Những Điểm Quan Trọng Về “Bảo Vệ Môi Trường” Trong Giáo Huấn Của Giáo Hội Công Giáo


NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG VỀ “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG” TRONG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

(Tóm lược Chương X: Bảo Vệ Môi Trường trong cuốn “Học thuyết xã hội của Hội Thánh”)

  1. Kinh Thánh nói gì về mối tương quan giữa thiên nhiên và con người?

Công trình sáng tạo luôn là đối tượng được Dân Chúa (Israel) ca ngợi (452), vì họ nhận ra thiên nhiên không chỉ là ân huệ Chúa ban, mà còn là yếu tố cấu thành nên lịch sử của con người, nhằm làm nổi bật mối tương quan sâu đậm giữa Thiên Chúa và con người (451).

Hơn thế, Kinh Thánh còn nhắc cho Dân Chúa ý thức rằng thiên nhiên không hề bị gạt ra trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân của Người (453, 454). Nói cách khác, “tội” đã làm tổn thương mọi loại thụ tạo (mối tương quan giữa thiên nhiên và con người mất cân bằng – 455), nên con người cùng với thiên nhiên đều sẽ được tham gia vào cuộc canh tân xuất phát từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô (454, 455).

  1. Tiến bộ khoa học và kỹ thuật giúp con người thực hiện trách nhiệm phát triển thiên nhiên thế nào?

Con người được “chia sẻ” ánh sáng trí khôn của Thiên Chúa nên có khả năng cải thiện hoàn cảnh sống của mình (456). Nói rõ hơn, những thành quả của khoa học công nghệ tự chúng chính là những dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đang ban ơn để con người khai triển kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa (457). Tuy nhiên, cần lưu ý ba điều này khi tiến hành áp dụng khoa học công nghệ để phát triển thiên nhiên:

Cần tiến hành một cách thận trọng và chọn lọc dựa trên các nguyên tắc luân lý để nhắm đến việc giải quyết vấn đề đói nghèo và bệnh tật (458).

Phải luôn tôn trọng con người và các sinh vật khác (459).

Con người chỉ được phép “triển khai / phát triển” thiên nhiên chứ không được “phản bội”: con người không được tuỳ tiện sử dụng và bắt trái đất phục tùng ý muốn của mình một cách không giới hạn, như thể thiên nhiên (khi được Thiên Chúa tạo dựng) lại không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu riêng được ban cho chúng (460).

  1. Càng lúc, sự khủng hoảng giữa thiên nhiên và con người lại càng trở nên trầm trọng. Đâu là nguyên nhân chính?

Con người, với tham vọng muốn thống trị trên sự vật một cách vô điều kiện và không chú ý tới bất kỳ đòi hỏi nào về mặt luân lý, đã hình thành khuynh hướng khai thác cách “bệnh hoạn” các tài nguyên thiên nhiên (461). Đó là quan niệm giản lược sai lầm của nhân loại: nhìn thế giới tự nhiên theo lăng kính máy móc và nhìn sự phát triển theo lăng kính của chủ nghĩa tiêu thụ. Người ta dành ưu tiên cho hành động và sở hữu hơn là cho hiện hữu (462).

Đồng thời, cũng tồn tại một thực trạng theo chiều hướng ngược lại theo hướng tiêu cực, vốn xuất phát từ chủ nghĩa độc tôn sinh thái và độc tôn sinh học, khiến thiên nhiên “được” thần thánh hoá và con người bị tước mất trách nhiệm cao cả là coi sóc thiên nhiên (463).

Nguyên nhân sâu xa của cả hai vấn nạn trên là do con người tuy có quan tâm đến bản thân và sự vật nhưng lại không tham chiếu tới sự siêu việt. Cách nhìn sai lầm này đã khiến phần đông nhân loại chối bỏ khái niệm sáng tạo và dẫn tới quan niệm gán cho con người và thiên nhiên một sự hiện hữu hoàn toàn độc lập (464).

Con người cần hướng về thiên nhiên bằng nhãn quan của các tôn giáo lớn. Văn hoá Kitô giáo là một đơn cử, khi luôn nhìn nhận các thụ tạo chung quanh con người chính là những ân huệ Chúa ban để con người nuôi dưỡng và bảo vệ như một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá. Càng lúc, Huấn quyền càng nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người dựa trên nền tảng của thái độ tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như tôn trọng quyền lợi của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau (464, 465).

  1. Giải quyết sự khủng hoảng môi trường đã và đang là trách nhiệm chung cấp bách của nhân loại. Tiến trình giải quyết khủng hoảng đó phải được dựa trên những yếu tố nền tảng nào?

Chăm sóc môi trường là nghĩa vụ chung và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người, mọi thế hệ (hiện tại lẫn tương lai – 467), bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên – hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình (466).

Nghĩa vụ này phải được diễn tả cụ thể và thích đáng trên bình diện pháp lý, bao gồm những biện pháp ngăn ngừa và chế tài những cá nhân và tập thể gây ô nhiễm và huỷ hoại môi trường. Đồng thời, cùng với những biện pháp ấy, cần phải tăng cường ý thức trách nhiệm cũng như phải thay đổi cách suy nghĩ và lối sống một cách hữu hiệu (468).

