Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Trong Tiến Trình Cải Tổ Giáo Triều


Trong tiến trình cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, vai trò quan trọng của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh không những không bị suy giảm, nhưng càng gia tăng hơn so với trước đây.

Tiếp tục tu chính dự thảo Tông Hiến mới

Trong những tháng hè nóng bức này, các cộng sự viên của Hội đồng 6 HY cố vấn của ĐTC, quen gọi là Hội đồng C-6, vẫn ráo riết làm việc để kiện toàn dự thảo Tông Hiến “Praedicate Evangelium” (Các con hãy loan báo Tin Mừng), về Giáo triều Roma, thay thế cho Văn kiện Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành), là Tông Hiến hiện hành từ hơn 30 năm nay.

Rất nhiều phản ứng về sơ thảo Tông Hiến

Trong những tháng đầu năm nay, Sơ thảo Tông Hiến mới đã được gửi đi nhiều nơi để tham khảo ý kiến và đã nhận được hơn 200 trang các bản góp ý kiến. Sơ thảo này bị thất thoát ra ngoài và nhiều báo chí mạnh mẽ phê bình: cả phe tả lẫn phe hữu. Chẳng hạn, LM Thomas Reese, dòng Tên ở Mỹ, nổi tiếng trong phe tả, đã phê bình sơ thảo Tông Hiến là “một thảm họa”. Còn phe hữu thì phê bình về nhiều điểm khác, đặc biệt là việc giáng Bộ Giáo lý đức tin xuống hàng thứ yếu. Như ĐHY Gerhard Mueller, nguyên Tổng trưởng bộ giáo lý đức tin, phê bình rằng “Họ đang biến tổ chức giáo triều Roma thành một bộ máy hành chánh thuần túy, một cơ quan chức năng thuần túy (funzionalismo) chứ không thành một tổ chức của Giáo Hội”.

Điểm bị phê bình nhiều nhất

Một trong những điểm bị phê bình trong dự thảo là sự tập trung quá nhiều quyền bính của giáo triều Roma trong tay Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh (có thể coi như tương đương với Phủ Thủ Tướng) là cơ quan được xếp đứng trên 14 bộ, 4 tòa án và cơ quan giáo luật, và một số cơ quan khác liên hệ với Tòa Thánh như: Phủ Giáo hoàng (lo việc tiếp kiến), Văn phòng nghi lễ phụng vụ của ĐTC, Ban trạng sư của Giáo triều, v.v.

Phủ Quốc vụ khanh theo dự thảo Tông Hiến

Theo dự thảo Tông Hiến mới, chỉ có Phủ quốc vụ khanh và Hội đồng mới về kinh tế của Tòa Thánh là do một vị Hồng Y làm đầu, còn các bộ và cơ quan khác, vị đứng đầu không nhất thiết phải là Hồng Y.

Trong phần nói về Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, từ khoản số 44 trở đi, Dự thảo Tông Hiến lần lượt qui định rằng:

– Phủ Quốc vụ khanh trợ giúp sát cạnh ĐTC trong việc thi hành sứ mạng tối cao của ngài (44). Phủ này do HY Quốc vụ khanh điều khiển (45,1) và gồm có 3 phân bộ: Phân bộ tổng vụ do vị Phụ Tá Quốc vụ khanh đảm trách, với sự giúp đỡ của vị Phó Phụ Tá quốc vụ khanh; tiếp đến là Phân Bộ ngoại giao, liên lạc với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, dưới sự điều khiển của vị ngoại trưởng, được sự trợ giúp của vị thứ trưởng ngoại giao, cùng với đồng thứ trưởng đặc trách về các quan hệ đa phương và các tổ chức quốc tế, phân bộ này được một Hội đồng phụ giúp. Phân bộ thứ ba của Phủ Quốc vụ khanh lo về các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của vị Phụ trách về các đại diện ngoại giao Tòa Thánh (45,2).

Các công tác của Phủ Quốc Vụ Khanh

– Đi vào chi tiết hơn, khi bàn về Phân bộ Tổng Vụ, Dự thảo Tông Hiến xác định: cơ quan này có nhiệm vụ đặc biệt là thi hành những công việc liên quan đến công việc phục vụ hằng ngày của ĐTC, cứu xét những việc liên hệ tới những vấn đề ngoài thẩm quyền của các Bộ trong giáo triều và các cơ cấu khác của Tòa Thánh; xúc tiến sự cộng tác giữa các bộ và các cơ cấu ấy. Phân bộ này cũng có nhiệm vụ thi hành tất cả những gì liên hệ tới các đại diện của các nước cạnh Tòa Thánh. (46).

