Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa Phục Sinh 2025
WHĐ (14/4/2025) – Nhân dịp lễ Phục sinh năm 2025, Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo, đã viết thư gửi đến các sinh viên, học sinh Công giáo. Sau đây là nguyên văn lá thư của ngài.
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2025
Các con thân mến,
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề: “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng”, cha đọc thấy nơi những lời mở đầu một đoạn như sau: “Chúa Giêsu Kitô, đã chịu đóng đinh và sống lại, là trung tâm đức tin của chúng ta và là bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta vào lời hứa trọng đại của Chúa Cha, lời hứa đã được thực hiện nơi Con yêu dấu của Người: sự sống đời đời (x. Ga 10,28; 17,3)” (x. Tông thư Dilexit nos (24/10/2024), 220). Những lời này xác định Chúa Giêsu Kitô Phục sinh là nền tảng trọng tâm của đức tin Kitô giáo chúng ta.
Hành trình thiêng liêng của Mùa Chay thánh sắp kết thúc, chúng ta đang chuẩn bị long trọng cử hành các nghi thức tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cùng bước đi với Giáo hội trong những ngày trọng đại này, cha muốn chia sẻ với các con một vài ý tưởng mà cha đọc thấy nơi những suy tư về mầu nhiệm mà chúng ta sốt sắng cử hành trong ít ngày sắp tới: Mầu Nhiệm Phục Sinh.
1. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.
Theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo, Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu với Thánh lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa và sẽ kết thúc bằng giờ Kinh Chiều Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là diễn biến để chào mừng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Phục sinh là sự vinh quang của Đấng Mêsia. Như Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Biến cố Phục sinh này không được chứng minh bởi những kiểm chứng khoa học, nhưng nó được bảo đảm bởi các nhân chứng về những lần Chúa Phục sinh hiện ra (x. Mc 16, 9-20; Mt 28: 9-20; Lc 24: 13 -53; Ga 20: 11 -23; Cv 1:6-11). Từ đó, ta có thể nói rằng: với các Kitô hữu, Chúa Giêsu sống lại là một niềm tin, nhưng với các Tông đồ, đó luôn là một sự thật.
Trong niềm vui ấy, thật ý nghĩa khi hiểu thêm rằng, tiếng chuông của đêm vọng Phục sinh cũng chào đón cả những người đã và đang sống lại trong ân sủng của Bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận, dấu chỉ hữu hình cho một người sẽ quyết tâm chết cho con người cũ và sống lại con người mới cùng với Chúa Phục sinh: “Anh em đã chỗi dậy cùng Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (x. Cl 3, 1-2).
2. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.
Chúa chúng ta phục sinh đã hình thành nên một niềm danh dự rất lớn trong đời sống Kitô giáo. Về điều này, cha đã chia sẻ ở những năm trước. – Năm 2023, danh dự ngôi mộ của Chúa chúng ta. Ngôi mộ của một người bị đóng đinh trên thập giá là trung tâm, là điểm hành hương hằng năm cho hàng triệu người trên thế giới… – Năm 2024, danh dự từ cây Thánh giá của Đấng Phục sinh. Thánh giá có mặt ở khắp nơi, Thánh giá trên đỉnh các Nhà thờ. Thánh giá trở nên một sức mạnh phi thường cho các Thánh tử đạo…
Năm nay 2025, cha muốn chia sẻ với các con một niềm danh dự khác, đó là sự ảnh hưởng của Chúa Phục sinh lan rộng trong nhiều lãnh vực khác nhau. Ảnh hưởng trong tư tưởng, trong những tác phẩm văn học nghệ thuật tôn giáo, trong những phong tục tập quán của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Ảnh hưởng ngay cả trên những người khẳng định không phụ thuộc vào Ngài, vẫn còn sống xa Ngài, những người tấn công Ngài, nhưng vẫn tôn vinh Ngài theo cách riêng của họ cho dù chúng ta không thấy bên ngoài.
Là người Kitô hữu, chúng ta hãy nâng cao danh dự của Chúa Phục sinh. Chúng ta hãy để Ngài ngự trị trên chúng ta, xung quanh chúng ta. Chỉ có Ngài mới có phương thuốc chữa trị các bệnh tật tội lỗi của chúng ta. Ánh sáng Phục sinh đã mang lại niềm an ủi và hy vọng, sức mạnh và sự phấn đấu, chữa lành và phục hồi cho những ai đặt niềm tin vào Chúa.
3. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của trái tim.
Trái tim của con người đối với Chúa Kitô Phục sinh dẫn chúng ta đến những câu hỏi “Tại sao”: – Tại sao lại có những người vui mừng bỏ hết mọi sự để trở thành những bậc chân tu nghèo khó trong Giáo hội? – Tạo sao lại có những người can đảm nhận lấy sự chết nơi những bản án tử đạo đầy khắc nghiệt vì tin vào Chúa Kitô Phục sinh? Chỉ có duy nhất một câu trả lời. Đó là tình yêu dành cho Chúa Kitô Phục sinh. Cha muốn chia sẻ thêm một câu chuyện mang tựa đề Dù sao cũng…Alleluia, với những trích đoạn như sau: “…. Khi bạn nhận được lá thư này thì tôi đã ở trong tù rồi. Tôi sẽ ở tù vào ngày 14 tháng này. Đừng quên ngày vinh quang này. Một số người bạn của tôi đã phản bội tôi. Hãy cầu nguyện cho họ và làm việc sám hối thay cho họ. Hầu hết các Giám mục và Linh mục mà bạn biết đều đã bị bắt. Hãy cầu nguyện cho các ngài để các ngài có được lòng can đảm tử đạo. Gia đình là mối quan tâm duy nhất của tôi. Khi cha mẹ tôi đọc thấy tên tôi trên báo, các ngài gặp tôi, quỳ xuống yêu cầu tôi bỏ đạo (bội giáo). Chúa ơi! Lần đầu tiên tôi cảm thấy đau đớn. Đối với bạn và những người anh chị em đã yêu thương tôi rất nhiều, tôi không có gì để lại ngoài tình cảm của mình. Hãy nói với các bạn khác trước khi tôi chết. Bị kết án, tôi thà chấp nhận cái chết tồi tệ nhất trên trần gian còn hơn là cái chết đời đời và sự bội giáo. Hãy hát cùng tôi: Alleluia!”.
Thật cảm kích trước một phản ứng đầy công chính và hợp lý của một Kitô hữu về đức tin và tình yêu dành cho Chúa Kitô Phục sinh. Người nào bị bách hại vì lòng thù hận Chúa Kitô và chết như một vị tử đạo thì chắc chắn sẽ biết được niềm hạnh phúc không thể diễn tả được của sự Phục sinh với Chúa Kitô. Vì vậy, hãy luôn luôn hát… Alleluia!
4. Sự phục sinh của Chúa Giêsu, nền tảng đức tin của chúng ta.
Khi đã trở thành người rao giảng Chúa Phục sinh cho anh chị em mình, Thánh Phaolô xác quyết rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cor 15, 14), vì trong tất cả các phép lạ nhằm chứng minh quyền năng của Thiên Chúa, thì không có một phép lạ nào lớn hơn việc tự mình hồi sinh bằng chính sức mạnh của mình đúng vào kỳ hạn đã tính trước (x. Mc 8, 31). Về vấn đề nầy, Thánh Phêrô trong Thư thứ nhất xác định nền tảng đức tin vào sự phục sinh : “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô…. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (x. 1 Pr 1, 19-21). Mặc dù Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những chứng cứ lịch sử về sự kiện cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, sự Sống lại của Ngài, Ngôi mộ trống, những lần hiện ra, các Tông đồ làm chứng, nhưng biến cố này phải luôn được chúng ta đón nhận bằng đức tin, vì nó không thuộc phạm vi khoa học của con người.
Các con thân mến! Ước mong rằng tất cả những điều cha chia sẻ với các con, góp phần tạo nên một niềm vui mới, một niềm hy vọng mới trong đời sống Kitô hữu của mình. Với Chúa Nhật Lễ Lá, và Tuần Thánh chúng ta từng bước đi vào Mầu Nhiệm Phục Sinh. Cha tin rằng chúng ta sẽ nhận được một niềm vui sâu sắc và bình an từ Chúa Phục sinh. Hình ảnh của chiếc neo thật ấn tượng trong Logo của Năm Thánh 2025 luôn nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Kitô Phục sinh sẽ luôn là chiếc neo vững chắc là hướng đi tốt nhất cho hành trình sống đạo của chúng ta. Vậy, trong mọi nơi mọc lúc, dù vui hay buồn, các con hãy luôn là những người sống và thể hiện niềm hy vọng, học cách sống yêu thương và tha thứ như Chúa. Theo tinh thần Sắc chỉ Năm Thánh 2025 “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5, 5) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha cầu chúc các con và những người thân yêu một cuộc sống tràn ngập niềm vui, tình yêu và niềm hy vọng vào Chúa Phục sinh: Alleluia.
Vĩnh Long, ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo