Thượng Hội Đồng: 15 Viên Ngọc Quý Ẩn Giấu Trong Bản Tổng Hợp
Lm. Thomas Reese, SJ
WHĐ (11.11.2023) – Khi đề cập đến Thượng Hội đồng về hiệp hành, các phương tiện truyền thông phương Tây thường tập trung vào một số vấn đề “nóng”, chẳng hạn như: phong chức cho phụ nữ, linh mục đã kết hôn, và chúc lành cho các cặp đồng tính,… Nhưng ẩn giấu trong Bản Tổng hợp dài 40 trang của phiên họp thứ nhất Đại hội Thượng Hội đồng 10. 2023 là một số viên ngọc quý đáng ngạc nhiên có thể dẫn đến một cuộc canh tân quan trọng trong Giáo hội.
1. Sự nhấn mạnh mới mẻ về sự tham gia của giáo dân. So với các Giáo hội Kitô khác, Giáo hội Công giáo có tính phẩm trật Thượng Hội đồng này, đặc biệt là các cuộc đối thoại tại các cuộc họp bàn tròn, được cấu trúc để tiếng nói của giáo dân, trong đó có phụ nữ và giới trẻ, được lắng nghe và tôn trọng. Bản Tổng hợp cho biết, “Lộ trình của Thượng Hội đồng được Đức Thánh Cha triệu tập bao gồm sự tham gia của tất cả những người đã lãnh Phép Rửa. Chúng tôi tha thiết mong muốn điều này xảy ra và dấn thân biến nó thành hiện thực”.
2. Cổ võ “Đối thoại trong Thánh Thần”.Thuật ngữ “Đối thoại trong Thánh Thần” đề cập đến một thực hành “cho phép lắng nghe chân thành để phân định những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội”. Bản Tổng hợp giải thích thêm, “Từ ‘đối thoại’ (conversation) thể hiện điều gì đó hơn là đối thoại (dialogue) đơn thuần: nó đan xen một cách hài hòa giữa suy nghĩ và cảm xúc và tạo ra một không gian sống động chung“.
3. Nhận thức về những điểm bất đồng và những điều không chắc chắn. Trong quá khứ, hệ thống phẩm trật có xu hướng che đậy, chỉ thể hiện bề mặt hiệp nhất trước các tín hữu và thế giới. Nhưng ngay trang đầu tiên, Bản Tổng hợp cho biết: “Sự đa dạng của các ý kiến và lập trường được lên tiếng trong Đại hội”, và thừa nhận rằng “không dễ để lắng nghe những ý kiến khác nhau mà không ngay lập tức rơi vào cám dỗ để phản bác những quan điểm được trình bày”.
Trong mỗi vấn đề sau đó, bất kỳ sự bất đồng và không chắc chắn nào đều được liệt kê trong phần “các vấn đề cần xem xét” vốn “đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn của chúng tôi về phương diện mục vụ, thần học và giáo luật”.
Đồng thời Bản Tổng hợp không phủ nhận sự chia rẽ nào đó, “Giáo hội cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân cực và ngờ vực trong những lãnh vực quan trọng, chẳng hạn như đời sống phụng vụ và suy tư về luân lý, xã hội và thần học. Chúng ta cần nhận ra những nguyên nhân của từng vấn đề thông qua đối thoại và thực hiện những tiến trình can đảm nhằm phục hồi sự hiệp thông và hòa giải để khắc phục chúng”.
4. Đề cập đến những mối quan tâm của phụ nữ. “Phụ nữ đòi hỏi công lý trong những xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bạo lực tình dục, bất bình đẳng kinh tế, và xu hướng coi họ như đồ vật. Họ mang những vết sẹo của nạn buôn người, di cư cưỡng bức và chiến tranh. Việc đồng hành mục vụ và thăng tiến phụ nữ một cách quyết liệt phải đi đôi với nhau”.
