Tuần Thánh Năm C


TUẦN THÁNH NĂM.C

LỄ LÁ

(Luca 22,14-23.56)

 

Cả 4 sách Tin Mừng Mat-thêu, Mác-cô, Lu-cac và Gio-an đều tường thuật Cuộc Thương Khó của Chúa. Nhưng mỗi sách có những nét riêng đặc biệt. Năm nay chúng ta đọc Bài Thương Khó của thánh Lu-ca. BTK của thánh Lu-ca có 18 nét riêng đặc biệt. Chúng ta chú ý đến một vài điểm (1,3,4,6,7,12,13,14,15,17,18). Vài điểm làm nổi bật lòng thương xót, sự tha thứ, an ủi và đề cao phụ nữ, đến nỗi thi sĩ Dante, người Ý, đã nói :  “Thánh Lu-ca là văn sĩ nói về lòng thương xót của Chúa Kitô”.

  • Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su bảo các tông đồ : “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40)
  • Người đi xa các ông một quãng chừng bằng ném một hòn đá và quì gối (Lc 22,41)
  • Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người. Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22,43-44)
  • Hắn lại gần Đức Giê-su để hôn Người. Đức Giê-su bảo hắn : “Này anh Giuđa, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao ?” (Lc 22,48).
  • Những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi : “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không ?” (Lc 2249).
  • Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành (Lc 22,51).
  • Ngay lúc ông còn đang nói thì gà gáy, Chúa quay lại nhìn ông Phê-rô (Lc 22,61).
  • Họ bắt đầu tố cáo Người : “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho Xê-da, lại còn xưng mình là Đấng Ki-tô, là vua nữa” (Lc 23,2).
  • Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông : “Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội người này”. Nhưng họ cứ khăng khăng nói : “Hắn giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây mà xúi dân làm loạn”. Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không. Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông cho giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Thấy Đức Giê-su, vua Hê-rô-đê mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại vua mong được xem Người làm một phép lạ nào đó (Lc 23,5-8).
  • Vua Hê-rô-đê và các thị vệ đều khinh dể Người ra mặt và chế giễu, rồi khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ và cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và ông Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, còn trước kia hai bên vẫn hận thù (Lc 23,11-12).
  • Ông Phi-la-tô nói với thượng tế, thủ lãnh và dân chúng : …Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho phạt đòn rồi thả ra” (Lc 23,15-16).

  12- Lần thứ ba ông Phi-la-tô nói với họ : “Thế người này đã làm gì gian ác ? Ta không tìm thấy nơi ông ấy lý do nào để kết án tử hình. Vậy ta sẽ cho phạt đòn rồi thả ra” (Lc 23,22).

 13- Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói : “Hỡi phụ nữ Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm chi. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cái” (Lc 23,27-28).

14- Trên thánh giá, Đức Giê-su cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

15- Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người…Nhưng tên kia mắng nó rằng : “Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”. Rồi anh thưa với Đức Giê-su : “Lạy Đức Giê-su, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh : “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng” (Lc 23,32.41-43).

16- Đến 3 giờ chiều, mặt trời ngưng chiếu sáng, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng rằng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Người tắt thở (Lc 23,45-46).

17- Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngược trở về (Lc 23,48).

 18- Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt thế nào. Rồi các bà trở về, chuẩn bị hương liệu và dầu thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền (Lc 23,35-36).

Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh đến lòng nhân ái.

– Trong giờ kinhTruyền Tin chúa nhật ngày 17-3, ngài nói : “Lòng thương xót có thể làm cho thế giới ấm áp hơn và công bằng hơn”.

– Trong thánh lễ nhậm chức ngày 19-3, ngài nói : “Oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn… Chúng ta không được sợ sự hiền lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng

Thứ Hai

(Ga 12,1-11)

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a. Bê-ta-ni-a có nghĩa là “Nhà của gặp gỡ”. Chúa Giê-su đã vào nhà của ba chị em Mat-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Gia đình đã làm cơm đãi Chúa. Cô Mát-ta lo việc nấu nướng, còn cô Ma-ri-a thì xức dầu thơm cho Chúa. Theo sách Tin Mừng thánh Mc, cô xức thuốc thơm lên đầu Chúa; còn theo sách TM thánh Gio-an, cô xức chân Chúa.

Theo truyền thống người Do Thái, xức chân là xức cho người chết, chứ không xức cho người sống. Vì thế Chúa Giê-su mới nói : “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (11,7). Và sách TM thánh Lu-ca thì viết : “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (24,1).

Số dầu thơm cô Ma-ri-a xức cho Chúa quãng độ 1/3 lít, giá khỏang 9 tháng lương của một công nhân. Vì thế ông Giu-đa đã tiếc rẻ nói : “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy 300 quan tiền mà cho người nghèo” (11,5).

Theo truyền thống người Do Thái, người chết còn qúi hơn người nghèo. Giúp người chết là một trong những việc bác ái lớn lao nhất. Ông Giu-đa cũng biết, nhưng ông lại phản đối, chỉ vì “y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp. Y giữ tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào qũi chung (11,6). Ông Giu-đa đã đặt đồng tiền trên cả Chúa. Trái lại, cô Ma-ri-a đã đặt Chúa trên tiền bạc. Chúa là trên hết, là tất cả.

Trong thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết : “Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Người nữ mà để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi. Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu, là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại” (1Cr 11,5-6). Cô Ma-ri-a lấy tóc lau chân Chúa là cô vượt cả lề luật. Qủa thật tình yêu thì không biên giới, bất chấp lề luật.

Thánh Gio-an cho biết : “Cả nhà sực mùi thơm” (11,3). Các giáo phụ đã cắt nghĩa rằng : “Tòan thể Giáo Hội ghi nhớ hành động cao qúi này của cô Ma-ri-a”. Hai sách TM của thánh Mt và Mc đều viết : “Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ đến cô” (Mt 26,13; Mc 14,9). Hội thánh nhớ hòai tình yêu của cô Ma-ri-a đối với Chúa Giê-su.

