Từ Hang Đá Máng Cỏ, Suy Nghĩ Về Ơn Gọi Hôn Nhân Ki-Tô Hữu
WHĐ (16.12.2020) – Mỗi dịp lễ Giáng Sinh về, người ta nghĩ ngay đến hang đá, máng cỏ, đèn ông sao, đèn nhấp nháy, nhạc Noel và nhiều thứ khác… Những sinh hoạt, bầu khí và khung cảnh đặc biệt này, nên chăng, sẽ là dịp nhắc nhở tín hữu chúng ta dừng chân, trở vào nội tâm mình để chiêm ngưỡng Mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Mầu nhiệm ấy, trong âm vang Bê-lem, vọng lại cho ta những suy tư về ý định của Thiên Chúa nơi con người, về hạnh phúc, về tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình hôm nay.
I.- KỲ DIỆU THAY Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA!
Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, nhận lấy thân phận con người và nên giống người ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Biến cố cực kỳ quan trọng ấy nằm trong kế hoạch cứu chuộc của Chúa Cha. Đức Giê-su đã khởi đầu tất cả trong bình thường: Mẹ Ngài là bà Ma-ri-a, một thiếu nữ Do Thái bé mọn, khiêm tốn, đơn sơ, chân thành. Bà đã đính hôn với ông Giu-se, người thợ mộc bình dị, cần cù lao động (x. Lc 1, 26-27). Hai ông bà sinh sống tại Na-gia-rét thuộc miền Ga-li-lê, trong lặng lẽ, âm thầm và ẩn dật.
Sau này, trong hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng bị chính dân làng của Ngài coi rẻ rúng và không nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa vì sự bình thường của một con người thuộc một gia đình lao động nghèo nàn bình thường (x. Mc 6, 1-6).
Tuy nhiên, đằng sau tất cả những điều bình thường ấy, Thiên Chúa đã thực hiện nơi những con người mà Người chọn một chương trình và kế hoạch lạ lùng, kỳ diệu. Thiên Chúa luôn ưa thích sự “bình thường” để thực hiện những điều “vượt trên bình thường”.
Ma-ri-a khiêm nhu, bé mọn lại được ơn gọi làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Bà đã trở nên cao cả và là một người nữ diễm phúc (x. Lc 1-39). Bà đã đính hôn với ông Giu-se nhưng lại vâng phục Thiên Chúa để thụ thai mà không biết đến người nam, rồi sinh con và đặt tên con là Giê-su…(x. Lc 1, 30-35). Ma-ri-a không thể hiểu được những gì xảy đến cho mình nhưng bà đã vâng phục và sẵn lòng dấn thân cộng tác trong việc phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38)
Giu-se, người bạn đời của Ma-ri-a, cũng trải nghiệm những điều tương tự. Ông im lặng trong sâu thẳm của lòng mình để chiêm niệm thánh ý Thiên Chúa: chấp nhận Ma-ri-a mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và hạ sinh Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Ông chấp nhận chăm sóc dưỡng dục trẻ Giê-su và lo toan việc cai quản gia đình Na-gia-rét trong vâng phục và với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tình nghĩa chung thủy vợ-chồng, tình cảm thiết thân cha-con, tấm lòng trung thành với bổn phận của Giu-se, một người công chính đã gắn chặt ông vào chương trình của Thiên Chúa hơn là vào những dự tính riêng tư của mình.
Hôm nay, nhìn vào hang đá máng cỏ, chúng ta cũng sẽ có cơ hội chiêm ngắm ngay sự kỳ diệu ẩn sau những nhân vật trong gia đình thánh ấy. Đây là tấm gương tuyệt vời nhất của mỗi gia đình Ki-tô hữu và là một dấu chỉ rất sống động về chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa đối với tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình Ki-tô giáo.
Mỗi cuộc hôn nhân của Ki-tô hữu, bề ngoài là bình thường như bao cuộc hôn nhân khác trong nhân loại, nhưng bên trong, đó là một mầu nhiệm, một ơn gọi và một bí tích.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu” đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người (x.St 1-26-27). Khi vì yêu mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu (x.1Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người cũng đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị . Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (x. HC MV 12). Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.”[1]
II.- ĐẸP THAY ƠN GỌI HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU!
Tình yêu lứa đôi, sự kết hợp nam-nữ, nhu cầu kết duyên trai-gái và xây dựng tổ ấm gia đình…đều mang ý nghĩa nhân bản cao quý. Đó là chuyện bình thường của con người trong xã hội, như một quy luật cuộc sống.
Tuy nhiên, với tín hữu chúng ta thì vấn đề khác hơn nhiều. Không ai trong chúng ta đã nghĩ rằng hôn nhân Ki-tô giáo là một mầu nhiệm, một ơn gọi, một bí tích nếu Lời Chúa trong Thánh Kinh không mạc khải và nếu không được tái khẳng định bởi các giáo huấn của Hội thánh.
Thánh Kinh Cựu Ước đã vén mở kế hoạch của Thiên Chúa: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2, 18) và “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 24).
Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2002 cũng đã nêu rõ: “Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27) do đó tự bản chất con người có xã hội tính, và là hình ảnh của Tình Yêu Hiệp Thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ nền tảng trên, mọi tình yêu chân thật giữa con người với con người đều hướng tới sự hiệp thông khuôn mẫu này. Do đó, tình yêu trong hôn nhân và gia đình là tình yêu mang lại hạnh phúc vì làm cho con người được thông phần Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa một cách cụ thể tại trần gian…”[2]
Nhờ mạc khải của Lời Chúa và qua hướng dẫn của Hội thánh, ta có thể khám phá ra ý nghĩa của mầu nhiệm và bí tích hôn nhân Ki-tô giáo.
