Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những người công chính
Thiên Chúa chẳng hề bỏ rơi những người công chính; còn kẻ gian ác giống như người xa lạ, tên của chúng sẽ không bao giờ được nhắc đến trên Thiên Quốc. Đây là giáo huấn mà Đức Thánh Cha đã đúc kết từ những bài đọc trong thánh lễ sáng hôm qua, thứ năm ngày 08.10, tại nhà nguyện thánh Marta.
Đức Thánh Cha đặt vấn đề: “Có một người mẹ dũng cảm sống với chồng và ba đứa con. Chị chưa tròn 40 tuổi nhưng lại mang trên mình một cục bướu. Căn bệnh quái ác ấy buộc chị suốt ngày phải ở trên giường, chẳng thể đi đâu. Tại sao chuyện này lại xảy ra? Một cụ bà đạo đức, hằng ngày cầu nguyện liên lỉ trước nhan Thiên Chúa với những lời chân thật xuất phát từ con tim, nhưng con trai của cụ lại bị mafia giết chết. Tại sao chuyện này lại xảy ra với cụ?”
Tại sao những điều tốt lành lại đến với những kẻ độc ác, xấu xa?
Lời của Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Marta hôm ấy làm vang vọng một câu hỏi nhức nhối, tựa như lưỡi dao sắc cắt vào những suy tư của rất nhiều người, đặc biệt là những người có sự xác tín và niềm tin được bén rễ sâu xa, nhưng lại bị lung lay bởi những bi kịch xảy ra trong cuộc sống. Vấn nạn đặt ra là: Tại sao phải sống công chính? Việc phụng thờ Thiên Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, có ích lợi chi không? Trong khi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác lại được thịnh đạt. Họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì.
Đức Thánh Cha nói: “Nhiều lần chúng ra đã nhận thấy rằng những kẻ gian ác, chuyên làm điều xấu xa, nhưng cuộc sống của họ lại rất phát đạt: Họ hạnh phúc và có tất cả những gì họ muốn, chẳng hề thiếu thốn chi. Tại sao Thiên Chúa lại để điều này xảy ra? Tại sao một kẻ hỗn láo, xấc xược chẳng hề màng tới Thiên Chúa và người khác, nói khác đi là một kẻ bất chính và xấu xa, nhưng mọi sự trong cuộc sống của hắn ta đều thuận lợi? Tại sao hắn có tất cả những gì hắn muốn; còn chúng ta là những người muốn làm điều tốt, lại toàn gặp những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống?”
Thiên Chúa săn sóc những người công chính
Đức Thánh Cha trích Thánh Vịnh nhằm đưa ra một câu trả lời cho vấn nạn nêu trên. Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”(TV 1, 1-2).
Đức Thánh Cha giải thích: “Ngay bây giờ, có thể chúng ta không nhìn thấy hoa trái của những người công chính đang gặp đau khổ, bất hạnh; không thấy được hoa trái của những người đang trung kiên vác thập giá. Cũng vậy, trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, hoa trái của việc Con Thiên Chúa chịu khổ hình, vác thập giá cũng đâu có thấy được. Những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu cũng đâu được nhận ra. Nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện đều trở nên tốt đẹp. Chúng ta có biết Thánh Vịnh nói gì về những kẻ gian ác, kẻ mà chúng ta nghĩ rằng luôn gặp những điều may mắn, tốt lành không? Thật ra, kết cục của những ai gian ác chẳng hề tốt đẹp: ‘Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong’ (Tv 1, 4.6).”
Chỉ duy nhất một tính từ
Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ dụ ngôn anh Lazzaro nghèo khó trong Tin Mừng để nhấn mạnh rằng sự diệt vong là kết cục của những kẻ gian ác. Dụ ngôn ấy là một biểu tượng về sự đau khổ mà người gặp phải không hề kêu la, trốn chạy. Ông phú hộ giàu có, yến tiệc say xưa đã từ chối bố thí cho anh Lazzaro ngay cả những mẩu vụn bánh rớt xuống bàn của ông.
Thật đáng tò mò là ông phú hộ ấy không hề được nhắc đến tên. Nhưng chỉ có một tính từ nói về ông: giàu có. Trong Cuốn Sổ Ghi Nhớ được viết trước nhan Thiên Chúa, không hề có tên của những kẻ gian ác. Kẻ gian ác không có tên, nhưng chỉ có những tính từ để chỉ đặc điểm. Trái lại, tất cả những ai đang cố gắng đi trên đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, sẽ được ở cùng với Chúa Con, Đấng có tước hiệu là: Giêsu – Đấng Cứu Độ. Đây là một tước hiệu thật khó để có thể hiểu thấu và giải thích rõ ràng khi đứng trước những thánh đố của thập giá và tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta. (SD 08-10-2015)
Vũ Đức Anh Phương