Suy Niệm Tháng Hoa – 2023


Hướng tới:

  • Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 31/5/2023
  • Mừng Kỷ Niệm 60 Năm Thành lập Giáo Phận (1963 -2013) 

  CHỦ ĐỀ: CÙNG MẸ MARIA:

HIỆP NHẤT, SỐNG ĐỨC TIN VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

Lời Chúa: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1,43)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

* Thứ Hai (1/5/2023). KHAI MẠC

Ngày 18 tháng 1 năm 2023 là ngày đánh dấu 60 năm thành lập giáo phận Đà Nẵng (1963-2023). Để ghi nhớ và làm sống lại niềm vui trọng đại này, giáo phận dành trọn tháng Hoa năm nay mời gọi con cái giáo phận cùng Mẹ Maria cảm tạ Thiên Chúa về mọi hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo Phận trong dòng lịch sử 60 năm qua và cùng Mẹ sống đời tạ ơn ấy trong lịch sử ở phía trước.

            Giáo phận gợi ý cho mọi người suy niệm theo chủ đề: “Cùng Mẹ Maria hiệp nhất, sống đức tin và loan báo Tin Mừng.” Chúng ta sẽ lần lượt hằng tuần khai triển chủ đề này với các đề tài sau: – (1) Có Mẹ trong lịch sử giáo phận; – (2) Cùng Mẹ sống hiệp nhất; – (3) Cùng Mẹ sống đức tin; – (4) Cùng Mẹ loan báo Tin Mừng – (5) Giáo Phận bước tiếp trong lịch sử với ký ức về Mẹ Maria.

Suy niệm 1: CÓ MẸ TRONG LỊCH SỬ GIÁO PHẬN

Lời Chúa:  Đọc Cv 1,12-14.

            Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với đông đảo tín hữu vào năm 2010, Đức Bênêđictô quả quyết: “Không có Giáo Hội nếu không có lễ Hiện Xuống, không có lễ Hiện Xuống mà lại không có Đức Maria.” Lời quả quyết này nhấn mạnh đến sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử Giáo Hội ngay từ buổi Giáo Hội được khai sinh.

  1. Mẹ Maria trong lịch sử Giáo Hội và Giáo Phận

            Mẹ Maria ở giữa nhóm người gồm các tông đồ, các phụ nữ và những người anh em thân tộc của Chúa Giê-su đang chờ đợi Chúa Thánh Thần và đó cũng là cộng đoàn Giáo Hội vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nhưng đối với thánh sử Luca, Mẹ Maria còn có vị trí đặc biệt giữa cộng đoàn tín hữu đầu tiên này. Mẹ ở giữa Giáo Hội từ khởi đầu trong vai trò chứng nhân của Chúa Giê-su, truyền lại cho Giáo Hội những ký ức về cuộc nhập thể, thời thơ ấu, cuộc sống ẩn dật và sứ vụ cứu độ của Con chí thánh Mẹ như một kho tàng vô giá, nhờ đó giúp cho Giáo Hội nhận biết Chúa Giê-su, sự hiện diện và vai trò của Chúa Giê-su trong lịch sử Giáo Hội.

            Như vậy, lịch sử Giáo Hội cũng là lịch sử sự hiện diện của Mẹ Maria giữa Giáo Hội và trong sứ mạng của Giáo Hội. Vì đã nhận lấy Giáo Hội từ sự ủy thác của Chúa Giê-su, Mẹ trở nên Mẹ Giáo Hội, là thầy dạy và nữ vương các thánh tông đồ, bằng lời cầu nguyện, bằng sự chăm sóc đầy mẫu tính. Như người mẹ biết nhu cầu của đứa bé hơn nó, Mẹ Maria biết nhu cầu của Giáo Hội hơn Giáo Hội cần. Vì thế, không một khoảnh khắc nào trong lịch sử Giáo Hội thiếu vắng sự hiện diện của Mẹ Maria, vì Mẹ là mẹ Giáo Hội.

            Lịch sử Giáo Phận Đà Nẵng là lịch sử minh chứng sự hiện diện và phù trợ của Mẹ Maria trong Giáo Phận. Không chỉ suốt lịch sử 60 năm của Giáo Phận, mà đặc biệt trong biến cố năm 1885, Mẹ đã hiện diện giữa đoàn con của Mẹ tại Giáo Phận để an ủi, ban ơn, phù trợ và củng cố đức tin của con cái trong cơn nguy khốn do cuộc bách hại Đạo.

            Do đó, lịch sử của Giáo Phận cũng là lịch sử con cái Mẹ tại giáo phận này ghi nhớ ơn Mẹ và cùng Mẹ ngợi ca Thiên Chúa. Vào năm 1958, giáo phận Qui Nhơn đã quyết định chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận. Ngày 31 tháng 1 năm 1959, Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu lần thứ nhất được tổ chức suốt 3 ngày. Kể từ đó cho đến ngày giáo phận Đà Nẵng được thành lập tách ra từ giáo phận Qui Nhơn đến nay, giáo phận Đà Nẵng luôn tin tưởng sự hiện diện và phù trì của Mẹ Maria, nên hằng năm tụ họp nhau tại Trung Tâm Thánh Mẫu, tạ ơn Mẹ và cùng Mẹ tạ ơn Chúa đã ban Mẹ cho Giáo Phận.

  1. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi viếng thăm

            Với lòng biết ơn, chúng ta tự hỏi như bà Isave: Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi viếng thăm giáo phận? Bà Isave tin rằng nơi nào Mẹ hiện diện, nơi ấy đều có sự hiện diện đầy ơn phúc của Chúa Giê-su. Bà tuyên xưng đứa trẻ trong lòng Mẹ Maria là “Chúa của tôi.” Thánh Tô-ma sau này cũng tuyên xưng Chúa Giê-su là “Chúa của tôi.” Nhưng bà Isave là người đầu tiên tuyên xưng như thế ngay khi Chúa Giê-su còn trong lòng Mẹ. Mặc dù không được thấy Chúa Giê-su trước mắt như Tô-ma thấy, bà Isave nhận ra nơi Mẹ Maria có Chúa Giê-su. Vì thế, Isave rất vui trước ân phúc được Mẹ hiện diện, bởi Mẹ mang ân phúc trọng đại là mang Chúa Giê-su đến với gia đình Isave.

            Như bà Isave, giáo phận Đà Nẵng vui mừng vì Mẹ hiện diện trong lịch sử giáo phận và mang Chúa Giê-su đến với giáo phận. Xin cho mọi thành phần trong giáo phận biết cám ơn Mẹ và sống niềm vui có Chúa ở cùng trong từng khoảnh khắc lịch sử giáo phận, bằng đời sống vui tươi đầy xác tín trong mọi hoàn cảnh và tự nguyện mang Chúa đến cho mọi người.

 

* Thứ Bảy (6/5/2023)

– Suy niệm 2: CÙNG MẸ SỐNG HIỆP NHẤT

Lời Chúa:  Đọc Ga 17,20-23

            Trong dịp cầu nguyện cho bình an và hiệp nhất tại Ba-lan vào năm 1979, thánh giáo hoàng Gioan đã xưng tụng Mẹ Maria là “Mẹ của hiệp nhất” và nài xin Mẹ cho toàn thể thế giới cũng như Giáo Hội vượt qua mọi chia rẽ, theo gương Mẹ và cùng Mẹ sống hiệp nhất.

  1. Mẹ Maria – “Mẹ của hiệp nhất”

Trong Thánh Kinh, Mẹ Maria được trình bày trong mối dây thân thiết và không thể chia cắt với Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ. Khi cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ trở nên khí cụ hiệp nhất. Mẹ hiệp nhất với Con Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa làm người trong thân thể của Mẹ. Đất trời nối kết trong Ngôi Hai làm người, Đấng ở trong lòng Mẹ. Mẹ không chỉ là một người mà qua đó Ngôi Hai đi vào thế giới, Mẹ còn hiệp nhất với Chúa Giê-su trong linh hồn và thân xác. Và Chúa Giê-su liên kết với Mẹ trong tư cách người con của Mẹ, Chúa của Mẹ và nguồn sống của Mẹ. Mẹ là nguồn sống nhân loại của Chúa Giê-su và Chúa Giê-su là nguồn sự sống thần linh đầy tràn trong Mẹ.

Mẹ Maria có sứ mạng giúp Giáo Hội thực hiện ước muốn hiệp nhất của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không muốn Giáo Hội cô độc trên hành trình lữ thứ trần gian, nên đã trao phó Giáo Hội cho Mẹ: “Đây là con Bà” và trao Mẹ cho Giáo Hội: “Đây là mẹ con.” Ở giữa Giáo Hội, Mẹ ghi nhớ tất cả mọi điều Chúa nói và suy niệm trong lòng, đặc biệt ước muốn của Con mình mong Giáo hội trở nên một: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha.”

Không chỉ biết Chúa Giê-su ước muốn Giáo Hội hiệp nhất, Mẹ còn hiểu rõ Chúa Giê-su là tâm điểm sự hiệp nhất của Giáo Hội: mọi sự đều qui về Chúa Giê-su và Chúa Giê-su dâng mọi sự lên Chúa Cha. Vì thế, sự hiệp nhất của Mẹ với Chúa Giê-su trở thành mẫu mực cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, đồng thời Mẹ cho Giáo Hội bí quyết sống sự hiệp nhất, đó là “Chúa Giê-su bảo gì, cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mẹ đã nêu gương thưa “xin vâng” với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, Mẹ mong muốn Giáo Hội hiệp nhất với Chúa Giê-su bằng đời sống “xin vâng” như thế.

Mẹ Maria còn là “Mẹ của hiệp nhất” trong Giáo Hội. Cộng đoàn Mẹ ở giữa là cộng đoàn “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32). Mẹ sống trong sự hiệp nhất với Chúa Giê-su và với cộng đoàn đức tin, nên Mẹ dễ dàng cầu bàu cho Giáo Hội với tình mẫu tử trong Mẹ. Trong biến cố tiệc cưới Cana, Mẹ đã thấy trước điều tệ hại sẽ xảy đến cho gia đình mới của đôi tân hôn và Mẹ dễ dàng đến bên cạnh Chúa Giê-su cầu bàu cho họ. Đó là lý do các giáo hoàng không ngừng nài xin Mẹ cầu bàu cho Giáo Hội, nhất là được ơn hiệp nhất trong đức tin và tình mến như lòng Chúa Giê-su mong ước. Giáo phận Đà Nẵng qua năm tháng không ngừng nài xin Mẹ cầu bàu cho giáo phận được hiệp nhất: “Lạy Đức Mẹ Trà Kiệu, xin cầu cho chúng con.”

  1. Cùng Mẹ sống hiệp nhất

Chúa Giê-su có mục tiêu truyền giáo thật cụ thể khi Ngài cầu nguyện cho Giáo Hội, trong đó có giáo phận Đà Nẵng, được hiệp nhất nên một. Vì thế, sứ mạng của giáo phận là cùng Mẹ Maria đi theo con đường hiệp nhất đức tin, hiệp nhất loan báo Tin Mừng và sống tình huynh đệ thực sự như Mẹ nêu gương và khẩn cầu.

Sự hiệp nhất trong giáo phận có hai chiều: chiều hướng đến Thiên Chúa và chiều hướng đến anh chị em.

Hiệp nhất hướng đến Thiên Chúa. Mẹ Maria luôn hướng lòng về Thiên Chúa và sẵn sàng đáp lại lời Chúa phán bảo như một nữ tỳ của Thiên Chúa. Mẹ vâng nghe lời Chúa Cha, đón nhận Chúa Con làm người và tự nguyện để Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cuộc đời mình.

Sở dĩ giáo phận hôm nay còn tồn tại là nhờ sự hiệp nhất thánh thiện của các tín hữu theo gương Mẹ Maria. Nhờ hiệp thông với Thiên Chúa khi sốt sắng lắng nghe và sống theo lời Chúa dạy, nhờ hiệp nhất với nhau khi chuyên cần tham dự thánh lễ và các bí tích, mà giáo phận còn hiện diện và phát triển cho đến hôm nay. Chúng ta tự hỏi: dịp kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận này, có thôi thúc tôi sống hiệp thông với Thiên Chúa qua việc nghe lời Chúa và tham dự thánh lễ hơn không?

Hiệp nhất hướng đến anh chị em. Mẹ nêu gương cho chúng ta qua việc ở giữa các tông đồ, qua việc đi viếng bà Isave. Mẹ sống tình huynh đệ của những người môn đệ Chúa. Các nhà truyền giáo đầu tiên đến giáo phận Đà Nẵng không đi một mình, đơn độc, nhưng có 5 người cùng đi. Họ đi thành một cộng đoàn huynh đệ, nâng đỡ nhau sống đức tin và thi hành sứ mạng truyền giáo. Nay chúng ta biết, tính hiệp nhất trong cộng đoàn đang bị thách thức dữ dội trong một xã hội có xu hướng cá nhân chủ nghĩa và phân mảng. Vậy, dịp mừng 60 năm thành lập này có khích lệ chúng ta sống tình huynh đệ hướng đến một chương trình mục vụ chung phục vụ cho sứ mạng truyền giáo không? có theo gương Mẹ và bắt chước tinh thần hiệp nhất của các nhà thừa sai không?

Xin Mẹ cho toàn thể giáo phận chúng con yêu quý sự hiệp nhất thánh thiện và cho chúng con theo gương Mẹ, luôn đáp lại sự mong mỏi nên một của Chúa, sống hiệp nhất với Chúa và với cộng đoàn giáo phận, giáo xứ chúng con.

 

* Thứ Bảy (13/5/2023)

Suy niệm 3: CÙNG MẸ SỐNG ĐỨC TIN

Lời Chúa:  Đọc Ga 2,1-5

            Trong Thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin”, Đức Phancicô đã gọi Mẹ Maria là “Mẹ của đức tin Giáo Hội”, vì “nơi Mẹ của Chúa Giê-su, rõ ràng đức tin đã mang đầy hoa trái và khi đời sống thiêng liêng của chúng ta sinh hoa kết quả, chúng ta được tràn đầy niềm vui. Đây là dấu chỉ rõ ràng nhất về sự cao cả của đức tin.”

  1. Mẹ Maria – “Mẹ của đức tin Giáo Hội”

            “Phúc cho bà là kẻ đã tin lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Lời của Isave không nhằm ca ngợi lòng tin của Mẹ Maria vào một giáo thuyết, nhưng vì lòng tín thác của Mẹ vào lời Thiên Chúa. Mẹ tin tưởng Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ dành cho Mẹ và cho toàn thể nhân loại. Mặc dù người ta có thể tin chắc vào một giáo thuyết, người ta chỉ có thể đặt sự tín thác vào một con người và vào lời hứa của người ấy. Đức tin bấy giờ là sự tín thác đặt nền tảng trên mối tương quan thân thiết với người mình tin. Mẹ Maria có kinh nghiệm đức tin đó với Thiên Chúa.

            Niềm tín thác của Mẹ gói gọn trong tiếng “xin vâng” vào lời của Đấng “không có gì là không thể làm được.” Lời “xin vâng” của Mẹ đối với Thiên Chúa là câu đáp trả tròn đầy của đức tin Mẹ vào Thiên Chúa. Lời “xin vâng” này càng nổi bật trong một thế giới ngay từ đầu con người nổi loạn không vâng nghe theo Thiên Chúa, tựa những tá điền nổi loạn giết người được chủ vườn nho sai đến và mưu tính chiếm vườn nho, tựa người con đòi chia gia tài và đóng sầm cửa ra đi trước sự bàng hoàng của người cha. Lời “xin vâng” của Mẹ thể hiện sự từ bỏ không chỉ trong ý thức, mà con trong toàn bộ cuộc sống của Mẹ, vì lời “xin vâng” là cuộc sống của Mẹ, là sự vâng phục tuyệt đối vào chương trình của Thiên Chúa.

Lời “xin vâng,” niềm tín thác hay đức tin của Mẹ mở ngõ cho tương lai, vui lòng đón nhận mọi sự xảy đến vì tin yêu Chúa, cả trong đêm tối cuộc đời. Không chỉ trong biến cố truyền tin, Tin Mừng còn cho biết những biến khác trong cuộc đời Mẹ. Năm mười hai tuổi, tại Giêrusalem, Chúa Giê-su đưa Mẹ vào mầu nhiệm của Ngài: “Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Mẹ không hiểu những lời Chúa nói. Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giê-su nói với Mẹ: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi.” Một số nhà chú giải cố gắng giải thích câu nói của Chúa dễ nghe hơn, nhưng điều đó không cần thiết, vì Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ đón nhận sứ mạng mới càng khó chấp nhận hơn. Và đêm tối trên đồi Gôn-gô-tha, mọi sự càng khó hiểu hơn, còn đen đặc hơn, khi Mẹ sống trong thử thách mất người con yêu dấu của mình.

Quả thật, lời “xin vâng” của Mẹ làm vang dội lại lời xin vâng của Chúa Giê-su với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha.” Trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn sống tín thác vào Thiên Chúa, mở lòng với Thiên Chúa, dù nghịch cảnh vây quanh. Mẹ còn “ghi nhớ và suy niệm” trong lòng những điều chỉ có lòng tín thác vào Chúa mới giải thích được. Giáo Hội ngợi khen Mẹ là “Mẹ của đức tin Giáo Hội.”

  1. Cùng Mẹ sống đức tin

Trong Tự sắc “Cánh Cửa Đức Tin,” Đức Bênêđíctô XVI mời gọi mọi tín hữu chiêm niệm đức tin của Mẹ Maria và nhìn vào gương đức tin của Mẹ mà sống theo.

Đức tin là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta qua cuộc cứu độ của Chúa Giê-su và quyền năng Chúa Thánh Thần trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đức tin này đến từ Thiên Chúa và qui về Thiên Chúa. Đáp lại, người tín hữu được thôi thúc sống quà tặng đức tin như Mẹ đã sống, giữa thời đại nhiều thách thức hôm nay.

Những thách thức đức tin của Ki-tô hôm nay là: (1) sống giữa một xã hội duy vật, đề cao vật chất và quyền lực, chối bỏ Thiên Chúa. Trong xã hội không đón nhận Thiên Chúa, người ta sẽ đúc một thần “bò vàng” để thờ, đồng tiền trở thành tiên, thần đối với họ. (2) Sống giữa chủ nghĩa duy tương đối, không còn muốn chấp nhận các chân lý từ Thánh Kinh và Thánh truyền, xem tất cả đều tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý mà sống theo chọn lựa cá nhân, lấy ý của cá nhân làm chuẩn mực khiến các giá trị đạo đức bị đảo lộn. (3) Sống giữa các ngẫu tượng. Không cần nặn ra ngẫu tượng, ngày nay chỉ cần bấm nút là có vô số thần làm thỏa mãn giác quan và mọi thứ đam mê, hạ thấp phẩm giá con người và hủy diệt lòng đạo đức trong con người. (4) Trong gia đình, thế hệ trước không lưu tâm truyền đạt đức tin cho thế hệ sau, ông bà-cha mẹ không kể chuyện Giê-su, không dạy các giá trị đạo đức cho con cháu, hoàn toàn trao phó con cháu cho các phương tiện truyền thông và bạn bè của chúng.

