Tám Mối Phúc Là Thuốc Giải Chống Hạnh Phúc Ích Kỷ, Là Men Của Hạnh Phúc Đích Thực
Trong bài chia sẻ, ĐTC khẳng định lý do chuyến đi thăm 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice là để mang Tin Mừng của huynh đệ, hòa giải, bình an và hòa bình cho các dân tộc.
Sáng thứ tư 11/9, dưới bầu trời chớm thu trong xanh gió mát của Roma, rất đông khách hành hương đã quy tụ về quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC.
Trước 9h30, ĐTC đã đi xe mui trần vòng quanh quảng trường chào hàng chục ngàn tín hữu, giữa tiếng reo vui mừng của mọi người. Lên đến sân đền thờ, ĐTC đã chào các linh mục chuyển dịch các ngôn ngữ chính.
Khi buổi tiếp kiến bắt đầu, các tín hữu lắng nghe một đoạn trích từ Tin Mừng thánh Mátthêu 13, 31-33, so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, giống như chút men, nhỏ bé, ít ỏi, nhưng lại sinh kết quả to lớn gấp bội.
Sau một tuần viếng thăm 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice, ĐTC đã dành bài huấn dụ hôm nay để chia sẻ về hành trình của ngài.
Trước hết ĐTC cám ơn Chúa đã cho ngài được thực hiện cuộc hành trình như người hành hương của hòa bình và hy vọng. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền các nước, cũng như các HĐGM, đã mời và đón tiếp ngài cách nồng nhiệt và chân thành. ĐTC không quên các Sứ thần Tòa Thánh tại 3 nước này đã tích cực làm việc để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ĐTC.
Tin Mừng của Chúa Kitô là men của huynh đệ, tự do, công bằng và hòa bình
ĐTC khẳng định rằng hy vọng của thế giới là Chúa Kitô và Tin Mừng của Người là men nồng nhất của tình huynh đệ, tự do, công bình và hòa bình cho mọi dân tộc. Và với chuyến viếng thăm theo bước các thánh truyền giáo, ngài đã cố gắng mang men này đến cho các dân tộc Mozambique, Madagascar và Maurice.
Viếng thăm Mozambique
ĐTC bắt đầu với chuyến viếng thăm Mozambique, ngài kể:
Tại Mozambique, tôi đã gieo vãi hạt giống của hy vọng, hòa bình và hòa giải tại miền đất đã chịu nhiều đau khổ trong quá khứ, do cuộc xung đột vũ trang kéo dài, và trong mùa xuân năm nay, bị tàn phá nặng nề bởi hai trận cuồng phong. Giáo hội tiếp tục đồng hành trong tiến trình hòa bình; đã có một bước tiến. đó là hôm 1/8 vừa qua, một Hiệp định mới đã được ký kết giữa các phe liên quan.
Theo ý nghĩa này, tôi đã khuyến khích các chính quyền, mời gọi họ cùng hoạt động với nhau vì lợi ích chung. Tôi khuyến khích các bạn trẻ, những người tập hợp từ các tôn giáo khác nhau, xây dựng đất nước, vượt qua sự cam chịu và lo lắng, để truyền bá tình huynh đệ trong xã hội và trân trọng truyền thống của người cao niên.
Tôi đã gặp các Giám mục, linh mục và tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Maputo, dâng kính Đức Trinh nữ Vô nhiễm, và đề nghị với họ “con đường Nazareth”, con đường “xin vâng” cách quảng đại với Thiên Chúa, trong ký ức biết ơn về ơn gọi và nguồn gốc của mình. Một dấu hiệu mạnh mẽ của sự hiện diện truyền giáo này là bệnh viện Zimpeto, ở ngoại ô thủ đô, được xây dựng với sự dấn thân của Cộng đồng thánh Egidio. Đỉnh điểm chuyến thăm Mozambique của tôi là Thánh lễ, được cử hành dưới mưa tại sân vận động lớn: ở đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu đã vang vọng: “Hãy yêu kẻ thù của các con” (Lc 6:27), là hạt giống của cuộc cách mạng thực sự, của tình yêu, nó dập tắt bạo lực và kiến tạo tình huynh đệ.
Viếng thăm Madagascar
Nói về đất nước Madagascar, điểm đến thứ hai trong hành trình, ĐTC nhận xét: “Một quốc gia giàu vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại đánh dấu bởi nghèo khổ. Tôi hy vọng rằng, được thúc đẩy bởi tinh thần liên đới có từ lsâu đời của mình, người Madagascar có thể vượt qua nghịch cảnh và xây dựng một tương lai phát triển bằng cách kết hợp sự tôn trọng môi trường và công bằng xã hội. Như một dấu hiệu ngôn sứ theo đường hướng này, tôi đã đến thăm “Thành phố tình bạn” – Akamasoa, được thành lập bởi một nhà truyền giáo, cha Pedro Opeka: ở đó họ cố gắng kết hợp việc làm, nhân phẩm, chăm sóc người nghèo khổ nhất, giáo dục cho trẻ em. Tất cả được linh hoạt bởi Tin Mừng. Ở Akamasoa, gần mỏ đá granit, tôi đã cầu nguyện cho những người thợ.
Tại Madagascar, các hoạt động tôn giáo bắt đầu với cuộc gặp gỡ với các nữ tu chiêm niệm: thực tế, không có đức tin và cầu nguyện thì không thể xây dựng một thành phố xứng đáng cho con người. Với các Giám mục của nước này, chúng tôi đã canh tân cam kết trở thành “những người gieo hòa bình và hy vọng”, chăm sóc cho dân Chúa, đặc biệt là người nghèo và các linh mục của chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau tôn kính chân phước Victoire Rasoamanarivo, người Madagascar đầu tiên được tôn vinh trên bàn thờ. Với nhiều bạn trẻ, tôi đã có một đêm canh thức đầy những chứng từ, bài hát và điệu nhảy. Tôi khuyến khích họ luôn luôn bước đi trên hành trình, đáp lại cách quảng đại với Thiên Chúa, Đấng gọi đích danh mỗi người và giao phó cho họ một sứ vụ, luôn tin tưởng rằng Người hằng sống và ở cùng chúng ta.
Tại Antananarivo, chúng tôi đã cử hành Thánh lễ Chúa nhật tại “Cánh đồng Giáo phận” rộng lớn: như trên các nẻo đường của Galilê, những đám đông tụ tập quanh Chúa Giêsu. Và cuối cùng, tại Học viện thánh Micae, tôi đã gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh của Madagascar. Một cuộc gặp gỡ trong tinh thần ngợi khen Thiên Chúa.
Viếng thăm Maurice
Tiếp đến, ĐTC kể về hành trình thăm viếng Maurice trong ngày thứ hai 9/9 vừa qua. ĐTC nói: Maurice, điểm đến du lịch nổi tiếng, nhưng tôi đã chọn nó như là nơi hội nhập giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Trên thực tế, trong hai thế kỷ qua, nhiều sắc dân khác nhau đã đến quần đảo đó, đặc biệt là từ Ấn Độ; và sau khi độc lập, nó đã có sự phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ.
Thánh lễ được cử hành tại Tượng đài Đức Maria Nữ vương Hòa bình, để kính nhớ chân phước Jacques-Désiré Laval, người được gọi là “tông đồ hiệp nhất Maurice”. Bài Tin Mừng về các mối phúc, thẻ căn cước của các môn đệ của Chúa Kitô, trong bối cảnh đó, là một liều thuốc giải chống lại cám dỗ của thứ hạnh phúc cá nhân ích kỷ và phân biệt đối xử, và là men của hạnh phúc đích thực, thấm nhuần lòng thương xót, công lý và hòa bình. Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền Maurice, tôi đã đánh giá cao về dấn thân hòa hợp các sự khác biệt trong một dự án chung và tôi khuyến khích, ngay cả ngày nay, tiếp tục khả năng đón tiếp, cũng như nỗ lực duy trì và phát triển đời sống dân chủ.
Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu hiện diện tại quảng trường dâng lời tạ ơn Chúa và cầu xin Người để những hạt giống đã được gieo vãi trong chuyến tông du này trổ sinh hòa trái dồi dào cho các dân tộc Mozambico, Madagascar e Maurice.
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News