Thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 130 năm xây dựng nhà thờ Phú Thượng – Giáo phận Đà Nẵng


Nhân dịp kỷ niệm 130 năm xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ Phú Thượng, lúc 8h30 ngày 17/7/2017, một thánh lễ Tạ ơn do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận chủ tế thánh lễ hiệp cùng quý cha Tổng đại diện, Cha Chánh xứ Gioan Baotixita Châu Ngọc Minh, các cha nguyên quản xứ Phú Thượng và nhiều linh mục trong giáo phận.

Tham dự Thánh lễ cũng có đại diện chính quyền, đại diện tôn giáo bạn, quý nữ tu bề trên Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Hội dòng thánh Phaolô thành Chartres, các nữ tu, các vị đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ trong giáo phận và giáo dân giáo xứ Phú Thượng.

Cung thánh nhà thờ Phú Thượng hôm nay thật rạng rỡ với phần trang trí đậm dấu ấn thánh lễ Tạ ơn 130 năm xây dựng ngôi nhà thờ Giáo xứ: Chánh điện cung thánh là hình ảnh mặt tiền ngôi nhà thờ với dòng chữ “Thánh lễ tạ ơn mừng 130 năm xây dựng ngôi nhà thờ”; phía bên trên là câu Thánh Vịnh “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,… Tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người” (TV 100,4). Hai bên chánh điện cung thánh là đôi câu đối hoàn chỉnh: “Giáo lý tình thương, Tiền nhân tiếp nhận”“Tin Mừng Cứu Độ, hậu thế truyền rao”. Bên dưới đối xứng với thư đài là di ảnh của Cha Donato StephanoMaillard (cố Thiên, vị linh mục thừa sai (M.E.P)đã xây dựng ngôi nhà thờ giáo xứ Phú Thượng vẫn tồn tại suốt 130 năm nay, với lối kiến trúc roman có 2 tháp vuông đối xứng.

Trong phần chào chúc mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse đã trao tận tay cha chánh xứ Phú Thượng bản Phép lành của Tòa Thánh; và sau đó, Cha Phaolô Phạm Thanh Thảo, Chánh Văn Phòng TGM đã trang trọng công bố phép lành Tòa Thánh cho toàn thể cộng đoàn như sau: “ĐTC Phanxicô ưu ái ban phép lành Tòa Thánh và khẩn cầu Thiên Chúa ban dồi dào thiên ân cho linh mục chính xứ Gioan Baotixita Châu Ngọc Minh và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Phú Thượng – giáo phận Đà Nẵng, nhân dịp mừng kỷ niệm 130 năm xây dựng ngôi nhà thờ (1887-2017). Làm tại Vatican, ngày 03 tháng 7 năm 2017.”

Lời dẫn nhập vào thánh lễ của Đức Cha Giuse như là một tổng lược những nét đẹp sáng của giáo xứ kỳ cựu với ngôi nhà thờ 130 năm này trong đời sống giáo phận Đà Nẵng: “Kỷ niệm 130 năm xây dựng ngôi nhà thờ đặc biệt này, dấu ấn của tình thương, dấu ấn của niềm hy vọng và với ngôi nhà thờ hiện diện giúp cho dân Chúa giáo xứ Phú Thượng trải qua những thách đố của lịch sử để vẫn tuyên xưng một niềm tin, bày tỏ sự hiệp nhất yêu thương, kín múc sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, của Chúa Giê-su và sự hiện diện của Hội Thánh. Trong ngày mừng kỷ niệm 130 năm, chúng ta cảm nhận tiếng gọi huyền nhiệm yêu thương để tiếp tục phát triển xây dựng giáo xứ, xây dựng Hội thánh nơi đây và mỗi chúng ta cộng tác trong tâm tình của lời mời gọi Đại Hội Dân Chúa Đà Nẵng năm 2010 là: Yêu Thương – Hiệp Nhất – Loan Báo Tin Mừng”.

Câu chuyện kể trong bài Tin Mừng thánh Luca (19,1-10) về việc ông Da-kêu đã mong muốn nhìn xem Chúa Giê-su và chính Chúa Giê-su đã chủ động đáp ứng ước muốn được “Chúa ngự vào nhà” để nhờ đó, một dấu chỉ yêu thương cứu độ đã đến với Da-kêu và gia đình của ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này,…”. Đức Cha chủ lễ đã mời gọi cộng đoàn Phụng vụ suy nghĩ về ơn gọi sống đức tin trong đời sống mỗi người, khi nhắc đến cuộc sống vật chất đầy đủ của Ông Da-kêu nhưng thiếu đi những giá trị tinh thần; tuy vậy, ông Gia-kêu vẫn khao khát một sự biến đổi nào đó để cuộc đời mình có ý nghĩa hơn và được mọi người đón nhận hơn. Chính sự khao khát thành khẩn được gặp Chúa đã được Gia-kêu cụ thể hóa bằng một quyết tâm hành động vượt qua sự hạn chế bản thân để tìm cách leo lên cây sung nhìn xem Chúa Giê-su. Đáp trả sự khao khát đó Chúa Giê-su đã ở lại nhà của ông, và khi gặp gỡ Chúa Giê-su thì Da-kêu đã biến đổi cuộc đời của mình bằng việc không còn tính toán thiệt hơn về gia sản vật chất của mình để cương quyết đổi lấy giá trị vĩnh cửu của một con người thuộc về Thiên Chúa, khi ông mạnh mẽ tuyên bố: “Dùng phân nửa tài sản cho người nghèo; và nếu chiếm đoạt của ai cái gì, thì xin đền gấp bốn!” Trước đây ông Da-kêu sống một cuộc đời tính toán, một cuộc đời tham lam, một cuộc đời lấy tiền bạc làm thước đo, nhưng giờ đây khi gặp gỡ Đức Ki-tô ông cảm thấy nơi Ngài là tình thương, là quyền năng, là tha thứ và điều đó đối với ông mới là tất cả. Đi từ phân tích sự khao khát biến đổi cuộc đời mình nơi ông Gia-kêu, Đức Cha Giuse đã xác tính một cách mạnh mẽ rằng: “Đức tin công giáo nơi các Ki-tô hữu đó là một nền văn minh Ki-tô giáo, đức tin đó đã thánh hóa và thay đổi nền văn minh Tây phương. Thế nhưng với những giá trị sống đạo trải qua mọi dòng lịch sử, xem ra người Công giáo có phần bị thiệt thòi, mà theo các chuyên viên phân tích nguyên nhân bị thiệt thòi là do sống THIỆT quá. Bởi vì những luân lý Ki-tô giáo ví dụ như: chỉ chấp nhận một vợ một chồng, rõ ràng điều này khó chấp nhận đối với văn hóa Á đông – miền đất đa thần”.

