Phiên Khoáng Đại Thứ Hai Của Thượng Hội Đồng Giám Mục


Chiều Thứ Hai, 07/10/2019, Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia đã nhóm phiên khoáng đại thứ hai trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 176 trên 185 nghị phụ có tên trong danh sách.

Bầu các thành viên 2 Ủy ban

Các nghị phụ đã tiến hành việc bầu 4 thành viên Ủy ban soạn văn kiện chung kết, trong đó có Đức Cha Hector Miguel Cabrejos Vidarte, dòng Phanxicô, Tổng giám mục giáo phận Trujillo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru. 3 Giám mục khác người Brazil, Bolivia và Colombia. Sẽ có 3 vị khác do Đức Thánh Cha chọn. Cũng thuộc Ủy ban này có các chức sắc của Thượng Hội đồng Giám mục, gồm Đức Hồng y Tổng tường viên Hummes, Đức Hồng y Tổng thư ký Baldisseri, và một số vị khác.

Tiếp đến, các nghị phụ đã bầu 4 thành viên của Ủy ban thông tin, trong đó có Đức Cha Erwin Krauetler, người Áo, 80 tuổi, nguyên Giám mục thừa sai giám hạt Xingu bên Brazil, Cha Antonio Spadaro dòng Tên, Giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica, Văn minh Công Giáo, của dòng Tên Italia, và hai vị khác. Thêm vào đó có ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ truyền thông, cùng một số nhân viên của Bộ này trong đó có ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.

Phát biểu

Sau phần bầu cử trên đây, các nghị phụ đã bắt đầu phát biểu, mỗi người được nói tối đa 4 phút.

Vấn đề truyền chức linh mục cho người có gia đình

Một vài nghị phụ lên tiếng về đề nghị, trong Tài Liệu làm việc, truyền chức linh mục cho những người nam chín chắn, có gia đình, để giải quyết tình trạng nhiều cộng đoàn không có thánh lễ trong thời gian dài. Bài phát biểu của một nghị phụ nhận định rằng đó là một nhu cầu hợp pháp, nhưng không thể tạo nên sự xét lại bản chất của chức linh mục và tương quan của chức thánh này với luật độc thân giáo sĩ, được qui định trong Giáo Hội Công Giáo La tinh. Tốt hơn, nên đẩy mạnh việc mục vụ ơn gọi nơi những người trẻ thổ dân, nhờ đó giúp đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cả những vùng sâu vùng xa ở miền Amazzonia, để không tạo nên sự phân biệt những “tín hữu Công Giáo hạng nhất” có thể dễ dàng tham dự thánh lễ và những “tín hữu Công Giáo hạng nhì”, nhiều khi không được thánh lễ và rước Bánh Hằng Sống trong 2 năm liền.

Nghi lễ của thổ dân

Có nghị phụ đã trình bày suy tư về các nghi lễ thổ dân: Giáo Hội vui lòng cứu xét tất cả những nghi thức không gắn liền với mê tín dị đoan, miễn là những nghi thức này có thể hòa hợp với tinh thần phụng vụ đích thực. Nghị phụ này đề nghị bắt đầu một tiến trình chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đoàn thổ dân ở miền Amazzonia đã có những buổi cử hành hội nhập văn hóa đối với một vài bí tích như rửa tội, hôn phối hoặc truyền chức linh mục. Vì thế, nghị phụ ấy đề nghị thiết lập một nghi lễ Công Giáo đặc thù cho miền Amazzonia, có tính chất thử nghiệm, và theo sự phán đoán đúng đắn về thần học, phụng vụ và mục vụ, để sống và cử hành niềm tin nơi Chúa Kitô. Nghị phụ này nhấn mạnh rằng cũng như có một hệ sinh thái (ecosistema) về môi trường, thì cũng có một hệ sinh thái về mặt Giáo Hội.

Nhiên liệu phiến thạch và vấn đề khí hậu

Có vài nghị phụ đề cập đến vấn đề thay đổi khí hậu đang đảo lộn thiên nhiên và yêu cầu ngưng sử dụng các nhiên liệu phiến thạch như xăng dầu và khí đốt, nhất là tại các nước công nghệ cao, là những nước gây ô nhiễm nhiều nhất. Cũng có nghị phụ đề nghị vượt thắng những hình thức thực dân có liên lụy đến phần lớn công cuộc truyền giáo trong những thế kỷ trước đây, bảo tồn căn tính văn hóa của miền Amazzonia: mỗi nền văn hóa đều góp phần vào đặc tính Công Giáo của Giáo Hội. Nhiều nghị phụ trưng dẫn lập trường của thánh Phaolô tông đồ về vấn đề hội nhập văn hóa: trở nên “Hy lạp với người Hy Lạp”.

Cũng trong chiều hướng này, có nghị phụ kêu gọi bảo vệ các mạch nước chống lại sự ô nhiễm hóa học do sự khai thác và các sản phẩm của các công ty liên quốc gây ra, làm sao để các thổ dân có thể tồn tại và bảo vệ văn hóa của họ, và theo đuổi những con đường mới trong việc loan báo Tin Mừng.

Nhiều nghị phụ nói đến sự khai thác công nghệ ồ ạt trong miền Amazzonia, gây ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng cho các sắc dân bản xứ. Vì thế, có Giám mục yêu cầu làm sao để các quyền con người cũng như quyền về môi trường sống được tôn trọng, vì một nền sinh thái toàn diện đòi phải có sự quân bình mới giữa con người và thiên nhiên.

G. Trần Đức Anh, O.P

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu