Tài Liệu Học Hỏi: Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành – Phần Bốn
PHẦN THỨ IV
CHIỀU KÍCH THAM GIA
Như Đức Phanxicô nhận định, chiều kích hiệp thông và chiều kích sứ vụ có nguy cơ rơi vào trừu tượng, trừ khi mọi người đã lãnh bí tích Rửa Tội được mời gọi đồng trách nhiệm trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Nhưng thử hỏi, dân Chúa có đồng trách nhiệm được trong Hội Thánh một khi họ không được tham gia vào đời sống Hội Thánh không?
1/ BỐI CẢNH GIÁO PHẬN
Một thực trạng không thể phủ nhận trong đời sống giáo phận và giáo xứ, đó là không có nhiều giáo dân tích cực tham gia các sứ vụ mang tính cách phục vụ (điều hành) cộng đoàn trong các sinh hoạt của giáo phận và giáo xứ. Chúng ta có thể kể ra đây một số yếu tố ảnh hưởng đến hiện tình cần chỉnh đốn này. (1) Trước hết, bối cảnh một số vùng miền trên thế giới và trong Giáo hội hoàn vũ đang gặp những khủng hoảng liên quan đến đời sống giáo sĩ và những yêu cầu thay đổi cơ chế Hội Thánh kèm những lời phàn nàn, thái độ mang tính phản chứng của một số thành phần trong Giáo hội theo xu hướng (đòi hỏi) dân chủ ngày càng được cổ vũ chống lại thể chế tập trung quyền lực theo truyền thống. Thêm vào đó, “chủ nghĩa tương đối” cùng với khuynh hướng “thỏa hiệp” cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội kể cả nền luân lý công giáo, nhất là trên giới trẻ. (2) Một yếu tố khác cần lưu ý trong hiện tình giáo hội nói chung và giáo phận nói riêng chính là tính cách “giáo sĩ trị” hay mô hình kim tự tháp, trong đó giáo dân là đáy và giáo sĩ là chóp đỉnh, cách này cách khác vẫn đang chiếm ngự tâm thức và thể cách sinh hoạt của giáo phận, giáo xứ có thể tạo ra sự chuyên quyền nơi giới lớp giáo sĩ ảnh hưởng đến khả năng tham gia sâu rộng hơn của các thành phần dân Chúa trong đời sống và các cơ chế của Hội Thánh như Hội Đồng Linh Mục, Hội Đồng Mục Vụ, Hội Đồng Kinh Tế, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, v.v … Hậu quả là, người sống ơn gọi gia đình có thể bị đánh giá thấp so với người sống ơn gọi độc thân tu trì, giáo dân và tạo nên (duy trì) quan niệm về “bề dưới” và “bề trên.” (3) Công cuộc truyền giáo, đào tạo nhân sự có chiều hướng trì trệ và giảm sút, không chỉ vì nhiều thành phần không nhận thức sứ mạng của mình, mà còn chính vì các giáo sĩ xao nhãng bổn phận, giáo dân thì không được tham gia. Cũng cần kể lưu ý đến ảnh hưởng tiêu cực gây ra do những đồn đoán về đời sống luân lý, việc quản trị tài chánh của các giáo sĩ trong nhiệm vụ và bổn phận quản trị giáo xứ, cộng đoàn.
Những nhận định trên đây về bối cảnh giáo hội hoàn vũ và giáo phận giúp chúng ta nhận thức rõ nét hơn quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc thay đổi phương cách tổ chức Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI để cùng với Ngài biết rõ hơn về hiện tình và nhu cầu canh tân đời sống Giáo hội bằng một tinh thần mới với các nhân tố nền tảng: hiệp nhất – tham gia – sứ vụ hướng tới một “Hội Thánh hiệp hành”; trong đó mọi thành phần dân Chúa cùng trách nhiệm và cùng tham gia vào đời sống của Giáo phận và giáo xứ.
Sự tham gia của các thành phần vào đời sống Hội Thánh, đặc biệt của giáo dân trong tư cách môn đệ Chúa Giê-su, được cổ võ trong cuộc hiệp hành hôm nay là nét mới mẻ đối với tình trạng phẩm trật “bề trên – bề dưới” làm tê liệt sức hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đa số tín hữu như người khổng lồ cần đánh thức, nhưng nó không mới đối với ý muốn của Chúa Giê-su và mạc khải Thánh Kinh, cũng như giáo huấn của Hội Thánh.
