụ chuyên biệt.

Các quy trình nghiêm ngặt được tổng giáo phận phát triển nhằm trấn an các đội ngũ y tế rằng những linh mục này sẽ không gây nhiễm chéo cho nhân viên hoặc bệnh nhân.

“Chúa Kitô không thể bị phong tỏa”

Các chủng sinh được dạy rằng các linh mục hành động in persona Christi, “trong chính con người của Chúa Kitô” [1].

Đối với Cha Thomas Macdonald, phó giám đốc Chủng viện Thánh Gioan của Tổng giáo phận Boston, bài học không chỉ là lý thuyết trên lớp. Mặc áo PPE, đứng ngoài cửa phòng bệnh nhân COVID-19, anh đọc những lời nghi thức xức dầu qua loa phát thanh, nhưng đó là những lời của Chúa Kitô được mang vào phòng. Sau đó, anh bước vào phòng, xức dầu thánh bằng miếng gạc bông và trở về – nhưng đó là Chúa Kitô, người đi qua cánh cửa bị khóa và vẫn còn ở lại đó.

Ngài nói với Register, “Chúa Kitô không thể bị khóa nhốt bên ngoài trong thời gian thử thách này”. Đó là một bài học mà ngài muốn các linh mục tương lai từ Chủng viện Thánh Gioan phải nhớ.

Ngài nói, sứ vụ của linh mục không chỉ cho bệnh nhân và gia đình của họ, mà cả cho nhân viên y tế thấy Chúa Kitô, vị bác sĩ thần thánh, đang ở giữa họ như thế nào. Vị linh mục kể rằng một trong những đồng đội COVID-19 của mình sau một cuộc xức dầu đã hướng dẫn khoảng 25 người cầu nguyện trong một vòng tròn lớn.

Trong các bức tường của các bệnh viện và viện dưỡng lão, người ta thừa nhận cần có “một sức lực mạnh mẽ hơn và Chúa Kitô cần thiết cho điều đó”.

Cha nói, “Người ta nhận ra rằng chăm sóc mục vụ cho thân thể là không đủ”.

Rất nhiều kỳ vọng mà ngài có trong tư cách là một linh mục đã bị thách thức, nhưng trên hết, khả năng chăm lo ban phát các bí tích trong khi bùng phát COVID-19 đã mời gọi ngài tiến “sâu hơn vào chức tư tế tối cao của Chúa Kitô”.

Cha nói, “Chúng tôi sẽ làm điều đó chừng nào chúng tôi còn khỏe mạnh, và khi có người cần đến”.

“Đây đúng là những gì các linh mục cần làm”.

(*) Peter Jesserer Smith là một nhà văn ban biên tập Register.

 [1] Còn gọi là “đại diện Chúa Ki-tô”

Nguồn: simonhoadalat.com