 

Thứ Ba

(Ga 13,21-38)

Sự lừa dối của ông Giu-đa lên tới cực độ. Ông là một nhà diễn xuất giỏi, là một người giả hình tuyệt vời. Ông che giấu được mọi tông đồ. Chỉ mình Chúa Giê-su biết âm mưu bán Thầy của ông. Nếu các tông đồ biết, chắc các ông không để ông yên. Thánh Phê-rô dám xin ông tí huyết, và tặng cho ông một nhát gươm.

Thánh Gio-an kể : “Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (13,21). Khi gặp những người Hy Lạp trong dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su cũng xao xuyến (Ga 12,27). Chúa xao xuyến về giờ chết của Chúa. Còn lúc này Chúa xao xuyến về sự phản bội của ông Giu-đa : “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (13,21).

Chỉ trong 10 câu (21-31), tên ông Giu-đa được nhắc đến 12 lần. Sự bội phản của một người bạn, một người thân thì sự bội phản đó đau đớn biết là dường nào. Bốn Sách Thánh dùng nhiều kiểu nói khác nhau để nói lên sự đau đớn này. Thánh Mc : “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy” (Mc 14,18), “chính là một trong Nhóm Mười Hai đây” (Mc 14,20). Thánh Mt : Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ sẽ nộp Thầy” (Mt 26,23). Thánh Lc : “Bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy” (Lc 22,21).  Thánh Ga : “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13,18), “chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là qủy dữ” (Ga 6,70)…

Chúa đã tín nhiệm giao chức quản lý cho ông Giu-đa, và Chúa còn qúi ông cho ông ngồi bên cạnh Chúa. Khi ăn, người Do Thái không ngồi ăn như chúng ta, mà là nằm. Bàn ăn thấp, hình chữ U, đặt gối chung quanh. Nằm nghiêng mình về phía trái, tì khủyu tay trái vào gối, còn tay phải lấy thức ăn. Nằm ăn như vậy, thì đầu của người này chạm vào ngực của người khác. Chúa Giê-su là chủ nằm ở giữa bàn. Thánh Gio-an, người môn đệ Chúa yêu, nằm ở bên phải, đầu của thánh Gio-an tựa vào ngực Chúa. Còn ông Giu-đa nằm ở bên trái Chúa, đầu Chúa tựa vào ngực ông Giu-đa. Ông Giu-đa được nằm bên trái Chúa như thế, nên Chúa mới có thể chấm bánh đưa cho ông và nói riêng với ông : “Anh làm gì thì làm mau đi” (13,27).

Chỗ bên trái là chỗ danh dự, chỗ dành cho người bạn thân nhất. Chẳng những chỗ ngồi, mà cả miếng ăn Chúa cũng dành cho ông Giu-đa, như Chúa nói với thánh Gio-an : “Thầy chấm miếng bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26). Theo phong tục người phương Đông, chủ đích thân đưa miếng ăn cho ai, thì đó là người thân nhất. Chúa đã làm hai cử chỉ : một là chỗ ngồi, hai là miếng ăn để ông Giu-đa biết Chúa yêu, mà ông Giu-đa vẫn cứ giả điếc làm ngơ.

Thánh Phê-rô và các tông đồ cũng phản bội, đã chối Chúa, đã bỏ chạy; nhưng các ngài không cố ý, chỉ vì  nhút nhát, sợ hãi mà thôi. Còn ông Giu-đa, ông cố ý, ông đã suy nghĩ và trù tính bán Chúa từ lâu.

Lý do nào ông Giu-đa bán Chúa ? Bài TM ngày mai sẽ cho biết lý do.

 

Thứ Tư

(Mt 26,14-25)

Bài TM thánh lễ hôm qua cho biết ông Giu-đa bán Chúa. Bài TM thánh lễ hôm nay cho biết lý do ông Giu-đa bán Chúa :

1- Ông Giu-đa không có đức khiêm nhường : theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su loan báo Giu-đa phản bội sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các tông đồ. Một trong những ý nghĩa của việc rửa chân là khiêm nhường. Chúa Giê-su nói với các tông đồ : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thât anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em ! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’” (Ga 13,13-18).

 Ông Giu-đa không chịu rửa chân cho người khác, nghĩa là không có lòng khiêm nhường, nên ông đã không chấp nhận Chúa. Ông đi theo Chúa vì tưởng rằng Chúa sẽ là một ông vua đầy quyền lực đánh đuổi quân Rô-ma, đem lại nền độc lập thịnh vượng cho quê hương xứ sở; không ngờ Chúa khiêm nhường như con chiên bị đem đi giết. Tưởng Chúa là người ăn trên ngồi trốc; không ngờ Chúa hạ mình sống như một người đầy tớ. Nên ông Giu-đa đã phản bội Chúa.

2- Ông Giuđa không có tinh thần cộng đòan : Theo bài TM của thánh Mt hôm nay, khi Chúa Giê-su loan báo Giu-đa phản bội, các tông đồ lần lượt đều hỏi Chúa : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?” (26,22); chỉ một mình Giu-đa hỏi : “Rabbi (nghĩa là Thầy), chẳng lẽ con sao ?” (26,25). Các tông đồ ai nấy gọi Chúa là Chúa, là Ngài, chỉ mình ông Giu-đa gọi Chúa là Thầy. Như thế, ông khác người, không có tinh thần hòa đồng, tinh thần cộng đòan, tinh thần chung. Người không có tinh thần hòa đồng, tinh thần cộng đòan, tinh thần chung cũng là người không có lòng khiêm nhường.

3- Ông Giu-đa coi trọng đồng tiền : theo bài TM của thánh Mt hôm nay, thì ngay sau khi bà Ma-ri-a xức dầu thơm cho Chúa, ông Giu-đa đã đi gặp các thượng tế để mặc cả về số tiền bán Chúa. Dầu thơm của cô Ma-ri-a đáng giá 300 quan tiền, tức là lương 300 ngày công, hơn 9 tháng lương. Với cô Ma-ri-a, tiền bạc chẳng đáng gì với Chúa; nhưng còn ông Giu-đa thì khác. Ông nói : “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy 300 quan tiền mà cho người nghèo ?” (Ga 12,5). Thật ra, ông Giu-đa đâu phải  qúi yêu gì người nghèo, mà là vì đồng tiền. Thánh Gio-an đã viết về ông : “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào qũi chung” (Ga 12,6). Ông coi tiền bạc qúi hơn Chúa, nên ông đã phản bội Chúa, đã bán Chúa có 30 đồng bạc, giá bán một người nô lệ. Vì đồng tiền mà coi Chúa bằng một tên nô lệ. Thánh Phao-lô viết cho ông Ti-mô-thê : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6,10).

4- Ông Giu-đa không qúi yêu bí tích Thánh Thể : cuối bài giảng về bánh Thánh Thể, thánh Gio-an kể lại như sau : “Nhiều môn đệ liền nói : ‘Lời này chướng tai qúa ! Ai mà nghe nổi ?’…Ngay từ đầu Đức Giê-su biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người” (Ga 6,60.64).

Theo thánh Lu-ca, Sa-tan nhập vào ông Giu-đa, ông ra đi gặp các thượng tế và lãnh binh để bắt Chúa Giê-su, sau đó Chúa lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,3.19). Ông Giu-đa đã không qúi yêu Thánh Thể, nên ông đi rồi Chúa mới lập.

 

Thứ Năm

(Ga 13,1-15)

Sách Tin Mừng thánh Gio-an không tường thuật việc Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể. Thánh Gio-an theo một lịch khác với các sách Tin Mừng Nhất lãm. Ngài đặt lễ Vượt Qua vào chiều thứ sáu, sau việc Chúa chết. Bữa tiệc cuối cùng Chúa dùng với các môn đệ, theo Nhất lãm, là bữa tiệc Vượt Qua; song theo thánh Gio-an chỉ là bữa tiệc chia ly, dầu bầu khí là lễ Vượt Qua.

Thánh Gio-an kể lại câu chuyện không có trong các sách Tin Mừng khác : đó là việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Lời dẫn đầu thực là quan trọng. Thánh Gio-an viết vắn tắt một vài lời : “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian, mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đó là lời loan báo tử nạn.

Giọng điệu long trọng suốt cả những dòng chữ sau đó, vì thánh sử muốn làm nổi bật sự đối chọi giữa sự cao cả của Chúa Ki-tô khi trở về với Chúa Cha để trở thành Chúa của mọi sự và cử chỉ hạ mình lạ thường mà Chúa sắp thực hiện.

Cử chỉ có một không hai có tính cách tiên tri, vì các ngôn sứ dùng những cử chỉ mắt thấy tai nghe để diễn tả sứ điệp. Theo cách biểu tượng, Chúa Giê-su sắp sửa bày tỏ ý nghĩa Người ban khi chết. Người ta hiểu rằng tác gỉa sách Tin Mừng thứ tư lưu giữ cử chỉ này, một cử chỉ giầu dấu hiệu.

Một trật tự mới : Một trong ý nghĩa đầu tiên Chúa Giê-su ban khi chết là ý nghĩa của một tạo dựng mới. Sự hy sinh của Người sắp khai mở một sáng tạo mới, thiết lập một trật tự mới, ở đó các giá trị bị đảo lộn, các thứ bậc mang một ý nghĩa khác : không bị bãi bỏ, nhưng sắp đặt lại để phục vụ : ý nghĩa của bác ái. Thế giới mới sẽ là thế giới của Tình yêu, của tình yêu nhau, của những cử chỉ thường tình nâng đỡ nhau (sau khi đã làm gương, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa).

Trong cuộc tạo dựng một nhân loại mới mà Chúa Giê-su sắp tái tạo bằng sự hy sinh, người ta khám phá ra, như khởi đầu, sự hiện diện của Sa-tan; Sa-tan đã xâm chiếm tâm hồn của Giu-đa (13,2). Trong cảnh rửa chân, có một hậu cảnh bi thương mà thánh sử đã không ghi lại. Có lẽ, chiều hôm đó, ông Giu-đa đã tách mình ra khỏi một ông thầy đã có khả năng hạ mình xuống thấp như thế.

Dấu hiệu của một đầy tớ : “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng” (13,4). Người đã mặc trang phục của một nô lệ.

Việc này như muốn căn dặn hàng lãnh đạo tôn giáo rằng người ta thường né tránh cảnh nô lệ của Is-ra-el thuở ban đầu, một công việc nặng nhọc và hèn hạ như “cởi giầy hay rửa chân cho ông chủ “ (Lv 25,39-40).

Chúa Giê-su là Thiên Chúa, “Người đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa”, hoàn thành công việc của một tên thấp hơn cả nô lệ : “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27).

Chúa Giê-su hiện diện như một đầy tớ. Phải chăng là để cho các môn đệ nhớ đến những bản văn của I-sai-a nói về số phận thương đau của người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa ? Phải chăng để các môn đệ hiểu rằng việc hạ mình này là khởi đầu của những việc hạ mình khác ?

Cõi lòng trong sạch : Trong một đất nước mà thường người ta đi chân không hay đi dép, thì dấu hiệu của việc đón tiếp thân tình đối với vị khách đến nhà là cho một nô lệ rửa chân cho ông, để ông không còn bụi bặm bám trên đường đi.

Chúa Giê-su làm công việc này giữa bữa tiệc. Qua đó cho thấy rằng Người muốn trao ban một ý nghĩa khác khi rửa những dơ bẩn phần xác. Người nói rõ với thánh Phê-rô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Người rửa chân để cõi lòng được trong sạch, một sự trong sạch mà con người chỉ có thể nhận được bởi chính Chúa, lòng trong sạch đến từ Thiên Chúa, Thiên Chúa có sáng kiến trước. Sự trong sạch này là hoa qủa của việc Chúa hy sinh. Người mang lại sự trong sạch cho loài người, khi Người lấy máu mình rửa tội lỗi của nhân loại. Về sau thánh Phê-rô mới hiểu. Đó là ý nghĩa Chúa Giê-su muốn trao ban cho các môn đệ khi Người chết.

