Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Giuse Phạm Đình Ngọc S.J.
Mừng ngày nhà giáo Việt Nam
Hungary, 16-11-2022
WHĐ (17.11.2022) – Những ngày này hẳn là rộn ràng câu chuyện giáo viên và học sinh. 20 tháng 11 hằng năm, chúng ta mừng ngày nhà giáo, tri ân quý thầy cô. Đây thực sự là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài viết dưới đây tôi muốn chia sẻ với giáo viên Công giáo một khía cạnh khác của nhà giáo vốn liên quan đến ơn gọi huấn luyện và giáo dục học sinh.
Khi học cấp ba, tôi không từng nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên. Do đó, tôi đã chọn một ngành khác để học nhằm tránh nghề giáo vốn mang tiếng là “an phận thủ thường”. Theo tiếng gọi của Chúa, tôi bước vào đời tu và được nhà dòng huấn luyện trở nên một tu sĩ, một người loan báo tin mừng. Sau khi học chương trình căn bản xong, tôi chịu chức linh mục và được nhà dòng gửi đến một trường học công giáo của nhà dòng để làm việc. Tôi đang viết cho quý độc giả tại một ngôi trường vốn có nhiều điều thú vị mà tôi sắp kể ra đây.
Giờ đây tôi không thấy nghề giáo buồn chắn như nhiều người tưởng. Số là khi đồng hành với các học sinh, mỗi người là một hoàn cảnh khác và câu chuyện khác thu hút tôi. Cần nói ngay rằng dạy học không chỉ là lượng kiến thức trao cho mọi học sinh. Trên hết, mỗi học sinh là một cuộc đời mà giáo viên cần để ý. Do đó, tôi thấy các giáo viên ở đây thường để tâm đến từng học sinh. Nhất là những khi các em có vấn đề về việc học, tâm sinh lý hoặc khủng hoảng, giáo viên cần tinh tế nhận ra để giúp các em vượt qua. Điều này đòi hỏi giáo viên đủ tình yêu và nhạy bén. Bên cạnh đó, trong trường cũng có những người chuyên môn để kịp thời giúp đỡ các học sinh.
Tôi nhận thấy giáo viên Công giáo được mời gọi để kết hợp với Thiên Chúa. Ai có đời sống nội tâm đủ mạnh, đủ sâu, họ không chỉ là giáo viên tốt nhưng còn là nhà giáo dục mẫu mực. Gương mẫu là điều rất quan trọng trong giáo dục. Rất tiếc nhiều giáo viên chỉ chú trọng đến kiến thức, nhưng quên phần rất quan trọng của giáo dục, đó là giúp các em nên người. Tiên học lễ hậu học văn luôn đúng trong nhà trường. Nếu đảo ngược lại vế này, dường như việc học khó giúp học sinh thành nhân. Phải chăng vì sự nhầm lẫn này mà nền giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng, vốn được nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra.[1] Nếu vậy, tôi hy vọng vào giáo viên Công giáo vẫn còn giữ được triết lý giáo dục này.
Tại những trường tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, bên cạnh việc dạy học, nhà trường tạo ra một bầu không khí tôn giáo. Nghĩa là giáo dục về đời sống tâm linh, tinh thần của các em thực sự được đề cao. Chẳng hạn nhà trường tổ chức nhiều chương trình thiêng liêng để các em gặp gỡ Thiên Chúa và với nhau. Thánh lễ thường được đề cao để học sinh thực hành đời sống đạo như là nguồn sức mạnh giúp các em học hành. Chính trong bầu không khí này, không chỉ các em, chính giáo viên (cả phụ huynh nữa) cùng được mời gọi hướng về Đấng là nguồn tri thức đích thực của con người[2]. “Vì chính ĐỨC CHÚA ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có.” (Cn 2,6). Vì điều này mà tôi tin đằng sau thành công của các em luôn có bóng dáng của Thiên Chúa. Bởi thế mà trong những thư gửi cho giáo viên Công giáo trong những năm gần đây, Giáo hội đều cho thấy “những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa.”[3]
Trong bối cảnh có quá nhiều thách đố mà nhà giáo hiện nay đang đối diện, tôi chia sẻ ba chìa khóa mà nhà trường, nơi tôi đang làm việc, thường đề cao chú trọng, với ước mong giáo viên Công giáo tìm ra phương cách để giúp học sinh yêu mến tri thức như là cơ hội để các em gặp gỡ Thiên Chúa.
