Ngày 05/9: Thánh Têrêsa Calcutta


Mẹ Têrêsa Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé nhưng nổi tiếng thế giới vì công việc của mẹ dành cho người bần cùng nhất trong xã hội, mẹ được phong chân phước vào ngày 19 tháng Mười, 2003. Trong những người hiện diện hôm ấy là hàng trăm tu sĩ của Dòng Bác Ái Truyền Giáo, là tu hội mà mẹ đã sáng lập vào năm 1950 với tính cách một cộng đồng tôn giáo của giáo phận.  Ngày nay tu hội này còn bao gồm các nam nữ tu sĩ chuyên niệm và các linh mục.

Trong bài giảng buổi lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi Mẹ Têrêsa là “một trong những người có nhân cách thích hợp của thời đại chúng ta” và là “một hình ảnh của người Samaritan Tốt Lành”. Đức giáo hoàng nói cuộc đời của mẹ là “một sự tuyên xưng phúc âm dũng cảm.”

Việc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa, chỉ sáu năm sau khi từ trần, là một thủ tục được xúc tiến bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cũng như nhiều người khác trên thế giới, đức giáo hoàng thấy tình yêu của mẹ dành cho Thánh Thể, sự cầu nguyện và người nghèo là gương mẫu cho nhiều người noi theo.

Sinh trong một gia đình người Albany ở nơi bây giờ là Skopje, Macedonia (trước đây thuộc Đế Quốc Ottoman), Gonxha (Agnes) Bojaxhiu là con út trong gia đình ba người con. Trong một thời gian, gia đình sống sung túc khi công việc xây cất của người cha phát đạt. Nhưng cuộc đời thay đổi đột ngột sau cái chết bất ngờ của ông.

Trong những năm theo học trường công, Agnes tham gia một hội đoàn Công Giáo và muốn đi truyền giáo ở nước ngoài. Vào năm 18 tuổi, cô gia nhập dòng các Nữ Tu Loreto ở Dublin. Chính vào năm 1920 cô từ giã người mẹ lần sau cùng và lên đường đến vùng đất mới với cuộc đời mới. Năm sau đó, chị được sai đến đệ tử viện dòng Loreto ở Darjeeling, Ấn Độ. Ở đây chị lấy tên là Têrêsa và chuẩn bị cho cuộc đời phục vụ. Chị được sai đến một trường nữ trung học ở Calcutta, là nơi chị dậy sử ký và địa lý cho các thiếu nữ con nhà giầu. Nhưng chị không thể quên đi những thực tại chung quanh—sự nghèo đói, đau khổ, và số người cơ cực đông vô kể.

Vào năm 1946, khi trên xe lửa đến Darjeeling để tham dự cuộc tĩnh tâm, Chị Têrêsa nghe được điều mà sau này chị giải thích là “một tiếng gọi trong một ơn gọi. Thông điệp ấy rất rõ ràng. Tôi sẽ từ giã tu viện và giúp người nghèo khi sống giữa họ.” Chị còn được nghe lời kêu gọi hãy từ bỏ đời sống với các Nữ Tu Loreto và, thay vào đó, theo “Chúa Kitô vào những khu ổ chuột để phục vụ người trong những người bần cùng nhất.”

Sau khi được phép từ bỏ Loreto, thiết lập một cộng đoàn tôn giáo mới và thi hành công việc mới, chị học nghề y tá trong vài tháng. Chị trở lại Calcutta, là nơi chị sống trong khu nhà ổ chuột và mở trường dậy trẻ em nghèo. Trong y phục áo xari trắng và đi dép (y phục bình thường của một phụ nữ Ấn Độ) không bao lâu chị bắt đầu biết đến khu xóm—nhất là những người nghèo và đau yếu—và biết đến nhu cầu của họ qua những lần thăm viếng.

Công việc thật cực nhọc, nhưng chị không cô đơn. Các người tình nguyện đến tham gia trong công việc của chị, một số là cựu học sinh của chị, đã trở nên cốt cán trong Dòng Bác Ái Truyền Giáo. Những giúp đỡ khác là thực phẩm, quần áo, dụng cụ, và nơi cư ngụ. Năm 1952, thành phố Calcutta tặng cho Mẹ Têrêsa một khu nhà trọ cũ kỹ, sau đó trở thành nhà cho người hấp hối và tuyệt vọng. Khi Dòng phát triển, các dịch vụ được nới rộng cho các cô nhi, trẻ bị bỏ rơi, người nghiện rượu, người già và người sống trên hè phố. Trong bốn thập niên kế đó, Mẹ Têrêsa làm việc không ngừng nghỉ vì người nghèo. Tình yêu của mẹ dành cho họ thật không biên giới. Sức lực của mẹ cũng vậy, mẹ chu du đây đó trên toàn thế giới để mời gọi họ nhìn thấy chân dung của Chúa Giêsu trong những người bần cùng của xã hội. Năm 1979, mẹ được Giải Nobel Hòa Bình. Vào ngày 5 tháng Chín, 1997, mẹ được Chúa gọi về.

Nguồn: nguoitinhuu.org