Dấu hiệu của việc sai đi : Với các môn đệ của mình, những người lo toan tìm chỗ nhất và muốn biết ai là người lớn nhất trong họ, thì Chúa Giê-su đã ban cho các ông bài học khiêm hạ này.

Nhưng đồng thời, khi tự hạ trước mặt các ông, Chúa Giê-su còn muốn làm cho các ông cảm nhận được phẩm giá của các ông, làm cho các ông hiểu được nhiệm vụ cao cả đang chờ đợi nơi các ông : Chúa Giê-su rửa chân cho những người sắp trở thành những người đem Lời của Người, những người sắp đi đó đây để gieo vãi Tin Mừng : các ông là những sứ giả của Người.

Làm sao không nhớ đến bản văn của ngôn sứ I-sai-a, nơi  từ “Tin Mừng” xuất hiện lần đầu tiên : “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng : ‘Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị’” (52,7).

Thánh Phao-lô, trong thư Rô-ma, khi nhắc lại vấn đề loan truyền Tin Mừng, đã lấy lại kiểu nói của ngôn sứ (10,15).

Dấu hiệu của lễ Vượt Qua : Cuối cùng việc rửa chân được đặt trong bầu khí Vượt Qua. Dĩ nhiên, trong sách Tin Mừng thứ tư, bữa tiệc ly không được trình bày như là lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, bầu khí của chiều hôm ấy rõ ràng là lễ Vượt Qua. Ngay từ đầu thánh sử đã viết : “Trước lễ Vượt Qua” (13,1), trong khi giờ đã đến với Chúa Giê-su “giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (13,1). “Vượt Qua” có nghĩa là sự vượt qua. Đó chính là “Lễ Vượt Qua”của Chúa mà Chúa Giê-su cử hành.

Đàng khác, ý nghĩa của câu chuyện này có tính cách mặc khải. Trong bữa tiệc, chủ gia đình làm những cử chỉ gợi nhớ cho người đồng bàn về những gì họ hỏi và trả lời để cắt nghĩa. Việc này đặc biệt nhắc lại diễn tiến của Lễ Vượt Qua của người Do thái.

Song sâu xa hơn, bối cảnh đằng sau là Phép Thánh Thể : mặc dầu không nhắc lại việc thiết lập, nhưng cử chỉ của Chúa Giê-su nói lên ý nghĩa thâm sâu của bí tích là bí tích của một Tình Yêu năng động, là qùa tặng cho con người. Nơi Thánh Thể, Chúa Giê-su vừa là gương mẫu vừa là nguồn mạch.

Ảnh Tiệc Ly

Ai trong chúng ta cũng đã nhìn thấy bức ảnh “Bữa Tiệc Ly”, nhưng nguồn gốc lai lịch thì ít ai biết. Bức ảnh “Bữa Tiệc Ly” do ông Leonard de Vinci vẽ. Ông là một họa sĩ đại tài của nước Ý. Ông là một trong những họa sĩ đã vẽ những họa phẩm tôn giáo nổi tiếng của Giáo Hội.

Bức ảnh Tiệc Ly ông Vinci phải vẽ nhiều năm mới hòan thành. Để vẽ Chúa Giêsu ngồi ăn tiệc với các môn đệ, ông phải đi tìm một người có khuôn mặt xứng với khuôn mặt thánh thiện hiền từ của Chúa. Ông đi tìm. Ông vào các nhà thờ và ông gặp được một thanh niên. Người thanh niên có khuôn mặt thánh thiện và hiền lành gần giống như Chúa.

Ảnh Chúa họa sĩ Vinci đã vẽ xong, các tông đồ khác dần dần cũng xong, chỉ còn có ông Giu-đa ông chưa vẽ. Để vẽ ông Giu-đa, ông cũng phải ra đường tìm người làm mẫu. Ông vào các quán nhậu, các vũ trường, nhà tù, các nơi tội lỗi, và ông đã tìm được một người có khuôn mặt thật xấu xí, thật dữ tợn, thật đểu cáng, để làm mẫu cho ông vẽ ông Giu-đa. Khi vẽ gần xong, ông Giu-đa, người làm mẫu, lên tiếng nói với họa sĩ : “Trước đây tôi đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ rồi !” Họa sĩ  Vinci ngạc nhiên hỏi : “Thật không ?”. Người làm mẫu qủa quyết : “Thật mà ! Tôi đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ Chúa Giê-su” (William Barclay, The Gospel of John, vol.I, p.227-228).

***

      Bức tranh “Bữa Tiệc Ly” hầu như ai  cũng biết. Tấm ảnh thường được vẽ lại hay được trưng bày trên bàn thờ, có khi được treo trong phòng ăn của gia đình.

Họa sĩ Leonardo vẽ bức tranh trong vòng 7 năm. Khó khăn nhất là đi tìm người mẫu để vẽ Chúa Giê-su và ông Giu-đa.

Họa sĩ phải đi đây đi đó, phải lựa chọn giữa cả ngàn thanh niên, mới tìm được người làm mẫu cho họa sĩ vẽ Chúa Giê-su. Đó là một thanh niên. Khuôn mặt của chàng toát lên sự hiền lành, thánh thiện.  Qua người thanh niên, họa sĩ đã vẽ Chúa Giê-su suốt 6 tháng mới xong. Tiếp tới là 11 tông đồ. Họa sĩ mất gần 5 năm mới vẽ xong 11 tông đồ.

