Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 39
Ngày 17/9, Phòng báo chí Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39 với chủ đề: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40, 31). Năm nay, ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được cử hành theo cấp giáo phận vào Chúa nhật ngày 24/11/2024, lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
Vatican News
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 39, ngày 24/11/2024
Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40, 31)
Các bạn trẻ thân mến!
Năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu bước đi trên con đường hy vọng hướng tới Năm Thánh bằng cách suy tư về những lời của Thánh Phaolô, “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng” (Rm 12,12). Để chuẩn bị cho cuộc hành hương Năm Thánh 2025, năm nay chúng ta có thể lấy cảm hứng từ ngôn sứ Isaia, ngôn sứ nói: “Những người cậy trông Đức Chúa… chạy hoài mà không mệt mỏi” (Is 40, 31). Cách diễn tả này được trích từ sách gọi là Sách An ủi (Is 40-55), loan báo việc chấm dứt cuộc lưu đày của Israel ở Babylon và bắt đầu một giai đoạn mới của hy vọng và tái sinh cho dân Chúa, có thể trở về quê hương nhờ một “con đường” mới trong lịch sử mà Chúa mở ra cho con cái Người (Is 40,3).
Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong thời đại được đánh dấu bởi những tình huống bi thảm tạo ra sự tuyệt vọng và ngăn cản chúng ta nhìn về tương lai với sự thanh thản: thảm kịch chiến tranh, bất công xã hội, bất bình đẳng, đói nghèo và bóc lột con người và thụ tạo. Thường thì những người trả giá cao nhất lại là những người trẻ, những người cảm thấy sự không chắc chắn của tương lai và không biết chắc ước mơ của mình sẽ đi đến đâu. Bằng cách này, các con có thể bị cám dỗ sống mà không có hy vọng, như những tù nhân của sự buồn chán, và thậm chí bị lôi kéo vào những hành vi mạo hiểm và phá hoại (Hy vọng không làm thất vọng, 12). Vì lý do này, các bạn trẻ thân mến, cha muốn gởi sứ điệp hy vọng đến với các con, như đã xảy ra với Israel ở Babylon. Ngày nay cũng vậy, Chúa đang mở một con đường trước mặt các con, và mời gọi các con lên đường với niềm vui và hy vọng.
- Hành hương cuộc sống và những thách đố
Ngôn sứ Isaia nói về việc :bước đi không mệt mỏi”. Vậy chúng ta hãy suy ngẫm về hai khía cạnh này: bước đi và mệt mỏi.
Cuộc sống chúng ta là một cuộc hành hương, một hành trình thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi chính mình, một hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Đặc biệt, đời sống Kitô hữu là một cuộc lữ hành hướng về Thiên Chúa, ơn cứu độ của chúng ta và sự viên mãn của mọi điều tốt lành. Mục tiêu, thành tựu và thành công của chúng ta trên đường đi, nếu chúng chỉ là vật chất, sau một khoảnh khắc hài lòng ban đầu, sẽ vẫn khiến chúng ta đói, khao khát một cái gì đó lớn hơn. Những điều này không thể làm linh hồn chúng ta mãn nguyện hoàn toàn, bởi vì chúng ta được tạo dựng bởi Đấng vô hạn; và do đó, chúng ta có một mong muốn siêu việt, một động lực liên tục hướng tới việc thực hiện những khát vọng cao hơn, hướng tới sự “lớn hơn”. Đó là lý do tại sao, như cha thường nói với các con, đối với những người trẻ “nhìn cuộc sống từ ban công” là không đủ.
Tuy nhiên, điều bình thường là, trong khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình với sự nhiệt tình, sớm hay muộn chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Trong một số trường hợp, sự lo lắng và mệt mỏi bên trong do áp lực xã hội, nhu cầu đạt được mức độ thành công nhất định trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều này tạo ra một sự chán nản, trong khi chúng ta sống chạy hết hơi cho một hoạt động trống rỗng khiến chúng ta lấp đầy ngày sống bằng hàng ngàn thứ, và mặc dù vậy, chúng ta có cảm tưởng rằng mình không bao giờ làm đủ và không bao giờ đạt được. Sự mệt mỏi này thường đi với sự chán nản, sự thờ ơ và không hài lòng ảnh hưởng đến những người không bao giờ bước ra, không lựa chọn, không quyết định, không mạo hiểm, thích ở trong vùng thoải mái của riêng mình, khép kín, nhìn và đánh giá thế giới từ phía sau màn hình, không bao giờ dám “bẩn tay” với các vấn đề, với người khác, với chính cuộc sống. Loại mệt mỏi này giống như xi măng ướt và đôi chân chúng ta ở trong đó; cuối cùng nó cứng lại, đè nặng, làm tê liệt chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Cha thích sự mệt mỏi của những người đang đi trên đường, chứ không phải là sự chán nản của những người đứng yên mà không muốn di chuyển!
Giải pháp cho sự mệt mỏi, nghịch lý, là không đứng yên và nghỉ ngơi. Nhưng đúng hơn là lên đường và trở thành những người hành hương hy vọng. Lời mời gọi của cha dành cho các con là: hãy bước đi trong hy vọng! Hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng. Hy vọng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tiến bước, vì đó là một ân ban từ Chúa. Chúa lấp đầy thời gian chúng ta bằng ý nghĩa, chiếu sáng trên con đường chúng ta và chỉ cho chúng ta phương hướng và mục tiêu cuối cùng của cuộc sống. Thánh Tông Đồ Phaolô sử dụng hình ảnh của một vận động viên trong cuộc đua trên thao trường để nhận phần thưởng chiến thắng (1Cr 9,24). Những người trong các con đã tham gia vào một cuộc thi thể thao – không chỉ với tư cách là khán giả nhưng còn là vận động viên – biết rõ cần sức mạnh bên trong để về đích. Hy vọng chính là một sức mạnh mới mà Thiên Chúa thấm nhuần trong chúng ta, giúp chúng ta kiên trì trong cuộc đua, nhìn xa hơn những khó khăn hiện tại và tiến tới mục tiêu hiệp thông với Người và sự viên mãn của đời sống vĩnh cửu. Nếu có một mục tiêu đẹp, nếu cuộc sống không hướng về hư vô, thì những nỗ lực tiếp tục bước đi, vượt qua những trở ngại và mệt mỏi, là đáng giá bởi vì phần thưởng cuối cùng thật tuyệt vời!
- Những người hành hương trong sa mạc
Trong hành hương cuộc sống, chắc chắn sẽ có những thách đố phải đối diện. Thời xưa, trong các cuộc hành hương dài người ta phải đối phó với sự thay đổi các mùa và khí hậu, băng qua những đồng cỏ dễ chịu và những khu rừng mát mẻ, nhưng cũng có những ngọn núi phủ tuyết và sa mạc khô cằn. Do đó, ngay cả những người tin, hành hương cuộc sống và hành trình đến mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn còn mệt mỏi, như hành trình qua sa mạc đến Đất Hứa dành cho dân Israel.
Điều như thế cũng xảy ra với tất cả các con, những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin, có những lúc hạnh phúc khi cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa, nhưng cũng có những khoảnh khắc trải nghiệm sa mạc. Có thể xảy ra là sự nhiệt tình ban đầu của chúng ta trong việc học hoặc công việc, hay theo Chúa Kitô – cho dù trong hôn nhân, đời sống linh mục hay thánh hiến – được theo sau bởi những lúc khủng hoảng, khiến cuộc sống dường như là một chuyến đi khó khăn trong sa mạc. Tuy nhiên, những thời điểm khủng hoảng đó không lãng phí hay vô ích: chúng có thể trở thành thời điểm tăng trưởng quan trọng. Đó là những khoảnh khắc niềm hy vọng được thanh tẩy! Trong các cuộc khủng hoảng, nhiều “hy vọng” giả tạo, hy vọng quá nhỏ bé đối với trái tim chúng ta bị phơi trần, và chúng ta cảm thấy mình đơn độc khi đối diện với những câu hỏi căn bản của cuộc sống, vượt ra ngoài mọi ảo tưởng. Và trong những lúc đó, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: loại hy vọng nào tôi đặt trong cuộc sống? Chúng là hy vọng thực sự hay chỉ là ảo tưởng?