2/ DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA VÀ GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH
Cựu ước cho biết, từ khi tạo dựng con người, Thiên Chúa muốn con người sống liên kết với Ngài và tham gia vào quyền cai quản của Ngài như người quản lý thế giới (St 1,26), đồng thời không muốn con người sống riêng lẻ, nhưng kết nối họ và sự tham gia giữa họ làm thành một cộng đoàn yêu thương và phục vụ (St 2,18). Trong cộng đoàn đó, mọi người làm thành một nhà (2Sm 7,11), cùng sống theo lời Chúa dạy, cùng thờ phượng một mình Ngài (Đnl 5,1-22) và không chỉ cùng cộng tác với nhau trong việc quản trị cộng đoàn, mọi người còn được mời gọi tham gia vào bổn phận ngôn sứ: “Ước gì toàn dân được nói tiên tri” (Ds 11,29). Cộng đoàn này gồm người nam, người nữ, trẻ em, lẫn khách ngoại kiều (Xh 24, 7-8; Gs 8, 33.35). Tuy mỗi người, mỗi cộng đoàn nhỏ có vị trí riêng (Ds 1-2), Thiên Chúa ban cho họ một trái tim mới, một thần trí mới (Ed 11, 10), tất cả qui về Thiên Chúa và hợp nhất với các lãnh đạo như Mô-sê (Ds 12), các thủ lãnh (Xh 18, 25-26), các kỳ mục (Ds 11, 16-17), các Lê-vi (Ds 1, 50-51).
Tân Ước cho biết, trong dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh, Chúa Giê-su không hành động một mình, Ngài luôn làm việc với Chúa Cha (Ga 14, 10) và sẵn lòng chia sẻ cho dân Ngài ơn ích phục sinh bằng cách ban Thánh Thần (Ga 3, 34), để họ trở nên một (Ga 17, 21). Chúa Giê-su còn cho dân mới tham dự vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài, ra đi rửa tội và dạy bảo mọi người tuân theo lời Chúa (Mt 28, 19-20). Trong ý muốn của Chúa Giê-su, Hội Thánh là cộng đoàn tụ họp dưới một mái nhà (Cv 2, 46), gồm mọi thành phần, mọi giới tính (Cv 1, 14). Vẫn biết có những chức vụ như giám quản (1Tm 3, 2), kỳ mục (Cv 14, 23), trợ tá (1Tm 3, 12)…, nhưng quyền bính bấy giờ đặt trên nền tảng yêu thương và phục vụ, chứ không để thống trị. Họ gọi nhau là “anh em” và cùng cộng tác với nhau trong tình huynh đệ (Cv 2, 42), dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cả trong việc lựa chọn vùng đất truyền giáo (Cv 16, 6-10) cho đến việc giải quyết những tranh luận nảy sinh (Cv 15, 28). Trong Hội Thánh, qua bí tích Rửa Tội, mọi thành phần đều bình đẳng với nhau và như các chi thể trong một thân thể, các thành phần liên đới với nhau (Gl 3, 28; 1Cr 12, 13), để phục vụ đầy trách nhiệm cho sứ vụ truyền giáo theo chức vụ và đặc sủng được ban (Ep 4, 7).
Là Hội Thánh của Chúa, Hội Thánh xem những gì liên quan đến thế giới cũng liên quan đến Hội Thánh, vì thế Hội Thánh nhìn nhận hiện tượng tham dự trong thế giới là dấu chỉ thời đại (Người Ki-tô hữu Giáo Dân, số 5). Dấu chỉ này giúp Hội Thánh trở lại thuở ban đầu của mình, không phải như các phong trào dân chủ lệch lạc, nhưng như một cộng đoàn dân Thiên Chúa, gồm giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cùng chia sẻ các sứ vụ của Chúa Ki-tô (LG 10), cùng trách nhiệm và tham gia trong vườn nho của Chúa (Người Ki-tô hữu Giáo Dân, số 8, 20-22). Để thực thi thánh ý Chúa khi thiết lập Hội Thánh và để Hội Thánh sống lại đời sống cộng đoàn thuở ban đầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng, mọi thành phần phải mở đường cho giáo dân tích cực tham gia vào đời sống Hội Thánh theo ơn gọi và đặc sủng của họ và theo nhu cầu thời đại (LG 33), bởi vai trò của họ không thể thay thế (Người Ki-tô hữu Giáo Dân, số 7,19).
