Suy Niệm: Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: opusdei.org (19.10.2022)
WHĐ (05.12.2022) – Một số suy niệm có thể hỗ trợ lời cầu nguyện của chúng ta trong Lễ Trọng Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
* * * * *
Mục Lục Bài Viết
1. Tín điều Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội
“Ôi Maria, vinh quang trần thế, con Ánh sáng vĩnh cửu, Con của Mẹ đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi.”[1] Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta ca tụng sự thánh thiện của Mẹ Maria, người phụ nữ đến từ Nadarét đã đón nhận tất cả các ân ban và hoa trái của Chúa Thánh Thần. Từ những thời kỳ đầu tiên, các tác giả Kitô giáo gọi Đức Mẹ là “Evà mới”, công nhận rằng Mẹ được liên kết đặc biệt với một “công trình sáng tạo mới” của thế giới, công trình cứu chuộc. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã xác định tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong Tông Sắc Ineffabilis Deus.
Công thức trung tâm của tài liệu, nơi đức tin của Giáo hội được xác định rõ ràng, cho biết: “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được tượng thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên Tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.”[2]
Bài đọc đầu tiên của Thánh lễ trình bày một trong những bản văn Kinh thánh mà Đức Giáo hoàng đã trích dẫn trong Tông Sắc: câu chuyện về việc ông bà đầu tiên của chúng ta bị trục xuất khỏi thiên đàng sau khi phạm tội nguyên tổ. Tuy nhiên, bài trình thuật cũng bao gồm một thông báo tràn đầy hy vọng. Chúa nói với con rắn cám dỗ rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (Stk 3:15). Đoạn văn này được gọi là Tiền Tin Mừng vì đó là thông báo đầu tiên về sự cứu độ của chúng ta.
Thánh Gioan Phaolô II chỉ ra rằng đoạn sách Sáng thế ký “đã đem lại cảm hứng cho nhiều cách diễn tả về Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng đã đè bẹp đầu con rắn bên dưới bàn chân của mình… Bản dịch này không tương ứng với văn bản tiếng Hípri, trong đó người dẫm lên đầu con rắn không phải là người phụ nữ, mà là con cháu của bà ấy. Do đó, bản văn đó không quy cho Đức Maria, nhưng cho Con của Mẹ là người chiến thắng Satan. Tuy nhiên, vì quan niệm trong Kinh thánh thiết lập một sự gắn kết sâu sắc giữa tổ tiên và con cháu, nên nó phù hợp với ý nghĩa ban đầu của đoạn văn khi nói rằng Đấng Vô nhiễm đã nghiền nát đầu của con rắn, không phải bằng sức mạnh của mình, mà là bằng cách thế của Con Mẹ.”[3]
Kinh tiền tụng Thánh lễ xem xét mầu nhiệm liên kết Đức Maria với cội nguồn của Giáo Hội: “Cha đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Mẹ được đầy ân sủng để Mẹ xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Mẹ, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất xinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Đức Kitô.”[4] Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, khoảnh khắc trong lịch sử mà chúng ta vui mừng nhớ lại hôm nay, khai mạc thời kỳ của Giáo Hội, đó là thời gian của chúng ta.
2. Vẻ đẹp của một cuộc sống thánh thiện
Tất cả chúng ta được mời gọi noi gương sự thánh thiện của Mẹ chúng ta. Tuy nhiên, khi xem xét lời mời này, chúng ta có thể có “một sự nghi ngờ ẩn dấu rằng một người không phạm tội về cơ bản phải thực sự nhàm chán và cuộc sống của họ còn thiếu một thứ gì đó: chiều kích bi tráng của việc tự lập.”[5] Mặc dù chúng ta biết điều đó không đúng, chúng ta có thể bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng, theo một nghĩa nào đó, chúng ta sẽ chỉ trở thành con người trọn vẹn khi trải nghiệm sự căng thẳng mà vốn dĩ dường như không có trong cuộc sống của Mẹ chúng ta:
“Tuy nhiên, nếu nhìn vào thế giới xung quanh chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng điều này không phải như vậy; nói cách khác, cái ác ấy luôn là thuốc độc, không nâng cao con người mà hạ thấp, hạ nhục con người. Nó không làm cho họ trở nên vĩ đại hơn, trong sạch hơn hay giàu có hơn, mà làm tổn hại và coi thường họ. Đây là điều mà chúng ta thực sự nên học vào ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: người nào hoàn toàn phó thác mình trong tay Thiên Chúa không trở thành con rối của Thiên Chúa, trở thành một “người xin vâng” nhàm chán; người ấy không mất tự do. Chỉ có ai phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa mới tìm thấy tự do đích thực, sự bao la vĩ đại, sự sáng tạo của tự do thiện hảo.”[6] Cuối cùng, người nào theo bước chân của Mẹ chúng ta mới tìm thấy con người thật của mình và có thể đến gần hơn với từng người.
