Sứ Điệp Phục Sinh Và Phép Lành Urbi Et Orbi


Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh 17/4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh Lễ Phục Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới, tại quảng trường thánh Phêrô. Có khoảng hơn 50 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ và sau đó là phép lành Urbi et Orbi.

Sứ điệp Phục Sinh của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục Sinh tới anh chị em!

Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại! Ngài ngự đến giữa những người đang thương khóc cho Ngài; họ đang trốn trong nhà cách lo âu và sợ hãi. Ngài đến giữa họ và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Ngài cho họ thấy những vết thương ở tay, ở chân, và vết thương nơi cạnh sườn: không phải là ma, mà là chính Ngài, là Đức Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá và đã ở trong mồ. Trước con mắt ngờ vực của các môn đệ, Ngài lặp lại: “Bình an cho anh em!” (câu 21).

Trong dịp Lễ Phục Sinh ở thời điểm chiến tranh này, chúng ta cũng đang có cái nhìn đầy hoài nghi. Chúng ta đã thấy quá nhiều đổ máu, quá nhiều bạo lực. Trái tim chúng ta cũng ngập tràn sợ hãi và đau khổ, trong khi rất nhiều anh chị em của chúng ta đang phải tự nhốt mình để tránh bom đạn. Chúng ta khó tin rằng Đức Giêsu đã thực sự sống lại, rằng Người đã thực sự chiến thắng sự chết. Phải chăng việc Ngài phục sinh chỉ là một ảo ảnh? Một kết quả từ trí tưởng tượng của chúng ta?

Không, điều đó không phải là ảo ảnh! Hôm nay, hơn bao giờ hết, lời công bố Phục Sinh vang vọng cách sống động đến Giáo hội Đông phương: “Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật rồi!” Hôm nay, ở điểm cuối của một Mùa Chay những tưởng như không muốn kết thúc, chúng ta cần đến Người hơn bao giờ hết. Chúng ta đã phải gồng gánh hai năm đại dịch, vốn để lại những dấu ấn nặng nề. Tưởng rằng đã đến lúc cùng nhau bước ra khỏi đường hầm, chung tay, chung sức, chung lòng … Vậy mà, chúng ta lại đang cho thấy mình không có tinh thần của Chúa Giêsu mà vẫn còn đó tinh thần của Cain, người coi Abel không phải như một người anh em, mà như một đối thủ, và đã nghĩ cách loại bỏ người em của mình. Chúng ta cần Thập giá Phục sinh để tin vào chiến thắng của tình yêu, để hy vọng vào khả năng hòa giải. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta cần Ngài, Đấng đến giữa chúng ta và tiếp tục nói với chúng ta: “Bình an cho anh em!”

Chỉ có Ngài mới làm được điều đó. Ngày nay chỉ mình Ngài có quyền công bố hòa bình cho chúng ta. Chỉ có Đức Giêsu, vì Ngài mang những thương tích, vốn là những thương tích của chúng ta. Những thương tích Ngài mang là những thương tích nhân bội của chúng ta: của chúng ta và chính chúng ta chất các thương tích đó lên cho Ngài bởi những tội lỗi, bởi sự cứng lòng, bởi sự thù hận huynh đệ tương tàn; và của chúng ta vì Ngài mang chúng cho chúng ta, Ngài đã không hủy bỏ chúng khỏi Thân thể vinh hiển của Ngài, Ngài muốn giữ chúng, mang chúng trong mình mãi mãi. Chúng là dấu ấn không thể xóa nhòa của tình yêu Ngài dành cho chúng ta, là lời cầu bầu trường cửu để Cha trên trời có thể nhìn thấy chúng và thương xót chúng ta cũng như toàn thể thế giới. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh là dấu chỉ của cuộc chiến mà Ngài đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình, trở nên hòa bình, và sống trong hòa bình.

Nhìn vào những vết thương vinh hiển ấy, đôi mắt ngờ vực của ta mở ra, trái tim sắt đá của ta mở ra và đón nhận lời công bố Phục Sinh: “Bình an cho anh em!”.

Anh chị em thân mến, Chúng ta hãy để cho sự bình an của Đức Ki-tô ngự đến trong cuộc sống, nơi ngôi nhà, trong đất nước của chúng ta!

Nguyện cầu ơn hoà bình cho đất nước Ukraine đang bị tàn phá, đang bị thử thách nghiệt ngã bởi bạo lực và sự huỷ hoại của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà nó bị kéo vào. Giữa đêm trường của đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu cho một bình minh mới của niềm hy vọng sẽ sớm trỗi dậy! Cầu mong hoà bình được lựa chọn. Mong người ta không tìm cách phô diễn sức mạnh nắm đấm trong khi dân chúng đang đau khổ. Làm ơn! Đừng đứng về phía chiến tranh, tất cả chúng ta hãy cùng nhau cất lên tiếng hiệu triệu cho hoà bình, từ ban công cho tới đường phố! Hoà bình! Ai có trách nhiệm với các quốc gia, hãy lắng nghe tiếng kêu vì hòa bình của nhân dân. Hãy lắng nghe câu hỏi đáng lo ngại được đặt ra bởi các nhà khoa học cách đây gần 70 năm: “Chúng ta sẽ chấm dứt nhân loại hay nhân loại biết từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng 7 năm 1955).

