Thứ Tư Lễ Tro
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Ge 2, 12-18
“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Giô-en.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa
Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
Xướng: Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.
Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 20 – 6,2
“Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
“Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỄ TRO
XÉ TÂM HỒN CHỨ ĐỪNG XÉ ÁO
Jn.nvh
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bước vào Mùa Chay – một hành trình thiêng liêng giúp mỗi người trở về với Chúa bằng tất cả tâm hồn. Nghi thức xức tro mà chúng ta cử hành không phải là một nghi thức đơn thuần, mà là một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về bụi tro.” Lời nhắc ấy không nhằm làm chúng ta sợ hãi, nhưng mời gọi chúng ta khiêm tốn nhìn lại chính mình, để rồi hoán cải và sống một cách ý nghĩa hơn.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Giô-en thay mặt Thiên Chúa kêu gọi dân: “Hãy xé tâm hồn, chứ đừng xé áo các ngươi”. Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái có thói quen xé áo như dấu chỉ sám hối. Nhưng Thiên Chúa không cần những biểu hiện bề ngoài nếu không có sự biến đổi bên trong. Ngài mong muốn một sự trở về thật sự, từ chính cõi lòng.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở về ba việc đạo đức truyền thống của Mùa Chay: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng tất cả phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành, không giả hình, không tìm tiếng khen, mà là để Cha trên trời thấu suốt và ban thưởng. Mùa Chay không chỉ là thời gian “kiêng thịt”, mà quan trọng hơn, là kiêng lòng ích kỷ, kiêng thói vô cảm, kiêng những điều làm chúng ta xa cách Chúa và tha nhân.
Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng hành trình hoán cải là một “cùng nhau bước đi trong hy vọng”. Ngài nói: “Chúng ta không thể nhắc đến cuộc xuất hành trong Kinh Thánh mà không nghĩ đến nhiều anh chị em ngày nay đang chạy trốn khỏi những tình cảnh nghèo đói và bạo lực để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lời kêu gọi hoán cải đầu tiên xuất phát từ thực tế rằng tất cả chúng ta đều là những người hành hương trong cuộc sống.” Mùa Chay không chỉ là hành trình cá nhân, mà còn là hành trình cộng đoàn, cùng nâng đỡ nhau để hướng về sự sống mới trong Chúa Kitô.
Nhưng làm sao để sống tinh thần Mùa Chay một cách cụ thể?
- Bố thí không chỉ là cho đi vật chất, mà còn là sự sẻ chia thời gian, lòng nhân hậu, sự tha thứ. Khi ta biết quan tâm đến một người đang cô đơn, lắng nghe một người đang đau khổ, đó chính là bố thí.
- Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh nhiều hơn, mà còn là dành thời gian để thinh lặng trước Chúa, để Ngài có cơ hội nói với ta. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại thực sự, trong đó chúng ta không chỉ xin ơn mà còn lắng nghe tiếng Chúa.
- Ăn chay không chỉ là giảm bớt đồ ăn, mà là giảm bớt những ham muốn vô độ, những đam mê sai lạc. Ăn chay là tập từ bỏ những gì không cần thiết để tâm hồn được thanh thoát hơn.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai kêu gọi: “Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”. Làm hòa với Thiên Chúa nghĩa là dám nhìn nhận những yếu đuối, dám bước ra khỏi sự trì trệ, dám quay về với lòng thương xót vô bờ của Ngài. Một trong những cách cụ thể nhất để sống lời mời gọi này là Bí tích Hòa Giải. Chúng ta thường sợ đi xưng tội, nhưng kỳ thực, đó là giây phút Chúa Giêsu cúi xuống để lau sạch bụi bẩn tâm hồn ta, để ta được phục hồi, được bắt đầu lại.
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay không phải là mùa buồn, mà là mùa hy vọng. Đức Thánh Cha khẳng định: “Hy vọng thúc đẩy Giáo hội cầu nguyện cho tất cả mọi người được cứu độ, và chờ đợi để được hưởng vinh quang thiên đàng cùng với Chúa Kitô, Phu Quân của mình.” Khi chúng ta thực sự bước vào hành trình hoán cải, hy vọng sẽ nở hoa trong lòng chúng ta.