– Thiên Chúa yêu con người. Người biết những nhu cầu thầm kín, chính đáng và sâu xa của họ và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu ấy. Thiên Chúa đã tạo dựng cho Adam một người bạn đời, người ấy là một người nữ tên Eva, vì người đàn ông không thể sống một mình nhưng cần có bạn tình để trợ giúp…
– Tình yêu hôn nhân đã tạo nên một sự hiệp thông sâu xa và hoàn hảo nhất, vì người nữ xuất sinh từ cạnh sườn của người nam và trở lại kết hợp với người ấy để nên một với người ấy. Thiên Chúa đã muốn họ thuộc về nhau, là một nửa của nhau, sống khắng khít với nhau trong tình thân mật của đôi bạn đời không thể cách ly được.
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu (Amoris Laetitia) đã viết: Cuộc gặp gỡ khiến làm nguôi ngoai nỗi cô đơn của con người này làm nảy sinh sự sống mới và tạo lập ra một gia đình. Điều có ý nghĩa là Ađam, người cũng là người đàn ông của mọi thời và mọi nơi, cùng với vợ mình, đã khởi sự một gia đình mới. Chúa Giêsu nói tới điều ấy khi trích dẫn câu của Sách Sáng Thế: “người đàn ông sẽ kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân xác” (Mt 19:5; xem St 2:24). Các hạn từ “kết hợp” hay “bám xiết lấy” như trong nguyên bản Hípri, nói tới sự hòa hợp sâu sắc, một sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm, đến nỗi nó cũng đã được dùng để mô tả sự kết hợp của ta với Thiên Chúa: “Linh hồn tôi bám xiết lấy Ngài”(Tv 63:9). (số 13)
– Trong hôn nhân, hai người nam-nữ sống với nhau để đem lại hạnh phúc và thăng tiến cho nhau, đồng thời cũng để tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa qua việc sinh sôi nảy nở những con người mới sống động cho loài người nói chung và cho Dân Chúa nói riêng. Mỗi gia đình là một Hội thánh tại gia, mỗi thành viên trong gia đình là chứng tá của ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa.
– Thiên Chúa cũng muốn con người, qua giao ước hôn nhân, diễn tả một cách cụ thể mầu nhiệm tình yêu như Người đã thể hiện qua các giao ước đối với Dân riêng của Người. Đặc biệt là giao ước hôn nhân mô phỏng tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh Ngài. Thánh Phao-lô đã nói rõ thế này: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.” (Ep 5, 21-24).
Chúng ta cũng biết rằng: “Những đôi bạn cử hành hôn nhân Công giáo là những người đã đi vào trong chính kế hoạch của lịch sử cứu độ, mà cao điểm tìm thấy trong Giao Ước Tình Yêu của Đức Ki-tô với Hội thánh. Họ được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Tình Yêu Thiên Chúa…”[3]
Như vậy, ta thấy rằng, Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su Ki-tô và Hội thánh của Ngài muốn cho chúng ta xác tín rằng hôn nhân không còn là chuyện bình thường để người ta chấp nhận nó một cách tùy tiện và ngẫu hứng nữa. Trái lại hôn nhân trong ý định của Thiên Chúa, đã mô phỏng và hiện đại hóa cuộc “kết hôn” giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Do đó sợi dây liên kết giữa người nam và nữ đã thành hôn sẽ trở nên bền vững, linh thiêng và hiệu lực đến cùng…
Giáo huấn của thánh Phao-lô về vấn này rõ ràng như sau:
“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.” (Ep 5, 25-33)
Ơn gọi hôn nhân Ki-tô giáo thật cao cả, nhưng cũng rất khó khăn, nặng nề. Nếu mầu nhiệm Giáng Sinh đã vén mở những bí nhiệm của kế hoạch lạ lùng, vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện nơi những con người bình thường thì mầu nhiệm ấy cũng soi sáng cho chúng ta nhận biết rằng, nhờ bí tích hôn nhân và qua bí tích hôn nhân, mỗi đôi vợ chồng, mỗi gia đình Ki-tô hữu cũng đang được tham dự vào chương trình và kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa.
Công việc nào cũng có niềm vui, niềm an ủi lẫn mồ hôi, nước mắt. Bên cạnh niềm vui của đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta có khá nhiều kinh nghiệm nếm trải những hy sinh vất vả, kể cả những đắng cay cơ cực. Đó là những thử thách không thể tránh được một khi ta chấp nhận bước vào lộ trình thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Sứ mệnh cao cả không che lấp thực tế khó khăn. Chúng ta hãy vững tâm sống ơn gọi đã lãnh nhận, và tin rằng: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8, 28)
Thay lời kết
Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2002 đã viết: “…Dẫu cho có những bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình, nhưng các Ki-tô hữu vẫn luôn được mời gọi vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các gia đình Ki-tô hữu trở nên tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba.”[4]
Aug. Trần Cao Khải
—–
[1] Đức thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu”, số 11
[2] Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 với chủ đề “Thánh hóa Gia đình” phần II, số 4
[3] Những đề tài học hỏi về Tông huấn “Những bổn phận của gia đình Kitô hữu” của Đức thánh GH Gioan Phaolô II, phần 2 Giáo huấn về HNGĐ, Roma 2002, trang 199
[4] Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 với chủ đề “Thánh hóa Gia đình” phần kết luận, số 9