Tôi mang vào lòng mình tất cả vô số nạn nhân Ukraine, hàng triệu người tị nạn và di tản nội địa, những gia đình bị chia cắt, những người già bị bỏ lại một mình, những mảnh đời tan nát và những thành phố bị san bằng. Trong mắt tôi là ánh nhìn của những đứa trẻ mồ côi đang bị bỏ lại hay đang chạy trốn chiến tranh. Nhìn các em, chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu đau đớn của các em, cùng với tiếng kêu đau đớn của rất nhiều trẻ em khác đang phải gánh chịu trên khắp thế giới: những em đang chết vì đói hoặc thiếu sự chăm sóc, những nạn nhân của lạm dụng và bạo lực và những hài nhi bị khước từ quyền được sinh ra.

Trong nỗi đau chiến tranh cũng có những dấu hiệu đáng mừng, chẳng hạn như cánh cửa rộng mở của nhiều gia đình và cộng đồng trên khắp châu Âu chào đón những người di cư và tị nạn. Ước gì những hành động bác ái này trở thành một phúc lành cho xã hội của chúng ta, vốn hay bị suy thoái bởi quá nhiều ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân; và ước gì chúng thành động lực khiến cho các xã hội chào đón tất cả mọi người.

Mong rằng cuộc xung đột ở châu Âu khiến chúng ta thức tỉnh hơn, ngay cả khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, đau khổ và mất mát khác, vốn đang ảnh hưởng đến rất nhiều khu vực trên thế giới mà chúng ta không muốn và không được phép quên lãng.

Nguyện cầu ơn hoà bình cho Trung Đông, nơi đã bị chia cắt bởi những năm tháng chia rẽ và xung đột. Trong ngày vinh hiển này, chúng ta cầu xin hòa bình cho Jerusalem và hòa bình cho những ai yêu mến thành phố này (xem Tv 121 [122]), cho các Ki-tô hữu, các tín hữu Do Thái và tín hữu Hồi giáo. Cầu chúc cho người Israel, người Palestine và tất cả cư dân của Thành phố Thánh, cùng với các khách hành hương, cảm nhận được vẻ đẹp của hòa bình, sống trong tình huynh đệ và được tự do ra vào các Địa điểm Thánh trong sự tôn trọng lẫn nhau đối với quyền của mỗi bên.

Nguyện cầu ơn hòa bình và hòa giải cho các dân tộc Liban, Syria và Iraq, và đặc biệt là cho tất cả các cộng đồng Ki-tô hữu ở Trung Đông.

Cũng cầu mong hòa bình cho Libya. Nguyện cho mảnh đất này tìm thấy sự ổn định sau nhiều năm căng thẳng. Và cầu mong hoà bình cho Yemen, nơi đang hứng chịu cuộc xung đột bị mọi người lãng quên, với các nạn nhân không ngừng tiếp diễn: ước gì thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết trong những ngày gần đây có thể khôi phục lại niềm hy vọng cho người dân.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Phục sinh ban ơn hòa giải cho Myanmar, nơi thảm kịch hận thù và bạo lực vẫn còn tồn tại, và cho Afghanistan, nơi những căng thẳng xã hội nguy hiểm chưa được lắng xuống, và nơi mà cuộc khủng hoảng nhân đạo bi thảm đang hành hạ người dân.

Nguyện cầu ơn hòa bình cho cả lục địa Châu Phi, để có thể chấm dứt tình trạng bóc lột, mà chính châu lục này là nạn nhân, cũng như tình trạng đổ máu do các cuộc tấn công khủng bố; và để các dân tộc ở đây tìm thấy sự tương trợ huynh đệ lẫn nhau. Cầu mong Ethiopia, nơi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, có thể tìm ra con đường đối thoại và hòa giải; và mong tình trạng bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo được chấm dứt.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và trợ giúp các dân tộc trên lục địa Châu Mỹ, nơi có những trường hợp đang chứng kiến sự xuống dốc của các điều kiện xã hội trong thời kỳ khó khăn của đại dịch, và nơi mà các trường hợp tội phạm, bạo lực, tham nhũng và buôn bán ma túy đang trở nên trầm trọng hơn.

Chúng ta cầu xin Chúa Phục Sinh đồng hành trên con đường hòa giải mà Giáo hội Công giáo Canada đang thực hiện với các dân tộc bản địa. Cầu xin Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh chữa lành vết thương của quá khứ và những trái tim đang tìm kiếm chân lý và tình huynh đệ.

Anh chị em thân mến, mọi cuộc chiến đều mang đến những hậu quả liên quan đến toàn thể nhân loại: từ đau thương và bi kịch của những người tị nạn cho đến khủng hoảng kinh tế và lương thực mà các dấu hiệu đã lộ ra rõ ràng. Đối diện với những dấu hiệu tiếp diễn của chiến tranh, và trước những thất bại đau đớn của cuộc đời, Đức Ki-tô, Đấng chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự sợ hãi và cái chết, khuyên nhủ chúng ta đừng đầu hàng sự dữ và bạo lực. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để mình chiến thắng bằng ơn bình an của Đức Ki-tô! Hòa bình sẽ khả thi, hòa bình là bổn phận, hòa bình là trách nhiệm hàng đầu của tất cả mọi người!

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt