Tìm Hiểu Lá Thư Của Đức Cha Lambert Gửi Cho Hai Chị Nữ Tu Mến Thánh Giá Tiên Khởi
LM Giuse Đào Quang Toản
Ngày 08/05/2022
WHĐ (16.02.2023) – Đức cha Lambert viết “Thư gửi Bà Anê và Bà Paula” bằng tiếng Pháp, hiện còn lưu giữ được ba bản tại Paris[1] và một bản tại Rôma[2]. Lá thư này đã được xuất bản tại Paris ngay từ năm 1674[3]. Sau cùng, cha Adrien Launay đã tái bản năm 1927, vẫn tại Paris.[4] Về bản dịch tiếng Việt, chúng ta có bản dịch của cha Đỗ Quang Chính[5] và bản Nhóm Nghiên Cứu (các bản năm 1995, 1998 và 2017)[6].
1. Hoàn cảnh2. Tại sao gọi là “Bà”?
4. Chị Anê và chị Paula là ai? 7. Nữ tu Mến Thánh Giá và Giáo Hội Việt Nam |
Mục Lục Bài Viết
1. Hoàn cảnh
Ngày 30/08/1669, Đức cha Lambert tới Đàng Ngoài. Ngài sẽ sớm cho các giáo hữu tại đây biết rằng “ngài sẽ chăm sóc các thiếu nữ và các quả phụ nào muốn giữ tiết dục suốt đời mình vì tình yêu họ dành cho Chúa Giêsu Kitô”[7]. Và theo dự định đó, ngài đã gửi cho các thiếu nữ và các quả phụ này một Lá Thư Luân Lưu và bản Luật Dòng Mến Thánh Giá. Đó là nền tảng để lập dòng Mến Thánh Giá. Rồi sau cùng, thứ Tư Lễ Tro ngày 19/02/1670, ngài nhận lời khấn của chị Anê và chị Paula. Và cùng ngày đó, con tàu ông Junet chở ngài rời Phố Hiến, nhưng tàu không ra biển được vì “không gặp gió thuận để rời cảng sau khi đã thử ba lần”[8]. Mãi tới ngày 14 tháng 3 tàu mới căng buồm ra khơi được.
Trong thời gian ở trên tàu chờ gió, Đức cha Lambert đã viết “Thư gửi Bà Anê và Bà Paula”, đề “Tại cửa khẩu xứ Đàng Ngoài, ngày 26/02/1670”.
2. Tại sao gọi là “Bà”?
Đức cha Lambert đã ghi lại bức thư này trong tập Ký Sự Chuyến Đi Đàng Ngoài của ngài với tựa đề “Thư gửi Bà Anê và Bà Paula” (Lettre à Madame Agnès et à Madame Paule).
Lá thư này, ngài đã viết bằng tiếng Pháp và nhất là ngài viết theo văn hóa của người Pháp là văn hóa của chính ngài. Theo văn hóa Pháp, người ta gọi các nữ tu bề trên là “Madame la Supérieure” (Bà Bề Trên) hay “Madame la Mère supérieure” (Bà Mẹ Bề Trên).[9]
Trước danh xưng “Bà” mà Đức cha Lambert sử dụng theo văn hóa người Pháp của ngài, chúng ta nghĩ được rằng chị Anê và chị Paula là hai chị bề trên. Và như vậy, đương nhiên là có hai cộng đoàn nữ tu lúc đó tại Đàng Ngoài. Nhưng căn cứ theo sử liệu, chúng ta không thể biết chắc chắn là hai cộng đoàn tại nơi nào.
Xét về con người Đức cha Lambert, ngài thật đáng phục khi gọi hai chị bằng tước vị “bà” đầy kính trọng như vậy. Vì về bình diện tự nhiên và thuần túy con người, ngài là người giới quý tộc, giầu sang và quyền quý, lại là giám mục, tức là một vương công của Giáo Hội. Trong khi đó, hai chị nữ tu xứ Đàng Ngoài có lẽ chỉ là hai nữ bổn đạo miền quê, có thể không biết đọc biết viết như tuyệt đại đa số các phụ nữ Việt Nam thời đó nữa. Nhưng Đức Cha đã đối xử với hai chị với tất cả sự kính trọng và quý mến.
Tại sao thái độ của ngài như vậy?
Thưa, tại vì ngài sống theo ánh sáng đức tin của ngài. Theo ánh sáng đó, ngài nhìn thấy đây là hai người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để khởi sự thực hiện một chương trình của Người tại Giáo Hội Đàng Ngoài. Hai chị là hai người “thuộc trọn về Chúa Giêsu Kitô” rồi. Đã rất lâu trước, khi suy nghĩ về chuyến đi không thành sang Quảng Châu, Đức cha Lambert đã viết ra nguyên tắc sống này trong Ký Sự của ngài rằng:
“Nếu một người sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần tuý, không thể gọi là một Kitô hữu đích thực”.[10]
Trọn lá “Thư gửi Bà Anê và Bà Paula”, Đức cha Lambert đã viết hoàn toàn trong cái nhìn bằng đức tin của ngài.
3. Lời chào đầu tiên
Bức thư khởi đầu như sau:
“Pierre Lambert, nhờ ơn Thiên Chúa và Toà Thánh tông truyền, là Giám Mục Bêrite, đại diện tông toà, gửi lời chào và phép lành đến quý chị Anê và Paula thân mến, hai người nữ đầu tiên đã gia nhập hội dòng các chị em Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.”
Đúng là một lời chào rất trang trọng. Có lẽ không thể nào trang trọng hơn trong thể loại thư chung của một vị giám mục. Nhưng một lần nữa, thái độ và lời nói trang trọng này thể hiện ra sự kính trọng của Đức cha Lambert đối với hai nữ tu, theo cái nhìn đức tin của ngài.
Điều rất quý cho lịch sử là người ta được biết chị Anê và chị Paula là hai nữ tu đầu tiên của dòng Mến Thánh Giá. Nhưng lòng chúng ta sẽ không bao giờ được mãn nguyện vì chúng ta không biết gì hơn về hai chị này. Trước sự thật quá nghèo nàn của lịch sử ở đây, chúng ta sẽ luôn thắc mắc: ngoài hai tên thánh Anê và Paula ra, các chị là thiếu nữ hay quả phụ? tên gọi tiếng Việt các chị là gì? quê quán nơi nào? bao nhiêu tuổi đời? sống chết ra sao? vân vân và vân vân.
4. Chị Anê và chị Paula là ai?
Vì bản tính con người vốn không chấp nhận được khoảng trống[11], nên trước cái im lặng của lịch sử, người ta đã đưa ra những truyền thuyết về hai nữ tu đầu tiên này.
Truyền thuyết lâu đời nhất có lẽ là truyền thuyết do cố Ravier Khánh (+1899) tường thuật liên quan tới “nhà mụ Bái Vàng trong tỉnh Hà Nội”[12]. Rồi năm 1970, tác giả Đoá Hoa Tu Nữ lập lại tường thuật của cố Ravier Khánh và thêm rằng: “Vào năm 1667, đã có hai nhà nữ tu bản quốc trong giai đoạn thành lập. “Nhà Mụ” Bái Vàng nói ở trên là một chăng? Rất có thể”[13]. Truyền thuyết dân gian này rất sống động đến nỗi ngày nay người ta vẫn còn nói rằng “nữ tu Anê là bề trên tu viện Bái Vàng, nữ tu Paula là bề trên tu viện Kiên Lao”[14]. Đương nhiên, truyền thuyết đó có cái giá trị đạo đức, nhưng xét về giá trị lịch sử thì phải nói như cha Đỗ Quang Chính rằng:
“Thực ra chúng tôi chưa được thấy các tư liệu ghi trong thế kỷ XVII nơi nào viết rõ ràng Bái Vàng là nhà Mến Thánh Giá đầu tiên.”[15]
Nhưng vị sử gia nổi tiếng lại hơi vội vàng khi giới thiệu nữ tu Paula[16] như bà bề trên nhà dòng Kiên Lao, vì thiếu căn cứ và nhầm lẫn khi dẫn chứng.[17]
Hai chị là ai? Chẳng ai biết gì hơn.[18]
5. “Lời khấn cách công khai”
Sau lời chào trang trọng, Đức cha Lambert nói:
“Ta đã ao ước nói chuyện với các con sau khi các con tuyên các lời khấn cách công khai vào ngày lễ Tro, trước sự hiện diện của ta, để nói thêm với các con vài điều về sự cao trọng của bậc sống các con và sự hoàn thiện mà lòng thương xót Thiên Chúa gọi các con đến, nhưng ta buộc phải ra đi vào ngày hôm đó để trở về.”
Ngoài những chi tiết lịch sử rất đáng quý trong câu nói trên, chúng ta lưu ý tới “các lời khấn cách công khai” (mà nếu dịch từng chữ thì sẽ là: “sau các lời khấn của các con mà các con đã tuyên một cách công khai ngày lễ Tro với sự hiện diện của ta”). Đây không phải là các lời khấn công theo nghĩa giáo luật.
Theo giáo luật, lời khấn công là lời khấn được Giáo Hội nhìn nhận như lời khấn tu sĩ. Trái lại, là lời khấn tư. Lời khấn của hai chị Anê và Paula không phải là lời khấn công, nhưng là lời khấn tư. Bởi vì vào thời đó, giáo luật chỉ nhìn nhận những lời khấn của các nữ tu sống kín cổng cao tường, suốt đời khép mình trong nội vi, mới là lời khấn nữ tu, tức lời khấn công. Đó không phải là trường hợp của hai nữ tu Anê và Paula.
Mặt khác, bản văn không viết “những lời khấn công mà chúng con tuyên” (vœux publics que vous fîtes), nhưng “những lời khấn mà chúng con tuyên cách công khai” (vœux que vous fîtes publiquement).
6. Đời nữ tu Mến Thánh Giá
Hiệu quả của lời khấn là làm người tuyên khấn “thuộc trọn về Chúa Giêsu Kitô”. Do vậy, Đức cha Lambert nói:
“Ta có ý tưởng là viết cho các con lời này để chỉ bảo các con rằng các con không còn thuộc về các con nữa, nhưng thuộc trọn về Chúa Giêsu Kitô. Các con đã tự dâng mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu Kitô để từ nay chỉ còn chuyên tâm hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa, bằng việc suy niệm và bắt chước cuộc đời đau khổ của Người và bằng việc thực hành những nhiệm vụ của hội dòng các con.”
Đó là mục đích chính của dòng Mến Thánh Giá mà Đức cha Lambert, đấng sáng lập, đã quy định trong bản luật dòng đã ban:
“Mục đích của hội dòng này là tuyên giữ đặc biệt việc nhớ lại và bắt chước cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày, như phương cách tuyệt hảo nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người.”[19]
Với mục đích và những nhiệm vụ của hội dòng, người nữ tu biết được cách thức phải sống phù hợp với ơn gọi đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chúng ta gọi cách thức sống đó là linh đạo dòng Mến Thánh Giá.
7. Nữ tu Mến Thánh Giá và Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá luôn có quyền hãnh diện một cách chính đáng là đã đồng hành cùng Giáo Hội Việt Nam từ ngày dòng được thành lập. Thật vậy, các nữ tu đã cộng tác rất nhiều vào mọi hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam. Đây cũng là điều mà Đức cha Lambert đã nhìn thấy ngay từ lúc lập dòng khi nói:
“Ta hết sức khuyến khích các con trung thành với những việc trên, vì ta biết rõ ích lợi to lớn mà các con và toàn thể Giáo Hội này sẽ nhận được từ đó.”
Sống theo linh đạo của đấng sáng lập, các nữ tu đã kết hiệp được với Chúa Giêsu Kitô, trở nên hạt lúa mì rơi xuống lòng đất mà chết đi để sinh nhiều bông hạt (Gioan 12, 24).
8. Các tập sinh
Đức cha Lambert viết:
“Ta cũng căn dặn các con một cách rất đặc biệt hãy hết lòng chăm sóc các tập sinh của các con, phải xem họ như những kho thánh mà Thiên Chúa đã đặt trong tay các con. Các con hãy nhớ khắc ghi thường xuyên vào lòng họ mục đích chính của hội dòng các con là tiếp tục cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô nơi họ và mọi ngày, bằng cầu nguyện, nước mắt, công việc và hy sinh, xin Chúa ơn trở lại cho kẻ ngoại và cho các Kitô hữu xấu.”
Về đoạn thư này, trước tiên chúng ta nhớ lại rằng trong bản luật đã ban, Đức cha Lambert đã quy định thời gian nhà tập là hai năm (điều 1).
Các tập sinh phải được coi như của quý báu mà Thiên Chúa gửi gắm nơi các nữ tu hữu trách. Thiên Chúa không phó thác hay trao ban cho ai, vì các tập sinh luôn thuộc về Thiên Chúa, không ai có quyền sở hữu các tập sinh. Đúng vậy, ơn gọi đời sống thánh hiến là từ Thiên Chúa mà đến, các bề trên không phải là tác giả ơn gọi này. Và cũng qua đó, đấng sáng lập mời các nữ tu sống đức khiết tịnh và khó nghèo từ trong nội tâm mình, nghĩa là không yêu mến, không chiếm đoạt và không sở hữu vật gì hay người nào, ngoài Thiên Chúa ra.
Việc huấn luyện các tập sinh hệ tại vào việc chỉ dẫn và tập luyện họ sống theo linh đạo riêng của hội dòng mà mục đích là “nhớ lại và bắt chước cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày”. Tiếp theo, công việc đầu tiên là mục vụ và truyền giáo bằng cách “cầu nguyện, nước mắt, công việc và hy sinh, xin Chúa ơn trở lại cho kẻ ngoại và cho các Kitô hữu xấu”.
9. “Thay cho Chúa Giêsu Kitô”
Tư tưởng quan trọng và là niềm xác tín thần học của Đức cha Lambert về đời sống thánh hiến của các nữ tu Mến Thánh Giá được diễn tả như sau:
“Nhưng điều cực kỳ quan trọng là thực hành tất cả mọi sự thay cho Chúa Giêsu Kitô. Người ao ước chính mình làm những điều ấy mà không thể được, nên Người đã dùng vài kẻ được tuyển chọn mà ban đầy tinh thần trung gian của mình, để tiếp tục cuộc sống lữ thứ và hiến tế của Người cho đến tận thế.”
Theo Đức cha Lambert, Chúa Giêsu Kitô nay đã phục sinh. Người không còn ở trong không gian và thời gian này và thân xác Người không còn khả năng chịu đau khổ nữa. Mà công cuộc cứu thế của Người chỉ thực hiện được bằng đời sống hy sinh, khổ chế, thương khó và cái chết. Do đó, Người cần tới những ai còn mang thân xác có khả năng cảm nhận đau khổ và cái chết, tức “thân xác thụ cảm”[20], để tiếp tục việc cứu độ của Người.
Theo Đức cha Lambert, các nữ tu Mến Thánh Giá là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn và Chúa mượn con người của họ để tiếp tục cuộc thương khó hầu cứu chuộc trần gian. Các nữ tu là những người làm “thay cho Chúa Giêsu Kitô”[21].
10. Tinh thần trung gian là gì?
Chúa Giêsu Kitô là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu” (1 Tm 2, 5).
Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô, nhận được từ Người tinh thần trung gian, thuộc vào “hàng tư tế vương giả» (1 Pr 2, 4). Nghĩa là Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta “chia sẻ chức vụ tư tế khi thực hành việc phượng tự thiêng liêng để làm vinh danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại” (Công đồng Vaticanô II, Lumen Gentium 34).
