Thảm Kịch 39 Người Chết Trên Đường Di Cư Và Những Dấu Chấm Hỏi
Dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, nhưng diễn tiến và các thông tin đang cho thấy rằng các nạn nhân của thảm hoạ 39 di dân chết trong container hầu chắc là người Việt Nam.
Trước mỗi biến cố đau thương, có lẽ điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là thinh lặng để cảm nhận sự mất mát, cầu nguyện cho nạn nhân, và nhất là hiệp thông với nỗi đau của những thân nhân họ. Tuy nhiên, những thảm kịch thư thế này luôn chứa đựng một tiếng kêu gào mạnh mẽ đối với bất cứ ai còn nhạy bén với lương tâm của mình, thúc đẩy ta truy vấn về trách nhiệm liên đới, và đặt ra những câu hỏi cho toàn xã hội. Vì thế, dù biết việc viết lách phân tích lúc này chưa hẳn là điều nên làm, vì nhiều khi con chữ không thích hợp trước một nỗi đau, nhưng người viết vẫn mạo muội chia sẻ những suy nghĩ mình trong tư cách là một người đồng loại và đặc biệt là đồng bào.
Các em mang những gì khi ra đi?
Các nạn nhân, những người còn rất trẻ, ra đi từ miền đất Miền Trung khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên, nơi đất đá khô cằn, và thiên tai ghé thăm thường kỳ. Cái nghèo của mảnh đất này đã nung nấu những ý chí vượt khó và cả những giấc mộng đổi đời, không phải chỉ từ thế hệ của các em, mà đã truyền đời từ tinh thần của ông bà cha mẹ để lại. Vì thế, các em đã phải mang vác trên những đôi vai còn nhỏ bé những ước mơ cùng sự trăn trở của cha mẹ, của anh chị em mình. Có những mong ước rất giản dị như để cải thiện tài chính cho gia đình, có tiền cho các em ăn học. Có những mong ước tự nhiên theo tư duy của người thôn quê chân chất, như ‘xây căn nhà lớn lớn cho bằng người ta’. Và cũng có những dự tính đường xa như tìm cách định cư ở một đất nước đảm bảo tương lai tươi sáng hơn.
Hành trang của các em chứa nhiều ước mơ và khao khát, nhưng lại thiếu hụt vốn liếng giáo dục và tầm nhìn cuộc sống. Ba từ ‘đi nước ngoài’ đã phủ sóng môi trường lớn lên nơi miền quê các em. Ở đó, nếu được hỏi ‘ước mong của con là gì?’, một em bé sẽ trả lời: ‘con mong được lớn nhanh để đi nước ngoài như các anh chị trong xóm!’ Nếu hỏi phụ huynh: ‘tại sao để con cái nghỉ học sớm?’, nhiều người sẽ trả lời: ‘học nhiều có được ích gì đâu; rồi cũng có kiếm được việc đâu! Dành tiền cho tụi nó đi nước ngoài làm còn hơn!’.
Các em mang nơi tâm trí mình những hình ảnh lung linh về một cuộc sống giàu sang nơi đất khách quê người, và một viễn tượng làm công dân của một đất nước tươi đẹp, dân chủ và hiện đại. Nét oai vệ của những vị Việt Kiều về thăm quê đã hút hồn các em; và các hình ảnh xinh đẹp, khoẻ mạnh từ những bạn bè đã qua được ngoại quốc khiến các em trầm trồ mỗi khi lên mạng xã hội. Nó thật sự quá đối nghịch với hình ảnh hiện tại của quê nhà và viễn tượng tương lai của đất nước này.
Ai đã xếp ‘hành trang’ của các em?
Nói cho cùng, di cư là một hiện tượng rất tự nhiên của con người, theo quy luật ‘đất lành chim đậu’. Vì thế, rất khó trách móc hay đổ hết tội lỗi cho những đường dây đưa người đi, vì có cầu ắt có cung. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là có những vùng đất đang không lành, hoặc được nhìn là không lành. Vì thế, điều chúng ta cần trăn trở là về ‘cầu’: tại sao các em bất chấp hiểm nguy để ra đi? Ai đó có thể trách móc rằng tính vọng ngoại và sự thiếu hụt tri thức đã làm hại các em. Nhưng ai đã xếp vào hành trang các em những điều đó?
Xét trên thực tế, những miền quê nghèo chưa khi nào thực sự trở thành trọng tâm của các chính sách kinh tế và phúc lợi xã hội. Chữ ‘lợi nhuận’ đã đẩy mọi ưu tiên trong các chính sách và chương trình phát triển kinh tế dành cho những vùng có sẵn các ưu thế vốn có, như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có trình độ, vv. Vì thế, người dân ở quê nghèo không thể thấy một khả năng cạnh tranh khả quan nào dành cho con em của mình ở thị trường việc làm trong nước; và sự bất bình đẳng cơ hội này có khả năng ngày một tăng cao. Vì vậy, di cư ra nước ngoài, nơi sức lao động phổ thông được trả xứng đáng, dường như là hướng đi duy nhất mà họ có thể nhìn thấy.