Giữa hoàn cảnh đầy thách thức đức tin như thế, Mẹ Maria vẫn cứ “xin vâng” theo lời Chúa dạy và khuyên nhủ giáo phận chúng ta: “Chúa Giê-su bảo gì, cứ việc làm theo.” Giáo phận chúng ta còn có gương đức tin của các bậc tiền nhân. Giữa cuộc bách hại Đạo nặng nề, cha ông chúng ta cùng qui tụ lại thành một cộng đoàn đức tin ở nhà thờ Trà Kiệu và các nơi thờ phượng khác, cùng tin tưởng cất lời ngợi khen Thiên Chúa, truyền dạy cho con cháu những lời Chúa dạy, các bài giáo lý, các lời đạo đức. Gương đức tin của chân phước Anrê Phú Yên và các chứng nhân đức tin qua năm tháng trong lịch sử giáo phận vẫn sáng ngời. Mẹ Maria luôn hiện diện nâng đỡ đức tin của con cái trong giáo phận.

Vì thế, chắt lọc từ Tông Sắc “Cánh Cửa Đức Tin,” giáo phận chúng ta chú tâm thực hiện: (1) Trong mọi hoàn cảnh luôn hướng nhìn về Chúa Giê-su, là “nguồn gốc và là cùng đích của đức tin”: nơi Ngài mọi khát vọng đích thực của con người được hoàn tất. (2) duyệt lại lịch sử đức tin, hoán cải chân thành và trường kỳ, nỗ lực sống thánh thiện. (3) Học hỏi nội dung cơ bản đức tin ở trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, trong đó có một tổng hợp có hệ thống. “Sách Giáo Lý không phải là một giáo thuyết, mà là cuộc gặp gỡ với Đấng sống trong Giáo Hội.” (4) Ông bà-cha mẹ sống gắn bó với thánh lễ và lời Chúa, nêu gương sáng đức tin và truyền đạt đức tin cho con cháu, qui tụ gia đình thành một cộng đoàn đức tin.

Những thực hành đức tin trên không là một phần thời gian, mà là toàn bộ đời sống của mỗi chúng ta. Mẹ Maria sống đức tin toàn bộ thời gian của Mẹ.

Xin Chúa tăng thêm lòng tin cho chúng con. Xin Mẹ Trà Kiệu phù trợ con cái Mẹ trong đời sống đức tin, nhất là trong hoàn cảnh tăm tối.

 

* Thứ Bảy (20/5/2023)

Suy niệm 4: CÙNG MẸ LOAN BÁO TIN MỪNG

Lời Chúa:  Đọc Lc 1,39-45

            Đức Phanxicô đã chọn câu Lời Chúa sau đây “Maria chỗi dậy vội vã lên đường” (Lc 1,39), làm chủ đề cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới vào tháng 8 năm 2023. Qua đó, Đức Thánh Cha kêu gọi người trẻ và mọi tín hữu theo gương Mẹ Maria “chỗi dậy và vội vã lên đường” loan báo Chúa Giê-su cho mọi người.

  1. Mẹ Maria “chỗi dậy và vội vã lên đường” loan báo Chúa Giê-su

Ngay sau khi được tin mừng cưu mang Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa làm người, và đồng thời được tin mừng Thiên Chúa ban cho người chị họ Isave của mình có thai nay được sáu tháng, Mẹ Maria “chỗi dậy vội vã lên đường” đến nhà người chị họ. Đây không phải là sự vội vã liều lĩnh, nhưng xuất phát từ tin mừng Mẹ được đón nhận nơi Mẹ và tin mừng người bà con được nhận. Nhận được tin mừng, Mẹ không rút lui âm thầm sống 9 tháng trong cô tịch; trái lại, Mẹ nhanh chóng lên đường, vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và niềm vui có Thiên Chúa ở trong lòng thúc giục Mẹ ra đi chia sẻ cho người khác niềm vui biết Chúa Giê-su. Vội vã lên đường là quyết định và hành động của những người có đức tin. Abraham từng vội vã lên đường theo Thiên Chúa. Các phụ nữ sau khi đến thăm mồ Chúa đã vội vã chay về báo tin cho các tông đồ. Không ai là Ki-tô hữu đích thực mà lại thiếu tính nhanh nhẹn này. Cuộc vội vã viếng thăm của Mẹ xuất phát từ lời ưng thuận nhận lấy Ngôi Hai làm người: đó là lời mời gọi Mẹ ra đi đến vùng ngoại vi để mang Tin Mừng trong niềm vui yêu thương và phục vụ.

