Phần một cuộc phỏng vấn ĐTC dành cho nhà báo Stefania Falasca


Trong những ngày vừa qua ĐTC Phanxicô đã dành cho bà Stefania Falasca, nữ phóng viên của nhật báo Avvenire của HĐGM Italia một bài phỏng vấn dài, được đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày 19 tháng 11. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị phần đầu của bài phỏng vấn này.

Hỏi: Thưa ĐTC, Năm Thánh Lòng Thương Xót này đã có ý nghĩa gì đối với ĐTC?

Đáp: Ai khám phá ra rằng mình rất được yêu thương, thì bắt đầu ra khỏi sự cô đơn xấu của mình, ra khỏi sự chia cách đưa tới chỗ thù ghét người khác và chính mình. Tôi hy vọng có biết bao người đã khám phá ra rằng họ được Chúa Giêsu yêu thương biết bao, và để cho mình được Chúa ôm vào lòng. Lòng thương xót là tên gọi của Thiên Chúa và cũng là sự yếu đuối của Ngài, là điểm yếu của Ngài. Lòng thương xót của Chúa luôn luôn đưa Ngài tới chỗ tha thứ, và quên đi các tội lỗi của chúng ta. Tôi thích nghĩ rằng Đấng Toàn Năng có ký ức “dở”. Một khi Chúa đã tha thứ cho bạn, thì Ngài quên. Bởi vì Thiên Chúa hạnh phúc tha thứ. Đối với tôi thì điều này là đủ rồi. Cũng như đối với người phụ nữ ngoại tình trong Phúc Âm, mà Chúa đã rất yêu thương. “Bởi vì Ngài đã yêu thương nhiều”. Tất cả Kitô giáo là ở đó.

Hỏi: Nhưng đây đã là Năm Thánh đặc biệt, với biết bao nhiêu cử chỉ tiêu biểu…

Đáp: Chúa Giêsu không đòi các cử chỉ to lớn, mà chỉ xin sự tha thứ và lòng biết ơn. Thánh nữ Terexa thành Lisieux là tiến sĩ Giáo Hội, trong “con đường bé nhỏ” của người với Thiên Chúa, chỉ cho thấy sự phó thác của trẻ thơ, không ngần ngại ngủ trên cánh tay cha mình và nhắc nhớ rằng lòng bác ái không thể bị đóng kín trong đáy. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân là hai tình yêu không thể tách rời nhau.

Hỏi: Các ý định của ĐTC khi công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót có được thực hiện không?

Đáp: Tôi đã không đưa ra một chương trình. Tôi đã chỉ làm điều Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho tôi thôi. Các vự việc đã tới. Tôi đã để cho Chúa Thánh Thần đưa tôi đi. Đây chỉ là ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để cho Ngài làm việc. Giáo Hội là Tin Mừng, là công trình của Chúa Kitô. Nó không phải là một lộ trình của các tư tưởng, một dụng cụ giúp khẳng định chúng. Và trong Giáo Hội các sự việc bước vào trong thời gian, khi thời gian chín mùi, khi ta cống hiến.

Hỏi: Kể cả một năm thánh ngoại thường…

Đáp: Đó đã là một tiến trình chín mùi với thời gian, do công trình của Chúa Thánh Thần. Trước tôi đã có thánh Giáo Hoàng Gioan 23, với tài liệu “Gaudet mater Ecclesia” trong “thuốc của lòng thương xót” đã chỉ cho con đường phải theo khi khai mở Công Đồng chung, rồi tới chân phước Phaolô VI, người đã trông thấy mẫu mực nơi người Samaritano nhân lành. Rồi có giáo huấn của thánh Gioan Phaolô II với thông điệp thứ hai của ngài là “Dives in misericordia”, Thiên Chúa giầu lòng thương xót, và việc thành lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói rằng “tên gọi của Thiên Chúa là thương xót”. Tất cả đều là các cột trụ. Như thế Chúa Thánh Thần đưa các tiến trình của Giáo Hội tiến lên cho tới khi hoàn tất.

Hỏi: Thưa ĐTC, như vậy Năm Thánh cũng là năm thánh của công đồng, bây giờ và ở đây, trong đó thời gian tiếp nhận và tha thứ giao thoa nhau, có đúng thế không?

