Những Ngôi Trường Việt Kiều
7g00 sáng. Trời mùa đông đất Pháp vẫn còn lem nhem tối. Cô cùng chồng chạy ô-tô đến ga tàu điện để kịp giờ làm ở Paris. Mỗi ngày, cô di chuyển chừng 150km bằng ô-tô, tàu, metro. Vào những ngày đông, có khi tuyết phủ trắng đường, cô đi bộ đến nhà ga để bắt tàu.
Cô, Christine Hà Thiên Kim, một trong 300 nghìn người có dòng máu Việt mang quốc tịch Pháp. Sinh ra và lớn lên tại Paris, cô chỉ biết đến đất Việt khi sang tuổi 40. Đó là cuộc trở về chạm lòng của cô với những dự án học bổng cho trẻ em Châu Á. Từ đó, cô bén duyên với đất giáo phận quan họ Bắc Ninh và lãnh nhận Bí tích Rửa tội khi ở tuổi 51 do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt cử hành.
Kiếm gạch xây trường
Cái duyên của cô bén sang tôi khi bắt đầu đặt chân lên Pháp để tìm kiếm sự học. Cô trở thành một mái nhà Việt để tôi dừng chân về tìm vị quê hương.
Có lần, tôi nghe lỏm về những lo lắng của cô về nhà ở của con gái đang học đại học, về cậu con trai út. Và giống như hàng triệu người đang học tập, sinh sống tại Pháp, những nỗi lo âu về việc làm, cuộc sống dán chi chít trong lịch trình hàng ngày. Đâu có đơn giản giải quyết như một dòng trạng thái trên Facebook, tối nay ăn gì?
Cô nói với tôi, cô sẽ bắt đầu chương trình gây quỹ cho trường học tại giáo xứ Phú Cường, thuộc giáo phận Bắc Ninh. Phú Cường nằm ở đất chè Thái Nguyên, cách Tòa Giám mục 120km về phía Tây Bắc.
“Cô tính sẽ làm thế nào?”, tôi trầm ngâm nhìn vào cô với cuộc sống tất bật hàng ngày.
“Ban đầu, cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thế ngỏ lời mà cô không nhận tài trợ dự án này. Vì đối với cô, nó quá lớn, quá to và phức tạp. Nhưng rồi, cha không tìm được ai có thể giúp cha về dự án. Cha ngỏ ý cô lần nữa. Và… cô chấp nhận nhưng chưa biết sẽ làm sao?”. Nhưng cứ nhận đã rồi Chúa sẽ dẫn lối, cô vẫn hay làm thế!
Tháng 7 năm ngoái, nhà xứ Phú Cường có xây một nhà lợp mái lá để trẻ em trong xứ có thể đến theo học và sinh hoạt giáo lý. Nhưng căn nhà tạm bợ chỉ qua trận bão là đã “lạc trôi” theo gió. Đến tháng 9, cô về Việt Nam để xem xét tình hình thực tế tại đây. Cô băn khoăn nhiều trong lòng: “Không có trường học có nghĩa là không có tương lai. Và xây trường cũng chính là xây tương lai cho các em”.
“Xây thế nào đây?”. Đó là câu hỏi của cô đem theo sau chuyến đi từ Việt Nam trở về Pháp. Rồi, câu hỏi đó lặp lại trên bàn ăn gia đình mỗi dịp mấy người con từ Paris về. Và, cô có cả gia đình giúp sức.
“Chúng ta sẽ làm một chương trình gây quỹ!”, cô nói bằng tiếng Việt rõ mười mươi. Ban đầu, cô đem những đồ kỷ niệm mà mình mua tại Việt Nam để gây nhóm quỹ nhỏ. Và chương trình kiếm gạch ngói, xi măng chính là ở Gala vào ngày 10 tháng 6 tới.
Mille, cô con gái của cô sẽ giúp về gian hàng triển lãm. Không chỉ để bán hàng, cô còn muốn mọi người tìm hiểu thêm về Giáo hội Việt Nam và đặc biệt là Giáo phận Bắc Ninh. Con Baptise Khôi sẽ đảm nhiệm âm thanh ánh sáng cho chương trình văn nghệ với sự góp mặt của ca sĩ Việt Nam hải ngoại. Và một đội ngũ nhà xứ Việt Nam Paris cùng đầu bếp Việt Jona sẽ làm “dậy mùi thơm” trong ngày gây quỹ. “Đó là những kế hoạch, chương trình mà cô, chồng và các con bàn bạc từ nhiều ngày. Nhưng còn liên hệ khách, mời ca sĩ, bán vé… Thực sự vất vả!”, cô nói khiến tôi nghĩ đến chứng đau tấy vai mỗi ngày của cô.
“Ở Việt Nam đã có đất để xây trường rồi. Giờ thiếu gạch nữa thôi!”, cô hào hứng nói!
San sẻ may mắn
Những ngày còn nhỏ, tôi nghe đến từ Pháp với nhiều chương trình thiện nguyện tại làng quê mình. Đó là số tiền của bố mẹ đỡ đầu người Pháp đều đặn hàng tháng, những nhóm Việt kiều người Pháp giúp xây nhà thờ…
Ở Pháp hả? Hẳn là họ giàu có lắm! Tôi đã nghĩ như thế và trong đầu hình dung ra cảnh ngồi tắm nắng, nghe La vie en rose bằng đĩa than và uống rượu vang. Nhưng, cuộc sống dù ở Pháp cũng không hồng như Edith Piaf hát. Nếu có, đó là những sự san sẻ những gì may mắn mình có.
Tôi nghĩ rằng, hàng ngày trôi qua, vẫn có những con người nhận ra sự may mắn phần hơn của mình. Để rồi dùng những điều đó để sẻ san cho những mảnh đời khác.
Và có những ngôi trường Việt kiều sinh ra từ việc tìm cách san sẻ như vậy.
An Duyên – tình nguyện viên Vatican News
Nguồn: Vatican News