Sứ Vụ Linh Mục Theo Thông Điệp Fratelli Tutti
LM Jerome Trần Thế
WHĐ (08.02.2023) – Thông điệp Tất cả anh em của Đức Giáo hoàng Phanxicô được công bố vào ngày 03/10/2020, áp lễ kính thánh Phanxicô Assisi, mang tên Fratelli tutti – nói về tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch CoViD-19, và đối với Đức Thánh Cha, ngài thật sự đau buồn về nó trong khi viết thông điệp này. Người đọc có thể thấy được sự nhức nhối, căng thẳng trong thông điệp vì tính hiện thực của nó. Mặc dù thế giới đang có một siêu kết nối với nhau nhưng qua hoàn cảnh này lại phơi trần các phân mảnh của các quốc gia; nó khiến chúng ta mơ về một thế giới huynh đệ mà trong đó tất cả đều là anh chị em với nhau. Điều này có được khi chúng ta có một trải nghiệm mãnh liệt về Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người.
Với chủ đề mục vụ của năm nay: “Củng cố sự hiệp thông” của HĐGMVN, cách đặc biệt, giáo phận Phú Cường sống chủ để “Hiệp thông để loan báo Tin mừng”, chúng ta hãy cùng nhìn lại sứ vụ linh mục trong Thông điệp Fratelli Tutti với ba khía cạnh mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến, đó là: người nghèo và bị tổn thương; tình yêu bắc cầu; và tầm quan trọng của tha thứ. Đây không phải là bản tóm tắt, nhưng muốn làm nổi bật những khía cạnh ấy để chúng ta có thể làm phong phú cho sứ vụ của chúng ta; vì Giáo hội đứng về phía người nghèo, anh em linh mục chúng ta được mời gọi hướng về họ, thể hiện tình thương yêu và tha thứ như Chúa là Đấng yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Như thế, chúng ta mới là những người kiến tạo sự hiệp thông, làm một thân mình với Chúa Kitô và hăng say loan báo Tin mừng cứu độ.
1/ Người nghèo và người bị tổn thương
Thông điệp thách thức chúng ta nhìn người nghèo, người già cả, bị bỏ rơi và xem hệ thống chính trị kinh tế và xã hội hiện tại, trong đó cách nhìn và khả năng đón nhận của chúng ta, những người phục vụ dân Chúa đang làm gì cho họ. Một vài lý do làm tan vỡ và làm cản trở tới sự thăng tiến của tình huynh đệ phổ quát được nhắc tới đó là: toàn cầu hoá sự tư lợi, sự hời hợt, lạm dụng các phương tiện truyền thông, hoang phí một cách thái quá, sự thải bỏ không chỉ với thực phẩm nhưng còn là thải bỏ cả con người v.v. Những điều đó cho thấy con người quy về mình hơn là nghĩ đến người khác, chỉ có lợi ích cá nhân là quan trọng. “Con người không còn được xem như có giá trị tối cao phải được tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người nghèo hoặc khuyết tật, chưa hữu dụng (như trẻ sắp ra đời), hoặc chẳng còn ích lợi gì (như người già cả). Chúng ta đã trở nên vô cảm với mọi kiểu hoang phí, trước hết là hoang phí thực phẩm, loại hoang phí tệ hại nhất”[1].
Một mặt, khi quy chiếu về mình mà quên đi lợi ích cho người khác, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, nó dễ dàng tạo thời cơ sống còn đối với những người thích ứng nhất. Mặt khác chúng ta có thể nhìn thấy ngay sự bất bình đẳng được tạo ra; nó càng gia tăng giữa giàu và nghèo, giữa những người quyền lực, giàu có với những người yếu thế dưới quyền. Khi co cụm lại với chính bản thân mình, người ta nhìn người khác như một thế giới xa lạ, thiếu lòng tin, không quen thuộc và từ đó “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa”[2].
Từ những vấn nạn trên, hình ảnh dụ ngôn người Samari nhân hậu làm ẩn dụ cơ bản, khơi dậy niềm hy vọng, là tấm gương sáng ngời cho những hoàn cảnh khó khăn, mời gọi chúng ta bắc những nhịp cầu tình yêu, trở thành người thân cận cho tha nhân.
2/ Tình yêu bắc cầu
Đức Thánh Cha dùng hình ảnh dụ ngôn người Samari nhân hậu để so sánh hoàn cảnh chúng ta ngày nay – cá nhân và tập thể, với thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn, những người vì lý do tôn giáo, xã hội và chính trị khi đi ngang qua người nghèo, bị đánh đập, bị bỏ rơi cần được giúp đỡ. Giống như thầy tư tế và Lêvi trong dụ ngôn, chúng ta dễ rơi vào tình trạng mù quáng đạo đức cá nhân mà bỏ qua những thực hành cơ bản nhất. Hình ảnh này là một lời cảnh báo cho chúng ta hôm nay: “Việc tin vào Thiên Chúa và tôn thờ Ngài không bảo đảm cho việc sống theo ý muốn của Ngài. Một người có niềm tin có thể không trung thành với tất cả những gì niềm tin này đòi hỏi, thế nhưng, lại có thể cảm thấy gần gũi Thiên Chúa và nghĩ rằng mình xứng đáng hơn những người khác”[3].
Lời mời gọi chúng ta hôm nay vẫn là lời mời gọi thể hiện lòng trắc ẩn như người Samari nhân hậu và tử tế. Không bước qua bất kỳ nỗi đau nào của nhân loại, nhạy bén với sự tổn thương trong tâm hồn người khác, và biết rằng họ cần được xoa dịu như chính Chúa xoa dịu chúng ta. Tình yêu được nảy sinh có nghĩa là “Anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). “Một khi trái tim chúng ta mang lấy thái độ này thì chúng ta có khả năng đồng hóa mình với người khác, chẳng kể người đó sinh ở đâu hoặc đến từ nơi nào. Khi đi vào tiến trình này, cuối cùng chúng ta sẽ cảm nghiệm được người khác là ‘anh em cốt nhục’ của mình”[4].
Tình yêu tạo ra các mối dây liên kết và mở rộng cuộc hiện sinh của của chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi chính mình để vươn tới điều tốt đẹp và vươn tới người khác. Chính lúc ra khỏi chính mình là lúc làm cho con người mình được thêm tròn đầy. Cuộc sống có ý nghĩa khi chúng ta khám bản thân mình qua việc yêu thương và trợ giúp người khác. Tình yêu bắc cầu không thu hẹp trong các mối tương quan cá nhân, trong các nhóm nhỏ, nhưng vươn ra đối với tất cả mọi người. Mối liên hệ của chúng ta, nếu lành mạnh và chân thật, sẽ rộng mở đến những người khác, nhờ đó chúng ta sẽ được triển nở và phong phú hơn.
Lời mời gọi ở đây vẫn là lời mời gọi ra khỏi chính mình, đừng chỉ thu hẹp mình trong các mối tương quan mang tính an toàn, văn hoá xây tường cần phải loại bỏ để có thể đến với người khác. Và đây chính là điều mà chúng ta có thể liên kết và hướng tới xây dựng sự hiệp thông phổ quát. “Tầm vóc thiêng liêng của đời người mang nét đặc trưng của tình yêu. Tình yêu, suy cho cùng, là “tiêu chuẩn xác định cuộc đời của một người có giá trị hay không”. Tuy nhiên, có những tín hữu nghĩ rằng uy thế của họ là ở chỗ áp đặt ý thức hệ lên người khác hoặc ở chỗ dùng bạo lực để bảo vệ sự thật hoặc bằng cách rầm rộ biểu dương lực lượng. Là các tín hữu, tất cả chúng ta đều phải nhận biết điều này: tình yêu là điều tối thượng, đừng bao giờ để tình yêu lâm vào vòng nguy hiểm và nguy hiểm trầm trọng nhất chính là việc không yêu thương”[5].
3/ Tầm quan trọng của tha thứ
Nếu tình yêu là tiêu chuẩn xác định cuộc đời của một người có giá trị hay không thì tha thứ là tiêu chuẩn xác định tình yêu. Yêu chính là tha thứ, người ta không thể hiểu được tình yêu là gì nếu như trong chúng ta còn chừa lại một sự hiềm thù nào đó mà không tha thứ. Không tha thứ dễ dung dưỡng cho thói vô cảm, chậm chạp trong khoan dung, nuôi dưỡng lòng ghen tị và sẽ đi đến thất bại trong tình yêu. Chúa Giêsu không bao giờ cổ võ cho những thái độ này, trái lại “Người công khai lên án việc sử dụng sức mạnh để bắt người khác phải phục tùng: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20,25-26). Trái lại, Phúc âm đòi chúng ta phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) và kể một ví dụ về người đầy tớ độc ác được tha thứ nhưng lại không biết tha thứ cho kẻ khác” (x. Mt 18,23-35)[6].
Đề nghị tha thứ ở đây không có nghĩa là từ bỏ quyền lợi của bản thân, như chấp nhận bị áp bức, hoặc tiếp tục để họ áp bức mình, để cho tội phạm tiếp tục làm điều sai trái… nhưng là làm sao để cho họ chấm dứt các hành vi này. “Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống của mình, cần nhận ra rằng “sự xét đoán khắt khe âm ỉ trong lòng mà tôi dành cho anh chị em mình, vết thương không được chữa lành, sự xúc phạm không được thứ tha, mối oán hận chỉ gây hại cho tôi… tất cả đều là những tình tiết của một cuộc chiến diễn ra trong tôi, là ngọn lửa trong tâm hồn tôi cần phải dập tắt không để bùng cháy thành cơn hỏa hoạn”[7].
“Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn có thể tha thứ khi có điều gì đó không có cách nào phủ nhận, tương đối hóa hay che giấu. Chúng ta vẫn có thể tha thứ khi có điều gì đó không bao giờ có thể dung thứ, biện minh hay bào chữa. Chúng ta vẫn có thể tha thứ khi có điều gì đó không được phép quên đi. Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Nếu tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ”[8].
Nhìn lại ba chiều kích trên, người nghèo và bị tổn thương, tình yêu và tha thứ, nó không phải là cái gì mới mẻ, nhưng nó thách thức chúng ta hành động; không phải chúng ta có hiểu nó hay không nhưng là chúng ta đang làm gì với lời mời gọi ấy. Điều đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng con người cần quan tâm tới những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, rằng chúng ta phải thương yêu đồng loại và mau mắn tha thứ.
Thông điệp nêu rõ về thời kỳ cay đắng và thù nghịch, chủ nghĩa tư lợi và việc lạm dụng tự do quyền bính, chúng ta cần dịu dàng và nhân ái, thể hiện tình yêu và lòng bao dung của Chúa trong chính đời sống sứ vụ của mình. Lòng tốt, sự tử tế cần phải được trau dồi; đây không phải là đức tính trưởng giả hời hợt. Thánh Phaolô nói về sự tử tế như là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Lòng tốt hay sự tử tế “diễn tả một tâm hồn không chua chát, thô lỗ, cứng cỏi, nhưng nhân hậu, dịu dàng, biết nâng đỡ và an ủi. Những cá nhân có đức tính này thường giúp người khác có được cuộc sống dễ chịu hơn, nhất là giúp những ai chịu áp lực nặng nề bởi những khó khăn, những nhu cầu khẩn cấp, những nỗi lắng lo ưu phiền. Lối ứng xử này được biểu lộ bằng nhiều cách: thái độ ân cần hòa nhã, chú ý để lời nói hoặc việc làm không gây tổn thương cho ai, cố gắng làm người khác vơi bớt gánh nặng”[9].
Ông Giacóp, nhân vật trong sách Sáng thế, có hai lần đánh lừa anh mình là Êsau (chương 25 và 27): lừa bán quyền trưởng nam và đóng giả Êsau, lừa cha để đánh cắp lời chúc phúc. Tất cả chuyện này là sai và có thể phải trả lẽ, nhưng cuộc đời ông Giacóp dường như ngược lại. Ngược với người anh bị lừa, Giacóp có một đời sống sung túc, được Chúa và người khác yêu mến. Đâu là bài học cho chúng ta?
Nếu chúng ta một lúc nào đó làm như Giacóp làm, hay làm một chuyện không hay đại khái như vậy, thì hệ quả đạo đức ở đâu? Câu trả lời đến từ Giacóp nhiều năm sau đó. Một đêm nọ, khi Giacóp ở một mình, có một người lạ nhảy vào và lặng lẽ vật lộn với Giacóp suốt đêm (chương 32). Cho đến tờ mờ sáng, Giacóp bị đánh vào khớp xương hông làm ông bất động, ông cảm thấy thực sự bất lực, ông thấy mình thất bại và có cái gì đó biến đổi cuộc đời ông.
Tờ mờ sáng nhưng bóng tối vẫn vừa đủ để ông có thể nhận ra đối thủ của mình là ai. Những gì ông thấy còn khủng khiếp hơn là sự chết, đó là khuôn mặt của tình yêu. Khuôn mặt ấy là khuôn mặt của tình thương vô biên, dù có sức mạnh và quyền uy nhưng không quật ngã, thậm chí giết ông ngay khi giáp mặt, nhưng lặng lẽ vừa đủ để ông có thể nhìn và cảm nhận được tình yêu ấy; và cuối cùng “tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi” (St 32,27). Khuôn mặt ấy chính là Thiên Chúa tình yêu.
Giacóp có thể đạt được mục đích bằng sự khôn lanh mưu mẹo và, Thiên Chúa có thể tha thứ những lỗi lầm, nhưng Thiên Chúa muốn ông nhận ra rằng, lời chúc phúc ông có được là một món quà, không phải là sự khôn ngoan mưu mẹo của ý chí con người.
Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà ấy, là “sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 15). Món quà Chúa ban cho chúng ta là tình yêu vô biên của Ngài, và tha thứ cho chúng ta không ngừng. Ngài muốn như thế là bởi vì Ngài muốn chúng ta được hiệp thông trọn vẹn với Ngài và nên một trong Ngài.
Chúng ta nhận được điều ấy, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng biết cho đi như vậy, yêu thương và tha thứ cho nhau.
(Trích bài suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng 02/2023)
[1] ĐGH PHANXICÔ, Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh (11/01/2016): AAS 108 (2016), 120; trong Thông điệp Fratelli tuti, số 18.
[2] ĐGH PHANXICÔ, Thông điệp Fratelli tuti, số 27.
[3] Ibid. 74
[4] Ibid. 84
[5] Ibid. 92
[6] Ibid. 238
[7] Ibid. 243
[8] Ibid. 250
[9] Ibid. 223