Rửa Tay: Từ Diệt Khuẩn Đến Thanh Tẩy Tâm Hồn
WGPSG — Không chỉ biết thường xuyên rửa tay để diệt vi khuẩn mà còn biết “rửa lòng” để tâm hồn chúng ta được trở nên trong sạch.
Cả thế giới hiện nay đang sống trong lo sợ vì dịch viêm phổi đường hô hấp do virus corona gây nên. Dịch bệnh này được xác định xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12 năm 2019, hiện nay đã lan sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến 43.100 người nhiễm bệnh, với hàng chục ngàn trường hợp đang bị nghi nhiễm. Đến hết buổi sáng ngày 11-2-2020, số liệu của các cơ quan chức năng Trung Quốc và thế giới cho biết đã có 1.018 người tử vong vì virus corona chủng mới (2019-nCoV). Cũng đã có 4.026 ca được chữa khỏi (tuoitre.vn 11-2-2020).
Để đối phó với việc lan truyền của dịch bệnh, nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa một phần hơn 80 thành phố ở gần 20 tỉnh kể từ khi dịch bùng phát. Các biện pháp nghiêm ngặt hơn như kiểm soát việc đi lại của người dân và xe cộ đang được thực hiện trên khắp nước này… Nhiều hãng hàng không nước ngoài ngừng các chuyến bay qua lại với Trung Quốc. Đồng thời nhiều quốc gia cũng đóng cửa khẩu với Trung Quốc, để ngừng tiếp nhận hành khách đến từ đất nước đang đối diện với đại dịch này. Nhiều công nhân của các nước đang tìm cách chạy khỏi Trung Quốc dù biết rằng khi trở về nước mình, họ sẽ phải bị cách ly ít nhất 14 ngày để theo dõi.
Một điều đáng chú ý khiến tôi đi đến ý định viết bài này, đó là, để tránh việc lây bệnh, các cơ sở y tế khuyến cáo mọi người nên thường xuyên rửa tay để diệt trừ virus và tránh gây nhiễm bệnh cho chính mình và cho người khác. Ở trường học của tôi, nhà trường đã trang bị thêm nhiều chai nước rửa tay và gửi thông tin nhắc nhở sinh viên và giáo sư rửa tay khi vào phòng học, vào thư viện và nhất là vào các căng tin dùng bữa. Quả thật, việc khuyên người dân rửa tay để tránh truyền bệnh là việc làm rất cấp bách và chính đáng, nhất là trong khi bệnh phổi đang lây lan. Riêng với tôi, đây cũng là cơ hội hợp lý để suy tư và chia sẻ chút ý nghĩa tôn giáo và đạo đức trong việc rửa tay.
RỬA TAY VÀ VIỆC THANH TẨY TÂM HỒN
Trong nghi thức thánh lễ, trước khi linh mục cử hành nghi thức truyền phép, các ngài đều thực hiện nghi thức rửa tay. Nghi thức này chỉ là một động tác rất đơn giản, nhưng có ý nghĩa rất linh thiêng, như trong “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 76” phần chữ đỏ giải thích rằng : “Sau đó, vị tư tế rửa tay bên cạnh bàn thờ: nghi thức này biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn.”
Cụ thể, lúc rửa tay, chủ tế đọc một lời nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết mọi lỗi lầm; tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy.” Như thế, nghi thức rửa tay này không chỉ để làm cho tay linh mục được sạch trước khi chạm vào Mình Thánh Chúa như nhiều người thường giải thích, nhưng nó trở thành một dấu hiệu của việc thanh tẩy nội tâm. Các tư tế cầu xin Chúa thánh hóa tâm hồn mình, để tâm hồn được trong sạch khi cử hành nghi thức cực thánh này.
Và khi nhắc đến nghi thức rửa tay, chúng ta nghĩ đến nước. Nước, hiển nhiên được dùng để tẩy rửa và làm cho vật được rửa trở nên trong sạch. Nước, cũng mang một ý nghĩa sâu xa khác, đó là nó mang lại sự sống cho con người và sinh vật. Đặc biệt trong đức tin Kitô giáo, nước là hình ảnh gợi nhớ đến Bí tích Rửa Tội, Bí tích mà người lãnh nhận được rửa sạch hết mọi tội lỗi, trở nên tinh tuyền và được làm con Thiên Chúa. Nhất là sau khi được lãnh nhận Bí tích thanh tẩy, người lãnh nhận được sống với tinh thần mới và quả tim mới, như lời của tiên tri Êdêkien nói: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.” (Ed 36, 25-26)
Ngày nay, mỗi lần vào nhà thờ chúng ta thường thấy có hai chén nước được chuẩn bị hai bên cửa vào nhà thờ, để khi đi vào giáo dân chấm một it nước rồi vẽ hình thánh giá lên trán. Theo sử liệu, truyền thống này đã có từ thế kỷ thứ VI, khi các đan sĩ dòng Thánh Biển Đức phải rửa tay trước khi vào nhà thờ cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Các tín hữu sau đó cũng học hỏi việc làm này, họ bắt đầu thực hiện việc rửa tay trước khi vào nhà thờ để tỏ hiện sự tôn kính Thiên Chúa. Và rồi, nghi thức đã được đơn giản hóa, là khi vào nhà thờ, giáo dân chỉ có việc đưa tay chấm nước thánh, vẽ lên trán và xin Chúa thánh hóa tâm hồn của mình. Truyền thống này được tiếp tục cho tới ngày nay.
Như vậy, việc thanh tẩy tâm hồn, hay việc sám hối ăn năn trở thành một phần rất quan trọng của mỗi một chúng ta. Hơn nữa trong mọi lúc và mọi nơi, con người chúng ta cần biết “tẩy rửa” tâm hồn mình để xứng đáng làm con cái Thiên Chúa. Giống như trong bức thư của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn gửi cho quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và toàn thể giáo dân trong Tổng giáo phận trước những sợ hãi và đau khổ của đại dịch dịch bệnh virus corona, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng nhắc nhở giáo dân: “Tất cả những đau khổ của nhân loại đều bắt nguồn từ căn nguyên sâu xa là tội lỗi. Chính vì thế, cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cũng cần thực hiện việc đền tội, sám hối và thay đổi cuộc đời, để sống công chính và thánh thiện theo Phúc Âm.” (Trang thông tin Tổng Giáo phận Sài Gòn)
Thật là đáng kính phục, khi dịch bệnh viêm phổi đường hô hấp do virus corona đang hoành hành, các chính trị gia tìm cách bóp méo sự thật, che dấu sự yếu kém của mình, đồng thời tìm cách tuyên truyền về đảng phái và phe nhóm của mình, thì ngược lại, Đức Tổng Giám mục của chúng ta kêu gọi mọi người, ngoài việc cầu nguyện cho các bệnh nhân, nên khiêm tốn phản tỉnh về thái độ sống và những thiếu sót của mình để được Thiên Chúa thứ tha, đồng thời để canh tân tâm hồn chúng ta.
THANH TẨY TÂM HỒN VÀ GIA TĂNG VIỆC BÁC ÁI
Một thực tế đáng buồn nữa, đó là trong khi dịch bệnh virus corona đang lây lan một cách đáng sợ, khi người dân được khuyến cáo ngoài việc thường xuyên rửa tay ra, khi đi ra đường mọi người cần đeo khẩu trang, thì có nhiều cá nhân đã lợi dụng cơ hội này để kiếm lợi. Họ đã đẩy giá khẩu trang lên, khiến người mua phải ngậm ngùi trả một số tiền cao hơn nhiều so với giá bình thường.
Còn nhớ, khi học về Phật giáo, tôi đọc đâu đó tư tưởng của một vị pháp sư, rằng: “Chức năng cao nhất của đôi tay là giữ gìn chính pháp của Như Lai (danh xưng khác của Đức Phật). Mọi người hãy dùng đôi tay của mình để bố thí, cúng dường, giúp người, giúp đời, làm Phật sự. Như thế, bàn tay này được dùng để nhằm chia sẻ tình thương và nhằm mang lại nhiều lợi lạc cho nhân gian.”
Khi con người nhiều lúc không biết dùng đôi tay của mình để làm việc thiện, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là đã có nhiều quãng đời vi phạm Phật pháp, thì Đức Phật dạy: “thay vì trừng phạt bàn tay thì hãy ‘rửa tâm’; vì khi tâm thanh tịnh, bàn tay sẽ hướng về việc lành.” Vì thế, nếu có ai đó trước đây đã dùng đôi tay của mình để vơ vét kiếm lợi trên sự đau khổ của người khác, thì hãy “thanh tẩy” đôi tay của mình bằng những việc làm thanh sạch, bằng việc làm bác ái. Một khi chúng ta thay đổi được cái tâm của mình là chúng ta sẽ thay đổi các hành động của chúng ta.
Chúng ta thực sự vui mừng, vì mấy ngày gần đây, khi nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam và nhiều nước khác đang đẩy giá khẩu trang lên cao, thì có nhiều hội từ thiện, nhiều cộng đoàn tu sĩ và nhiều nhóm bạn trẻ ở Việt Nam đã tổ chức chương trình phát khẩu trang miễn phí cho người dùng. Hay như tin từ “Thời báo Hoàn cầu”, để hỗ trợ cho Trung Quốc trong việc chống đại dịch, hôm 27 tháng 1 năm 2020, Tòa thánh Vatican và các cộng đoàn Công giáo tại Ý đã hỗ trợ cho Trung Quốc khoảng 600.000 đến 700.000 khẩu trang. Đây là những việc làm rất thiết thực, đây là những hành động rất đáng khen ngợi, vì tất cả chúng nói lên tình bác ái giữa con người với nhau.
Để kết thúc bài chia sẻ nay, tôi xin mượn lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng khi ngài khuyên các linh mục, tu sĩ, tu sinh và cộng đoàn tín hữu của mình: “Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cộng đồng nhân loại biết yêu thương nhau, quảng đại hy sinh giúp đỡ nhau trong những giờ phút khó khăn, đừng vì tham lam ích kỷ mà trục lợi trên sự đau khổ của tha nhân.” (Trang thông tin Tổng Giáo phận Sài Gòn).
Lúc này đây, hơn bao giờ hết, mọi người chúng ta không chỉ biết thường xuyên rửa tay để diệt vi khuẩn mà còn biết “rửa lòng” để tâm hồn chúng ta được trở nên trong sạch, hầu có động lực thực thi nhiều việc bác ái, nhằm mang lại ích lợi cho anh chị em chúng ta.
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
Nguồn: tgpsaigon.net