Những Thách Đố Của Lời Khấn Vâng Phục
Đời sống thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa ban, và việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm làm cho người tu sĩ ngày một lớn lên trong tình yêu, được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và ước mong thuộc về Ngài cách trọn vẹn. Dẫu rằng cả ba lời khuyên Phúc âm đều nhằm mục đích để làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn, nhưng theo Thánh Tôma, trong ba lời khấn thì ngài coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất” (maximumest), bởi qua lời khấn vâng phục, người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống.
Nhưng trong thời đại ngày nay, một thời đại đang đề cao quyền tự do, chủ nghĩa cá nhân, quý chuộng vật chất, thì dường như việc tuân giữ lời khấn vâng phục đang là một khó khăn thử thách cho người tu sĩ. Vậy đâu là những thách đố của người tu sĩ trong lời khấn vâng phục và phương thế nào giúp người tu sĩ sống vâng phục?
1.Thách đố hôm nay
a.Đề cao nhân quyền
Đọc bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng và xã hội phải tôn trọng. Những quyền căn bản đó cần được tôn trọng và bảo vệ vì đó là những giá trị nhân bản. Đối với người tu sĩ, khi chọn sống các lời khuyên phúc âm không làm giảm thiểu đi những giá trị nhân bản chân chính nhưng trái lại, làm thăng tiến chúng. Người tu sĩ đi tìm sự thánh thiện cho bản thân, họ cũng mong muốn “trị liệu thiêng liêng” cho nhân loại, bởi vì họ khước từ tôn thờ các loài thọ tạo và một cách nào đó họ làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình hơn (x. ĐSTH, số 87). Lời khấn vâng phục không phải khước từ đi tất cả quyền của con người, nhưng mặc cho nó một giá trị đúng mức, làm phong phú hóa đời sống xã hội con người.
b.Đề cao chủ nghĩa cá nhân
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra vấn nạn như một thách đố của các tu sĩ đối với lời khấn vâng phục của thời hiện đại như sau: “Đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc” (ĐSTH, số 91). Sự thấm nhiễm vào các trào lưu của xã hội làm cho người tu sĩ cũng muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng, theo chủ nghĩa cá nhân của mình, thế nhưng họ không nhận ra đó là một sai lầm, một “lỗ hổng” rất lớn trong đời sống của mình. Cũng có những tu sĩ chỉ thích co cụm bản thân, chỉ biết sống cho mình mà quên đi những mối tương quan với người khác, đồng nghĩa với việc quá đề cao cái TÔI của mình.
Như lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng” (ĐHV 392). Muốn được như thế, là người tu sĩ, chúng ta phải chịu chôn vùi cái TÔI của mình như hạt lúa bị vùi lấp dưới lòng đất mới mong đơm bông kết trái (Ga 12,24). Vì thế, nếu không chết đi cái TÔI của mình mỗi ngày thì người tu sĩ khó có thể sống đúng căn tính của mình trong đời tu.
c.Không đồng cảm với những người có trách nhiệm
Người tu sĩ hôm nay như muốn chọn một số điều luật để vâng giữ, còn những điều khác thì tự miễn chuẩn cho mình. Cũng có những dấu hiệu “muốn đối kháng” một cách rất êm dịu, như người ta vẫn thường nói “bằng mặt mà không bằng lòng.” Một lối sống như vậy cho thấy rằng: họ coi trọng ý kiến, suy nghĩ, quan điểm, cách nhận định của mình là đúng, là quan trọng. Đó phải chăng là một thái độ rất tầm thường, không có gì là siêu nhiên cả, không mở ra cho mình một lối sống biết đón nhận, lắng nghe, một lối sống dễ dạy, dễ bảo,… hay có thể nói không nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người có trách nhiệm. Đó đúng thực là một “đức tin đang chảy máu.” Vâng lời trong đời tu là một sự hy sinh liên lỉ, bỏ mình chứ không theo lối sống đụng tí là bực bội, bất mãn, bất chấp và bất cần. Đối với người tu sĩ, vâng phục là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô đúng như Công đồng Vatican II khẳng định: “Các tu sĩ lấy đức tin tuân phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô” (PC 14). Vâng phục của người tu sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (TH. Chứng tá Phúc Âm, số 27).
