Thánh Lễ Đêm Phục Sinh Tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Vào lúc 7 giờ 30 tối Thứ Bảy 16/4, tại Vương cung Thánh Đường thánh Phêrô, ĐHY Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã dâng Thánh lễ Vọng Phục Sinh với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và rất đông các tín hữu tham dự.
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Đêm Phục Sinh
Nhiều tác giả đã viết về vẻ đẹp của màn đêm được chiếu sáng bởi các vì sao. Ngược lại, những đêm tối chiến tranh đã hằn lên những vệt màu chết chóc. Anh chị em thân mến, trong đêm nay, chúng ta hãy để các phụ nữ của Tin Mừng cầm tay dẫn đi, để cùng với họ khám phá ra sự trỗi dậy của ánh sáng của Thiên Chúa, chiếu rọi vào bóng đêm của thế giới. Những người phụ nữ đó, khi màn đêm tan dần và những tia sáng đầu tiên của bình minh vừa ló rạng, đã đến mộ để xức dầu cho xác Chúa Giê-su. Rồi họ nhìn thấy hai nhân vật mặc y phục sáng chói, hai người này nói với họ rằng Chúa Giêsu đã sống lại; và ngay lập tức họ chạy đi báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24,1-10). Họ nhìn thấy, nghe và loan báo: với ba hành động này, chúng ta cũng bước vào sự Phục Sinh của Chúa.
Các phụ nữ nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự Phục sinh không được viết thành một công thức để hiểu, nhưng là một dấu chỉ để chiêm niệm. Trong một nghĩa trang, bên một ngôi mộ, nơi mọi thứ lẽ ra phải ngăn nắp và tĩnh lặng, các phụ nữ đã “thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ và khi bước vào, họ không tìm thấy xác của Chúa Giê-su” (câu 2-3 ). Do đó, sự Phục sinh bắt đầu bằng cách lật ngược các dự kiến của chúng ta và đi kèm với món quà của niềm hy vọng đáng ngạc nhiên. Nhưng để đón nhận nó không phải là điều dễ dàng. Đôi khi – chúng ta phải thừa nhận – sự hy vọng này không có chỗ trong trái tim của chúng ta. Giống như các phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta cũng thắc mắc và nghi ngờ, và phản ứng đầu tiên khi đối diện với dấu hiệu bất ngờ này là sợ hãi, “cúi gầm xuống đất” (xem Lc 23,4-5).
Chúng ta thường nhìn cuộc sống và thực tại với đôi mắt cúi gầm xuống đất; chúng ta chỉ nhìn chằm chằm vào ngày hôm nay phải trôi qua, chúng ta không hứng khởi về tương lai, chúng ta nhốt mình trong những nhu cầu của mình, chúng ta sống trong ngục tù của sự thờ ơ, trong khi chúng ta tiếp tục phàn nàn và nghĩ rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Và vì vậy chúng ta bất động trước ngôi mộ của sự cam chịu và chủ nghĩa định mệnh, và chúng ta chôn vùi niềm vui sống. Tuy nhiên, vào đêm này, Chúa muốn ban cho chúng ta một đôi mắt khác, được thắp sáng bởi hy vọng rằng nỗi sợ hãi, đau đớn và cái chết sẽ không có lời cuối cùng trên chúng ta. Nhờ sự Phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thực hiện bước nhảy từ hư vô thành sự sống, “và cái chết sẽ không còn có thể cướp đi sự hiện hữu của chúng ta nữa” (K. RAHNER, Phục sinh có nghĩa là gì, Brescia 2021, 28): sự sống được ôm lấy tất cả và mãi mãi bởi tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Đúng thật là biến cố này có thể làm chúng ta sợ hãi và tê liệt. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy nhìn lên, hãy gỡ bỏ bức màn cay đắng và buồn bã khỏi đôi mắt của chúng ta để mở ra đón nhận niềm hy vọng của Thiên Chúa!
Thứ hai, các phụ nữ lắng nghe. Sau khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống, hai người đàn ông mặc y phục sáng chói nói với họ: ‘Tại sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, Người đã trỗi dậy rồi” (câu 5-6). Chúng ta an tâm khi nghe và lặp lại những lời này: Người không có ở đây! Đó là mỗi khi chúng ta muốn hiểu tất cả về Thiên Chúa, để có thể lái Người theo kế hoạch của chúng ta, chúng ta thường tự lặp lại với chính mình: Người không có ở đây! Mỗi khi chúng ta chỉ tìm kiếm Người theo cảm xúc thoáng qua hoặc những khi cần thiết, rồi gạt bỏ Người sang một bên và quên Người đi trong cuộc sống hàng ngày và những lựa chọn cụ thể, chúng ta lặp lại: Người không có ở đây! Và khi chúng ta nhốt Người vào những lời nói, theo công thức và thói quen của chúng ta, nhưng chúng ta quên tìm kiếm Người trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người khóc lóc, vất vả, đau khổ và trông đợi, chúng ta lặp lại: Người không có ở đây!