Phân Bộ Tổng Vụ

– Ngoài ra, Phân Bộ Tổng vụ có nhiệm vụ: 1. Soạn và gửi đi các Tông Hiến, Sắc lệnh, Tông Thư, thư và các văn kiện khác mà ĐTC ủy thác; 2. Gửi đi tất cả các văn kiện bổ nhiệm trong Giáo triều Roma cũng như trong các cơ cấu khác tùy thuộc Tòa Thánh cần phải được ĐTC hoàn tất và phê chuẩn; 3. Bảo quản triện ấn bằng chì và Nhẫn Ngư Phủ của Giáo Hoàng. (47)

– Cũng thuộc thẩm quyền của Phân Bộ Tổng Vụ: 1. lo liệu ấn hành văn bản và tài liệu công khai của Tòa Thánh trong Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis); 2. Hướng dẫn Bộ Truyền Thông về những thông báo chính thức liên quan đến các Văn kiện của ĐTC và hoạt động của Tòa Thánh.

– Qua Văn phòng thống kê, Phân Bộ Tổng vụ thu thập, phối hợp và phổ biến tất cả các dữ kiện được soạn thảo theo các qui luật thống kê, liên quan đến đời sống Giáo Hội trên thế giới. (49)

Phân Bộ ngoại giao

Sang đến Phân Bộ ngoại giao Tòa Thánh, dự thảo Tông Hiến khẳng định rằng nhiệm vụ riêng của Phân bộ này là liên hệ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế (..) 1. Thăng tiến các quan hệ ngoại giao và chính trị của Tòa Thánh với các nước và các chủ thể khác thuộc công pháp quốc tế và điều hành những công việc tổng quát để thăng itến thiện ích của Giáo Hội và xã hội dân sự, kể cả qua việc ký kết các Hiệp định và thỏa thuận quốc tế khác, để ý đến ý kiến của các cơ cấu GM liên hệ; 2. Đại diện Tòa Thánh trước các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng như các Hội nghị đa phương liên chính phủ, và khi thấy thích hợp, thì sử dụng sự cộng tác của các Bộ có thẩm quyền trong giáo triều; 3. Bày tỏ ý kiến khi một bộ trong Giáo Triều muốn công bố một tuyên ngôn hay một văn kiện liên hệ tới tương quan quốc tế hoặc các đại diện của chính quyền dân sự (50).

1. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, do sự bổ nhiệm của ĐTC, sau khi tham khảo các Bộ có thẩm quyền của Giáo Triều Roma, Phân Bộ này cũng thi hành mọi việc có liên hệ tới sự bổ nhiệm chức sắc cho các Giáo Hội địa phương, cũng như thành lập và thay đổi các Giáo Hội địa phương ấy và các cơ cấu liên hệ. 2. Trong những trường hợp khác, đặc biệt khi ở chế độ hiệp định, Phân bộ này có nhiệm vụ lo những vấn đề có liên quan tới các chính phủ dân sự (51)

Trong phân bộ ngoại giao, khi cần, có thể thiết lập các Ủy ban bền vững, để xử lý những vấn đề đặc thù hoặc tổng quát liên quan tới các đại lục và những miền địa lý khác nhau (52)

Phân bộ thứ 3: lo về các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh

Về phân Bộ thứ 3 lo về các nhân viên ngoại giao Tòa Thánh, dự thảo Tông Hiến xác định công việc của Phân bộ là quan tâm đến điều kiện sống và làm việc của các nhân viên ấy, cũng như việc thường huấn cho họ. Để thi hành việc đó, Vị Đặc Trách Phân Bộ thứ 3 viếng thăm các Sứ quán Tòa Thánh, triệu tập và chủ tọa các cuộc họp về việc bộ nhiệm các đại diện ngoại giao (53,1). Phân bộ cũng cộng tác với vị Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh đề việc tuyển chọn và huấn luyện các ứng sinh ngoại giao, và duy trì liên lạc với tất cả các nhân viên ngoại giao về hưu (53,2). Sau cùng phận bộ này thi hành chức năng trong sự cộng tác chặt chẽ với Phân Bộ Tổng Vụ và Phân Bộ ngoại giao, chăm sóc về tất cả những gì có liên quan đến các đại diện của Tòa Thánh.

G. Trần Đức Anh OP – Roma

Nguồn: Vatican News