Tôn Giáo Và Đức Tin
Cao Viết Tuấn, CM
Tôn giáo có thể được hiểu một cách đơn giản như là các nghi lễ, tổ chức, tập tục, luật lệ, các sách kinh điển… thể hiện mối tương quan của con người với Thiên Chúa trong các nghi thức tế lễ, cầu nguyện cộng đồng. Trong khi đó, đức tin là mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, là kinh nghiệm về Thiên Chúa một cách riêng tư của người tin. Đức tin ấy được mặc khải của Thiên Chúa biến đổi hoàn toàn và được con người đón nhận trong sự hoán cải toàn diện để dẫn tới một đời sống mới.
Như vậy, chúng ta có thể so sánh tương quan giữa đức tin với tôn giáo cũng giống như tương quan giữa linh hồn và thể xác. Hay dễ hiểu hơn, chúng ta có thể dùng hình ảnh ly nước. Từ bên ngoài, người ta có thể quan sát cái ly một cách khách quan về kích thước, màu sắc, hình dáng… Nhưng để biết chất nước bên trong, người ta không chỉ dừng lại ở việc quan sát cho bằng uống và cảm nhận bằng kinh nghiệm cá nhân. Cũng vậy, tôn giáo được quan sát một cách khách quan từ bên ngoài đối với những gì có thể thấy được, trong khi đức tin chỉ được cảm nhận riêng tư không thể quan sát từ bên ngoài.
Đức tin và tôn giáo phải luôn tồn tại song song với nhau. Tôn giáo mà không có đức tin thì đó là tôn giáo rỗng tuếch, vì chỉ có những yếu tố bên ngoài. Ngược lại, những ai cho rằng mình có đức tin thuần tuý mà không theo một tôn giáo nào, nghĩa là không diễn tả đức tin ấy bằng các biểu tượng và trong cơ cấu xã hội, thì sẽ rơi vào “chủ nghĩa lãng mạn ngây thơ”, bởi vì điều này đi ngược lại bản chất xã hội tính của con người. Đúng hơn, người ta cần sống đức tin trong các yếu tố tôn giáo, ví dụ Thập giá, Thánh Lễ, Bí tích, Giáo hội… Nhờ đó, đời sống tôn giáo mới thực sự sống động nhờ đức tin, cũng giống như một thân xác sống động nhờ linh hồn.
Với sự phân biệt giữa đức tin và tôn giáo, chúng ta sẽ dựa trên một số bản văn Kinh Thánh để thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa trong Đức tin (Thiên Chúa tự mặc khải chính mình) so với Thiên Chúa của tôn giáo vốn được con người phóng chiếu, Thiên Chúa theo cách nghĩ của con người, như thế nào?
Tôn giáo luôn chứa đựng trong nó sự phê phán và hoài nghi. Điều này giúp chúng ta có thể lắng nghe và tìm hiểu cách Thiên Chúa tỏ mình ra thông qua các ngôn sứ, và nhất là Đức Giêsu – Mặc khải viên mãn và tròn đầy về Thiên Chúa. Với cái nhìn mới mẻ xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận thấy vị Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra cho con người hoàn toàn khác với vị Thiên Chúa theo suy nghĩ của con người như là hình chiếu. Vị Thiên Chúa hoàn toàn khác ấy làm cho con người ngạc nhiên và thậm chí bị sốc! Chúng ta sẽ khám phá điều này dựa trên một số bản văn Kinh Thánh trong sách Ngôn sứ Mikha chương 6, câu 1-8.
1 Các ngươi hãy nghe điều ĐỨC CHÚA phán:
“Đứng lên! Hãy mở một vụ kiện trước các núi,
các đồi phải nghe tiếng của ngươi! “
2 Hãy nghe vụ kiện của ĐỨC CHÚA, hỡi các núi,
hỡi nền tảng vững bền của cõi đất, nghe đây!
Vì ĐỨC CHÚA đang kiện cáo dân Người,
Người tranh luận với Ít-ra-en.
3 “Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi?
Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng? Hãy trả lời cho Ta.
4 Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập,
đã giải thoát ngươi khỏi cảnh tôi đòi,
đã sai Mô-sê, A-ha-ron và Mi-ri-am đến hướng dẫn ngươi?”