Đáp: Sống kinh nghiệm ơn tha thứ ôm trọn toàn nhân loại là ân sủng mà sứ vụ tông đồ loan báo. Giáo Hội chỉ hiện hữu như dụng cụ loan báo cho con người chương trình thương xót của Thiên  Chúa. Vào thời Công Đồng Giáo Hội đã cảm thấy trách nhiệm là dấu chỉ sống động tình yêu của Thiên  Chúa Cha trong thế giới. Với Hiến chế Lumen Gentium, Ánh sáng muôn dân, Giáo Hội đã đi ngược về nguồn bản chất của mình, tìm về Tin Mừng, Điều này xê dịch trục của quan niệm kitô, từ một chủ trương duy luật lệ nào đó, có thể là ý thức hệ, sang con người của Thiên Chúa  đã trở thành lòng thương xót trong việc nhập thể của Con Ngài. Có vài người – chị hãy nghĩ tới vài trả lời cho tông thư Amoris Leatitiae – tiếp tục không hiểu , hoặc là trắng hoặc là đen, cả khi nó ở trong dòng đời sống, cần phân định. Công Đồng đã nói cho chúng ta biết điều ấy, nhưng các sử gia thì nói rằng để được thấu nhập một công đồng cần phải có một thế kỷ… Chúng ta đang được một nửa rồi.

Hỏi: Nhưng trong thời đại này đã có các cuộc gặp gỡ, và các chuyến công du đại kết được hoàn thành. Tại Lesbo với các Thượng Phụ Bartolomaios I và Hieronimos, tại Cuba với Đức Thượng Phụ Kirill của Mastcơva,  tại Lund với việc tưởng niệm chung cuộc Cải Cách  Luther. Chính năm lòng thương xót đã tạo thuận tiện cho các sáng kiến này với các Giáo Hội Kitô khác, có đúng thế không thưa ĐTC?

Đáp: Tôi sẽ không nói rằng các cuộc gặp gỡ này là hoa trái của Năm lòng thương xót. Không. Bởi vì  cả những điều này cũng là phần của một lộ trình đến từ xa. Nó không phải là một điều mới mẻ gì. Chúng chỉ là các bước dài hơn thêm vào một lộ trình đã bắt đầu từ lâu trước. Từ khi sắc lệnh về đại kết “Unitatis redintegratio” được công bố cách đây 50 năm và người ta đã tái khám phá ra tình huynh đệ, dựa trên bí tích rửa tội duy nhất và trên chính lòng tin nơi Chúa Kitô, lộ trình trên con đường của việc tìm về hiệp nhất đã tiến lên với các bước bé nhỏ và to lớn, và đã cho các hoa trái. Tôi tiếp tục các bước đi đó.

Hỏi: Các bước đã được các Giáo Hoàng tiền nhiệm làm…

Đáp: Vâng, tất cả những bước đã được các vị tiền nhiệm của tôi hoàn thành. Như một bước tiến tới đã là cuộc nói chuyện của ĐGH Luciani với ĐTGM Nga Nicodim qua đời trên cánh tay ngài, khi ôm hôn người anh em giám mục Roma. ĐTGM Nicodim đã nói những điều rất hay đẹp về Giáo Hội. Tôi nhớ trong đám táng thánh Gioan Phaolô II, đã có mặt tất cả các thủ lãnh của Giáo Hội Đông Phương: đó là tình huynh đệ. Các cuộc gặp gỡ và các chuyến đi trợ giúp tình huynh đệ ấy, làm cho nó lớn lên.

Hỏi: Tuy nhiên trong không đầy 4 năm qua ĐTC đã gặp gỡ tất cả các vị đứng đầu và có trách nhiệm của các Giáo Hội Kitô. Các cuộc gặp gỡ này đi qua triều đại của ĐTC. Tại sao lại có sự gia tốc này thưa ĐTC?

Đáp: Đó là lộ trình của Công Đồng tiếp tục tiến tới, gia tăng. Nhưng đó là lộ trình, chứ không phải tôi đâu. Lộ trình này là lộ trình của Giáo Hội. Tôi đã gặp gỡ các vị đứng đầu và có trách nhiệm của các Giáo Hội kitô khác, điều này đúng, nhưng cả các vị tiền nhiệm của tôi cũng đã có các cuộc gặp gỡ với các vị này hay các vị có trách nhiệm khác. Tôi đã không cho nó gia tốc nào. Trong mức độ trong đó chúng ta tiến tới lộ trình xem ra đi nhanh hơn, nó là sự chuyển động tới đích nhanh hơn, “motus in fine velocior”, nói theo kiểu diễn tả tiến trình này  trong vật lý của Aristote.