Không ít người nghĩ rằng Mẹ phải vội vã đi lên miền núi giúp người chị em trong những ngày sinh nở. Dường như đó không phải chủ đích Tin Mừng muốn nhắm đến, dù suy đoán dựa vào đời sống bác ái của Mẹ. Bởi, nếu bà Isave cần sự giúp đỡ của Mẹ trong những ngày sinh nở, thì lý do đó không buộc Mẹ phải vội vã, vì Isave mới mang thai tháng thứ sáu! Vả lại, nếu nghe kỹ bài Tin Mừng sẽ nhận thấy, thánh sử Luca không đề cập lý do thăm nuôi, nhưng nhấn mạnh việc Mẹ mang Chúa đến cho người chị họ và bà Isave cũng chia sẻ với Mẹ niềm vui được Chúa và Mẹ đến viếng thăm. Họ cần nhau để nâng đỡ đức tin cho nhau.

Sự vội vã lên đường đến vùng xa chia sẻ Tin Mừng Giê-su cho người chị họ minh chứng Mẹ Maria là nhà truyền giáo. Mẹ đến chia sẻ sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Mẹ. Như Chúa Giê-su đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần đã hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Lc 10,21), thánh sử Luca chú ý đến lời ngợi khen tương tự của Mẹ trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat): “Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Mẹ được đầy ơn Chúa Thánh Thần, đang mang Tin Mừng Giê-su ở trong Mẹ đến với Isave và mọi người. Mẹ loan báo sự thật đức tin: Ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa hằng thương xót và ơn cứu độ đó khởi xướng lên niềm vui trong lòng trong những ai đón nhận. Trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế,” thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết, tình yêu của Giáo Hội ưu tiên cho người nghèo hèn được mô tả cách ngưỡng mộ trong lời Magnificat của Mẹ Maria. Vì thế, lời ngợi khen của Mẹ không chỉ được thốt lên bằng lời, mà còn được Mẹ sống trong đời sống truyền giáo của Mẹ nữa.

  1. Cùng Mẹ loan báo Tin Mừng

Đức Phanxicô nhắn nhủ: theo gương Mẹ Maria vội vã lên đường loan báo Tin Mừng Giê-su cho bà Isave, tín hữu được mời gọi đón Chúa Giê-su vào cuộc đời mình và ra đi chia sẻ niềm vui thánh thiện ấy cho tha nhân. Mẹ Maria là mẫu hình cho những tín hữu “không để mất thời giờ tìm kiếm sự chú ý hay ủng hộ của người khác như nhiều người tìm “like” trên truyền thông xã hội, nhưng Mẹ lưu tâm đến việc lên đường loan báo Tin Mừng trong tư thế của một người nữ của biến cố Phục Sinh,” vội vã chạy đi báo tin trong tư thế xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Mẹ là gương sáng cho những tín hữu ra đi truyền giáo, không mải mê ngắm mình trong gương hoặc bị mắc kẹt trong thứ “lưới” nào đó, nhưng mang Chúa Giê-su, ơn cứu độ của Ngài và sự sống của Ngài cho người khác.

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1615, các nhà thừa sai vội vã đến giáo phận Đà Nẵng củng cố đức tin cho các tín hữu Nhật Bản ở Hội An và loan báo Tin Mừng Giê-su trên vùng đất giáo phận này. Cuối năm ấy, đã có 300 tín hữu tại Hội An. Gương sáng truyền giáo của Mẹ Maria thấm vào tinh thần của các thừa sai. Trong thư Luân Lưu số 1 của Đức Giám Mục tiên khởi Phê-rô Maria Phạm Ngọc Chi gởi cho toàn thể giáo phận Qui Nhơn, bao gồm giáo phận Đà Nẵng, trong thời kỳ đầu đảm trách giáo phận, ngài đã quyết định lấy công cuộc truyền giáo làm trọng tâm hoạt động của giáo phận. Và ngay trong thư Luân Lưu số 2, ngài đã vạch kế hoạch truyền giáo rõ ràng: trước hết, người lớn cũng như thiếu nhi phải cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và các bí tích; thứ hai, mọi người phải làm việc bác ái rộng tay cho công cuộc truyền giáo; thứ ba, tìm kiếm và đào tạo chủng sinh, mở các lớp đào tạo giảng viên giáo lý truyền giáo và phân phối các giáo dân nhiệt thành này đi các vùng để truyền giáo. Gương sáng truyền giáo của Mẹ Maria thấm vào tinh thần của Vị giám mục tiên khởi của giáo phận.

Nay mừng kỷ niệm 60 năm, giáo phận chúng ta cũng cần nhìn lại tinh thần truyền giáo trong giáo phận. Trong giáo phận, trong giáo xứ, ai là những người đang khao khát được biết Chúa? Chúng ta đã có kế hoạch gì để giúp họ biết Chúa? Mỗi người tín hữu có ý thức đó là bổn phận của mình không? Chúng ta có vội vã đến loan báo Chúa cho họ như Mẹ Maria không?

Xin Mẹ Maria cho giáo phận chúng ta thấm nhuần tinh thần truyền giáo của Mẹ, luôn hăm hở sống đức tin và để Chúa Thánh Thần thôi thúc vội vã truyền giáo theo gương Mẹ.

 

* Thứ Bảy (27/5/2023)

– Suy niệm 5: GIÁO PHẬN BƯỚC TIẾP TRONG LỊCH SỬ VỚI KÝ ỨC VỀ MẸ MARIA

Lời Chúa:  Đọc Lc 1,46-55

Thừa kế từ quá khứ là trở thành ký ức của chúng ta. Đức Phanxicô quả quyết, ký ức đức tin là muối của đời sống Ki-tô hữu, nếu không có ký ức này, dân Chúa không thể tiến bước. Dân Chúa ngày xưa trong hành trình về Đất Hứa luôn được Mô-sê khuyên nhủ hãy nhớ những việc Thiên Chúa đã làm cho họ. Chúa Giê-su nhắc cho các môn đệ hãy nhớ lại những phép lạ Chúa làm để tin. Chúa Giê-su còn ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để Chúa Thánh Thần nhắc Giáo Hội nhớ lại những gì Chúa Giê-su đã dạy, nghĩa là khơi dậy ký ức về những mạc khải của Chúa Giê-su. Ký ức trong Giáo Hội hết sức cần thiết cho hiện tại và tương lai.

Ký ức đức tin đến với chúng ta qua ký ức của nhiều người khác, của các chứng nhân, của Giáo Hội, đặc biệt ký ức của Mẹ Maria.

  1. Giáo phận với ký ức về Mẹ Maria

            Mốc kỷ niệm 60 năm không có nghĩa 60 năm quá khứ đã chấm dứt như thể tách rời khỏi thời gian tiếp nối. Sự phù trợ của Mẹ trong lịch sử giáo phận không bị trói buộc vào chuỗi những số năm theo bảng tính toán của con người, nhưng đi cùng giáo phận cho đến ngày giáo phận cùng Mẹ hưởng kiến thánh nhan Chúa Giê-su trên thiên đàng. Vì vậy, trên con đường lữ hành tiến về quê trời, giáo phận sống lại ký ức về sự phù trợ của Mẹ mà tiến bước.

Mỗi lần nhắc đến Mẹ Maria, giáo phận không chỉ nhắc đến ơn thiêng của Mẹ, ơn riêng hoặc ơn chung, mà còn nhắc đến biến cố tháng 9 năm 1885 tại Trà Kiệu. Năm ấy, Mẹ đã đến giữa con cái giáo phận, sống cùng và an ủi giáo phận trong cơn nguy biến, củng cố đức tin và che chở giáo phận khỏi cảnh tàn sát. Giáo phận giữ mãi ký ức về Mẹ trong lịch sử giáo phận.

            Sâu xa và bền bĩ, hằng năm giáo phận đều đặn về lại đất Mẹ tại linh địa để sống ký ức của Mẹ: ký ức của Mẹ về Thiên Chúa, ký ức của Mẹ về Giáo Hội.

            Mẹ cho giáo phận chia sẻ ký ức về Thiên Chúa của Mẹ trong bài Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Chúa đã đoái nhìn tới phận hèn tôi tớ Chúa… từ đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài.” Bài ca này bao gồm lịch sử của riêng Mẹ và lịch sử của Thiên Chúa với Mẹ, cũng là kinh nghiệm đức tin của Mẹ. Giáo phận còn suy niệm vai trò “Mẹ phù trợ các giáo hữu,” là đấng trung gian giữa Chúa Giê-su với dân Chúa giáo phận, là người loan tin mừng đầu tiên cho dân Israel và cho Giáo Hội. Qua Mẹ, lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, dân Chúa được thỏa lòng mong đợi.

            Mẹ không chỉ là “Mẹ của đức tin Giáo hội” và là môn đệ hoàn hảo của Chúa Giê-su, mà còn là người phụ nữ thực hành vai trò làm mẹ đối với Giáo hội, hướng Giáo hội về Chúa Giê-su: “Chúa Giê-su bảo gì, cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Vì thế, Mẹ luôn là mẫu mực thường trực cho Giáo phận, đặc biệt trong 60 năm qua, ngang qua những khó khăn của lịch sử và sự mỏng dòn của cá nhân và cộng đoàn. Tuy nhiên, ký ức đó không gắn chặt vào quá khứ, nhưng mở đường cho giáo phận bước vào năm thứ 61 trở đi.

2. Cùng Mẹ sống ký ức về Thiên Chúa

Mẹ Maria sống ký ức về Thiên Chúa, “suy đi nghĩ lại trong lòng,” nuôi dưỡng và làm thức tỉnh nơi giáo phận ký ức về Thiên Chúa. Theo thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, chuỗi Mân Côi của Mẹ là ký ức của Mẹ về Chúa Giê-su, không chỉ bằng trí nhớ, mà còn bằng cuộc sống của Mẹ mắt gắn chặt vào Chúa Giê-su trong các biến cố vui, thương và mừng của Chúa, thêm nữa, mầu nhiệm sự sáng. Từ ký ức này, Mẹ càng hiểu sâu tình yêu của Chúa dành cho Mẹ và cho nhân loại, điều đã có lúc Mẹ không hiểu.

Để theo gương Mẹ sống ký ức về Thiên Chúa, các tín hữu không ngừng ngợi khen Thiên Chúa, cần siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm và chia sẻ các biến cố của Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống vui, buồn hay vinh quang của mình với đôi mắt và tâm hồn gắn chặt vào Chúa Giê-su. Đó là lý do Mẹ Maria khuyên các tín hữu, trong đó có giáo phận chúng ta khi bước vào chuỗi ngày mới: “Hãy năng lần hạt Mân Côi.”

  1. Cùng Mẹ sống ký ức về Giáo Hội

            Mẹ Maria nhắc lại cho chúng ta thuở ban đầu của Giáo Hội, vì Mẹ có mặt trong buổi ban sơ đó khi về ở cùng các tông đồ. Với Mẹ, Giáo Hội bắt đầu trở nên cộng đoàn đức tin và nhờ Mẹ, các tín hữu trở thành những môn đệ được Chúa Giê-su thương mến. Ở giữa Giáo hội, Mẹ là chuẩn mực cho Giáo Hội đánh giá mình còn trung thành với thánh ý của Giê-su khi thiết lập Giáo Hội không. Mẹ là chuẩn mực cho sự duy nhất, sự thánh thiện, tính công giáo và tông truyền của Giáo hội.  Giáo Hội Chúa Giê-su thiết lập là Giáo hội được sách Tông Đồ Công Vụ khẳng định, là cộng đoàn không có chia rẽ hay loại trừ, nhưng cùng “một lòng một ý.” Giáo hội của Chúa là một cộng đoàn thánh thiện, vì ai nấy siêng năng tham dự thánh lễ, chuyên chăm đọc lời Chúa, hằng ngày ca tụng Thiên Chúa và cầu nguyện chung với nhau. Giáo hội của Chúa là cộng đoàn luôn nỗ lực ra đi truyền giáo để mỗi ngày có thêm người được cứu độ, chia sẻ bánh cho người nghèo và cùng nhau dùng bữa với lòng đơn sơ. Giáo hội của Chúa luôn chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy và tiếp tục cử hành đức tin cách trung thành do các tông đồ truyền lại. Trong cộng đoàn đó, Mẹ Maria hiện diện và có vai trò quan trọng như Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết, tất cả “đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Chúa Giê-su, và với anh em của Chúa” (Cv 1,14).

            Cùng Mẹ sống ký ức về Giáo hội, giáo phận chúng ta không chỉ nhớ lại những ơn Chúa ban cho Giáo hội và giáo phận, mà còn cùng nhau kiến tạo giáo phận theo gương mẫu Giáo hội tiên khởi, một giáo phận hiệp lòng hiệp ý sống đức tin và loan báo Tin Mừng, cụ thể siêng năng tham dự thánh lễ và các bí tích, cách riêng siêng năng đi xưng tội, cùng nhau chia sẻ lời Chúa và quảng đại làm việc bác ái.

            Mừng 60 năm ngày thành lập giáo phận, chúng ta cảm tạ ơn Chúa, bởi mỗi ngày của đời sống giáo phận là một ngày trong ân sủng Chúa. Chúa Ki-tô ở cùng giáo phận trên đường về Quê Trời. Trên đường lữ thứ này, nói như Đức Phanxicô, nếu giáo phận không cần sự trợ giúp của Mẹ, giáo phận là một viện mồ côi. Chính nhờ Mẹ là Mẹ của giáo phận, lịch sử giáo phận được viết tiếp trong niềm hy vọng và ân sủng.

Xin Mẹ luôn hướng dẫn giáo phận sống theo qui tắc: “Chúa Giê-su bảo gì, cứ việc nghe theo” và cùng Mẹ sống hiệp nhất thân thiết với Chúa, bày tỏ đức tin trong mọi hoàn cảnh với niềm tin vững chãi vào Chúa và trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin Mẹ Trà Kiệu luôn ở cùng và phù trợ giáo phận chúng con.

 

Load file word tại đây