d.Tính kiêu căng, nghĩ mình tài giỏi hơn người khác
Xã hội hôm nay rất đề cao bằng cấp, có thể nói, khi đánh giá người khác, họ lại dựa trên bằng cấp. Ngày nay trong giới tu sĩ cũng không ít những người có học vị rất cao, có khả năng hay tài giỏi hơn người khác về nhiều mặt. Chuyện đáng nói là: đã có những người sống rất khiêm tốn, hòa đồng, cởi mở… tuy nhiên, cũng có những người lại rất tự mãn về những thành công của mình đã làm được điều này điều kia, họ tỏ ra kiêu ngạo, vênh vang và muốn thể hiện chính mình qua những thành công đó, họ làm cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh vọng cho bản thân, muốn được người khác tôn trọng, công nhận những thành công đó, nhưng khi bị chê bai, chỉ trích, hay gặp thất bại, họ dễ thất vọng và như muốn buông bỏ tất cả. Chính vì vậy mà tự kiêu là một cản trở lớn làm cho người tu sĩ khó thực thi đức vâng lời một cách tốt nhất.
2. Phương thế giúp sống lời khấn vâng phục
Để phá vỡ những rào cản ngăn cách người tu sĩ sống đức vâng phục cách trọn hảo, thiết nghĩ: trước hết phải tìm lại động cơ siêu nhiên của đời sống thánh hiến trong tương quan với Thiên Chúa cùng với những khao khát ước muốn thuở ban đầu; sau nữa, chính bản thân người tu sĩ cần phải phát huy những phẩm tính nơi mình để sống vâng phục cách triệt để nhất. Bởi lẽ, vâng phục là thái độ sẵn sàng, không trì hoãn hay rút lui, cũng không làm cẩu thả hay chậm chạp nhưng trong tinh thần tự do, tình nguyện, tự phát, không sợ hãi hay mặc cảm tự ti, có tính năng động tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn, biết dùng những năng lực, năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ được ủy thác cho mình (DT 14). Đồng thời phải có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao phó, cuối cùng phải biết đối thoại trong tinh thần yêu mến, tôn trọng nhân vị (Bản toát yếu về đời sống thánh hiến). Như vậy qua lời khấn vâng phục người tu sĩ tập cho mình một lối sống từ bỏ ý muốn, tự do để tìm kiếm từ điều “hợp ý riêng” đến điều “hợp ý Chúa” (Hiến pháp chị em Đa Minh, số 28/2). Đó cũng chính là cầu nối để người tu sĩ tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô nơi trần gian hầu trở nên dấu chỉ cho nước Chúa hiện diện. Chính vì thế, Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Mọi công việc của tu sĩ chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục” (Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, số 13).
Là một nữ tu Đa Minh Rosa Lima tôi cũng đang cùng với chị em bước đi trong đời sống dâng hiến qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, tôi thiết nghĩ rằng chỉ bằng sự vâng phục trong tình yêu và với tình yêu sẽ giúp tôi hoàn thiện bản thân mỗi ngày, dẫu biết rằng với con người yếu đuối và nhiều giới hạn nhưng với ơn Chúa giúp, tôi sẽ cố gắng luyện tập các nhân đức và thực hành các lời Khuyên Phúc Âm trong tin yêu và phó thác. Để làm được điều đó tôi cần kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện để nhận ra thánh ý của Chúa trong cuộc sống, nhất là những lúc gặp khó khăn thử thách trong đời dâng hiến. Bởi vậy, tôi và bạn, chúng ta cùng nhau xác tín hơn về ơn gọi của mình và can đảm bước đi trên hành trình là môn đệ của Đức Kitô vì có Người luôn đồng hành cùng chúng ta.
Tạm kết
Để ơn gọi của bạn và tôi được lớn lên mỗi ngày và đạt đến tự do đích thực, tôi và bạn đã biết làm gì rồi đó: “Hãy sống vâng phục” vì khi luôn tìm và thi hành ý Chúa trong cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng giải thoát được cái tôi của mình, dễ dẹp bỏ ý riêng để tìm ý Chúa qua các vị hữu trách để như lời thánh Phaolô nói: Chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà cho Thiên Chúa. Được như thế, lời khấn vâng phục không phải là gánh nặng khi chúng ta lãnh nhận một quyết định mới trong sứ vụ.
Ước mong sao nhờ lời khấn vâng phục trong tình yêu và bằng tình yêu, mỗi người tu sĩ chúng ta mỗi ngày được trở nên giống Chúa Kitô hơn và trở thành lời mời gọi sống động cho thế giới hôm nay.
Rosa Maria Kim
Nguồn: daminhrosalima.net