Thất Bại Của Hội Nghị COP25 Về Sự Thay Đổi Khí Hậu


Hội nghị quốc tế thường niên về sự thay đổi khí hậu nhóm tại Madrid, Tây Ban Nha, đã thất bại, và kết thúc hôm 15/12/2019 vừa qua với một lời mời gọi yếu ớt “Hãy có những cố gắng mạnh hơn”, và cần phải đợi đến hội nghị năm tới, 2020 tại Glasgow bên Ecosse để cứu vãn hiệp định Paris.

Khi tuyên bố bế mạc Hội nghị, Tổng thư ký LHQ, Ông Antonio Guterres, nói rằng: “Tôi thất vọng vì kết quả của Hội nghị COP25. Cộng đồng quốc tế đã bỏ lỡ mất cơ hội quan trọng để chứng tỏ một ước vọng lớn hơn trong việc giảm bớt thán khí tạo nên hiện tượng lồng kính”.

Vấn đề khó khăn tại Hội nghị COP25

Trong số các vấn đề chính yếu và gây chia rẽ nhất được bàn đến trong Hội nghị, là điều khoản số 6 của Hiệp định Paris về những qui luật điều hành các thị trường quốc tế về than đá. Những cuộc thương thuyết cam go đã làm cho Hội nghị phải kéo dài thêm 2 ngày, nhưng không đưa tới kết quả nào.

Theo báo chí, những nước gây ô nhiễm và bị phê bình nhiều nhất về vấn đề này là Hoa Kỳ, Australia, Ấn độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil.

Lập trường của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp gửi Hội nghị COP25 được Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc hôm 03/12/2019, Đức Thánh Cha kêu gọi các chính quyền thực sự có ý chí chính trị để thi hành những qui định của Hiệp Ước Paris cách đây 4 năm để chống nạn những thay đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của trái đất và nhân loại.

Đức Thánh Cha viết: “Thật là buồn vì 4 năm sau hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu, chúng ta phải nhận rằng sự ý thức của nhiều tác nhân trong cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng phải cộng tác với nhau trong việc xây dựng căn nhà chung của chúng ta vẫn còn yếu ớt, không thể đáp ứng một cách thích hợp về sự cấp thiết phải hành động mau lẹ để đối phó với sự thay đổi khí hậu. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy những quyết tâm gần đây của các nước vẫn còn ở xa mức độ cần thiết để đạt tới những mục tiêu do Hiệp định Paris ấn định. Sự kiện đó cho thấy từ lời nói đến những hành động cụ thể, thật là xa dường nào!”

Cần ý chí chính trị để thực thi những gì đã cam kết

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Từ viễn tượng trên đây, chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi xem có ý chí chính trị để, với tinh thần lương thiện, trách nhiệm và can đảm, cung cấp nhiều hơn các phương tiện nhân sự, tài chánh và kỹ thuật để làm dịu bớt những hậu quả do sự thay đổi khí hậu gây ra hay không, đồng thời giúp đỡ dân chúng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đang chịu đau khổ nhiều nhất vì những thay đổi khí hậu.”

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu

Xem Thêm: Tuyên Ngôn Của Liên Minh Các Tôn Giáo Trước Hội Nghị COP25

Xem Thêm: Đức Thánh Cha Mời Gọi Hành Động Chống Biến Đổi Khí Hậu