Hôm nay, khi tro được xức trên đầu chúng ta, hãy nhớ rằng chúng ta là bụi tro, nhưng là bụi tro được yêu thương. Thiên Chúa không muốn chúng ta ở mãi trong sự yếu đuối, mà muốn chúng ta được biến đổi trong ân sủng của Ngài. Hãy để Mùa Chay này trở thành một hành trình thiêng liêng thực sự, một hành trình trở về với Chúa bằng tất cả tấm lòng.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con xé tâm hồn chứ đừng chỉ xé áo. Xin ban cho chúng con một quả tim trong sạch để chúng con thực sự sống tinh thần Mùa Chay! Amen.
SUY NIỆM II
THỜI GIAN ÂN PHÚC
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Trong ngày đầu tiên của mùa Chay, cùng với nghi thức xức tro, Giáo hội mời gọi các Kitô hữu đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm những lời của Đức Giêsu do thánh Mátthêu thuật lại, những lời đề cập đến các việc đặc trưng của thời gian này là bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Mục Lục Bài Viết
Một sự công chính mới
Những lời này Đức Giêsu ngỏ với các môn đệ đang vây quanh Người trên một ngọn núi, có ý nghĩa quan trọng vì hai lý do.
- Trước hết, những lời này nằm trong phần vẫn thường được gọi là diễn từ trên núi, và được xếp ở cuối phần được đặt tên là Hiến Chương Nước Trời. Do đó, những công việc quen thuộc của người Dothái là bố thí, cầu nguyện và ăn chay có ý nghĩa và tầm mức mới.
Thật vậy, điều mà mỗi người tin theo Đức Giêsu phải sống, nhờ lề luật, là phù hợp với sự công chính mới do Đức Giêsu công bố: Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng … Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết … (Mt 5,21-47) để đi đến kết luận: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Như thế, vấn đề của những người tin theo Đức Giêsu là vươn tới sự công chính của Thiên Chúa, sự công chính trong Thiên Chúa mà thánh Phaolô nói tới (x.2 Cr 5,21).
Với diễn từ này, Đức Giêsu mở ra cái nhìn hướng đến vô biên, hướng đến vĩnh cửu. Người ta không chỉ được kêu mời, thôi thúc để đạt được sự công chính theo cái nhìn của Lề Luật, của người đời, nhưng là được đề nghị hướng tới chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự tốt lành. Có thể cả đời người không thể đạt tới, nhưng con người không được xao nhãng, không thể quên đi khát khao này.
- Thứ nữa, qua những lời này, Đức Giêsu không chỉ giúp thính giả chú tâm nghe nhờ lối nói so sánh mà còn khơi lên óc tưởng tượng. Người ta không chỉ không khua chiêng đánh trống khi bố thí, mà ngay cả đối với bản thân mình: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Tuy vậy, vẫn cần nêu lên mẫu gương tốt.
Mẫu gương và tâm hồn
Đức Giêsu ý thức rõ về việc cần phải kín đáo, nhưng Người cũng nói rõ “Ánh sáng của anh em phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Không hề có sự mâu thuẫn giữa giáo huấn này với tuyên bố về bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Trái lại, trong cả hai trường hợp, nét chính vẫn là làm vui lòng Thiên Chúa chứ không phải người ta. Dù làm công việc gì, kín đáo hay công khai thì vẫn phải hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người chứ không nhằm tìm vinh quang cho mình.
Như thế, Đức Giêsu không hề kết án việc cầu nguyện công khai. Chính Người đã nhiều lần tham dự các cử hành này, và các tín hữu thời sơ khai cũng thực hành như thế, đến nỗi trở thành một nét đặc trưng (Cv 2,42).
Dẫu vậy, tất cả các cử hành này không phải nhằm phô trương cho người ta thấy, nhưng là trong tinh thần và sự thật (Ga 4,23-24). Tóm lại, sự thật của tâm hồn phải được diễn tả, và một tâm hồn mạnh mẽ, ngay chính mới bố thì, cầu nguyện và ăn chay. Thiếu thái độ của tâm hồn, tất cả trở thành giả tạo, và những chuyện giả hình thì chẳng làm Chúa vui lòng.
Do đó, điều gì tôn vinh Chúa trong nơi kín đáo thì không chỉ một mình Chúa Cha thấy, mà còn soi sáng nơi người phàm. Vậy còn phần thưởng thì sao? Đức Giêsu không ngần ngại nói: “Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Điều này cũng không có nghĩa là chúng ta mong một phần thưởng nào đó, để thoả mãn tính ích kỷ của mình, để có một lợi ích cho riêng mình, nhưng luôn là sự sống và tình yêu. Trong tình yêu, luôn có sự hỗ tương. Những việc làm bên ngoài vẫn có giá trị, nhưng phải luôn dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Dù không thể làm được nhiều, nhưng vẫn không ngoài tình yêu.
