Tiệc Cưới CaNa
CN.2.C
TIỆC CƯỚI CANA
(Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-12)
20-1-2013
Khi truyền giáo ở Đàng Ngoài (Miền Bắc) từ năm 1627 đến 1630, cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, đã kể lại một câu chuyện như sau :
Ở làng Vũ Xá, cách Kẻ Chợ (Hà Nội) một hai ngày đường, có một nhà sư tên là Antôn. Thầy được dân làng cắt cử trông coi ngôi đền do một bà vương phi xây dựng. Trong đền không có tượng Phật nào. Trên bàn thờ chỉ có một chiếc ngai sơn son thiếp vàng. Sau khi bà vương phi chết, dân làng sẽ coi bà là thần hoàng. Hồn bà sẽ ngự trên ngai đó. Dân làng sẽ dâng hương cúng tế bà. Sau khi nghe cha Đắc Lộ giảng, vị sư cho rằng việc thờ cúng ngôi đền là nhảm nhí, và thầy đã theo đạo. . Bà vương phi nghe tin, đuổi thầy ra khỏi đền, không cho trông coi nữa. Lại tịch thu đất đai, đuổi thầy ra khỏi làng. Từ nay cuộc đời thầy không còn gì, tay trắng, song thầy vẫn vui, vẫn phó thác vào sự săn sóc của Chúa. Thầy chỉ buồn vì không còn được sống với những người con thiêng liêng mà thầy đã khuyên dạy họ theo đạo, làm con cái Chúa (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 118-119).
BTM : Thầy Antôn đã sống tinh thần bỏ đạo cũ theo đạo mới của BTM thánh lễ hôm nay.
BTM kể lại phép lạ Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Nước tượng trưng cho đạo cũ, đạo Do Thái; còn rượu mới, đạo của Chúa Giêsu. Sau khi nếm thử thứ rượu từ nước hóa ra, ông chủ tiệc nói với chàng rể : “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh giữ mãi rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2,10).
Đạo Do Thái, đạo cũ, tuy tốt, nhưng còn bất toàn, giống như chum nước chưa đầy. Còn đạo mới hoàn hảo, giống như chum nước đầy tới miệng. Chúa Giêsu nói với gia nhân : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đã đổ đầy tới miệng” (Ga 2,7).
Bđ1 : Thầy Antôn khi bỏ những mê tín của ngôi đền theo đạo Chúa, thầy gặp gian nan thử thách. Thầy bị đuổi ra khỏi đền, còn bị tịch thu đất đai và bị đuổi ra khỏi làng; song thầy vẫn phó thác cho Chúa quan phòng.
Người Do Thái trong bđ1 hôm nay cũng thế. Sau khi được Chúa giải thoát ra khỏi cuộc sống lưu đày ở Babylon, tức là nước Irak ngày nay, vào năm 538 tCGS. Khi về quê hương xứ sở, thấy cảnh đổ nát của đất nước, giống như cô gái bị chồng bỏ, bị phận bạc duyên đơn, họ chán nản thất vọng. Chúa đã gửi ngôn sứ Isaia đến an ủi họ. Ngôn sứ nói : “Chúa của ngươi cầm ở tay. Chẳng ai còn réo tên ngươi ‘đồ bị chồng bỏ’. Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bạc duyên đơn’. Nhưng ngươi được gọi là ‘ái khanh lòng Ta’, xứ sở ngươi nức tiếng ‘duyên thắm chỉ hồng’” (Is 62,3-4).
Bđ2 : Dân Côrintô trong bđ2, tuy đã theo đạo Chúa, nhưng lại sống chia rẽ, ghen tị nhau. Vì thế, thánh Phaolô đã viết thư cho họ, khuyên họ sống đòan kết, yêu thương nhau. Chúa ban cho mỗi người một tài năng, để phục vụ, chứ khộng để kèn cựa. Thánh Phaolô viết : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần…Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa…Người thì được ơn khôn ngoan…, người thì được ơn hiểu biết…,người được ban lòng tin…, người được ban ơn chữa bệnh… Chính Thánh Thần duy nhất làm ra tất cả những điều đó, và phân chia mỗi người một cách, tùy theo ý của Người” (1Cr 12,1…11).
Để được đức tin kiên vững, vượt qua gian nan thử thách, cha ông chúng ta ngày xưa có lòng yêu mến Đức Mẹ. Cha Đắc Lộ kể rằng : “Giáo dân thường đeo ảnh tượng và chuỗi ra ngoài, đeo trước ngực. Một số quan ghét đạo xúi quan trấn Vĩnh Điện ra sắc chỉ cấm đeo. Được báo tin, cha khuyên họ đeo vào trong. Giáo dân cho là hèn nhát, không còn cơ hội tuyên xưng đức tin. Nhưng cha đã cải chính rằng : đạo không cấm chúng ta là những anh hùng tuyên xứng đạo thánh, nhưng chỉ cấm chúng ta không được liều lĩnh” (NH,sđd,trang 81).
Tiệc cưới Cana trong BTM hết rượu. Nhờ Đức Mẹ mà có thêm rượu, rượu ngon hơn. Yêu mến Đức Mẹ, đức tin sẽ vừng vàng, lòng mến sẽ thiết tha, và gian nan thử thách sẽ vượt qua.
————————
Tiệc Cưới Cana
PH.14-1-2007
Bài Tin Mừng : Câu chuyện tiệc cưới Cana trong bài TM thánh lễ hôm nay dường như qúa quen với chúng ta, nhất là câu chuyện thường được đọc trong các lễ cưới, song trong phụng vụ chỉ đọc trong năm C, nghĩa là cứ 3 năm mới đọc lại một lần.
Đối với người Do Thái cũng như VN, cưới hỏi là dịp vui nhất trong đời. “Song hỉ mà”, vui gấp hai. Theo luật Do Thái, tiệc cưới của người trinh nữ được tổ chức cả một hai tuần lễ; còn tiệc cưới của người tái giá có ba ngày.
Tiệc cưới tổ chức vào ban đêm. Sau những nghi lễ ở nhà gái, là cuộc rước cô dâu về nhà trai. Trời tối, đám rước được đi trong ánh sáng của những ngọn đuốc mà những người dự tiệc đem theo. Đám rước đi chung quanh làng, để được nhiều người chào đón chúc mừng.
Đôi tân hôn suốt một hai tuần lễ ở nhà. Nhà luôn mở cửa để đón các thực khách. Cô dâu chú rể luôn mặc áo cưới. Người ta coi họ như hòang đế và nữ hòang.
Với người Do Thái, tiệc phải có rượu, giống như VN “vô tửu bất thành lễ”. Một kinh sư Do Thái nói : “Không có ruợu không có niềm vui”. Người ta không uống nhiều đến nỗi say xỉn. Với người Do Thái, say là một sự nhục nhã. Cho nên khi uống rượu, họ phải pha rượu vào nước : 2 phần rượu thì 3 phần nước.
Với người Do Thái, việc đãi khách là một phép lịch sự quan trọng. Nếu thiếu rượu là một sự xỉ nhục cho nhà cưới.
Thấy thiếu rượu, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu : “Họ hết rượu rồi” (2,3). Chúa Giêsu trả lời : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến” (2,4).
Chúa Giêsu xem ra nói cứng cỏi với Đức Mẹ. Tại sao Chúa không gọi Đức Mẹ là “mẹ” mà gọi là “bà”, và không xưng là “con” mà xưng là “tôi” ?
Sách TM của thánh Gioan chỉ viết về Đức Mẹ có hai lần : lần thứ nhất trong tiệc cưới Cana, lần thứ hai dưới chân Thánh Giá, lần đầu ở đầu đời rao giảng và lần thứ hai ở cuối đời. Chúa Giêsu đã gọi Đức Mẹ là “bà”, để nói đến vai trò, địa vị của Đức Mẹ là một “bà Eva mới” trong việc tạo thành mới, mà Chúa Giêsu hòan thành trong “giờ” thương khó của Ngài.
Đức Mẹ hơn 30 năm sống với Chúa Giêsu, nên đã hiểu từng câu nói của Chúa, hiểu cả tấm lòng của Chúa, nên Đức Mẹ mới nói với các người làm : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (2,5).
Luật Do Thái trước khi ăn phải rửa tay chân. Tiệc cưới hôm nay có 6 chum đá đựng nước cho người ta rửa tay chân. Mỗi chum chứa được từ 80-120 lít = 720 lít. Chúa bảo “Các anh hãy đổ đầy vào chum đó đi. Và họ đã đổ đầy tới miệng” (2,7).