1. Kinh nghiệm
Trong tri thức luận, kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng để người ta nhận thức được vấn đề. Trong triết lý giáo dục này, thầy cô là người tạo cho các em trải nghiệm nơi bài vở, trên thực tế. Những kiến thức được trao cho các em như là những kinh nghiệm giúp các em thấm được vào trong khối óc và con tim. Do đó, sách giáo khoa như là một trong những nguồn để các em có được kinh nghiệm về kiến thức. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, sẽ có rất nhiều nguồn bổ ích khác để giúp các em có kinh nghiệm về đối tượng học hỏi.
Thực vậy, với thời đại Công nghệ hiện nay, Giáo hội cũng nhìn thấy những cơ hội trong Giáo dục cần hướng tới: “Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”. Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”[4]. Nếu hướng đến những điều này, giáo viên sẽ giúp được các em biến lượng kiến thức thành tri thức cho cuộc đời!? Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai.
2. Phản tỉnh
Nếu nhớ là quá trình chúng ta tiếp cận và lưu lại trong não, thì phản tỉnh giúp việc lưu lại này trở nên tri thức. Quý thầy cô đều biết giáo dục không nên dạy một chiều, nghĩa là giáo dục giúp các em phản tỉnh, nhận xét các vấn đề. Chúng ta đều biết mỗi người là một nhân vị (person), nghĩa là con người có hồn và xác, có lý trí, lương tâm, ý chí và tự do (x. GLHTCG 1783-1788,1799-1800). Đồng thời con người cũng có trách nhiệm trên quyết định của mình; và người ấy cũng có khả năng tự nhìn về chính mình. Ngôn ngữ triết học và linh đạo cũng đề cao sự tự phản tỉnh, hoặc phản tỉnh (reflection). Theo Hán Việt, phản nghĩa là trở lại, tỉnh là xét, xem xét. Như thế phản tỉnh là nhớ lại, xét hỏi linh hồn mình (chính mình), nghiền ngẫm thường xuyên. Hoặc theo từ điển tiếng Anh “a reflection man” là người suy nghĩ sâu xa và thấu đáo về một vấn đề gì đó. Chính trong hoàn cảnh này các em mới có thể phản biện, vốn được nhiều nhà giáo dục chú ý trong nhiều năm gần đây. Chỉ phản biện tốt khi các em biết phản tỉnh, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề nào đó. Từ phản tỉnh này giúp các em tập đứng trên hai chân của mình. Khi các em tập phản tỉnh, giáo viên như là người có kinh nghiệm, giúp các em tìm ra ánh sáng của vấn đề. Từ việc phản tỉnh này, các em sẽ chuyển kiến thức đến con tim, đến đôi tay mà chúng ta sẽ nói ở từ thứ ba.
3. Hành động
Học luôn đi đôi với hành. Một khi các em thấy được sự thú vị của việc học, nghĩa là có tác động trên đời sống của mình, các em sẽ có niềm vui để tìm tòi học hỏi. Niềm vui này có thể các em nhận được từ chính quý thầy cô, từ khung cảnh nhà trường, từ gia đình hoặc từ chính Thiên Chúa, (nếu các em là người Công giáo). Điều này nghe có vẻ lạ tai với nhiều thầy cô; tuy nhiên đây lại là điều quan trọng. Chẳng hạn kinh nghiệm của ông Gióp trong cựu ước cho ta thấy rằng: “Bấy giờ Đức Chúa mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm.” (G 33,16-18). Lý tưởng là các em công giáo có những hành xử xứng hợp với luật lệ của Thiên Chúa. Đạo đức nhân bản của người đời thôi chưa đủ, nhưng làm sao để giúp các em “liên lạc” được với Thiên Chúa. Chính lúc ấy Thiên Chúa sẽ chỉ cho các em cách hành động đúng mực và hợp tình hợp lý.
Ba chìa khóa trên đây thực ra là một tiến trình trong giáo dục vốn liên hệ mật thiết với nhau. Trong giới hạn của bài viết, tôi không thể đi vào ngóc ngách của từng chìa khóa. Nếu dùng được cả ba chìa khóa này, cánh cửa giáo dục toàn diện sẽ được mở ra[5]. Nghĩa là giáo dục hướng đến việc phát triển con người toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí. (x. Gaudium et Spes số 3). Trên hết, tôi muốn chia sẻ với quý thầy cô Công giáo rằng chúng ta đang có một nội lực, chỗ dựa rất lớn đó là Thiên Chúa. Cụ thể, đạo Công giáo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong sự nghiệp giáo dục.
Trong khi nhiều người tôn vinh nghề giáo, ước gì giáo viên Công giáo biết rằng chúng ta đang dạy các em vì điều gì? Ngoài những khát vọng mà ngành giáo dục mời gọi, chúng ta còn có sứ mạng dạy cho các em biết sự thật (diakonia of truth)[6], học làm người và học để làm chứng cho Thiên Chúa[7]. Ít người để ý đến điểm quan trọng này. Trên thế giới, tôi thấy hầu hết chương trình của những trường nổi tiếng đều chứa đựng những điều trên. Nghĩa là họ dạy học không đơn thuần vì lượng kiến thức, nhưng còn vì rất nhiều giá trị từ nhân bản cho đến tâm linh, thiêng liêng. Do đó, thật tốt để chúng ta cử hành ngày lễ mừng Ngày nhà giáo như là cơ hội nhớ lại sứ mạng mà Thiên Chúa mời chúng ta bước vào môi trường giáo dục. Nơi đó, theo Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Bầu không khí này được kiến tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giáo viên và học sinh cũng như giữa các học sinh với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với thiện ích của học viên.”[8] Nếu được như thế, môi trường giáo dục thực sự không buồn chán hoặc khô khan; nhưng là nơi để mỗi giáo viên là một nghệ nhân đồng hành với các em trên từng bước đường đời.
Tôi tiếp tục cầu nguyện cho quý thầy cô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau để mỗi người nỗ lực một chút trong hành trình giáo dục này. Nơi đó luôn có Thiên Chúa, Giáo hội và con người. Có cả tình yêu, khát vọng và lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Mong thay!
“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.” (2 Cr 13,13).
________________________________________
[1] Minh Khôi, ‘Tiên học lễ, hậu học văn’: Bất kỳ thời nào cũng đúng, sao phải bỏ?, tại https://vtc.vn/tien-hoc-le-hau-hoc-van-bat-ky-thoi-nao-cung-dung-sao-phai-bo-ar648453.html
[2] Xem thêm: https://www.theologyofwork.org/old-testament/isaiah/gods-view-of-our-work-isaiah/life-knowledge-and-wisdom-isaiah-28ff
[3] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-goi-anh-chi-em-giao-chuc-cong-giao-nhan-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-2021-44067
[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-tiep-giao-duc-ton-giao.html (Sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và giáo dục”).
[5] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II và nhất là khi dẫn lại câu tuyên bô thời danh trong Thư Giacôbê: “Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, muối và ánh sáng cho trần gian.” (Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32 cũng đề cập đến điều này.)
[6] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-va-su-vu-giao-duc-40202
[7] Điều này cũng được Giáo hội nhắn nhủ với giáo viên: http://giaoxutanviet.com/thu-duc-cha-chu-tich-ubgdcg-gui-nha-giao-nhan-ngay-20-11/
[8] Đọc thêm: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-va-su-vu-giao-duc-40202