Vào những lúc đó, Chúa không bỏ rơi chúng ta. Như một người cha, Người đến gần bên và luôn ban cho chúng ta bánh tăng sức và giúp chúng ta tiếp tục hành trình. Chúng ta hãy nhớ rằng đối với dân trong sa mạc, Người đã ban manna (Xh 16) và cho ngôn sứ Elia, mệt mỏi và chán nản, Người đã hai lần cho bánh và nước, để ngôn sứ có thể đi “bốn mươi ngày bốn mươi đêm đến Khô-rép, là núi của Thiên Chúa” (1V 19, 3-8). Trong những câu chuyện Kinh Thánh đó, đức tin của Giáo Hội đã thấy trước hồng ân quý giá của Thánh Thể, manna đích thực, lương thực thực sự cho hành trình, mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để nâng đỡ chúng ta trên hành trình. Như Chân phước Carlo Acutis đã nói, Thánh Thể là đường cao tốc lên thiên đàng. Một người trẻ đã làm cho Thánh Thể trở thành cuộc hẹn quan trọng nhất hàng ngày của mình! Bằng cách này, trong sự hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể bước đi mà không mệt mỏi, vì Người đang bước đi bên cạnh chúng ta (Mt 28, 20). Tôi mời tất cả các bạn hãy tái khám phá hồng ân tuyệt vời của Thánh Thể!
Trong những giây phút mệt mỏi không thể tránh khỏi trong cuộc lữ hành của chúng ta trong thế giới này, chúng ta hãy học cách nghỉ ngơi như Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Người khuyên các môn đệ nghỉ ngơi sau khi họ trở về từ sứ vụ (Mc 6, 31); Người nhận ra nhu cầu nghỉ ngơi thân xác của các con, thời gian cho giải trí, tận hưởng tình bạn, chơi thể thao và ngủ. Tuy nhiên, có một sự nghỉ ngơi sâu sắc hơn, sự nghỉ ngơi của linh hồn, mà nhiều người tìm kiếm và ít người tìm thấy, vì chỉ được tìm thấy trong Chúa Kitô. Các con biết rằng tất cả những mệt mỏi nội tâm của các con có thể tìm thấy sự nghỉ ngơi trong Chúa, Đấng nói với các con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Khi sự mệt mỏi của hành trình đè nặng các con, hãy trở về với Chúa Giêsu, học cách nghỉ ngơi trong Người và ở với Người, vì “những ai trông cậy vào Chúa… bước đi không mệt mỏi” (Is 40, 31).
- Từ khách du lịch đến khách hành hương
Các bạn trẻ thân mến, cha mời gọi các con hãy bắt đầu cuộc hành trình, để khám phá cuộc sống trên con đường tình yêu, và tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa. Lời khuyên của cha dành cho các con là: đừng lên đường như những khách du lịch đơn thuần, nhưng hãy là những người hành hương thực sự. Đừng giống như những người ngắm cảnh hời hợt, không nắm bắt vẻ đẹp xung quanh các con, không khám phá ý nghĩa của những con đường đi qua, chỉ quan tâm đến một vài khoảnh khắc thoáng qua để chụp ảnh tự sướng. Khách du lịch làm điều này. Trái lại, những người hành hương đắm mình hoàn toàn vào những nơi họ gặp gỡ, những nơi làm họ lên tiếng, và biến họ thành một phần trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Hành hương Năm Thánh có ý nghĩa là dấu chỉ bên ngoài của một hành trình hướng nội mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện hướng tới đích đến cuối cùng của chúng ta.
Với những thái độ này, tất cả chúng ta hãy chuẩn bị cho Năm Thánh. Cha hy vọng nhiều người trong các con sẽ có thể đến Roma trong cuộc hành hương để đi qua Cửa Thánh. Trong mọi trường hợp, mọi người cũng có thể thực hiện cuộc hành hương này trong Giáo hội địa phương của mình, bằng cách đến viếng các nhà thờ và đền thánh, nơi bảo tồn đức tin và lòng sùng kính của dân thánh và trung thành của Thiên Chúa. Cha hy vọng cuộc hành hương Năm Thánh này sẽ trở thành cho mỗi người chúng ta “một khoảnh khắc gặp gỡ đích thực và cá nhân với Chúa Giêsu, là Cửa ơn cứu độ” (Hy vọng không làm thất vọng 1). Cha khuyến khích các con sống điều này với ba thái độ cơ bản. Trước hết, tạ ơn, với trái tim rộng mở để ngợi khen Thiên Chúa vì nhiều hồng ân của Người, đặc biệt là hồng ân sự sống. Sau đó, một tinh thần tìm kiếm, như một biểu hiện của cơn khát không thể dập tắt của trái tim chúng ta để gặp gỡ Chúa. Và cuối cùng, sám hối, giúp chúng ta nhìn vào bên trong, nhìn nhận những con đường và những lựa chọn sai lầm mà đôi khi chúng ta đã thực hiện và, bằng cách này, để được hoán cải về với Chúa và ánh sáng Tin Mừng của Người.
- Những người hành hương hy vọng cho sứ vụ
Cha để lại cho các con một hình ảnh gợi nhớ hơn để hướng dẫn hành trình của các con. Những người đến kính viếng Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma băng qua quảng trường lớn được bao quanh bởi hàng cột được xây dựng bởi kiến trúc sư và điêu khắc gia nổi tiếng Gian Lorenzo Bernini. Toàn bộ hàng cột xuất hiện như hai vòng tay rộng mở, một hình ảnh của Giáo hội, mẹ chúng ta, ôm lấy tất cả con cái. Trong Năm Thánh Hy Vọng sắp tới, cha mời gọi tất cả các con cảm nghiệm cái ôm đầy lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, để cảm nghiệm sự tha thứ của Người và sự tha thứ cho tất cả “những món nợ nội tâm” của chúng ta, như trong truyền thống Kinh Thánh của Năm Thánh. Bằng cách này, được Thiên Chúa đón nhận và tái sinh trong Người, các con cũng có thể mở rộng vòng tay để ôm lấy nhiều bạn bè, những người cần cảm nhận tình yêu Chúa Cha qua sự chào đón của các con. Mong sao mỗi người trong các con có thể trao ban “một nụ cười, một cử chỉ ấm áp của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai sẵn sàng, một hành động tốt, vì biết rằng, trong Thần Khí Chúa Giêsu, những hạt giống này có thể trở thành, đối với những người đón nhận chúng, những hạt giống hy vọng phong phú”, và do đó trở thành những nhà truyền giáo không mệt mỏi của niềm vui.
Khi bước đi, chúng ta hãy ngước nhìn, với con mắt đức tin, hướng về các thánh đã đi trước chúng ta trên hành trình, những người đã đạt được mục tiêu và bây giờ khuyến khích chúng ta bằng chứng tá của họ: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”. (2Tm 4,7-8). Mẫu gương của rất nhiều vị thánh, nam và nữ, thúc đẩy và nâng đỡ chúng ta.
Hãy can đảm! Tất cả các con đều có một vị trí đặc biệt trong trái tim cha. Cha phó thác hành trình của các con cho Đức Trinh Nữ Maria, để theo gương của Mẹ, các con có thể kiên nhẫn và tin tưởng tiến về phía trước để hoàn thành tất cả những hy vọng của các con, ngay cả bây giờ, khi các con kiên trì trong hành trình của mình như những người hành hương của hy vọng và tình yêu.
Roma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, 29/8/2024, Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Phanxicô