Đây là giấc mơ của Thiên Chúa mà chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Đức Maria nhận được lời loan báo về ơn gọi của mình:
“Bà Êlidabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà .” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,26-38). Và đó cũng là sự thể hiện kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Như Thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai của Thánh lễ: “Trong Chúa Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1, 4).
“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Thiên thần khuyến khích Mẹ Maria vui mừng vì sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Biết được kế hoạch của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta niềm vui. Tham gia vào kế hoạch của Thiên Chúa là con đường dẫn đến hạnh phúc dưới đất cũng như trên trời. Lời chào của thiên thần có hai phần thiết yếu: lời mời gọi hãy vui mừng, vì Con Thiên Chúa, vốn đã được báo trước trong sách Sáng thế, sắp nhập thể; và lời tuyên bố về sự tràn đầy ân sủng được tìm thấy nơi Mẹ Maria. Chúng ta được mặc khải rằng Đức Mẹ hoàn toàn thánh thiện, được thể hiện qua đức tin, đức cậy và đức ái tràn đầy của Mẹ.
3. Được mời gọi sống đức tin, đức cậy và đức ái.
Chúng ta cũng muốn tràn đầy đức tin và sống theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta muốn có một niềm tin không bao giờ dao động và điều đó tự thể hiện một cách hiệu quả khi đau khổ và khó khăn đồng hành cùng chúng ta. Vì chúng ta biết rằng “nếu Thiên Chúa tôn vinh Mẹ mình, thì cũng đúng là Ngài đã không cho Mẹ tránh khỏi đau đớn, kiệt sức trong công việc hoặc thử thách đức tin của Mẹ.”[7]
Chúng ta cũng muốn sống thấm nhuần hy vọng, vì chúng ta chắc chắn rằng chúng ta đang chia sẻ chiến thắng của Chúa Cứu thế. Cũng như niềm hy vọng của các tông đồ được nhen nhóm khi nhìn thấy Chúa Giêsu được tôn vinh trên núi Tabor, thì chúng ta, khi chiêm ngưỡng Người Phụ Nữ đầy ân sủng, cũng tràn đầy lạc quan trong sứ mệnh của mình, cũng như khi con người chúng ta trải qua những giây phút cố gắng hơn. “Trong những lúc khó khăn nhất, xin Mẹ Maria, Người Mẹ mà Chúa Giêsu đã ban cho tất cả chúng ta, luôn nâng đỡ bước chân chúng ta, xin Mẹ luôn nói với tâm hồn chúng ta: “Hãy chỗi dậy! Hãy nhìn về phía trước, hãy nhìn về phía chân trời”, bởi vì Mẹ là Mẹ của Hy vọng.”[8]
Cuối cùng, chúng ta cầu xin Mẹ Maria cầu xin với Con của Mẹ là Chúa Giêsu cho chúng ta một lòng bác ái lớn hơn để làm cho tình yêu của chúng ta mạnh mẽ hơn đối với Thiên Chúa và đối với tất cả mọi người, nam và nữ. Làm con của một người Mẹ tốt lành như vậy sẽ làm cho chúng ta giống với Con của Mẹ, Đấng đã đi qua thế gian để thực hiện điều thiện hảo và nhóm lên ánh sáng luôn luôn mới mẻ và hữu hiệu của ân sủng thánh thiêng trong những cõi lòng.
[1] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Thánh Thi.
[2] Đức Piô IX, Tông thư Ineffabilis Deus, số. 18.
[3] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 29 tháng 5 năm 1996.
[4] Kinh tiền tụng, Thánh lễ Trọng thể Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội.
[5] Bài giảng của ĐGH Bênêđictô XVI, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thứ Năm, 8 tháng 12, 2005.
[6] Đã dẫn.
[7] Thánh Josémaría, Chúa Kitô đang đi qua, số 172.
[8] ĐGH Phanxicô, Tiếp kiến chung, thứ Tư, ngày 10 tháng 5 năm 2017.