Hỏi: ĐTC đã sống một cách cá nhân sự ân cần trong các cuộc gặp gỡ các anh em của các Giáo Hội Kitô khác như thế nào?

Đáp: Tôi sống nó với nhiều tình huynh đệ. Người ta cảm thấy tình huynh đệ. Có Chúa Giêsu ở giữa. Đối với tôi họ tất cả đều là anh em. Chúng tôi chúc lành cho nhau, một người anh em chúc lành cho một người anh em khác. Khi cùng với Đức Thượng Phụ Bartolomaios và Hieronimos chúng tôi đến Lesbo bên Hy Lạp để gặp gỡ các người tỵ nạn, chúng tôi đã cảm thấy là một sự duy nhất. Chúng tôi đã là một. Là một. Khi tôi đến thăm Đức Thương Phụ Bartolomaios tại Fanar bên Istanbul nhân lễ kính thánh Anrê, đối với tôi đó đã là một lễ lớn. Bên Giorgia tôi đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Ilia, là vị đã không đến đảo Creta để tham dự công đồng chính thống. Sự đồng điệu tinh thần mà tôi đã có với ngài đã sâu đậm. Tôi đã cảm thấy mình đứng trước một vị thánh, một người của Thiên Chúa đã cầm lấy tôi và nói với tôi những lời đẹp biết bao, với các cử chỉ nhiều hơn là với các lời nói. Các Thượng Phụ là các đan sĩ. Bạn trông thấy đàng sau cuộc đàm đạo rằng họ là các con người của đời cầu nguyện. Đức Kirill là một con người của cầu nguyện, cả Đức Thượng Phụ Copte Tawadros mà tôi đã gặp cũng thế: ngài vào nhà nguyện cởi giầy ra và đi cầu nguyện. Cách đây một năm Đức Thượng Phụ Daniele của Rumania đã tặng tôi một cuốn sách tiếng Tây Ban Nha về cuộc đời thánh Silvestro của Núi Athos, tôi đã đọc cuộc đời của vị thánh lớn này tại Buenos Aires, trong đó có câu: “Cầu nguyện đối với con người là đổ chính máu mình ra”. Các thánh hiệp nhất chúng ta trong Giáo Hội bằng cách hiện thực mầu nhiệm của Giáo Hội. Với các anh em chính thống chúng tôi đang bước đi, họ là anh em, chúng tôi yêu thương nhau, chúng tôi cùng nhau lo lắng, họ đến học tại đây. Cả Đức Thương Phụ Bartolomaios cũng đã học ở Roma này.

Hỏi: Với Đức Thượng Phụ Bartolomaios người kế vị tông đồ Anrê, các ngài đã cùng nhau hoàn thành nhiều bước tiến, trong sự đồng điệu liên quan tới các lời tuyên bố về nhau. Tình yêu thương biến đổi cuộc sống của các tông đồ Phêrô và Anrê là anh em có nâng đỡ ĐTC và Đức Thương Phụ không?

Đáp: Tại Lesbo trong khi chúng tôi cùng nhau chào tất cả mọi người, đã có một em bé mà tôi cúi xuống trên em. Nhưng tôi không làm  em bé chú ý: em nhìn phiá sau tôi. Tôi quay lại và tôi biết tại sao: Đức Thượng Phụ Bartolomaios có các túi áo đầy kẹo và ngài đang phát kẹo cho các em bé. Đó là Đức Bartolomaios, một người có khả năng làm cho đại công đồng chính thống tiến tới giữa bao nhiêu khó khăn, có khả năng nói về thần học trên mức độ cao xa, và đơn sơ ở giữa các trẻ em. Khi ngài đã đến Roma ngài ở trong nhà trọ Thánh Marta, trong căn phòng mà tôi đang ở hiện nay. Lời trách duy nhất ngài đã nói với tôi đó là ngài đã phải đổi phòng.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Đài Vatican)

Bài liên quan:

Phần hai bài phỏng vấn ĐTC của nhà báo Stefania Falasca