Tông Thư Của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII Gửi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam Ngày 14-01-1961
WHĐ (15.2.2021) – Chúng tôi xin được đăng bản dịch chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Tông thư “Jam In Pontificatus” ngày 14.1.1961 của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII gửi hàng Giáo phẩm Việt Nam, sau khi Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập qua Tông hiến Venerabilium Nostrorum ngày 24.11.1960.
* * *
TÔNG THƯ “JAM IN PONTIFICATUS”
NGÀY 14-01-1961
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
GỬI HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM
*
GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
kính gửi
Chư huynh Tổng giám mục và Giám mục Việt Nam
lời chào thân ái và Phép lành Tòa Thánh
Ngay từ khi mới lên ngôi Giáo hoàng, Ta đã có dịp may mắn để gửi tới Chư huynh lời an ủi, cầu chúc trong dịp trọng Đại hồi tháng 2 năm 1959 ở bên Quý Quốc tổ chức Đại hội Thánh Mẫu. Sở dĩ Đại hội này đã tổ chức là vì hai lý do: trước là để kết thúc cách thích đáng đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, sau là để mừng đệ tam bách chu niên việc Tòa Thánh bổ nhiệm các vị Giám mục tiên khởi trên miền đất này. Chính nơi đây, hai vị Giám mục François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, thuộc Hội Truyền Giáo Paris, đã hy sinh tận tụy, để thành công xây dựng những khởi điểm đầu tiên, để rồi đưa đến cả một hệ thống và tổ chức truyền giáo ngày nay.
Cũng năm ngoái, Ta rất hân hoan khi nhận thấy những cuộc nghênh tiếp tôn nghiêm long trọng đã dành cho Đức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian, hiện là Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo, hồi ấy tới Việt Nam với tư cách Đặc sứ của Ta, và khi nghe biết tất cả những cảnh sắc kỳ quan trong cuộc biểu dương tín ngưỡng và lòng đạo đức trong dịp đại lễ ấy. Cùng chung vui với Chư huynh, nhưng tâm hồn Ta không khỏi xúc động sâu xa, khi cảm thông rằng: cả những vị Giám mục và các con cái thân yêu miền Bắc, mặc dầu bị ngăn trở không tham dự những cuộc đại lễ bách chu niên tại Sàigòn, nhưng cũng đã đoàn kết để hiện diện bằng tinh thần “một lòng một linh hồn” để hợp hoan với Chư huynh chung quanh tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tư tưởng này làm cho Ta nhớ lại lời thánh Phaolô: “Tiên vàn cha cám ơn Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, về tất cả các con, vì lẽ rằng đức tin của các con đã được tán dương trên khắp hoàn cầu”(Rm 1,8).
Giờ đây còn một cơ hội khác không kém phần thuận tiện, để Ta đàm thoại với Chư huynh, đang khi tâm hồn Ta vui sướng và lòng Ta đầy sự cám tạ ơn Chúa. Tức là sự kiện Ta mới lấy quyền Tòa Thánh thiết lập trong khắp các địa hạt tôn giáo ở bên Quý Quốc Phẩm trật Giáo Hội: “Cha muốn các con ý thức rõ rệt bao nhiêu ân cần cha dành cho các con” (Cl 2, 1).
Đây là một biến cố hết sức quan trọng, nặng đầy ý nghĩa, và đem theo nhiều hứa hẹn cho sự thống nhất thiêng liêng và cho đời sống công giáo của Chư huynh. Ta muốn nhấn mạnh điểm này bằng cách nói lên bằng chính ngôn ngữ của Ta, và cởi mở cho Chư huynh thấy rằng: lòng Ta chan chứa niềm tin tưởng và kỳ vọng cho Quý Quốc của Chư huynh một tiền đồ vẻ vang xán lạn: “Cha đã chân thành ngỏ lời với các con, và chúng ta đã mở rộng tấm lòng” (2 Cr 6, 11).
Hệ thống tổ chức truyền giáo phân chia từ trước thành 17 địa phận, từ nay sẽ thêm được ba địa phận mới, và tất cả được nâng lên địa vị Hàng Giáo phẩm, bằng cách thiết lập ba Giáo tỉnh mới: một ở Bắc, một ở Trung, một ở Nam, với ba Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Sàigòn có nhiệm vụ bao hàm 17 địa phận thực danh mới.
Sở dĩ quyết định trên đây đã được chấp thuận một cách chính đáng là vì Giáo Hội theo dõi những tiến bộ khả quan đã đạt được ở bên Quý Quốc. Thật vậy, dân số Công giáo năm 1900 mới có 812.000; năm 1927 lên tới 1.237.249; ngày nay đã vượt quá số một triệu rưỡi.
Ta tin chắc rằng hàng Giám mục và giáo sĩ Việt Nam, trong khi tỏ lòng tri ân Tòa Thánh vì cử chỉ tín nhiệm cao đẹp này, sẽ biết nhận ở đấy lý do chính đáng để vui mừng an ủi, và đồng thời thúc đẩy mình càng thêm chịu khó, nhiệt thành, và đồng tâm nhất trí trong việc chu toàn bổn phận và trách nhiệm mục vụ của mình, như lời thánh Phaolô: “Phải nhiệt thành chứ không trễ nải, phải nhiệt tâm phụng sự Thiên Chúa. Hãy vui mừng trông cậy, hãy nhẫn nại khi gặp gian nan, bền chí trong khi cầu nguyện, quan tâm tất cả các nhu cầu của giáo dân” (Rm 12, 11-13).
Còn giáo dân Việt Nam phải nhìn nhận trong cái danh dự cao quý này không những một bằng chứng nâng cao giá trị cho những truyền thống công giáo cố hữu ở đây, truyền thống đã được ghi dấu bằng máu các thánh Tử đạo, và máu này đã phát sinh ra nhiều giáo dân. Hơn nữa, danh dự này còn là một tiếng gọi, nhắc cho họ phải ý thức rõ rệt những nghĩa vụ của người công giáo và công dân.
Từ nay hầu hết các địa phận ở Việt Nam sẽ do các Giám mục bản quốc quản trị. Điều đó minh chứng một cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ. Sự kiện đó còn minh chứng rằng những huấn dụ, những chỉ thị do các vị Giáo hoàng Rôma ban bố qua các Thông điệp truyền giáo đã có hiệu quả dồi dào, và đã được khắp nơi tuân theo một cách trung thành; nhất là trong những năm gần đây, qua các Thông điệp “Maximum illud” của Đức Bênêđictô XV, “Rerum Ecclesiae” của Đức Piô XI, “Evangelii Praecones” và “Fidei donum” của Đức Piô XII và sau cùng Thông điệp mới nhất “Princeps Pastorum” của Ta. Hôm nay, trong cảnh hân hoan này, Ta muốn sao lại một đoạn như sau: “Lời khuyên nhủ của Đức Bênêđictô XV, mà sau đấy hai vị tiên Giáo hoàng Piô XI và Piô XII đã luôn luôn nhắc lại, hiện nhờ ơn Chúa đã thu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn, và chính là đề tài để hôm nay Ta tha thiết thỉnh cầu Chư huynh cùng Ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì đã ban trong các địa hạt truyền giáo được một số đông Giám mục và linh mục tài ba lỗi lạc…” (Thông điệp Princeps Pastorum, AAS, LI, 1959, trang 837-838).
Nhưng để cho sự nghiệp hợp tác của Chư huynh được thêm mãnh liệt và chuyên cần, để cho Chư huynh “cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại” (Pl 1, 27), Ta muốn nhắc lại nơi đây một đoạn khác của Thông điệp nói trên: “Các giáo đoàn địa phương nơi mà các vị thừa sai còn đang cộng tác hoạt động, cho dù có thành lập Phẩm trật Giáo Hội riêng đi nữa, nhưng vì địa thế còn mênh mông, số giáo dân ngày một gia tăng mãi, hơn nữa còn vô số người chưa được nghe dạy đạo lý Phúc âm, thành ra vẫn còn cần sự giúp đỡ của các vị truyền giáo ngoại quốc.
Về những vị này, Ta có thể mượn lại lời Đức giáo hoàng tiền nhiệm đã ban bố: “Không thể gọi họ là ngoại quốc, bởi vì một linh mục công giáo mà trung tín thừa hành nghĩa vụ của mình, thì bất cứ ở đâu, chỗ nước Chúa đang thịnh đạt, hay mới khởi sự, họ phải tự coi như là ở trong quê hương của mình” (Thư Đức Piô XII gửi Đức Hồng y A. Piazza, AAS, XLVII, 1955, trang 542).