Đức Cha Giuse cũng nhấn mạnh đến bề dày lịch sử của ngôi nhà thờ Phú Thượng gắn liền với thời kỳ sơ khai của Giáo Hội Việt Nam như sau: “Với giáo phận Đà Nẵng đến ngày hôm nay chỉ mới được 54 năm thành lập nhưng với giáo xứ Phú Thượng thì hôm nay chúng ta kỷ niệm 130 năm xây dựng ngôi thánh đường này. Không ai trong chúng ta biết chính xác năm thành lập của giáo xứ, nhưng chắc chắn cộng đoàn đức tin của giáo xứ Phú Thượng được thành lập rất sớm ngay từ thế kỷ 17. Một giáo xứ được hình thành từ những thế kỷ đầu của Hội Thánh Việt Nam, rõ ràng đây là một ân ban của Chúa cho giáo phận Đà Nẵng đặc biệt nơi giáo xứ Phú Thượng thân thương này. Ngày 26 tháng 3 năm 1670, giáo sĩ Haingues từ Hội An đến Bàu Nghè, tức là An Ngãi, lưu lại với giáo dân 4 tháng, ngài đã vào Phường Trạc, tên gọi Phú Thượng ngày xưa, rửa tội cho 500 người. Và từ con số khởi đầu này mà giáo xứ phát triển cho đến ngày hôm nay. Từ các giai đoạn, các vị thừa sai Paris coi sóc, chúng ta chỉ dừng lại ở một vị linh mục mà chúng ta đang đặt di ảnh của ngài trên cung thánh hôm nay đây, đó là linh mục Donato StephanoMaillard (hay còn gọi cố Thiên) mà năm nay kỷ niệm 110 năm ngày giỗ của ngài. Tên tuổi của ngài gắn liền với giáo xứ Phú Thượng, nhất là với ngôi Nhà thờ thân yêu này. Và giáo xứ Phú Thượng cũng trải qua dòng chảy của lịch sử cũng có những giai đoạn khó khăn và thử thách đặc biệt vào thời kỳ Văn Thân. Nhưng giáo xứ vẫn trải qua bởi vì mỗi Ki-tô  hữu là một đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần và với sức mạnh mà Chúa Ki-tô đã hứa với thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con, sức mạnh của ta ở trong sự yếu đuối của con”. Và cho đến hôm nay vùng đất này có đến 95% là giáo dân, vẫn tiếp tục biến đổi cuộc đời mình đó là: sống đạo và hành đạo và cái đạo đó trở nên dấu ấn của sự hiệp nhất yêu thương. Và nói như tâm tình Đại hội dân Chúa Đà Nẵng đó là: Hiệp nhất – Yêu Thương – Loan báo Tin Mừng”.

Trước khi kết thúc thánh lễ Tạ ơn, Đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ Phú Thượng đã cảm ơn Đức Cha, các Cha nguyên quản xứ giáo xứ Phú Thượng, Bề trên dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, bề trên dòng Phao Lô và các nữ tu, Đại diện chính quyền, Đại diện tôn giáo bạn, Đại diện HĐMV các giáo xứ đã đến hiện diện và chia vui cùng với giáo xứ. Đại diện HĐMV giáo xứ Phú Thượng cũng không quên cảm ơn những giáo dân giáo xứ Phú Thượng đang ở xa quê hương đã chia vui với giáo xứ qua những lời chúc và những món quà cụ thể.

Được biết, để sống trọn vẹn ân phúc kỷ niệm 130 năm xây dựng ngôi nhà thờ Giáo xứ, đêm hôm trước, 16/7/2017, Giáo xứ đã kỳ công tổ chức một đêm diễn nguyện để ôn lại những biến cố lịch sử mà giáo xứ Phú Thượng đã trải qua.

Xin mượn lời Thánh vịnh“Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135) Để cảm tạ và dâng lên Thiên Chúa vì những gì mà chúa đã trao ban cho giáo xứ Phú Thượng trong quá khứ và ngày hôm nay.

Bài và hình ảnh: Pr. Nguyễn Toàn

Mời các bạn xem thêm hình ảnh tại page facebook chính thức của Giáo phận Đà Nẵng tại link: https://www.facebook.com/pg/GPDaNang/photos/?tab=album&album_id=695074077370459