Giáo hội cần “tránh lặp lại sai lầm khi nói về phụ nữ như một vấn nạn hoặc một vấn đề. Thay vào đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy một Giáo hội trong đó người nam và người nữ đối thoại với nhau nhằm nhận thức sâu xa hơn viễn cảnh kế hoạch của Thiên Chúa, trong đó phụ nữ cùng xuất hiện với tư cách là những người chủ động, không lệ thuộc, loại trừ hay cạnh tranh“.
Thượng Hội đồng kết luận rằng trong Giáo hội “điều cấp thiết là đảm bảo rằng phụ nữ có thể tham gia vào tiến trình đưa ra quyết định và đảm nhận các vai trò trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ và tác vụ”.
5. Không quên người nghèo. Theo Bản Tổng hợp, người nghèolà “những người không có những thứ họ cần để có một cuộc sống xứng nhân phẩm”. Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến phẩm giá của người nghèo đồng thời cảnh báo Giáo hội tránh “coi người nghèo dưới lăng kính ‘họ’ và ‘chúng ta’, xem họ như ‘đối tượng’ của lòng bác ái của Giáo hội. Đặt người nghèo ở trung tâm và học hỏi từ họ là điều mà Giáo hội phải làm nhiều hơn nữa”.
6. Trao cho Giáo hội nhiệm vụ chống lại nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Bản Tổng hợp xác định rằng Giáo hội phải hành động chống lại “một thế giới nơi mà số lượng người di cư và người tị nạn ngày càng gia tăng, trong khi sự sẵn sàng chào đón họ ngày càng giảm dần và nơi mà người nước ngoài bị nhìn với sự nghi ngờ ngày càng tăng”. Ngoài ra, “các hệ thống trong Giáo hội vốn tạo ra hoặc duy trì sự bất công về chủng tộc cần phải được nhận dạng và giải quyết. Các tiến trình chữa lành và hòa giải cần được thiết lập để xóa bỏ tội phân biệt chủng tộc, với sự giúp đỡ của những người phải gánh chịu hậu quả của nó”.
7. Vấn đề lạm dụng trong Giáo hội phải được giải quyết. Bản Tổng hợp đề nghị Giáo hội nên khám phá khả năng thành lập một cơ quan pháp lý tách biệt với Giám mục để giải quyết các cáo buộc giáo sĩ lạm dụng, “cần phát triển thêm các cơ cấu chuyên trách việc ngăn chặn sự lạm dụng“.
8. Canh tân việc đào tạo linh mục. Khi nêu lên “việc đào tạo không nên tạo ra một môi trường nhân tạo tách biệt khỏi đời sống đức tin thông thường của tín hữu”, Thượng Hội đồng kêu gọi “cân nhắc thấu đáo các chương trình đào tạo, đặc biệt chú ý đến việc làm sao chúng ta có thể thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ và gia đình cho các chương trình đó“.
Bản Tổng hợp đề nghị các chương trình đào tạo chung cho “toàn thể Dân Chúa (giáo dân, người thánh hiến và tác viên chức thánh)”. Đồng thời cũng kêu gọi các Hội đồng giám mục “tạo ra một văn hóa thường huấn (formation and learning) suốt đời”.
9. Duyệt xét cách thức giáosĩ thực thi tác vụ. Thượng Hội đồng kêu gọi xem xét lại thường xuyên cách thức các giám mục, linh mục và phó tế thực hiện tác vụ trong giáo phận của họ. Việc này bao gồm “xác minh thường xuyên hoạt động của giám mục, theo các hình thức được xác định về mặt pháp lý, dựa trên phong cách thẩm quyền của ngài, việc quản lý kinh tế đối với tài sản của giáo phận, và hoạt động của các cơ quan tham gia, và bảo vệ chống lại mọi hình thức lạm dụng có thể xảy ra“.
