Tông Du Iraq: Gặp Gỡ Riêng Với Đại Ayatollah Al-Sistani


Đức Thánh Cha bắt đầu ngày tông du thứ II lúc 6 giờ 50 sáng bằng việc ra sân bay Baghdad cách Toà Sứ Thần 28km, để bay đến Najaf, nơi ngài sẽ gặp Đại Ayatollah Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani, lãnh đạo của Hồi giáo Shiite Iraq.

Thành phố Najaf có khoảng 1,3 triệu dân, nằm ở miền trung Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 160km về phía nam, cách thành cổ Babylon 30km, và cách thành Ur, quê hương của tổ phụ Abraham, 400km về phía bắc. Thành phố Najaf được thành lập năm 791 sau công nguyên bởi quốc vương Hārūn al-Rashīd và được phát triển chủ yếu sau thế kỷ thứ 10. Thành phố này có trung tâm tôn giáo chính của Hồi giáo Shiite, là địa điểm hành hương của các tín đồ Hồi giáo Shiite từ khắp nơi trên thế giới, là nơi có lăng mộ của một trong những nhân vật được tôn kính nhất Hồi giáo, Ali ibn Abi Talib, còn được gọi là Imam ʿAlī, là người anh em họ và là con rể của tiên tri Muhammad, và cũng là người đầu tiên cải sang Hồi giáo. Lăng mộ của Imam đầu tiên của Shiite, nằm bên trong Đền thờ Hồi giáo Imam ʿAlī, được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất của đạo Hồi.

Thông cáo chính thức

Đức Thánh Cha viếng thăm Đại Ayatollah Sayyid Al-Sistani vào đầu ngày thứ 2 của chuyến tông du. Thông cáo của phòng báo chí Toà Thánh cho biết, “cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 45 phút, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cộng tác và tình thân hữu giữa các cộng đồng tôn giáo, để ngang qua việc vun đắp sự tôn trọng và đối thoại lẫn nhau, các cộng đồng tôn giáo có thể đóng góp vào lợi ích chung của Iraq, của khu vực, và của toàn thể nhân loại.”

Ông Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, cho biết thêm: “Cuộc gặp gỡ là cơ hội để Đức Thánh Cha cảm ơn Đại Ayatollah Al-Sistani vì, cùng với cộng đồng Shiite, trước tình trạng bạo lực và nhiều khó khăn trong những năm gần đây, ngài đã lên tiếng bênh vực những người yếu nhất và chịu bách hại nhất, bằng việc khẳng định sự thánh thiêng của sự sống con người và tầm quan trọng sự hiệp nhất của nhân dân Iraq.

Tiểu sử Đại Ayatollah Al-Sistani

Đại Ayatollah Al-Sistani, sinh ngày 4/8/1930 tại Mashhad, Iran, là lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo Shiite Iraq và là giám đốc của hawza (chủng viện tôn giáo Shiite) của Najaf. Ông học Kinh Koran từ khi còn nhỏ; Năm 20 tuổi, ông rời Iran để tiếp tục đào tạo ở Iraq, trở thành đệ tử của Đại Ayatollah Abu al-Qasim al-Khoei ở Al-Najaf, và theo thời gian, ông được người Sunni và người Kurd tôn trọng. Việc giải thích của ông về mặc khải Hồi giáo cách ôn hoà, về việc không cho phép các nhà lãnh đạo tôn giáo hoạt động trực tiếp vào chính trị, khiến ông trở thành một người đối thoại được công nhận bởi nhiều trào lưu chính trị khác nhau. Năm 2004, ông ủng hộ bầu cử tự do ở Iraq, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính phủ dân chủ đầu tiên của đất nước. Năm 2014, ông kêu gọi người dân Iraq hiệp nhất để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Gần đây hơn, vào tháng 11/2019, khi người dân xuống đường bày tỏ sự bất bình trước chi phí sinh hoạt cao và bất ổn chính trị quốc gia, Al-Sistani kêu gọi những người biểu tình và cảnh sát giữ bình tĩnh và không sử dụng bạo lực. Sau đó, ông kêu gọi chính phủ từ chức và cải cách bầu cử. Yêu cầu của ông được chấp nhận: Thủ tướng Adel Abdul Mahdi từ chức ngay sau đó, trong khi vào tháng 12, Nghị viện thông qua cải cách bầu cử.

Nhận định và từ biệt

Theo ĐHY Fernando Filoni, từng là Sứ thần Toà Thánh tại Iraq và Giordan trong 5 năm, nhận định rằng Al-Sistani là một biểu tượng và là truyền thống trong thế giới Shiite, đặc biệt tại Iraq. Vì vậy cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đại Al Sistani chắc chắn mang lại điều tốt đẹp trong chính cuộc đối thoại.

Cuộc gặp gỡ riêng giữa Đức Thánh Cha và Đại Al Sistani kết thúc lúc gần 10 giờ. Trong lúc chào biệt Đại Ayatollah, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời cầu nguyện của ngài xin Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa của tất cả, về một tương lai hòa bình và tình huynh đệ cho đất nước Iraq thân yêu, cho Trung Đông và cho toàn thế giới.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ra phi trường Najaf để bay tới Nassiriya, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ liên tôn tại vùng bình nguyên Ur, quê hương của tổ phụ Abraham.

Nguồn: Vatican News TiếngViệt