Người nữ tu nhận được tinh thần trung gian của Chúa Giêsu Kitô khi được Rửa Tội cũng như mọi tín hữu. Nhưng với đời sống thánh hiến bằng ba lời khấn, người nữ tu sống tinh thần trung gian một cách triệt để hơn các tín hữu khác hầu làm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại.
Nhờ sống triệt để hay trọn vẹn tinh thần trung gian, tức tinh thần Chúa Giêsu Kitô cứu thế, đời sống nữ tu là một đời sống cao trọng. Đó là điều mà Đức cha Lambert đã nhắc nhở.
11. “Cao trọng ơn gọi”
Đức cha Lambert chấm dứt lá thư bằng những lời sau:
“Các con thân mến, qua đó, các con thấy được sự cao trọng của ơn gọi các con và thấy được rằng các con đã chết cho thế gian, nghĩa là cho các giác quan, cho bản tính tự nhiên và cho lý trí con người, để từ nay trở đi chỉ sống theo những lời dạy, việc làm và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Ta xin các con hãy thường xuyên suy nghĩ về điều đó và xin các con đừng quên ta trước mặt Thiên Chúa.”
Được gọi bởi Chúa Giêsu Kitô, được chọn bởi Chúa Giêsu Kitô, được cho Chúa Giêsu Kitô mượn thân xác và linh hồn mình để Người tiếp tục việc cứu thế của Người, các nữ tu Mến Thánh Giá sẽ nhận ra đó là cái cao trọng nơi ơn gọi của mình. Và để sống xứng đáng ơn gọi đã lãnh nhận, Thiên Chúa lại đã ban cho các nữ tu Đức cha Lambert làm đấng sáng lập. Ngài dạy một cách sống xứng hợp, một linh đạo đặc thù mà điểm chính, nói như thánh Phaolô, là “tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Đó là nguyên tắc sống mà Đức cha Lambert đã viết ra năm 1663, tức 7 năm trước khi ngài lập dòng Mến Thánh Giá: “Nếu một người sống theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần tuý, không thể gọi là một Kitô hữu đích thực”.
Nay ngài diễn tả nguyên tắc đó cho hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên bằng lời sau:
“Các con đã chết cho thế gian, nghĩa là cho các giác quan, cho bản tính tự nhiên và cho lý trí con người, để từ nay trở đi chỉ sống theo những lời dạy, việc làm và cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.”
* * *
Sau “Thư luân lưu gửi các chị em đã khấn đức khiết tịnh và đang sống chung với nhau từ nhiều năm nay” và bản luật “Hội Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Con Thiên Chúa”, “Thư gửi Bà Anê và Bà Paula” là bản văn thứ ba và cuối cùng của Đức cha Lambert viết trực tiếp cho các nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Ba bản văn trên là nền móng của dòng Mến Thánh Giá. Các nữ tu và bất kỳ ai muốn tìm hiểu về dòng Mến Thánh Giá đều phải học hỏi kỹ ba bản văn này để khám phá ra linh đạo mà đấng sáng lập đưa ra khi lập dòng.
“Thư gửi Bà Anê và Bà Paula” là một bản văn ngắn gọn, súc tích, trang trọng, tình cảm, đầy đức tin sống động và là một bài giảng dạy tu đức cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Tác giả tập tiểu sử đầu tiên của Đức cha Lambert đã nhận định về lá thư này như sau:
“Cả đến khi sắp dong buồm ra khơi, ngài [Đức cha Lambert] còn ngồi trên thuyền viết cho họ một bức thư cảm động, tràn trề tình phụ tử, và nhiều dặn dò quan trọng để khuyến khích họ yêu quý gìn giữ ơn sủng Chúa ban cho họ cũng như gìn giữ tinh thần sống của họ.”[22]
Đã hơn 350 năm trôi qua, lá thư này vẫn hoàn toàn giữ được giá trị tu đức cho các nữ tu Mến Thánh Giá ngày hôm nay.
[1] AMEP, tập 677, trang 184-185; tập 677, trang 216; tập 855, trang 178.
[2] APF, SOCP, tập 3, trang 547v.