Sang năm thứ bảy, họa sĩ  bắt đầu vẽ ông Giu-đa. Tìm người mẫu vẽ ông Giu-đa cũng khó khăn, không khác gì tìm người mẫu vẽ Chúa Giê-su. Ông được giới thiệu một người tù đang bị giam trong trong nhà tù ở Rô-ma. Từ thành phố Mi-la-nô ông đến thủ đô Rô-ma. Vào nhà tù, ông nhìn khuôn mặt người thanh niên, ông đồng ý ngay. Khuôn mặt tóat lên đầy đủ những nét mà ông cần. Để vẽ khuôn mặt Giu-đa phải là một khuôn mặt hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả, tàn ác. Ông được phép đặc biệt của nhà nước Rô-ma đem người tù về làm người mẫu. Ông mất cả năm mới vẽ xong ông Giu-đa.

Bút vẽ hạ xuống bàn, Họa sĩ Leonardo da Vinci nói với các người lính bảo vệ: –  Các anh hãy đem anh này về lại nhà tù.

Lính bảo vệ lôi anh đi.

Anh xin được đến từ biệt họa sĩ. Anh quì xuống dưới chân họa sĩ khóc nói :

–  Thưa ngài Leonardo da Vinci, hãy nhìn con đi. Ngài không nhận ra con sao ?

Gần một năm qua, ông ngắm nghía anh cả hàng triệu triệu lần, để vẽ ông Giu-đa. Ông chỉ thấy đó là nét mặt đểu giả của một người tù. Ông nói :

–  Không, ta không nhận ra anh là ai. Anh là người tù ở Rô-ma. Anh phải trở lại nhà tù !

Người tù rú lên :

–  Ngài Vinci, ngài hãy nhìn kỹ con đi. Con chính là người mà 6 năm trước đã làm mẫu cho ngài vẽ Chúa Giê-su.

Cả phòng vẽ ngạc nhiên. Khi nhận ra, mọi người đều khóc.

6 năm trước, người thanh niên là người thánh thiện đạo đức, xứng đáng làm người mẫu vẽ Chúa Giê-su. Chỉ 6 năm sau, sống trong tội lỗi anh trở thành một người tù, một người độc ác, để làm mẫu vẽ ông Giu-đa !

Ôi tội lỗi ! Tội lỗi đã phá hủy con người từ thân xác đến tâm hồn.

Nhưng, đội ơn Chúa, Chúa đã chết để xóa tội cho chúng con.

(Đinh Tất Quý, Lời Chúa & Cuộc Sống, Mùa Chay & Phục Sinh, trang 151)

***

Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh. Chính ngày hôm nay, Chúa Giê-su ăn Bữa Tiệc Ly với các tông đồ. Ba sách Tin Mừng Mt, Mc và Lc đều tường thuật Bữa Tiệc Ly này; chỉ trừ có sách TM của thánh Gio-an là không. Nhưng thay vào đó, thánh Gio-an tường thuật việc Chúa rửa chân.

Rửa chân là công việc của người dưới làm cho người trên, của nô lệ với chủ, của vợ với chồng, của con trai con gái với cha mẹ.

Khi rửa chân, Chúa Giê-su cởi áo ngòai ra, chỉ mặc áo trong, rồi lấy khăn thắt lưng, tức là mặc theo kiểu đầy tớ, kiểu nô lệ. Chúa Giê-su hạ mình làm đầy tớ, làm nô lệ, để rửa chân các tông đồ.

Đối với thánh Gio-an, rửa chân không chỉ có nghĩa là khiêm nhường, mà còn có nghĩa là phục vụ, phục vụ cho đến chết…..

Trong việc rửa chân, thánh Gio-an đã viết về Giu-đa : “Ma qủi đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su” (Ga 13,2). Ma qủi tức là tội lỗi. Tội lỗi không thể hạ mình khiêm nhường, không thể phục vụ, không thể yêu đến chết được. Tội lỗi như Giu-đa chỉ lừa thầy phản bạn mà thôi.

Còn khi đến rửa chân cho thánh Phê-rô, thánh Phê-rô xin rửa cả chân, cả tay, cả đầu nữa, thì Chúa Giê-su nói : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa, tòan thân người ấy đã sạch” (Ga 13,10). Theo phong tục người Do Thái, trước khi đi ăn tiệc, người ta tắm. Tới nhà đãi tiệc chỉ việc rửa chân thôi. Tắm mà Chúa nói ở đây có nghĩa là phép rửa tội. Một khi tội lỗi đã được tầy sạch thì người đó sẽ có lòng khiêm nhường, có tinh thần phục vụ và yêu thương cho đến chết.

Hóa ra cũng một người, khi thánh thiện thì gống Chúa Giê-su, khi tội lỗi thì giống Giu-đa.

Thứ Sáu

(Ga 18,1-19,42)

Bài tường thuật thương khó theo thánh Gio-an khác với các sách Phúc Âm Nhất Lãm. Đây là những khác biệt :

Thánh Gio-an không tường thuật cảnh lo buồn ở vườn Cây Dầu. Trước đó một chút, thánh sử đã nhắc đến một biến cố Chúa Giê-su xao xuyến khi thấy những người Hi Lạp đến gặp mình, mà đã được đọc trong chúa nhật thứ V Mùa Chay tuần trước.

 

Chúa Giê-su tự nộp mình (18,1-3) : ông Giu-đa, kẻ phản bội đi dầu toán lính. Chúa Giê-su tiến ra đứng trước mặt họ, chẳng đợi cái hôn chỉ điểm của Giu-đa. Trước đó chẳng ai có thể bắt được Người : những người nhiệt thành muốn tôn Người làm vua (Ga 6,15), các thượng tế và Pha-ri-sêu sai lính đến bắt vào dịp lễ Lều (7,36.44-45), những người Pha-ri-sêu khi nghe Chúa ở trong Đền thờ (8,20), những người Do thái muốn ném đá (8,39; 11,39). Chỉ vì “Giờ của Người chưa đến”. Nay giờ đã đến. Chúa Giê-su chấp nhận, như trong nghi thức thánh hiến Đền thờ nhắc lại : “Người tự đi vào cuộc thương khó”.