Vốn hành trang của các em cũng chỉ ra rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang thất bại trong sứ mạng căn bản của nó. Nếu một nền giáo dục khiến cho người dân chỉ nhìn thấy ích lợi của nó ở khía cạnh kinh tế, thì rõ ràng nền giáo dục đó đã trở nên lệch lạc! Thiết tưởng, điểm căn bản của giáo dục phải nằm ở khả năng khai sáng của nó, tức giúp con người có khả năng biện phân những giá trị mang tính nhân văn của cuộc sống, và đưa ra những lựa chọn phù hợp với các giá trị đó.
Hơn nữa, cũng đừng vội kết luận rằng vấn đề là do các em và gia đình đã có những tầm nhìn ảo tưởng và lệch lạc về đời sống ở ngoại quốc. Vấn đề căn bản không phải ở chỗ ảo ảnh của họ về đời sống ngoại quốc, dù điều này là có thật, mà là cảm nhận của họ về sự bấp bênh cho đời sống tương lai nếu họ ở lại trong nước. Nếu chân thành với nhau, chúng ta không thể chối bỏ thực tế này: hiện nay, suy nghĩ và cảm nhận của người dân nói chung về đất nước đang ở mức rất ảm đạm. Tất cả những yếu tố tiêu cực như mức độ ô nhiễm (khiến cho bệnh tật gia tăng, nhất là ung thư), giáo dục yếu kém, nợ công tăng cao, tham nhũng tràn lan, vv., đang làm cho dân chúng cảm giác về một tương lai bếp bênh. Vấn đề nghiêm trọng tới mức người dân không còn cảm thấy mình phải có trách nhiệm xây dựng, cải tạo đất nước nữa, vì họ không cảm giác về khả thể thay đổi của nó. Vì thế, nhiều người hiện nay đã không còn coi đất nước này là “mẹ”; và khi không còn cảm thức thuộc về người mẹ, họ chẳng còn tâm tình gắn bó cách sống chết với quê hương nữa. Chúng ta có thể gọi đó là hiện tượng bi quan tập thể, nhưng không phải là thứ bi quan phi lý. Vì thế, khi diễn ra tâm lý ‘chạy trốn’ quê nhà, tìm về vùng đất mới – dù chưa hẳn nơi mới thật sự tốt lành hơn – thì trách nhiệm chính không phải ở phía những người dân thôn dã này, mà là của xã hội, vì đã không tạo được một môi trường tin cậy cho công chúng. Người dân có sự khôn ngoan của họ! Nếu tầng lớp khá giả còn cảm nhận được tính không an toàn cho tương lai, mà bằng chứng là đa phần đều cho con định cư ở ngoại quốc nếu có điều kiện, thì tầng lớp dân nghèo càng có cảm thức này mạnh hơn khi họ ý thức về những thiệt thòi và cơ hội cạnh tranh nhỏ bé của con cái mình.
Như một lời tưởng niệm
Hẳn tất cả mọi người dân Việt Nam đều đang xót xa và đau đớn trước biến cố đau thương này. Chẳng ai muốn một điều như vậy diễn ra. Chúng ta cũng chẳng thể trách móc hay đổ lỗi cho một nhóm hay một cá nhân cụ thể nào. Tuy nhiên, để những người trẻ ra đi với hành trang như nói trên là điều mà cả xã hội này phải chịu trách nhiệm. Có thể chúng ta chưa tìm ra những giải đáp tức thì cho những băn khoăn mà tiếng nói lương tâm mình thúc đẩy trước thảm kịch này, nhưng chúng ta phải khắc ghi và trăn trở với những nhắc nhở đó. Phía sau mỗi thân phận di dân là cả một câu chuyện dài; và chúng ta phải lắng nghe, tìm hiểu và suy nghĩ về chúng, nhất là khi những người chết đã không còn cơ hội kể ra câu chuyện đời mình.
Những lời cuối mà cô gái trẻ Phạm Thị Trà My nhắn tin là, “con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được.” Có thể nói, em là đại diện tiêu biểu cho những bạn trẻ đang bất chấp tính mạng để vượt biên vào vùng đất hứa. Cho tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, em vẫn là một con người rất Việt Nam, mang nơi mình đặc tính hiếu thảo đặc trưng của dân tộc. Em xin lỗi bố mẹ, còn đất nước này nợ em một lời xin lỗi!
Khắc Bá, SJ – CTV Vatican News
Nguồn: Vatican News