Các chính quyền, khi được yêu cầu đưa ra những quyết định có liên quan tới sức khoẻ và những rủi ro của môi trường, phải đưa ra những sự đánh giá dựa trên “nguyên tắc dự phòng”, tức là không áp dụng các luật lệ mà chỉ đưa ra những đường hướng nhằm giải quyết tình huống không chắc chắn ấy (469).

Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới “nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên”, vì các tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được.

Mọi hoạt động kinh tế có sử dụng tài nguyên thiên nhiên đều phải quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và phải dự kiến những phí tổn kèm theo và được không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình.

Cần phải dành sự chú ý đặc biệt cho các vấn đề phức tạp liên quan đến các nguồn năng lượng (470).

Khi quyết định khai thác tài nguyên thiên nhiên ở bất kỳ nơi nào, phải luôn cân nhắc mối quan hệ của những dân bản địa với đất đai của họ (471).

  1. Khi đã ý thức về trách nhiệm chăm sóc và phát triển thiên nhiên, con người cần sử dụng “công nghệ sinh học” dựa trên những tiêu chí nào?

Quan điểm Kitô giáo về thụ tạo đưa ra một phán đoán tích cực về khả năng chấp nhận việc con người can thiệp vào thiên nhiên, vốn cũng bao gồm các sinh vật khác, đồng thời kêu gọi mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm (473). Lý do là những khả năng mới do các kỹ thuật sinh học và sinh học di truyền hiện hành mang lại vừa đem lại hy vọng và phấn khởi, vừa gây ra sự cảnh giác và thù nghịch (472).

Công nghệ sinh học hiện đại đều có ảnh hưởng mạnh mẽ trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị, ở cấp quốc gia và quốc tế. Người ta cần phải đánh giá chúng theo những tiêu chuẩn đạo đức, nhất là phải xét đến các tiêu chuẩn của công lý và liên đới (474).

Trong tinh thần liên đới quốc tế, cần đẩy mạnh sự trao đổi kiến thức công nghệ và khoa học, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Đồng thời, các nước đang phát triển (đặc biệt các nhà lãnh đạo chính trị của các nước ấy) phải gánh lấy trách nhiệm để xúc tiến các chính sách thương mại có lợi cho người dân của họ trong lĩnh vực lương thực và sức khoẻ (475, 476).

Trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, các khoa học gia, kỹ thuật gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà chính trị, lập pháp và quản lý hành chính, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực thông tin được mời gọi cống hiến khả năng của họ nhằm đem lại cho nhân loại và dân tộc của mình một đời sống no đủ và thái hoà, dựa trên công lý và tình liên đới (477, 478, 479, 480).

  1. Cần nhấn mạnh điều gì khi đề cập đến môi trường và sự nghèo đói (hay nói cách khác, là vấn đề “chia sẻ của cải”)?

Khủng hoảng môi trường và sự nghèo đói là những vấn đề có liên quan đến cả một tổng thể các nguyên nhân phức tạp và bi đát (482). Chúng ta có thể giải quyết khủng hoảng ấy dựa vào nguyên tắc mà giáo huấn xã hội Công giáo nhắc đã chỉ ra: của cải trên trái đất là do Thiên Chúa tạo thành để mọi người sử dụng cách khôn ngoan. Chúng phải được chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái (481). Đó chính là định hướng văn hoá và luân lý căn bản dựa trên phẩm giá con người (483).

Cần nhấn mạnh rằng nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải cũng được áp dụng cách tự nhiên cho vấn đề nước: nước không thể được xem như là hàng hoá của con người. Quyền có nước uống an toàn là quyền của mọi người trên thế giới và là quyền không thể chuyển nhượng (484, 485).

  1. Cuộc khủng hoảng giữa thiên nhiên và con người đã khiến nảy sinh những cách sống “mới”. Đặc điểm của những cách sống “mới” ấy là gì?

Lối sống “mới” này dựa trên việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác. Cụ thể, lối sống ấy sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ ở cấp cá nhân lẫn cấp xã hội.

Nói rõ hơn, khi quyết định bước vào lối sống “mới” này, con người sẽ nhận thức lại sự lệ thuộc lẫn nhau giữa mọi người trên trái đất. Chính lối sống “mới” ấy sẽ góp phần loại bỏ nhiều nguyên nhân gây ra các thảm hoạ sinh thái cũng như bảo đảm khả năng đáp ứng nhanh chóng khi có những thảm hoạ ấy xảy ra cho các dân tộc và nhân loại.

Sâu xa hơn, cuộc khủng hoảng giữa thiên nhiên và con người có nguồn gốc từ việc con người chối bỏ vị trí thụ tạo của mình; đồng nghĩa với việc từ khước Thiên Chúa sáng tạo. Chính vì vậy, những cách sống “mới” hiện nay của nhiều người, thật ra, không hề mới. Đó là cách thụ tạo quay trở lại mối tương quan vốn có với Đấng Tạo Thành bằng thái độ biết ơn và quý trọng. Nhờ đó, thiên nhiên sẽ không bị tước mất ý nghĩa sâu xa của nó và sẽ không trở nên nghèo nàn như hiện nay.

Lm. Đaminh Lê Đức Thiện, O.P.

Nguồn: Website của Ủy ban Công lý và Hòa bình / HĐGMVN, ubclhb.com