3/ ÁP DỤNG
Sau khi đã xem bối cảnh hiện trạng giáo phận về chiều kích tham gia của mọi thành phần Dân Chúa, đã xét bổn phận tham gia dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh, với sự soi sáng của Thánh Thần, ta cùng phác họa vài lãnh vực Dân Chúa, cách riêng người giáo dân, có thể làm để tham gia vào trong đời sống Hội thánh qua ba sứ vụ ngôn sứ, tư tế, và lãnh đạo.
- Sứ vụ ngôn sứ
Loan báo Tin mừng cho anh em lương dân: giới thiệu Đức Kitô, Tin mừng Nước Trời bằng lời nói, đời sống tốt lành, hoặc qua sáng tác và phổ biến thơ văn, sách báo, nghệ thuật Công giáo;
Huấn giáo cho trẻ em, dự tòng, các bạn trẻ chuẩn bị đời sống gia đình qua các lớp giáo lý trong tư thế là giáo lý viên;
Tham gia các lớp, khóa học Kinh thánh, nhóm chia sẻ Lời Chúa;
Tư vấn cho những người đang cần sự giúp đỡ tâm lý, tinh thần để vượt qua hoàn cảnh khó khăn;
Đóng góp ý kiến xây dựng Giáo hội, giáo phận, giáo xứ, cách riêng và đặc biệt cho Công nghị Hiệp hành này.
- Sứ vụ tư tế
Tham gia vào sinh hoạt phụng vụ giáo xứ như thừa tác vụ Thánh Thể, đọc sách, ca đoàn, lễ sinh, phục vụ phòng thánh…
Siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ hằng ngày, nếu có thể;
Chu toàn các bổn phận của đời người Kitô hữu mỗi ngày với ý hướng như hy lễ thiêng liêng dâng cho Chúa;
Sốt sắng tích cực hát, đọc kinh khi tham dự các nghi thức phụng vụ với cộng đoàn.
- Sứ vụ lãnh đạo
Tham gia vào sứ vụ lãnh đạo khi là thành viên nhiệt thành của Hội đồng mục vụ giáo xứ, hội viên các hội đoàn, các giới, các cộng đoàn Hội thánh cơ bản tại giáo xứ;
Thực thi việc tông đồ giáo dân khi thường xuyên thăm viếng các gia đình khác tôn giáo, gia đình Công giáo lơ là, bỏ đạo, người cao tuổi – nhất là người cao tuổi neo đơn – các bệnh nhân lâu năm;
Thực hiện các việc bác ái từ thiện qua việc đóng góp trợ giúp người nghèo, nạn nhân bão lụt…
Thực hành và cổ vũ việc hoán cải môi sinh, một lối sống mới về môi sinh, ngôi nhà chung của nhân loại (x. Thông điệp Laudato si);
Tham gia vào việc bảo vệ sự sống và xây dựng công ích. “Công ích là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GLGHCG, 1906)
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1- Là giáo sĩ, tôi đã tôn trọng đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho người giáo dân chưa? qua những việc cụ thể nào? Bắt đầu từ Công nghị Giáo phận này, tôi sẽ làm gì để giúp người giáo dân thêm ý thức bổn phận và niềm vui đồng trách nhiệm và đồng tham gia vào các sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ?
2- Là giáo dân, tôi có xác tín rằng đã lãnh nhận phép Rửa tội, tôi có trách nhiệm tham gia vào các sinh hoạt trong đời sống Hội thánh không? Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hôm nay người giáo dân có thể tham gia vào những lĩnh vực nào để xây dựng giáo xứ, giáo phận?
MỤC LỤC TÀI LIỆU HỌC HỎI
PHẦN MỞ ĐẦU: TÂM TÌNH CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KÍNH GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA TOÀN GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ II: BỐI CẢNH GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
PHẦN THỨ III: CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
PHẦN THỨ IV: CHIỀU KÍCH THAM GIA
PHẦN THỨ V: SỨ VỤ TRONG HỘI THÁNH HIỆP HÀNH