5 Dân Ta hỡi, hãy nhớ lại những gì
Ba-lác, vua Mô-áp, đã dự định
và những gì Bi-lơ-am, con Bơ-o, đã trả lời cho nó?
… từ Sít-tim cho đến Ghin-gan,
để ngươi nhận biết hồng ân của ĐỨC CHÚA.
6 [Dân tự hỏi mình rằng: ]
“Tôi sẽ mang gì vào chầu ĐỨC CHÚA
và cúi mình trước Thiên Chúa tối cao?
Phải chăng tôi sẽ mang những lễ toàn thiêu,
những con bê một tuổi vào chầu Đức Chúa?
7 Phải chăng ĐỨC CHÚA ưa thích từng ngàn dê đực,
và hằng vạn suối dầu?
Phải chăng tôi sẽ dâng con trai đầu lòng để chuộc lỗi cho tôi,
dâng con ruột để đền tội cho chính mình?”
8 (Ngôn sứ đáp: )
“Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,
điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn:
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa
và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.”
Một cách tự nhiên, con người luôn ý thức về một vị Thiên Chúa (Thượng Đế, Ông Trời, Thần Linh…) với đầy quyền năng và thiết lập mối tương quan với Ngài bằng tôn giáo như thờ lạy, cúng bái… Theo mô hình phóng chiếu tương quan của con người, tương quan với Thiên Chúa là tương quan với kẻ yếu – kẻ mạnh. Theo đó, con người cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, cầu xin sự che chở, ban phước lành. Và vì con người yếu đuối, tội lỗi, nhất là khi con người xúc phạm đến Thiên Chúa. Con người phải trả giá cho những điều ấy thông qua các lễ tế làm sao thoả mãn những đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhờ đó, Thiên Chúa mỉm cười hài lòng với con người.
Đoạn sách Ngôn sứ Mikha chương 6 (câu 1-8) được ghi lại trong lúc dân Do Thái phản bội Thiên Chúa. Ngôn sứ Mikha đã nhắc lại những công trình Thiên Chúa đã làm cho dân. Với những tội ác tày trời, dân chúng phải làm gì để đền tội? Một cách tự nhiên và dễ hiểu, dân chúng đã nghĩ ngay đến các nghĩa vụ tôn giáo: cúi mình trước Thiên Chúa, dâng lễ vật là bê, dê và thậm chí dâng chính con ruột để tế lễ. Tuy nhiên, sứ điệp của Thiên Chúa đối với dân chúng hoàn toàn khác so với suy nghĩ và phóng chiếu của con người, những gì Thiên Chúa đòi hỏi đó là: thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cho thấy Ngài là người đưa ra sáng kiến với những chương trình kì diệu. Sau đó, Thiên Chúa chờ đợi con người đáp trả bằng cách nhận biết Ngài, đón nhận Ngài bằng cách nhớ lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho con người. Như vậy, con người không tự mình làm tăng giá trị của mình trước Thiên Chúa để được Thiên Chúa chấp nhận. Nhưng ngược lại, chính Thiên Chúa làm tăng giá trị của con người mà không hề nghĩ đến quá khứ tội lỗi, hay xem xét người ấy có công trạng gì hay không. Lý do duy nhất để Thiên Chúa hành động như thế chính là vì Ngài yêu thương con người vô điều kiện. Sau này, thánh Phaolô đã rút ra một nhận xét về toàn bộ lịch sử cứu độ như sau: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài (x.1 Cr 2,9-11).
Nhiều người chúng ta ngày nay vẫn còn thờ lạy một vị Thiên Chúa theo suy nghĩ của con người: Tôi phải thờ lạy ngài như thế nào, tôi phải dâng cho ngài điều gì để ngài hài lòng, tôi phải ăn chay hãm mình hy sinh như thế nào để ngài nhậm lời tôi và ban cho tôi điều này điều kia? Thật sai lầm nếu chúng ta chỉ mải mê tính toán những gì cần làm để bù đắp cho tội lỗi hoặc đền trả cho những phúc lành. Bao nhiêu và bao giờ là đủ?! Điều chúng ta được kêu gọi để làm đó là: “khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa”. Thiên Chúa ĐÃ yêu thương và tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta có nghĩa vụ nối dài sự yêu thương và tha thứ ấy cho anh chị em của mình. Từ đó, tất cả những gì tạo nên tôn giáo: nghi lễ, giáo lý, giới răn, cử hành, thờ lạy, hành động… cần phải được sống động và làm cho mới mẻ trong đức tin vào một Thiên Chúa tỏ lộ chính mình. Đức tin sắp xếp lại toàn bộ hoạt động tôn giáo và đời sống của người tin, để chúng trở nên mới mẻ, sinh động.
Chân dung của một vị Thiên Chúa hoàn toàn khác so với suy nghĩ của con người được dần tỏ lộ trong Cựu Ước sẽ trở nên rõ ràng hơn trong Tân Ước, cụ thể qua cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Giakêu là một minh hoạ cụ thể mà chúng ta sẽ phân tích trong phần tiếp theo.
NGÔN SỨ ISAIA VÀ ÔNG GIAKÊU
Trong Cựu ước, Thiên Chúa nhiều lần tỏ lộ cho con người thấy vinh quang và quyền năng siêu vượt của Ngài. Do vốn dĩ là loài thấp hèn, ô uế, chỉ là hư vô, hoàn toàn không xứng đáng, nên con người không thể nào chịu nổi khi đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi được nhìn thấy Thiên Chúa trong một thị kiến (Sách ngôn sứ Isaia chương 6), Ngôn sứ Isaia đã thốt lên: Tôi chết mất! Trong hoàn cảnh ấy, con người hoàn toàn cạn kiệt, hoàn toàn tan biến, hoàn toàn không thể làm gì, không thể nói gì. Trong thị kiến ấy, thiên sứ đã gắp than đang cháy rực trên bàn thờ bỏ vào miệng lưỡi của Isaia và phán: chính cái đụng chạm này làm cho ngươi được tha tội. Sau đó, khi Đức Chúa phán: “Ta sẽ sai ai?”, thì Isaia đã mạnh mẽ thưa lên: “Này con đây, xin hãy sai con!” Miệng lưỡi của ngôn sứ tượng trưng cho tâm hồn và lời nói đã được biến đổi nhờ được Thiên Chúa đụng chạm, để trở nên cánh tay nối dài của Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ cho nhân loại.
Những hình bóng mặc khải trong Cựu Ước được tỏ tường trong Tân Ước nơi cuộc đời Chúa Giêsu, để cho thấy một vị Thiên Chúa đầy sáng kiến, giàu lòng thương xót và chủ động đến với con người, cứu độ con người. Giakêu, Mátthêu và những người thu thuế khác cùng với dân ngoại, những bà goá, người nghèo, những người phụ nữ và thậm chí các cô gái giang hồ là những đối tượng quan tâm hàng đầu của Chúa Giêsu. Câu chuyện của Giakêu (Lc 19,1-10) rất phổ biến là một ví dụ điển hình cho thấy dung mạo thực sự của Thiên Chúa không giống với hình chiếu của con người.
Giakêu, một người thấp bé, phụ trách việc thu thuế của miền, một tên phản quốc vì đã cộng tác với ngoại bang, một tên tham ô và hối lộ, bóc lột chính đồng bào mình. Ông bị mọi người khinh ghét như một kẻ tội lỗi đầy nhơ bẩn. Ông là một nhân vật nổi tiếng vì những điều xấu xa ấy nên Chúa Giêsu cũng biết ông. Khi hay tin Chúa sắp đến, ông leo lên cây để có thể nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng chính Đức Giêsu nhìn thấy ông và gọi ông – một điều không thể tưởng tượng được! Bởi vì trong suy nghĩ của con người, để đến gần Thiên Chúa, con người phải thanh sạch, hay ít ra phải thống hối ăn năn, hoán cải. Cũng theo suy nghĩ thông thường, Chúa Giêsu cần phải quở trách ông, ngăm đe ông để ông từ bỏ tội lỗi của mình. Nhưng trong trường hợp này, Chúa Giêsu chỉ đề nghị với ông: “Hôm nay, ta sẽ ở nhà ngươi.” Thiên Chúa đến với con người một cách vô điều kiện, ngay cả khi con người đang sống trong tội lỗi, và chưa tỏ một dấu hiệu ăn năn sám hối nào.
Con người nào có thể phóng chiếu ra một hình ảnh về Thiên Chúa như thế? Chính vì vậy, những người biệt phái và nhiều người người Do Thái đã lẩm bẩm chê trách Chúa. Họ không chấp nhận một điều như thế! Tuy nhiên, chính đây là điểm mấu chốt để nhận ra sự “khác người” của Thiên Chúa: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi!
Chúng ta trở lại câu chuyện. Chính sáng kiến đi bước trước một cách chủ động của Chúa Giêsu đã đem lại một cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cuộc đời của Giakêu: Ơn cứu độ đã đến với ông. Ông được cứu độ bởi vì Thiên Chúa không xét đến công trạng của ông, không nhìn về quá khứ của ông. Điều duy nhất cần thiết để được ơn cứu độ là đón nhận nó bằng một khát vọng sâu xa. Nhiệm vụ tiếp theo của Giakêu sau khi đã được ơn cứu độ đó là phải hành động như thế nào, bởi vì một cách tự phát, ơn cứu độ đem lại đời sống mới, đời sống của người tự do. Ông đã đứng lên, một biểu tượng của con người tự do, và tuyên bố: chia gia sản của mình cho người nghèo và đền bù gấp 4 lần những gì ông đã làm thiệt hại cho người khác. Những hành động của ông không nhằm “mua” ơn cứu độ, nhưng là hệ quả của ơn cứu độ. Cũng như ngôn sứ Isaia, ông đã trở nên cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong việc chia sẻ tình yêu với tha nhân.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đang tôn thờ một vị Thiên Chúa vẫn còn pha tạp những hình chiếu của con người. Chúng ta nghĩ rằng mình đọc kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, làm việc bác ái, hy sinh, hãm mình…. tất cả chỉ vì để được Thiên Chúa lắng nghe, ban ơn, để được cứu độ, hay nói cách bình dân là để được lên Thiên Đàng. Trong khi đó, chúng ta đã được cứu độ bằng cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta đã thông dự vào sự sống thần linh của Ngài khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Các bí tích, nhất là Thánh Thể và Giao Hoà, là những nơi chúng ta tiếp chạm Thiên Chúa, nhưng hình như sự tiếp chạm cần thiết ấy vẫn chưa thực sự xảy ra. Nhìn lại Isaia, Giakêu, Mátthêu, và nhiều vị thánh trong lịch sử Giáo hội, các ngài đã hoàn toàn thay đổi đời sống để trở thành con người mới, con người của tự do, con người của ân sủng, con người của hân hoan… Trong khi đời sống của chúng ta hình như vẫn còn ảm đạm, buồn tẻ, mệt mỏi, chán nản, nặng nề… Hôm nay, Thiên Chúa đang đến gặp, kêu gọi mỗi người chúng ta, đang hỏi mỗi người chúng ta: “Ta sẽ sai ai?” Hãy để cho Thiên Chúa đụng chạm, hãy đứng thẳng lên và mạnh dạn đáp: “Này con đây, xin hãy sai con”?
Như vậy, qua các bản văn Kinh Thánh, nhất là trong Tân Ước nơi cuộc đời Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ lộ chính mình một cách “khác người” khi chủ động đến với con người, gần gũi con người. Chính sự khác người ấy đã khiến con người không thể chấp nhận được. Họ chỉ muốn tôn thờ vị Thiên Chúa giống như họ suy nghĩ và mong muốn. Và kết quả, con người đã giết chết Thiên Chúa! Ôi, một vị Thiên Chúa gần gũi con người tới mức con người có thể giết chết Ngài! Một điều phi lí và vượt ra ngoài tất cả trí tưởng tượng của con người! Vì thế, thật là chí lý, khi giáo phụ Tertullien và cũng là một triết gia, ngay từ cuối thế kỉ thứ II đầu thế kỉ thứ III, đã kết luận về mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu: Điều đó đáng phải tin vì đó là điều phi lý! (Sources Chrétiennes n. 216, p. 229).
(Viết lại theo Francois Varone, Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)
Nguồn: vinhson.net