Qua phép lạ nước hóa rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng : Tân ước đã vượt qúa Cựu ước, “nghi lễ cũ nhường cho nghi lễ mới”, như trong Lời Tựa với câu : “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17). Hay như câu ông quản tiệc nói với chú rể : “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xòang hơn” (2,10).
Chúa Giêsu không những làm cho đôi tân hơn vui, mà còn làm cho cả nhân lọai vui, vì Chúa ban ơn cứu độ cho nhân lọai. Rượu tượng trưng cho ơn cứu độ dư dật của Chúa. Người ta kể rằng : trong những ngày Chúa Giêsu ẩn dật ở Nadarét, khi dân chúng buồn sầu, bực bội thì họ bảo nhau : “Hãy đến và xem cậu con trai của bà Maria”. Khi đến và thấy Chúa Giêsu, họ hết buồn, họ vui ngay.
Bài đọc 1 : Bđ1 hôm nay cũng diễn tả niềm vui Chúa gửi đến với những người Do Thái sau những năm lưu đày trở về quê hương. Khi trở về, thấy cảnh hoang vu của Đất Nước, hoang tàn của Đền Thờ, như là cô gái “bị chồng bỏ”, họ buồn chán. Chúa phải sai ngôn sứ Isaia đến an ủi họ : “Chẳng ai còn réo tên ngươi : ‘Đồ bị chồng bỏ’, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận hẩm duyên đơn’. Nhưng ngươi được gọi : ‘Ái khanh lòng Ta hỡi’, xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng’” (Is 62,4).
Bài đọc 2 : Thư Côrintô trong bđ2, thánh Phaolô nói đến những tài năng, những ân huệ Chúa ban cho mỗi người, để mỗi người dùng tài năng của mình mà làm cho người khác được vui . Thánh Phaolô viết : “Người thì được ơn khôn ngoan để giảng dạy…Người thì được ơn hiểu biết để trình bày … Kẻ thì được lòng tin…Kẻ thì được những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri, kẻ thì được ơn phân định thần khí, kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ, kẻ khác nữa lại đựơc ơn giải thích các tiếng lạ” (1Cr 12,8-10).
Chúa Giêsu hóa nước thành rượu để người ta vui.
Ngôn sứ Isaia đem lời Chúa đến cho dân Do Thái vui.
Thánh Phaolô nói : qùa Chúa ban cho mỗi người là để làm cho người khác vui.
Còn chúng ta làm cho người bên cạnh vui hay buồn ?
Những món qùa Chúa tặng ban cho mỗi người là “vì ích chung”, là vì làm cho người khác vui.
Đạo đem niềm vui, chứ khơng đem nỗi buồn. Ông Spurgeon, một học giả Anh, nói : “Ruồi được bắt nhiều bằng mật ngọt, chứ không phải bằng dấm chua. Nhiều linh hồn được đưa lên thiên đàng do những người mặt mũi tươi vui, chứ không phải do những người mang mặt mũi héo hắt.”
———————–
TIỆC CƯỚI CANA
18-1-2004
Như đã nói Chúa nhật tuần trước, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, đối với Giáo Hội Đông phương, gồm ba biến cố :
1/ Các nhà chiêm tinh đến Belem thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu,
2/ Chúa Giêsu chịu phép rửa và
3/ Tiệc cưới Cana là những cuộc hiển linh và cùng được mừng vào một ngày, ngày 6-1 hằng năm.
Đối với Giáo Hội Tây phương, trong chu kỳ ba năm phụng vụ, chỉ có năm C mừng Tiệc cưới Cana, sau khi đã mừng lễ Hiển Linh, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ba biến cố, ba cuộc hiển linh đầu tiên, cho biết mầu nhiệm của Chúa Giêsu là Vua, là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng chịu xức dầu.
Sách Tin Mừng của thánh Gioan chỉ kể 7 phép lạ tiêu biểu. Thánh Gioan thích dùng từ “dấu lạ”. Tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Vì thế , theo cái nhìn thần học của thánh Gioan, đây là dấu lạ mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta đọc những dẫn giải của bà Teresa Okure, giáo sư Kinh Thánh Học Viện Công Giáo Miền Tây Phi Châu, Nigeria.
Câu chuyện tiệc cưới Cana đưa con người trở về đất, về đời thường, khác với phần nhập đề nói về Ngôi Lời cao siêu và đoạn 1 là những lời rao giảng của thánh Gioan đòi hỏi con người phải xuất thế, tìm đến trời cao, cùng những ơn gọi làm môn đệ phải giã từ những tình cảm gia đình và trần đời. Cana ở Galilê, miền Bắc, cách Nadarét 7 cây số về phía bắc.
Tiệc cưới được tổ chức vào “ngày thứ ba”. Ngày thứ ba có thể là ngày thứ bẩy của tuần lễ đầu tiên của cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu, bắt đầu từ việc thánh Gioan Tẩy giả rao giảng. Tuần lễ đầu tiên tương ứng với tuần lể sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,1-2,5).
Tiệc cưới Cana nhắc đến câu chuyện Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ và cả hai trở nên một xương một thịt (St 2,24). Ngày thứ bẩy trong tuần lễ sáng tạo là ngày Sabát, ngày lễ nghỉ. Với thánh Gioan, ngày thứ bẩy là ngày thứ nhất trong công trình sáng tạo mới của Chúa Giêsu. Với cái nhìn này, “ngày thứ ba” được xem như liên hệ đến ngày thứ ba trong Kinh Thánh, tức là “ngày thứ ba” Chúa sống lại. Khi Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời và hòan cảnh của nhân loại, để đem ơn cứu thóat thì có một trật tự mới trong thực tế và trong mối liên lạc.
Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ, một sứ vụ gồm cả việc làm những dấu lạ. Những dấu lạ tỏ bày vinh quang của Chúa Giêsu, như thánh Gioan viết : “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này và tỏ bày vinh quang của Người” (Ga 2,11). Dấu lạ để các môn đệ đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu, giống như biến cố Hiển Dung trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm : “Các môn đệ tin vào Người” (2,11).
“Mẹ Chúa Giêsu” đóng một vai trò quyết định trong dấu lạ này. Đức Mẹ giống như người y tá giúp người mẹ đang phải khó khăn sinh con. Lời Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu là một lời cầu nguyện thần thế nhất : “Họ hết rượu rồi” (2,3).
Rượu mới mà Chúa Giêsu ban có hai nhiệm vụ. Đó là rượu thật ban cho các đôi hôn nhân, để giải cứu họ khỏi những bối rối lắng lo, không phải lo không còn rượu. Rượu tượng trưng cho sự nhận biết thật về Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống đời đời (2,11; 17,3).
Chúa Giêsu là chàng rể thật (3,29). Người biến nước rửa thành những viên ngọc ơn thánh. Tiệc cưới Cana là một ví dụ về ơn thánh và sự thật mà Chúa Giêsu đem đến vượt trổi hơn Lề Luật được Thiên Chúa ban qua ông Môsê (biểu tượng qua những chum nước rửa tay). Rượu mới là máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và là qùa tặng của Chúa Thánh Thần. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Thánh Thần liên kết với rượu mới không say sưa : “Nhưng người khác lại chế nhạo : ‘Mấy ông này say bứ rồi’” (Cv 2,13).
Tiệc cưới Cana được gọi là dấu lạ “đầu tiên”, đúng hơn phải dịch là dấu lạ “khai mạc”, dấu lạ “nền tảng” (chứ không là đầu tiên của một loạt các dấu lạ). Tiệc cưới Cana nói lên mục đích của các dấu lạ và công việc của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng : đó là tỏ bày Chúa Cha hiện diện và hoạt động trong và nhờ Chúa Giêsu (14,9-11).
Mẹ Chúa Giêsu hiện hiện trong Tiệc cưới-dấu lạ khai mạc cũng như dưới chân Thập giá-dấu lạ cuối cùng. Trong cả hai dấu lạ Chúa Giêsu gọi Mẹ bằng “Bà” (2,4; 19,26). Có người cho rằng : Chúa Giêsu từ bỏ truyền thống tình cảm mẹ-con. Người khác coi cách gọi này là một bằng chứng có sự mâu thuẫn chống đối giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Kiểu gọi “Bà” nhắc lại tin mừng đầu tiên cho nhân loại, khi Thiên Chúa nói với con rắn trong sách Sáng Thế : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống của người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn gót nó” (St 3,15). Lới hứa đó đã thành hiện thực nơi Đức Maria. Mẹ Maria là Người đàn bà mới, là Evà mới. Mẹ trở nên mẹ các môn đệ mà Chúa Giêsu yêu (St 3,20). Mẹ được các môn đệ đem về nhà các ông. Cuộc sáng tạo mới vượt trổi hơn cuộc sáng tạo đầu tiên.
Lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con ? Giờ của con chưa đến” (2,4). Đó là một lời gây nhiều khó hiểu. Có người hiểu : “Mẹ này, điều liên can đến con thì khơng liên can đến mẹ”. Lại có người hiểu : “Bà, tại sao lại đem chuyện này đến cho con”.
Có lần ma qủi nói với Chúa Giêsu : “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” (Mc 1,24; 5,7). Lời đó có nghĩa là ma qủi biết Chúa Giêsu sẽ trục xuất chúng ra khỏi người mà chúng nhập, song chúng sợ việc Chúa trục xuất. Chúng van xin Chúa tha thứ. Cũng vậy Lời Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ có nghĩa là : Chúa Giêsu biết Đức Mẹ có việc nhờ Ngài làm, hay có nghĩa là điều liên can đến mẹ thì cũng là điều liên can đến con. Mẹ Ngài đã bảo Ngài. Mặc dầu điều Ngài làm chắc chắn Ngài phải làm, nhưng Ngài đã không có được chọn lựa.
Đầu câu chuyện, theo lời kể của thánh Gioan : “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời” (2,1-2). Qua câu đó, Mẹ Maria và Chúa Giêsu với các môn đệ dường như không đi chung với nhau tới tiệc cưới. Có cảm tưởng Mẹ Maria đến trước, Chúa Giêsu và các môn đệ đến sau. Nhưng sau khi hai mẹ con trao đổi và Chúa Giêsu nghe theo mà làm phép lạ, thì các ngài cùng nhau ra về như một gia đình hiệp nhất : “Sau đó, Chúa Giêsu cùng với thân mẫu, anh em, và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày” (2,12).
Hôm nay là ngày 18-1 là ngày Giáo phận Đànẵng kỷ niệm 41 năm thành lập (1963-2004) và khai mạc Năm Thánh Truyền Giáo. Ngày 18-1 không những là ngày Giáo phận Đà Nẵng ghi nhớ, mà cả Giáo Hội Việt Nam cũng phải nhớ đến, ngày đặt nền móng cho GHVN. Vì cách nay 389 năm, ngày 18-1-1615, cha Buzomi (người Ý), cha Carvalho (người Bồ) và hai thầy trợ sĩ (người Nhật) của Dòng Tên đã đặt chân lên đất Đà Nẵng. Mục đích để giúp người Nhật đang ở Hội An, vì tránh nhũng cuộc bắt hại tại Nhật và truyền đạo cho người Việt. Các cha đã dựng một nhà nguyện cho người Nhật và cũng là trụ sở tuyền giáo cho người Việt. Cha Carvalho lo cho người Nhật, còn cha Buzomi lo truyền đạo cho người VN. Lễ Phục sinh năm 1615, các cha đã rửa tội được 10 người, 10 bông hoa đầu mùa.
Tháng 7-1615 cha Buzomi tới Dinh Chiêm, Vĩnh Điện. Cha đã xây được nhà thờ, tức là nhà thờ Phước Kiều ngày nay. Nhà thờ do tiền bạc của một bà sang trọng tên thánh là Gioanna. Tại đây cũng là nơi Thầy giảng Anrê-Phú Yên tử đạo ngày 26-7-1645.
Từ Hội An, năm 1616 cha Buzomi vào Qui Nhơn. Cha lập nhà thờ ở Nước Mặn, tức là Mằng Lăng ngày nay. Năm 1618 cha Pina tới Hội An. Cha là người nói sõi tiếng Việt
Năm 1624 cha Đắc Lộ tới Hội An và học tiếng Việt với cha Pina và một cậu bé người Việt. Giữa năm 1625 hai cha Pina và Đắc Lộ ra Huế truyền giáo.
Năm 1627 cha Đắc Lộ được sai ra Bắc truyền giáo. Năm 1640 cha Đắc Lộ trở lại Hội An, cha vào Phú Yên truyền giáo. Như thế, từ Hội An Tin Mừng Chúa đã ra Bắc vào Nam. Hội An là “cái nôi” của GHVN.
Linh mục Nguyễn Trung Thành