10. Sử dụng ngôn ngữ phụng vụ. Bản Tổng hợp nóirằng các bản văn được sử dụng trong các nghi lễ Công giáo cần “dễ tiếp cận hơn với các tín hữu và được thể hiện rõ hơn trong sự đa dạng của các nền văn hóa”. Tiếp đến, bản văn gợi ý rằng phụng vụ cũng như các tài liệu của Giáo hội cần phải “chú ý hơn không chỉ đến việc sử dụng ngôn ngữ mang tính bình đẳng nam nữ, mà còn phải đưa vào một loạt từ ngữ, hình ảnh và câu chuyện dựa trên trải nghiệm của phụ nữ một cách rộng rãi hơn“.
11. Việc Rước lễ đối với tín hữu thuộc các Giáo hội không Công giáo. Thượng Hội đồng nâng cao khả năng việc cho tín hữu thuộc các giáo hội không Công giáo được Rước lễ, hay điều được gọi là “Sự hiệp thông trong các thực tại thánh” (Communicatio in sacris)”. Cho rằng đây là một vấn đề mục vụ tương tự như vấn đề mang tính giáo hội hoặc thần học, Bản Tổng hợp lưu ý rằng sự hiệp thông như vậy “có tầm quan trọng đặc biệt đối với các hôn nhân khác giáo hội”.
12. Ý nghĩa của việc trở thành phó tế trong Giáo hội. Nóichung, chức phó tế thường bị xem là bước đệm để tiến tới chức linh mục. Bản Tổng hợp đặt vấn đề về việc nhấn mạnh vào tác vụ phụng vụ của các phó tế hơn là vào sự “phục vụ người nghèo và thiếu thốn trong cộng đoàn. Do đó, chúng tôi đề nghị đánh giá về tác vụ phó tế đã được thực hiện như thế nào kể từ Công đồng Vatican II”.
13. Cần tiếp tục việc cải cách Giáo triều Rôma. Thượng Hội đồng khẳng định tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông hiến Praedicate evangelium, được ban hành vào tháng 03.2022, rằng “Giáo triều Rôma không đặt mình giữa Giáo hoàng và các Giám mục, nhưng đặt mình vào việc phục vụ cả hai theo những phương thức đặc trưng đối với bản chất của mỗi bên”.
Bản Tổng hợp kêu gọi nơi Giáo triều “sự chăm chú lắng nghe hơn đến tiếng nói của các giáo hội địa phương” đặc biệt là trong các chuyến viếng thăm định kỳ của các giám mục tới Rôma, đây phải là dịp để “trao đổi cởi mở và hỗ tương nhằm thúc đẩy sự hiệp thông và thực thi tính hiệp đoàn và hiệp hành thực sự”.
Bản văn cũng yêu cầu đánh giá cẩn thận xem “liệu việc phong chức giám mục cho các giáo sĩ cao cấp của Giáo triều Rôma có phù hợp hay không”, ngầm gợi ý rằng giáo dân có thể nắm giữ các vị trí hàng đầu của Vatican.
14. Cần cập nhật giáo luật. Bản Tổng hợp chothấy “vào thời điểm này, cần phải sửa đổi rộng rãi hơn Bộ Giáo luật” nhằm nhấn mạnh tính hiệp hành của Giáo hội ở mọi cấp độ. Ví dụ, bản văn đề nghị rằng các giáo xứ và giáo phận bắt buộc phải có Hội đồng mục vụ. Đồng thời, gợi ý có thể tổ chức Hội đồng mục vụ mô phỏng Hội đồng toàn thể gần đây của Giáo hội Australia.
15. Thúc đẩy các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ. Theo Bản Tổng hợp, cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là “những người sống gần gũi hàng ngày, xung quanh Lời Chúa và Thánh Thể” và bản chất của cáccộng đoàn này nuôi dưỡng một phong cách hiệp hành. Do đó, “Chúng ta được mời gọi đề cao tiềm năng của họ”.
***
Bạn sẽ không tìm thấy những viên ngọc quý này được viết trên các phương tiện truyền thông, nhưng nếu đợi để truyền thông nói cho chúng ta biết những gì xảy ra trong Thượng Hội đồng, chúng ta có thể bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong việc canh tân Giáo hội.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncronline.org (09.11.2023)
(Cập nhật lúc 16g10 ngày 11.11.2023)