Kìa xem họ yêu nhau
Dấu ấn đặc trưng của Kitô hữu là tình yêu. Bày tỏ không có nghĩa là phô trương, vì nó phát xuất từ tâm hồn, như trái tim của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Giêsu. Các người tin theo Đức Giêsu đã được nhận ra bởi đức ái: Kìa xem họ yêu nhau. Tuy nhiên, điều được sống trong Mùa Chay còn dẫn đến một cảm nghiệm sâu xa: Kìa xem họ biết Thiên Chúa yêu thương họ dường nào. Người ta yêu nhau vì biết Thiên Chúa yêu thương họ và chính điều này làm cho lòng thương mến nhau được vững bền: Những tuân giữ trong mùa Chay, những nỗ lực cá nhân và việc sám hối cộng đoàn đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong sự dịu dàng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Mùa Chay là thời điểm quan trọng nhất của việc nên thánh. Đây là thời gian mạnh để sám hối nội tâm, thanh luyện, chiến đấu; đây là giai đoạn để nhớ rằng, để theo Đức Giêsu, phải tiến bước. Để đến gần Thiên Chúa, các việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay là những điểm tựa cần thiết; nhưng Đức Giêsu nhắc nhở rằng, điều cốt yếu không phải là hành vi bên ngoài, nhưng là cách sống, là thái độ của tâm hồn.
Trong mùa Chay, hãy luôn là những hối nhân vui tươi, những hối nhân của tình yêu, luôn chỉ tìm một điều duy nhất là đến gần Chúa Giêsu hơn.
Trong Mùa Chay Thánh này, bạn kiêng tránh điều gì?
Theo những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
1/ Tránh những lời gây thương tổn – và nói lời dịu dàng
2/ Tránh điều buồn sầu – tràn ngập tâm tình biết ơn
3/ Tránh nỗi muộn phiền – luôn kiên nhẫn
4/ Tránh thói bi quan – tràn đầy hy vọng
5/ Tránh nỗi âu lo – tin tưởng vào Chúa
6/ Tránh kêu ca, càm ràm – suy gẫm điều giản dị
7/ Tránh mọi áp lực – sốt sắng cầu nguyện
8/ Tránh điều cay đắng – đổ tràn niềm vui
9/ Tránh thói ích kỷ – đồng cảm với tha nhân
10/ Tránh thói đố kỵ – nhiệt thành hòa giải
11/ Tránh thói ba hoa – luôn biết thinh lặng để lắng nghe
Chúng ta phải làm gì?
Trong Sứ điệp mùa Chay 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Bằng cách dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta có thể nhổ tận gốc khỏi con tim mình những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối, và rồi tìm thấy niềm an ủi mà Chúa mang đến cho chúng ta. Người là Cha của chúng ta và Người muốn chúng ta sống tốt đẹp.
Sự bố thí giải thoát chúng ta khỏi lòng tham và giúp chúng ta xem người hàng xóm là anh chị em với mình. Những gì tôi sở hữu không bao giờ là của tôi mà thôi. Tôi muốn bố thí trở thành một phong cách sống chân thực của mỗi người chúng ta biết là ngần nào! Tôi mơ ước biết bao là chúng ta, trong tư cách là các Kitô hữu, noi theo gương của các Tông đồ và coi việc chia sẻ của cải như một chứng tá hữu hình về sự hiệp thông trong Giáo Hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gởi đến dân thành Côrintô để quyên góp cho cộng đồng Giêrusalem như một điều gì đó mà họ sẽ được hưởng lợi (x. 2Cr 8,10).
Chay tịnh làm yếu đi xu hướng bạo lực của chúng ta; nó giải giới chúng ta và trở thành một cơ hội quan trọng cho sự tăng trưởng. Một mặt, chay tịnh cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo khó và đói khát phải chịu đựng. Mặt khác, chay tịnh thể hiện sự đói khát thiêng liêng của chúng ta và lòng khao khát cuộc sống trong Chúa. Chay tịnh thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú ý hơn đến Thiên Chúa và người láng giềng của mình. Chay tịnh làm sống lại trong ta mong muốn vâng lời Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta