Sứ Điệp Đức Thánh Cha Gửi Tham Dự Viên “Diễn Đàn Hòa Bình Paris 2023” Lần Thứ VI
WHĐ (12.11.2023) – Hôm mồng 10.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một Sứ điệp đến các tham dự viên “Diễn đàn Hòa bình Paris 2023” lần thứ VI, được tổ chức tại Palais Brongniart, Pháp quốc, từ ngày 10 – 11.11.2023. Quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và dân sự, Diễn đàn thảo luận về chủ đề “Tìm kiếm điểm chung trong một thế giới đầy cạnh tranh”. Sứ điệp được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, và được Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore tuyên đọc vào sáng hôm khai mạc Diễn đàn. Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, tuyên đọc Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô tại lễ khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris ngày 10.11.2023. (Hình: CNS)
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA,
ĐƯỢC KÝ BỞI ĐỨC HỒNG Y PIETRO PAROLIN,
GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN “DIỄN ĐÀN HÒA BÌNH PARIS 2023” LẦN THỨ VI
Nhân dịp Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ VI, Đức Thánh Cha Phanxicô vui mừng tham gia cùng quý vị qua sứ điệp khích lệ này, với hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này – nhằm tăng cường đối thoại giữa tất cả các Châu lục để thúc đẩy hợp tác và đối thoại quốc tế – có thể góp phần xây dựng một thế giới công bằng, đoàn kết, và hòa bình hơn.
Năm nay, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh toàn cầu vô cùng đau thương. Khi chúng ta bất lực chứng kiến sự gia tăng của các cuộc xung đột vũ trang kéo theo hàng loạt đau khổ, bất công và thiệt hại – đôi khi không thể khắc phục được – tới ngôi nhà chung của chúng ta, Đức Thánh Cha ước mong Diễn đàn này sẽ là một dấu chỉ của hy vọng. Ngài hy vọng rằng những cam kết được đưa ra sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành, dựa trên việc lắng nghe tiếng kêu cứu của mọi người đau khổ vì khủng bố, bạo lực, và chiến tranh lan rộng, tất cả những tai họa chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm nhất định bằng việc nuôi dưỡng những lợi ích cụ thể, đáng tiếc là thường được ngụy trang bởi những ý định cao cả.
Xây dựng hòa bình là một tiến trình chậm rãi, kiên nhẫn, đòi hỏi lòng can đảm và sự dấn thân cụ thể của tất cả những người có thiện chí, những người quan tâm đến hiện tại và tương lai của nhân loại và hành tinh. Hòa bình lâu dài được xây dựng từng ngày thông qua việc nhìn nhận, tôn trọng và thăng tiến phẩm giá và các quyền cơ bản của con người, trong đó Tòa Thánh đặc biệt công nhận quyền hòa bình của con người, vốn là điều kiện để thực thi các quyền con người khác.
Trong năm đánh dấu kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chúng ta phải thừa nhận rằng, đối với hàng triệu người trên khắp các Châu lục, khoảng cách dai dẳng giữa những cam kết long trọng được đưa ra vào ngày mồng 10.12.1948 và thực tế vẫn chưa được lấp đầy, và trong một số trường hợp là hết sức cấp bách. Có bao nhiêu người, kể cả trẻ em, bị tước đoạt quyền căn bản và cơ bản là được sống cũng như được toàn vẹn về thể chất và tinh thần, do sự thù địch giữa các nhóm khác nhau hoặc giữa các quốc gia khác nhau? Có bao nhiêu người vì xung đột mà bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất, chẳng hạn như quyền có nước uống và thực phẩm lành mạnh, cũng như quyền tự do tôn giáo, quyền về sức khỏe, quyền có nhà ở tươm tất, quyền được giáo dục có chất lượng và quyền có công việc xứng đáng? Có bao nhiêu trẻ em bị buộc phải tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào cuộc chiến và phải chịu những vết sẹo về thể xác, tâm lý, và tinh thần trong suốt quãng đời còn lại?
Trong khi tái khẳng định quyền tự vệ bất khả xâm phạm cũng như trách nhiệm bảo vệ những người đang bị đe dọa tính mạng, chúng ta phải thừa nhận rằng chiến tranh luôn là một “thất bại của nhân loại” (Tiếp kiến chung, ngày 23.03.2022). Không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với những giọt nước mắt của người mẹ khi chứng kiến con mình bị thương tổn hoặc bị chết; không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với sinh mạng dù chỉ là của một người, vốn là thụ tạo thánh thiêng được tạo dựng theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa; không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với sự đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến tranh nào đáng giá so với việc nhiều người đột ngột bị buộc phải rời bỏ quê hương, bị tước mất mái ấm và cả gia đình, bạn hữu, cũng như những mối tương quan văn hóa, xã hội mà họ xây dựng được, đôi khi qua nhiều thế hệ.
Hòa bình không được xây dựng bằng vũ khí, nhưng bằng sự kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại và hợp tác, vốn vẫn là phương tiện duy nhất xứng đáng để con người giải quyết những khác biệt. Đức Thánh Cha mong muốn nhắc lại lời kêu gọi không ngừng của Tòa Thánh về việc im lặng vũ khí, suy xét lại việc sản xuất và buôn bán những công cụ chết chóc và hủy diệt này, đồng thời kiên quyết theo đuổi lộ trình giải trừ quân bị dần dần nhưng hoàn toàn, để cuối cùng những lý do cho hòa bình có thể được nghe rõ ràng!
Khi cảm ơn sự quan tâm của quý vị, Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng những cuộc thảo luận của quý vị sẽ phong phú và hiệu quả, đồng thời giúp quý vị lắng nghe và gặp gỡ nhau trong sự phong phú của sự đa dạng của mình, nhằm phát triển nền văn hóa hòa bình và mang lại những hoa trái cụ thể của tình huynh đệ.
Hồng Y Pietro Parolin
Quốc Vụ khanh Toà Thánh
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10.11.2023)