Bởi thế, hết mọi người hãy hoạt động, nhưng trong một tình bác ái huynh đệ, thành thực, y như tình bác ái mà họ dành cho Chúa Cứu Thế và Giáo Hội của Ngài. Mọi người hãy sẵn sàng vui vẻ, theo đạo con cái mà tùng phục các Giám mục “là những vị Chúa Thánh Thần đã kén chọn để cai quản Giáo Hội Thiên Chúa” (Cv 20, 28). (Thông điệp Princeps Pastorum, AAS, LI, 1959, trang 839-840).
Cái viễn tượng một kỷ nguyên mới, cũng như sự tổ chức một hệ thống mới mà Giáo Hội vừa thực hiện ở bên Quý Quốc, quả nhiên không thể và không phải là lý do, để giảm bớt, hay làm nản mực độ cố gắng và khả năng của những đoàn người truyền giáo ngày nay đang chung sức rao giảng Phúc âm, vì thực ra trong tương lai còn rất nhiều việc phải làm.
Trong hoàn cảnh này, Ta hân hoan, cũng như nghĩa vụ Ta là để lời ca ngợi, và tuyên dương công trạng cho đoàn “công nhân Phúc âm” này, trải qua ba thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng vườn nho thiêng liêng của Chúa tại nơi đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, bằng bao nhiêu hy sinh nặng nhọc, có khi bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thành lập Phẩm trật Giáo Hội ngày nay.
Đồng thời, Ta cũng gửi lời thân yêu và biết ơn tới hết các vị truyền giáo ngoại quốc hiện còn đang cộng tác – đúng tinh thần “người cộng sự Thiên Chúa” (1 Cr 3, 9) – với hàng giáo sĩ địa phương, để sự nghiệp rao truyền đạo lý Chúa Kitô mỗi ngày càng phổ biến sâu rộng trong dân tộc Việt Nam.
Ta cám ơn những vị Giám mục đã nhường chỗ cho các vị Giám mục bản xứ khác, sau khi đã tận lực mở nước Chúa, và hao công xây dựng nền tảng cho những giáo đoàn các ngài đã lãnh nhận coi sóc, Ta thành khẩn xin Chúa trọng thưởng các ngài bằng những nguồn ơn thiêng liêng dồi dào, và biến đổi sự hy sinh các ngài đã chịu vì quyền lợi tối cao của Giáo Hội trở thành nguồn vui bất diệt. Sự nghiệp của các ngài nay đã tới chỗ thành công mỹ mãn và hiển hiện, nhất là ở tại việc thiết lập hàng Giáo phẩm. Đây là điềm minh chứng rõ rệt Thiên Chúa đã đoái nhận sự nghiệp của các ngài, và nhờ ơn Chúa nay đã thành tựu.
Sau hết, với tấm lòng cảm xúc và thán phục, Ta gửi tới toàn thể Chư huynh và giáo dân Việt Nam tất cả tình ưu ái của một hiền phụ, “tượng trưng cho tình ưu ái của Chúa Kitô”, nhất là gửi tới những người con “đang bị đau khổ”! Ta mượn lời thánh Phaolô để nhắn nhủ các con rằng: “Hãy thức tỉnh, vững vàng trong đức tin, hãy can trường, mạnh mẽ” (1 Cr 16, 13). Và để biểu dương hơn nữa lòng Ta thương yêu, săn sóc và cảm phục, Ta nhắc lại đây lời thánh Tông đồ: “Hằng ngày cha phải cám ơn Thiên Chúa về các con. Đó là điều phải lẽ vì lòng tin của các con đang phát triển mạnh, và nơi tất cả các con, lòng yêu thương nhau cũng gia tăng. Bởi thế cha hãnh diện về các con trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì các con kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân” (2 Ts 1, 3-5).
Ta còn tha thiết mong rằng giáo dân Việt Nam, trong khi phục tùng các vị Giám mục, họ còn phải trổi hơn ai khác trong sự biết tôn trọng chính quyền của Tổ quốc, và cố gắng cộng tác vào sự tiến bộ chung trong xã hội, thi đua với người đồng loại trong cả đời sống dân sự: thực ra, người công giáo phải là một người công dân mẫu mực.
Trong khi thành tâm nguyện chúc như thế, Ta tha thiết và rộng tay gửi tới Chư huynh, các vị Giám mục khả kính, và tới toàn thể linh mục, giáo dân mà Chư huynh coi sóc, Phép lành Tòa Thánh.
Làm tại Rôma, từ Điện Thánh Phêrô, ngày 14-01-1961
GIOAN XXIII, Giáo hoàng
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 121 (Tháng 11 & 12 năm 2020)