Tiếp Kiến Chung (1/6): “Xin Đừng Bỏ Rơi Con Khi Sức Lực Suy Tàn” (Tv 71,9)
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư tuần này, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về tuổi già, đặc biệt về việc chính người già cảm nhận sự mong manh của họ. Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề thực tế: “không thiếu những kẻ lợi dụng người già, để lừa gạt, uy hiếp bằng muôn ngàn cách. Chúng ta thường đọc trên báo hoặc nghe tin tức về những người cao tuổi bị lừa một cách vô lương tâm để chiếm đoạt tiền tiết kiệm của họ….”
—————–
Bài đọc sách thánh mở đầu buổi tiếp kiến được trích từ Thánh Vịnh 71:
Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, / lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài là Đấng con tin tưởng / ngay từ độ thanh xuân. / Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, / Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, / con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi. / Ngài đã bắt con nếm mùi tân khổ, / chính Ngài sẽ cho con được hoàn sinh / và kéo ra khỏi vực sâu lòng đất. / Phần vinh hoa, Ngài sẽ ban nhiều, và trở lại vỗ về an ủi. (Tv 71,5-6.20-21)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lời cầu nguyện tuyệt vời của những người cao tuổi mà chúng ta vừa nghe trong Thánh Vịnh 71 khuyến khích chúng ta suy ngẫm về sự căng thẳng mạnh mẽ của tình trạng tuổi già, khi ký ức về những khó khăn đã trải qua và những phúc lành nhận được bị đặt vào thử thách của niềm tin và hy vọng.
Thử thách tự nó tỏ lộ sự yếu đuối vốn đi cùng với sự mong manh và dễ bị tổn thương của tuổi già. Và tác giả Thánh Vịnh – một người già hướng về Chúa – đề cập rõ ràng đến thực tế rằng tiến trình này trở thành một cái cớ cho sự bỏ rơi, đánh lừa, lạm quyền và kiêu ngạo, đôi khi đeo bám lấy người già. Đây là một dạng hèn nhát đặc trưng cho xã hội này của chúng ta. Thật đúng là trong xã hội của sự vứt bỏ, văn hoá vứt bỏ, người cao tuổi bị đặt sang một bên và đau khổ vì những điều này. Trên thực tế, không thiếu những kẻ lợi dụng người già, để lừa gạt, uy hiếp bằng muôn ngàn cách. Chúng ta thường đọc trên báo hoặc nghe tin tức về những người cao tuổi bị lừa một cách vô lương tâm để chiếm đoạt tiền tiết kiệm của họ; hoặc những người không được bảo vệ và bị bỏ rơi mà không được chăm sóc; hoặc bị xúc phạm bằng các hình thức khinh miệt và đe dọa để bắt họ từ bỏ các quyền của họ. Những sự tàn ác như vậy cũng xảy ra trong các gia đình.
Toàn thể xã hội phải nhanh chóng chăm sóc những người già – họ là kho báu, ngày càng nhiều hơn, và cũng thường bị bỏ rơi hơn. Khi nghe đến những người cao tuổi bị tước đi quyền tự chủ của họ, sự an toàn của họ, thậm chí là ngôi nhà của họ, thì chúng ta hiểu rằng môi trường xung quanh của xã hội ngày nay đối với người cao tuổi không phải là một vấn đề khẩn cấp nổi lên, mà là một đặc điểm của văn hóa vứt bỏ đang đầu độc thế giới chúng ta đang sống. Người già trong thánh vịnh bộc bạch với Thiên Chúa nỗi tuyệt vọng của mình: “Vì thù địch nặng lời chống đối, / quân rình hại mạng con đã nhất trí bày mưu, / bảo nhau rằng: ‘Thiên Chúa bỏ hắn rồi, cứ truy nã, / bắt hắn đi, chẳng có ai cứu hắn đâu mà!’” (cc. 10-11). Những hậu quả là cái chết. Tuổi già không chỉ mất đi phẩm giá mà thậm chí còn bị nghi ngờ rằng họ có xứng đáng để tiếp tục. Vì vậy, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để che giấu sự tổn thương của mình, che giấu bệnh tật, tuổi tác, tuổi già của mình, bởi vì chúng ta sợ rằng những điều đó là khúc dạo đầu cho việc mất đi phẩm giá của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: liệu có phải là người khi nổi lên cảm giác này không? Tại sao nền văn minh hiện đại, tiên tiến và hiệu quả, lại khó chịu khi đối diện với bệnh tật và tuổi già như vậy? Và tại sao chính trị, vốn cam kết xác định các giới hạn của một sự sống đáng phẩm giá, lại đồng thời không nhạy cảm với phẩm giá của một cuộc chung sống tình cảm với người già và bệnh tật?