[3] Relations des missions des evesques françois aux royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Cambodge, et du Tonkin, Paris, P. Le Petit et C. Angot, 1674, tr. 302-303.
[4] Histoire de la Mission du Tonkin. Documents historiques, (1658-1717), Paris, Maisonneuve, 1927, (rééditions en 2000), tr. 104-105.
[5] Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, Tp.Hochiminh, 2003, tr. 68-69.
[6] Nhóm Nghiên Cứu, Đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, 1995, trang 60-61; Tiểu Sử Bút Tích…, 1998, tr. 126-127; Tuyển tập bút tích, 2017, tr. 40-41.
[7] Đức cha Lambert, Ký Sự, AMEP, tập 677, tr. 203.
[8] Đây là điều chính Đức cha Lambert cho biết trong Ký Sự của ngài (AMEP, tập 677, tr. 216). Phần cha Đỗ Quang Chính, ngài nói : “Tới cửa khẩu, tàu đã cố gắng ba lần mà không dám ra khơi vì gió to sóng cả” (sđd, tr. 67). Lời giải thích này có vẻ không có căn cứ và hơi vô lý, vì con tàu đã phải neo lại tới 22 ngày, chẳng lẽ “gió to sóng cả” suốt 22 ngày.
[9] Nhóm Nghiên Cứu giải thích rằng : “Chữ Bà có thể hiểu là Bà Mụ, một danh xưng trân trọng dành cho những mệnh phụ trong xã hội và Bề Trên trong các Dòng nữ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong các thế kỷ đầu” (Tuyển Tập Bút Tích, sđd, tr. 33, ghi chú 30). Nhưng giải thích theo văn hóa Việt Nam này thì không thể nào thích hợp với lá thư của vị giám mục người Pháp được.
[10] “Il est vrai qu’un homme vivant naturellement, ou dans la pure raison, ne peut pas être dit un véritable chrétien” (AMEP, tập 121, tr. 652).
[11] Triết gia Aristote (+322 trước công nguyên) người Hy Lạp đã nói : “Thiên nhiên ghê tởm khoảng trống” (la nature a horreur du vide).
[12] Marcel-Henri Ravier, Sử Ký Thánh Yghêrêgia, quyển thứ III, in tại Ninh Phú Đường, 1895, tr. 147-148.
[13] Phạm Đình Khiêm, Đóa Hoa Tu Nữ, nxb Mẫu Tâm, Gia Định, 1970, tr. 13-14.
[14] Nhóm Nghiên Cứu, Tiểu Sử Bút Tích…, 1998, tr. 30.
[15] Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd, tr. 23.
[16] Cha Đỗ Quang Chính gọi chị Anê (Agnès) là Inê và chị Paula (Paule) là Phaola.
[17] Xem Đào Quang Toản, Lịch Sử Hội Dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao Bùi Chu, 2017, tr. 21, chú thích 12.
[18] Xem Đào Quang Toản, Tìm Hiểu Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2013, tr. 157.
[19] Bản tiếng Latinh được trình lên Tòa Thánh (APF, SOCP, tập 3, fol. 544). Hay bản tiếng Pháp trong Ký Sự của Đức cha Lambert: “Mục đích của hội dòng này sẽ là tuyên giữ đặc biệt việc suy niệm mỗi ngày những đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, như phương thế hữu ích nhất để đạt tới sự hiểu biết Người và yêu mến Người” (AMEP, tập 677, tr. 179).
[20] “thân xác thụ cảm” (le corps passible) là thân xác có khả năng cảm nhận được đau khổ. Đây là từ ngữ của Đức cha Lambert, ví dụ trong AMEP, tập 121, tr. 756.
[21] “en la place de Jésus-Christ” = “làm thay Đức Giêsu Kitô” (Đỗ Quang Chính, sđd, tr. 69), “thay cho Chúa Giêsu Kitô” (Tuyển Tập Bút Tích, sđd, tr. 41).
[22] Jacques-Charles de Brisacier, AMEP, tập 122, tr. 144.