Tĩnh Tâm Năm Giáo Sĩ Đoàn Giáo Phận Đà Nẵng 2023
Giáo luật 533, 2 đã nêu: “Các linh mục phải dự tĩnh tâm mỗi năm một lần”. Giáo hội khôn ngoan quy định để linh mục có cơ hội nghỉ ngơi đôi chút sau một thời gian dài vất vã trong sứ vụ. Đồng thời cũng là khoảng lặng cần thiết để mỗi một linh mục nhìn lại mình trong đời sống cũng như chính công việc được giao. Nhất là, dịp để linh mục làm mới lại căn tính, ơn gọi và sứ vụ của người tông đồ.
Trong tinh thần đó, theo chương trình đã định, Linh mục đoàn Giáo phận đã quy tụ về Trung tâm Mục vụ để băt đầu tuần tĩnh tâm năm, từ thứ Hai, ngày 27/02 – thứ Sáu, ngày 03/3/2023.
So với những lần tĩnh tâm trước, năm nay, quý Cha về tham dự đông hơn, con số hiện diện đã lên đến 122, bao gồm linh mục triều và dòng cũng như các phó tế.
Thật diễm phúc, Đức Cha Giáo phận đã mời được Đức Cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giám mục Phó Giáo phận Bắc Ninh hướng dẫn trong tuần tĩnh tâm này. Ngay từ giây phút đầu tiên, khi Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận giới thiệu về Đức Cha giảng phòng cho giáo sĩ đoàn đã hứa hẹn một tuần phòng thật sốt sắng và hiệu quả.
Với chuyên môn về Kinh thánh, với tâm tình của Giáo Hội và với lối giảng đơn sơ, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đã thuyết phục được người nghe trong suốt tuần phòng và hy vọng sẽ lưu giữ hồn tông đồ của người phục vụ khi trở về với sứ vụ tại cộng đoàn của mình.
Ngay từ chiều thứ Hai, Cha giảng phòng đã giúp cho các Cha đào sâu mục đích của tĩnh tâm khi đặt và giải thích vấn đề: Tĩnh tâm năm, thời gian để làm gì. Với tất cả tâm huyết, Đức Cha đã giúp cho người tham dự hiểu rõ: Tĩnh tâm năm là thời gian để nhìn lại chính mình trong chính sự vụ khi rao giảng cũng như khi quản trị mục vụ. Lồng trong bối cảnh của Giáo hội hoàn vũ hướng tới một Giáo hội hiệp hành và Thượng Hội đồng cấp Châu lục với chủ đề: Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” , cũng như Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) tại Băng Cốc (Thái Lan) với chủ đề: : “Luôn có chỗ trong lều” và đặc biệt, Giáo phận đang sống trong năm mừng kỷ niệm 60 năm thành lập (1963-2023), Đức Cha cũng đã nêu rõ thời gian tĩnh tâm là để mỗi người làm mới lại chính mình trong sự hiệp thông.
Trong tâm tình mùa Chay, Đức Cha giảng phòng đã lần lượt đi từng từng đề tài cụ thể nhằm nêu rõ vấn đề KHỔ CHẾ.
1/ Khổ chế để hiệp thông. (Mc 8,27-34)
Đi từ đoạn Tin mừng, Đức Cha Giảng phòng đã cho người nghe nhận ra hai khuôn mặt:
Đức Giê-su, khuôn mặt khổ chế: Thiên Chúa không bắt Đức Giê-su đau khổ và chết. Nhưng chính Đức Giê-su-su với tất cả sự tự do đã chọn lựa và sống ơn gọi của sứ vụ, sẵn sàng chấp nhận đau khổ nhiều nơi thể lý cũng như thống khổ nơi tinh thần và cả việc rơi vào khủng hoảng về đức tin khi đi vào con đường tử nạn. Từ đó, với lời mời gọi của Chúa Giê-su, Đức Cha đã trình bày khuôn mặt của người muốn đi theo Chúa Giê-su: trong sự tự do cũng biếtchấp nhận đau khổ, chấp nhận từ bỏ và sẵn sàng vác thập giá mình đi theo Chúa Giê-su và chắc chắn sẽ được vinh quang với Người.
2/ Một nét khác của khổ chế. (Mc 9,30-45).
Với lời tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn khi dịch sát nghĩa: “Con người sẽ bị nộp vào tay của loài người…” Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một nét khác của khổ chế nơi khuôn mặt Chúa Giê-su thật nghiệt ngã: 1 Chúa Giê-su sắp bị nộp vào tay của người sinh ra mình: 2 Bị giết chết bởi cha mẹ mình, 3 bị cô đơn bởi người thân tín nhất của mình. Từ việc không hiểu Thầy, các môn đệ rơi vào cám dỗ của quyền lực. Đây chính là cám dỗ không hề nhỏ, không loại trừ ai và cũng là một tiếp tục trong hành trình của người môn đệ. Nhất là, Đức Cha giảng phòng cũng giúp cho mỗi người nhận thức sứ vụ chỉ là trách nhiệm với quyền lợi ít nhất và công việc nhiều nhất.
3/Tột đỉnh của khổ chế. ( (mc10 32-45).
Hành trình lên Giêrusalem là hành trình càng lúc càng đi vào cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu vẫn kiên vững không thay đổi với tất cả sự tự do. Ngài cũng mời gọi các Tông đồ cũng đi theo trong sự tự do đó dù phải trả giá. Chén mà các môn đệ được mời gọi uống nhấn mạnh người tông đồ phải biết: Khổ chế là phương thế hoàn tất sứ vụ chứ không phải là phương tiện để đạt được vinh quang. Đồng thời, qua những lời chia sẻ, Đức Cha giảng phong cũng giúp người nghe sáng tỏ thêm: Sứ vụ là tìm cách thi hành Ý Chúa và người linh mục hãy cảnh giác với não trạng lạm quyền và giáo sĩ trị.
4/Nguy cơ không muốn khổ chế. (St 4, 1-8).
Chọn Sách Sáng thế nhưng Cha giảng phòng cũng luôn bám vào đề tài khổ chế để chia sẻ. Lời cảnh cáo của Thiên Chúa đối với Cain chính là lời nhắc nhở khi người linh mục thi hành sứ vụ và ơn gọi trở nên miễn cưỡng và vô hồn. Còn khi nhận của lễ Abel dâng tiến chính là lời mời gọi: một cuộc sống thiếu thốn nhưng thanh thoát với mọi sự sẽ giúp ta hết lòng với Chúa với một niềm tín thác.
5/ Khổ chế còn có tính thời sự? ( Is 54,2).
Khi nhắc lại chủ đề Thượng Hội đồng cấp Châu lục “ Hãy nới rộng lều ngươi đang ở”, Đức Cha nhấn mạnh, trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã cắm lều để ở với dân (Xh9,4) muốn chúng ta hiểu ý niệm của lều nhằm nhắc nhở: 1 Quê hương chúng ta ở trên trời; 2Cuộc sống trần gian chỉ là lữ hành; 3 Đầu tư xây nhà trên trời để định cư 4 Hãy nới rộng lều để người khác vào. Đây chính là sự hiệp thông mà Giáo hội đang nhắm đến.
6/ Mảnh đất khổ chế được Thiên Chúa cắm lều.(Lc 1,26-38).
Khi chọn đoạn Tin mừng tường thuật biến cố Truyền tin, Đức Cha muốn chia sẻ cho người nghe: Tâm hồn Đức Maria là mảnh đất luôn sẵn sàng và chấp nhận trả giá để Thiên Chúa chọn và cắm lều. Đồng thời nhắc nhở mỗi người làm sao đời sống của mình luôn có chỗ trong lều đời linh mục. Đức Cha cũng lưu ý: nhiều khi, không gian lều linh mục có chỗ nhưng đã bị chiếm dựng bởi những nhu cầu trần thế. Cần phải biết sẵn sàng vì Ý Chúa cũng như nhu cầu chính đáng của cộng đoàn.
Xuyên suốt tuần phòng, một bầu khí hiệp thông được thể hiện một cách rõ nét nơi những sinh hoạt đi kèm cùng với người tham dự và tâm tình khi tham dự.
Từ các giờ kinh nguyện, Thánh lễ mỗi ngày, đi Đàng Thánh Giá vào tối thứ Năm đều có sự hiện diện đầy đủ của mọi thành phần: từ Giám mục đến linh mục cả dòng lẫn triều quý thầy phó tế. Đồng thời, công việc tĩnh tâm năm của hàng giáo sĩ hằng năm vẫn luôn có sự cộng tác của quý thầy, quý chú của Tiền Chủng viện, quý Srs Tòa Giám mục, nhà Hưu dưỡng trong khâu chuẩn bị phòng ấp, cũng như một số chị em tự nguyện lo việc ẩm thực. Chưa nói, tinh thần trách nhiệm đóng góp thêm cho các bữa ăn từ các giáo xứ và cá nhân.
Trong những ngày tĩnh tâm này, ngoài những việc đạo đức thiêng liêng, còn có những chương trình liên quan đến sinh hoạt của giáo phận. Sáng thứ Sáu, ngày 03/3, buổi cuối cùng của tuần phòng, ngoài việc Cha Quản lý nhắc lại và báo cáo đến một số vấn đề tài chính của Giáo phận cũng như Cha Trưởng ban Giáo lý trình bày và bỏ phiếu cho việc chọn chương trình Giáo lý Phổ thông cho toàn Giáo phận, Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận cũng đã ghi nhận bầu khí huynh đệ, hiệp thông của tuần tĩnh tâm. Đồng thời, Đức Cha cũng đã chính thức bổ nhiệm Hạt trưởng sau khi các linh mục của mỗi Hạt đã bầu vào tối thứ Tư vừa qua, cũng như bổ nhiệm 12 linh mục vào Hội đồng Tư vấn nhiệm kỳ mới.
- Hat trưởng Hạt Đà Nẵng : Phêrô Hoàng Gia Thành.
- Hat trưởng Hạt Hoà Vang: Giacôbê Hứa Hùng Quang.
- Hat trưởng Hạt Hội An : F. Xavier Nguyễn Văn Thịnh.
- Hat trưởng Hạt Trà Kiệu : Philiphê Trương Văn Long.
- Hat trưởng Hạt Tam Kỳ : Phaolô Maria Trần Quốc Việt.
Tin tưởng tuần tĩnh tâm đã đem lại một nguồn năng lượng mới giúp cho mỗi người tìm thấy niềm vui trong phục vụ và đem lại nhiều hiệu quả thiêng liêng khi trở về với môi trường mục vụ của mình.
BTT/GP
Hình ảnh: F.X Minh Hoàng