Chúng ta hãy lắng nghe câu hỏi dành cho các phụ nữ: “Tại sao các bà lại tìm kiếm Người Sống giữa kẻ chết?”. Chúng ta không thể có Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục ở trong cái chết; nếu chúng ta vẫn là tù nhân của quá khứ; nếu trong cuộc sống, chúng ta không có can đảm để cho mình được Thiên Chúa tha thứ, thay đổi, và đoạn tuyệt với những việc của sự dữ, để quyết định theo Chúa Giêsu và tình yêu của Người; nếu chúng ta hạ giảm đức tin thành một tấm bùa hộ mệnh, biến Thiên Chúa thành một ký ức đẹp của thời quá khứ, thay vì gặp gỡ Người hôm nay như một Thiên Chúa hằng sống, Đấng muốn biến đổi chúng ta và thế giới. Một Kitô hữu tìm kiếm Thiên Chúa giữa các di tích của quá khứ và đặt Người trong ngôi mộ theo thói quen là một Kitô hữu không có sự Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng nán lại ở các ngôi mộ, nhưng hãy ra đi để tái khám phá Người, Đấng Hằng Sống! Và chúng ta cũng không ngại tìm kiếm Người trong những khuôn mặt của anh chị em, trong câu chuyện của những người hy vọng và những người mơ ước, trong nỗi đau của những người than khóc và đau khổ: Thiên Chúa ở đó!
Cuối cùng, các phụ nữ loan báo. Họ loan báo điều gì? Niềm vui của sự Phục sinh. Sự Phục sinh không xảy ra để an ủi thân tình cho những ai thương tiếc cái chết của Chúa Giê-su, nhưng để mở toang trái tim đón nhận lời loan báo đặc biệt về sự chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết. Vì thế, ánh sáng của sự Phục Sinh không muốn giữ các phụ nữ trong sự vui mừng cá nhân, không để cho họ ở thái độ thụ động, nhưng làm cho họ thành những môn đệ truyền giáo “từ ngôi mộ trở về” (xem câu 9) và mang Tin Mừng Phục Sinh cho tất cả. Như thế, sau khi đã thấy và đã nghe, các phụ nữ đã chạy đi loan báo niềm vui Phục Sinh cho các môn đệ. Họ biết rằng họ có thể bị coi là điên rồ, đến nỗi Tin Mừng kể rằng lời nói của họ bị coi là “chuyện vớ vấn” (câu 11), nhưng họ không bận tâm về danh tiếng của mình hay để bảo vệ hình ảnh của mình; họ không chiều theo tình cảm, họ không tính toán về lời nói.
Thật đẹp biết bao khi một Giáo hội biết chạy như thế trên các con đường của thế giới! Không sợ hãi, không chiến thuật và cơ hội; nhưng chỉ với mong muốn mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Chúng ta được mời gọi điều này: có kinh nghiệm với Đấng Phục sinh và chia sẻ điều đó với người khác; lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ, nơi chúng ta vẫn thường niêm phong Chúa, để loan truyền niềm vui của Người cho thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, sống lại từ trong những ngôi mộ mà chúng ta đã nhốt Người; chúng ta hãy giải thoát Người khỏi những hình thức mà chúng ta thường giam cầm Người; chúng ta hãy trỗi dậy khỏi cơn mê ngủ mà đôi khi chúng ta đặt Người vào để Người không quấy rầy và làm chúng ta khó chịu. Hãy mang Người vào cuộc sống hàng ngày: bằng những cử chỉ hòa bình trong thời điểm này, vốn bị đánh dấu bởi sự khủng khiếp của chiến tranh; bằng những việc hòa giải trong các mối quan hệ tan vỡ và lòng thương cảm đối với những người cần giúp đỡ; bằng những hành động của công lý cho những nơi bất bình đẳng và sự thật cho những nơi dối trá. Và, trên tất cả, bằng những công việc của tình yêu và tình huynh đệ.
Anh chị em thân mến, niềm hy vọng của chúng ta có tên gọi là Giêsu. Người đã bước vào ngôi mộ tội lỗi của chúng ta, đến điểm xa nhất mà chúng ta đã bị lạc mất, bước qua những rối ren của sợ hãi, gánh lấy những trĩu nặng của chúng ta và từ vực sâu tăm tối nhất của cái chết của chúng ta, Người đã biến tiếng khóc than của chúng ta thành vũ điệu. Chúng ta cùng mừng lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Người đang sống và hôm nay Người vẫn tiếp tục vượt qua, biến đổi và giải thoát. Với Người, sự ác không còn sức mạnh và sự thất bại không thể ngăn cản chúng ta bắt đầu lại, cái chết trở thành một hành trình bắt đầu của một sự sống mới. Vì với Chúa Giêsu Phục sinh, không có đêm tối nào là vô hạn; và ngay cả trong bóng đen dày đặc nhất, ngôi sao mai vẫn chiếu sáng.
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt