Tiếp Kiến Chung Của ĐGH 21/08/2019
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/8/2019 tại Đại thính đường Phaolô VI, ĐTC Phanxicô tiếp tục bài giáo lý theo sách Công vụ Tông đồ. Sự hiệp thông của cộng đoàn Kitô hữu không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn phải cụ thể bằng việc làm.
Mọi sự đều là của chung
Cộng đoàn Kitô được sinh ra từ ơn thánh dồi dào của Chúa Thánh Thần và phát triển nhờ men chia sẻ giữa các tín hữu trong Đức Kitô. Điều này cho thấy giữa các Kitô hữu có sự năng động của tình liên đới. Chính tình liên đới này xây dựng Giáo hội như một gia đình Thiên Chúa. Nơi đây mọi người trải nghiệm koinonia. Koinonia có nghĩa là gì? Đó là một từ Hy Lạp có nghĩa “mọi sự đều để chung”, như một cộng đoàn, không ai bị tách biệt. Đây là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, “chia sẻ”, “giao tiếp”, “tham gia”. Trong Giáo hội sơ khai, koinonia trước hết đó là tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô. Vì lý do này, khi chúng ta rước Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng “chúng ta hiệp thông”, chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu và từ sự hiệp thông này đưa chúng ta đến hiệp thông với anh chị e m, hiệp thông huynh đệ. Tới đây có một điều rất khó khăn đối với chúng ta liên quan đến sự hiệp thông: để chung của cải và quyên góp tiền cho Giáo hội mẹ Giêrusalem (cfr Rm 12,13; 2Cor 8–9) và các Giáo hội khác.
Hoán cải thực sự
Nếu anh chị em muốn mình là Kitô hữu tốt, anh chị em phải cầu nguyện, hãy cố gắng đến Thánh Thể, Bí tích Giao hòa. Nhưng sẽ là dấu chỉ cho thấy tâm hồn anh chị em đã được hoán cải đó là khi sự hoán cải xảy đến từ túi tiền của anh chị em, nó chạm đến mối bận tâm của anh chị em. Từ túi tiền chúng ta sẽ thấy một người quảng đại, giúp đỡ những yếu đuối, nghèo khổ như thế nào. Khi điều này xảy đến có nghĩa là có một sự hoán cải thực sự. Nếu chỉ dừng lại ở lời nói không phải là một sự hoán cải tốt.
Đời sống Thánh Thể, cầu nguyện, lời giảng dạy của các Tông đồ và kinh nghiệm hiệp thông (Cv 2,42) làm cho các tín hữu đông đảo trở thành “một lòng một ý và không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung (Cv 4, 32). Vì lý do này “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4, 34-35). Trong Giáo hội luôn có các cử chỉ này của các Kitô hữu. Họ đã tự nguyện từ bỏ những thứ không cần thiết để trao ban cho những ai đang cần chúng. Và không chỉ tiền mà còn cả thời gian. Ví dụ có biết bao Kitô hữu là những tình nguyện viên, chia sẻ thời gian với người khác, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đó là hoạt động bác ái, thăm viếng người bệnh; luôn luôn cần phải chia sẻ với người khác, không chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.
Tình yêu không chỉ bằng lời nói
Như thế koinonia hay hiệp thông trở cách thức tương quan mới giữa các môn đệ của Chúa. Kitô hữu cần phải trải nghiệm điều này, đó là lối hành xử Kitô, đến nỗi những người ngoại giáo nhìn Kitô hữu và nói: “Hãy xem cách họ yêu nhau!”. Nhưng tình yêu không chỉ bằng lời nói, đó là tình yêu giả tạo, tình yêu phải thể hiện qua hành động, giúp đỡ lẫn nhau, một tình yêu cụ thể. Mối dây liên kết với Đức Kitô tạo ra sự liên kết giữa các tín hữu và được thể hiện trong sự hiệp thông của cải vật chất. Phải, đây là cách để ở bên nhau, cách yêu thương này đến được với túi tiền, nó làm cho chúng ta trút bỏ sự cản trở tiền bạc để trao nó cho người khác, đi ngược lại lợi ích của chính mình.
Là chi thể của thân mình Đức Kitô các tín hữu đồng trách nhiệm với nhau. “Nhưng hãy nhìn kìa, anh ta có vấn đề: Tôi không quan tâm, đó là chuyện của anh ta”. Không, là các Kitô hữu chúng ta không thể nói: “Người nghèo, anh ta có vấn đề ở nhà anh ta, anh ta đang trải qua khó khăn gia đình”. Nhưng, tôi phải cầu nguyện, tôi mang nó theo, tôi không thờ ơ. Là Kitô hữu không chỉ quan tâm đến những người nghèo vật chất, mà cả những người nghèo tinh thần, những người có vấn đề và họ cần sự gần gũi của chúng ta. Một Kitô hữu luôn bắt đầu từ chính mình, từ tâm hồn và đến với người khác như Chúa Giêsu đến gần chúng ta.
Một ví dụ cụ thể về việc hiệp thông chia sẻ của cải đến với chúng ta từ lời chứng của Banaba: ông có một thửa đất, ông bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 4,36-37). Nhưng bên cạnh mẫu gương tích cực, một điều tiêu cực đáng buồn khác xuất hiện: Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Ông đồng ý với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 5, 1-2). Sự gian lận này làm gián đoạn chuỗi chia sẻ vô điều kiện, chia sẻ vô tư và hậu quả thật bi thảm, chúng gây tử vong (Cv 5, 5.10). Thánh Phêrô vạch trần sự bất chính của Khanania và vợ và nói với anh ta: “Sao anh lại để Xatan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? […] Anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa”. (Cv 5: 3-4). Chúng ta có thể nói rằng Khanania đã lừa dối Thiên Chúa vì lòng đạo đức giả. Những người này thuộc về Giáo hội “thương lượng” và cơ hội. Đạo đức giả là kẻ thù tồi tệ nhất của cộng đoàn Kitô giáo này: giả vờ yêu nhau nhưng chỉ tìm kiếm lợi ích của riêng mình.
Không là khách du lịch trong Giáo hội
Thực tế, khi thiếu chia sẻ chân thành, hoặc thiếu sự chân thành trong tình yêu, có nghĩa là nuôi dưỡng sự giả hình, xa sự thật, trở nên ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và đi đến cái lạnh lẽo của cái chết bên trong. Những người cư xử theo cách này đi qua Giáo hội như một khách du lịch. Có nhiều khách du lịch trong Giáo hội, họ luôn đi qua mà không bước vào Giáo hội: đó là những vị khách du lịch tâm linh khiến họ tin rằng họ là Kitô hữu, trong khi họ chỉ là khách du lịch từ hầm mộ. Không, chúng ta không được là khách du lịch trong Giáo hội, mà là anh em của nhau. Một cuộc sống chỉ tập trung vào việc trục lợi và lợi dụng hoàn cảnh để gây tổn hại cho người khác chỉ gây ra cái chết bên trong. Và có bao nhiêu người nói rằng họ gần gũi với Giáo hội, bạn bè của các linh mục, giám mục, trong khi họ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của họ. Đây là những kẻ giả hình phá hủy Giáo hội
Ngọc Yến
Nguồn: Vatican News