Chính tôi (4-6): – Các ngươi tìm ai ?  – Tìm Giê-su Na-da-rét. – Chính tôi !  Kiểu nói “tôi”, “tôi là” mà Chúa Giê-su dùng, thường có một thuộc từ đi theo, để nói lên tính siêu việt của bản thân và sứ vụ của Người. “Chính tôi là đường, là sự thật và là sự sống”, “chính tôi là mục tử nhân lành”, “chính tôi là cây nho đích thực”… Đôi khi Chúa Giê-su còn dùng kiểu nói tuyệt đối : “Trước khi có ông A-bra-ham, tôi hằng hữu” (Ga 8,38). Đó là kiểu nói Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Mô-sê (Xh 3,14). Chúa Giê-su không thay thế Chúa Cha, nhưng là tham gia vào thiên tính của Chúa Cha : “Cha tôi và tôi là một” (10,30). Khi nghe Danh Thiên Chúa, các kẻ thù lùi ra và ngã xuống đất. Kẻ chiến bại lại là kẻ chiến thắng.

Chúa cứu sống các môn đệ (7-9) : Chúa Giê-su tự nộp mình. Người chỉ muốn một mình người thôi. “Hãy để những kẻ này ra đi”. Người không dùng từ “môn đệ” để chúng khỏi bắt các ông. Người chỉ giơ tay, chúng phải vâng nghe. Chúa Giê-su là Đấng cứu thoát.

Tai bị chém (10-11) : Trong một cử chỉ có ý bảo vệ thầy mình, thánh Phê-rô đã tuốt gươm chém tai đầy tớ của thượng tế. Cả bốn sách Tin Mừng đều kể câu chuyện này, nhưng chỉ có thánh Gio-an cho biết thánh Phê-rô là tác giả của hành động này và cho biết tên người đầy tớ là Mal-cus. Người ta nghĩ người đầy tớ này không phải là một người vô danh tiểu tốt, song là một đại diện đặc biệt của thượng tế có nhiệm vụ chỉ huy cuộc vây bắt này. Thánh Phê-rô đã không lầm mà đi tìm một tên lính. Tai phải bị chém biểu thị một vết thương ô nhục. Chúa Giê-su đã can thiệp bằng cách nói với thánh Phê-rô một lời, thay vì nói ở vườn Cây Dầu thì thánh Gio-an đặt ở lúc này : “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (18,11). Chúa Giê-su muốn các môn đệ hiểu rằng tất cả mọi chống cự đều vô ích, vì đó là ý của Chúa Cha mà Người phải chu toàn.

Chúa Giê-su bị trói (12) : theo thánh Gio-an, Chúa Giê-su bị trói ngay lúc bị bắt. Còn theo thánh Mat-thêu và Mac-cô thì khi giải cho Phi-la-tô mới bị trói. Thánh Lu-ca thì không nói gì.

Chúa Giê-su bị điệu đến ông Khan-na (13-23) : chỉ có thánh Gio-an kể lại việc này. Ông Khan-na là cựu thượng tế và là bố vợ của Cai-pha. Ông là thượng tế từ năm 6-15. Một trong những con trai của ông kế vị, nhưng chẳng được bao lâu (15-18). Tiếp đến là ông Cai-pha, con rể của ông, làm thượng tế cho tới năm 37. Rồi đến 4 con trai khác và một con trai của người cháu. Vì gia đình trị, nên ông có nhiều nhân chứng. Ông vừa có quyền về tôn giáo, vừa về chính trị và giàu có. Vua Hê-rô-đê Cả đã ghen tương về ảnh hưởng của các tư tế. Ông đã cho ám sát và gây nhiều tội ác với các gia đình tư tế.

Dường như ông Cai-pha ra lệnh điệu Chúa Giê-su đến nhà bố vợ của mình trước hết, để tỏ ý trọng vọng và vì uy tín của ông Khan-na.

Chúa Giê-su bị tra hỏi về giáo thuyết. Chúa Giê-su đã kêu gọi những chứng nhân đích thực, những người có thể biến cuộc tranh luận này thành một vụ án thật sự, chứ không chỉ là một cuộc tranh luận đùa cợt của những con người tò mò. Chúa Giê-su kêu gọi “những người đã tụ tập ở các hội đường hay Đền thờ đã nghe Người, mọi người đã nghe sứ điệp của Người, làm nhân chứng cho Lịch sử.

Phải chăng Phúc Âm thứ tư hoàn toàn là một biến cố trong đó Chúa Giê-su phải đối mặt với những con người phải nhận mình là theo hay chống lại Người.

Chúa Giê-su trước tòa án ông Phi-la-tô (24-40) : thánh Gio-an đã không tường thuật lại cuộc hội họp ở Thượng Hội Đồng, song ngài đã kể dài vụ án ở toà án Phi-la-tô. Với những yếu tố trình bày, thánh nhân đã làm nổi bật hoàn cảnh bi đát và nghịch lý. Hai quyền lực đối mặt nhau : một bên là Phi-la-tô, tức là Đế quốc Rô-ma, bên kia là Chúa Giê-su đến tữ trời cao và không có Người, Phi-la-tô chẳng là gì; và hai công lý : công lý lưỡng lự và bất công của quan toàn quyền Rô-ma và công lý của Chúa Giê-su đọc được lương tâm con người và xét đoán cả vị quan tòa : “Kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (11).

Sau cùng là sự thật và dối trá đối mặt nhau. Chúa Giê-su nhận mình là phát ngôn viên của sự thật, là người mặc khải sự thật. Người tuyên bố nhiều lần : người là sự thật, sự thật đến từ Thiên Chúa.

Ở bên ngoài, những người Do thái tố cáo Người bằng cả sức mạnh của gian dối : “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (30), “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12).

Sự dối trá lên tới tột điểm : “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da” (19,15). Nhưng trong lòng họ thì khác. Họ chỉ nuôi hy vọng : có một người trong họ nổi dậy giải thoát khỏi ách Rô-ma. Nếu Chúa Giê-su là một người phản loạn, một người cách mạng, thì không đời nào họ nộp Người cho Phi-la-tô !

Nhưng trước khi xảy ra cuộc tranh luận, thánh sử đã cho thấy sự giả dối của họ : “Họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được” (18,28); trong khi đó Chúa Giê-su vào nhà của người không cắt bì đã bị ô uế. Như vậy người Do thái ác độc thì lại cho mình là vô tội !

 Suốt thảm kịch, Chúa vẫn luôn bình tĩnh. Trái lại, Phi-la-tô là con mồi của lo lắng, mất bình tĩnh. Thánh sử kể 3 lần quan tổng trấn đi ra đi vào : 3 lần đi ra hỏi ý kiến của Thượng Hội Đồng và dân chúng và 3 lần đi vào tra hỏi để biết tông tích nhiệm mầu của Chúa Giê-su.

Vấn đề chính của cuộc tranh luận, theo các sách Tin Mừng, là vấn đề chính trị : Chúa Giê-su có phải là vua không ? Ông Phi-la-tô không thể kết án Chúa, nếu câu trả lời không tích cực. Chúa Giê-su giải nghĩa : “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (18,36). Một vương quốc như thế không thể giống chút gì với đế quốc Rô-ma. Ông Phi-la-tô đã an tâm, song đám đông quấy động không nghe theo và đòi kết án Chúa Giê-su và tha Ba-ra-ba.

Đánh đòn (19,1-13) : theo thánh Gio-an, Phi-la-tô cho đánh đòn Chúa Giê-su, để có kết qủa khuyên can và làm cho người Do thái thương hại, Đánh đòn, đội mạo gai, mặc áo đỏ, lính tráng nhạo báng không phải diễn ra sau khi đã bị kết án như trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, song khi còn đang bị xét xử. Đó là một trong những nét khác biệt nổi bật.

Lý do làm vua là lý do đầu tiên của cuộc tranh luận, khiến đưa đến cảnh một ông vua bị nhạo báng bằng việc đội mạo gai làm cho máu chảy xuống mặt, và bằng việc mặc áo đỏ là dấu hiệu của chiến thắng.

Ông Phi-la-tô nói : “Đây là người” (19,5). Thánh Gio-an là sử gia của việc nhập thể. Ngài không ngần ngại nêu ra cảnh rất hiện thực này, vì nó làm chứng Thiên Chúa làm người chấp nhận sự hạ mình tột độ. Nhưng bằng con đường đau thương, Con Người đạt tới vinh quang.

Tuy nhiên, các lãnh đạo hàng tư tế (thánh Gioan nêu họ ra một lần nữa) không sẵn lòng thương hại : “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” (19,6). Và vì lý do muốn làm vua đã không đủ làm lay động quan tổng trấn, người Do thái đưa ra một sự tố cáo khác : “Chúng tôi có Lề Luật, và chiếu theo Lề Luật thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (19,7). Lần này ông Phi-la-tô dao động. Ông bị dao động về một sự sợ hãi tôn giáo. Ông hỏi Chúa Giê-su : “Ông từ đâu mà đến” ? Chúa Giê-su đã không trả lời. Ông Phi-la-tô “từ đó tìm cách tha Người” (19,12).

Ông tổng trấn cố gắng đưa ra một sáng kiến khác để khuyên can. Ông đưa Chúa Giê-su “ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hípri là Gáp-ba-tha” (19,13). Ông nói : “Đây là vua các ngươi” (19,14). Ông chỉ nhận được những tiếng hô lớn : “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá” (19,15). Và cả một lời đe dọa khích động đến Hoàng đế, khiến ông Phi-la-tô phải nhượng bộ, vì sợ bị tâu về Rô-ma và bị kết án là yếu đuối.

Ngày áp lễ Vượt Qua (19,14-24) : Đó là thứ sáu, ngày áp lễ Vượt Qua, quãng giữa trưa. Một chỉ dẫn thật qúi hóa. Trong sách Tin Mừng thánh Gio-an, lễ Vượt Qua chính thức bắt đầu vào ngay chiều Chúa Giê-su chết (ngày được bắt đầu khi hoàng hôn).

Quãng giữa trưa Chúa Giê-su lên đồi Can-vê. Người tắt thở vào 3 giờ, giờ các con chiên Vượt Qua bị giết nơi Đền Thờ. Ngài là Con chiên bị sát tế của lễ Vượt Qua mới.

Đóng đinh : Trong bản văn đóng đinh và Chúa Giê-su chết có ba điểm chỉ có nơi thánh Gio-an :

  • Chi tiết về chiếc áo dài không đường khâu (23)
  • Những lời Chúa Giê-su nói với Đức Mẹ (25-27)

     –  Lưỡi đòng đâm (31-37)

Áo dài không đường khâu : theo Luật, các áo của tử tội được phân phát cho các đao phủ. Có 4 đao phủ. Chúng chia làm 4 phần. “Họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (19,23).

Thánh Gio-an đã đề cập đến sự kiện này, vì hình dáng của chiếc áo dài không có đường khâu là một việc bắt buộc phải làm trong phụng vụ đối với một thượng tế. Ông phải mang áo dài không đường khâu, khi cử hành lễ Xá tội cho toàn dân. Ngoài thư Do thái, đây là đoạn văn duy nhất trong Tân Ước nối kết Chúa Giêsu với chức thượng tế của Cựu Ước.

Chúa Giê-su và Đức Mẹ (19,25-27) : Trước khi tắt thở, Chúa Giê-su nói với Đức Mẹ : “Thưa Bà, đây là con của Bà” (26). Những từ lạ tai. Như ở Cana, Chúa Giê-su nói với mẹ Người : “Bà…”. Rồi quay về phía môn đệ nói : “Đây là mẹ anh”(27).

Chúa Giê-su trao phó mẹ Người cho thánh Gio-an. Ý định của Chúa Giê-su vượt qúa các nhân vật : hướng về Giáo hội. Nếu Người nói với mẹ Người : “” như ở Ca-na, chính vì Người nhắc lại ơn gọi vượt qúa tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a. Thánh Gio-an là môn đệ duy nhất trung thành cho đến cùng : ông là tín hữu, là Giáo hội. Chính nơi tình mẹ thiêng liêng bao la mà Đức Ma-ri-a được trao phó. Vì vậy, Chúa Giê-su bắt đầu trao cho mẹ mình một nhiệm vụ. Chỉ trong tình thảo hiếu, Người mới trao mẹ Người cho thánh Gio-an.  Phải chăng Giáo hội coi Đức Maria là mẹ của mình ?

Lưỡi đòng đâm thâu (19,28-42) : thánh Gio-an long trọng làm chứng : ngài đã thấy nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu. Tác giả đã không chú tâm đến phương diện vật lý, cho bằng ý nghĩa thần học. Qùa tặng cuối cùng là một sứ điệp.

Nước biểu tượng sự sống. Máu cũng vậy. Theo quan niệm thời đó, máu là chỗ của nguyên lý sự sống. Như vậy, Chúa Giê-su chết để ban sự sống. Sự sống thần linh trào ra qua các bí tích, nhất là bí tích rửa tội và Thánh Thể. Chắc chắn thánh Gio-an đã nghĩ đến biểu tượng sâu xa này. Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an đã ghi “ba nhân chứng” : máu, nước và Thánh Thần. Đàng khác, nước cũng là biểu tượng của Thánh Thần và của sự sống thần linh.

Các lính tráng đã đâm lưỡi đòng vào cạnh sườn của Chúa Ki-tô, để xác minh là Chúa đã chết. Chúng đã không đập gẫy xương của Chúa. Thánh Gio-an nhắc lại bản văn Kinh Thánh áp dụng cho con chiên của lễ Vượt Qua : “Chúng cũng không làm gẫy một xương nào của chiên Vượt Qua” (Ds 9,12).

Chúa Giê-su chính là chiên Vượt Qua. Chúa ở trong qùa tặng Thánh Thể. Thánh Thể khởi đầu cho việc hiến tế.

 

Thứ Bảy

 

Trong năm, chỉ có Thứ bảy Tuần Thánh mới là ngày không cử hành phụng vụ. Giáo hội chiêm ngắm sự chết của Chúa. Giáo hội không cử hành bí tích Thánh Thể, vì bí tích nói lên sự hiện diện của Chúa.

Đức Ma-ri-a là gương mẫu cho sự yên lặng của Giáo hội, gương mẫu vừa của khổ đau vừa của hy vọng. Từ thế kỷ thứ X, để thánh hiến một sự sùng kính bình dân từ lâu đời, Giáo hội đã dâng ngày thứ bảy cho Đức Mẹ.

Từ thế kỷ thứ XIII, Giáo hội đã trung thành giữ ngày Thứ bảy Tuần Thánh không có phụng vụ. Vọng phục sinh chỉ cử hành vào đêm thứ bảy rạng chúa nhật. Lễ rửa tội cho tân tòng được xen vào lễ vọng. Họ là những người bắt đầu một đời sống mới vào lúc cử hành việc Chúa Ki-tô phục sinh.

Có thời lễ Vọng được cử hành vào sáng thứ bảy. Đến năm 1954, Đức Piô XII đã đem trở lại chỗ cũ và lấy lại ý nghĩa của ngày lễ.

Những bài đọc trong lễ Vọng với chủ đề lớn, sâu đậm Thánh Kinh : đó là mối liên hệ giữa tạo thành và tha thứ. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, đã tạo dựng nên con người tốt đẹp, mới có thể tái tạo con người. Bằng sự tha thứ, Người đã tái sinh con người. Mầu nhiệm Phục sinh cho chúng ta biết con đường Thiên Chúa đã chọn để tái sinh con người : đó là sự chết và sống lại của Chúa Kitô. Tín hữu đi vào mầu nhiệm cứu rỗi này qua bí tích Thánh Tẩy.

Vì thế các bản văn được chọn đọc trước hết nhắc đến việc tạo dựng, rồi đến vài chặng đường hay là những hình ảnh tiên báo lịch sử cứu rỗi.

Đêm Vọng Phục Sinh

(Lc 24,1-12)

Chả có cái chết nào nhục nhã cho bằng cái chết trên thập giá. Người Rô-ma trông thấy phải rùng mình ghê sợ. Thi sĩ Ci-cê-rô, người Rô-ma, nói : “Đó là cái chết dữ dằn và kinh khiếp nhất”. Thi sĩ Ta-ci-tô, cũng người Rô-ma, thì bảo : “Đó là cái chết bỉ ổi nhất.

Cái chết trên thập giá bắt nguồn từ phong tục của người Ba Tư ngày xưa. Họ coi mặt đất là thánh thiêng. Những kẻ làm điều ác không đáng được chôn dưới đất. Xác của tội nhân làm ô uế đất đai, làm dơ bẩn đất thánh. Họ phải bị treo lên và để cho diều hâu, cho chim kền kền rúc rỉa. Người Rô-ma đã bắt chước phong tục này, nhưng chỉ thực hiện ở các nước thuộc địa và dành cho người nô lệ.

Chúa Giê-su bị treo trên thập giá. Chúa Giê-su phải chịu một cái chết nhuốc nha. Chúa Giê-su bị liệt vào hạng tội nhân, vào hạng nô lệ đê hèn.

Vì thế, chẳng lấy làm lạ : kẻ thù thì chế nhạo, khinh bỉ; người thân thì buồn sầu, thất vọng; các môn đệ : ông thì bỏ trốn, ông thì bội phản… Chẳng còn ai đoái hoài, chẳng còn ai dám ra mộ ngó ngàng. Có chăng là mấy mụ đàn bà ngớ ngẩn.

Bài TM đêm nay, thánh Lu-ca kể : “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả” (Lc 24,1-3).

       Chiều thứ sáu, họ vội vàng tẩm liệm Chúa, vì trời sắp sửa bước sang ngày thứ bảy, ngày nghỉ và là ngày đại lễ Vượt Qua. Họ ngóng đợi cho ngày thứ bảy chóng qua, mong đợi ngày thứ nhất mau đến, để họ đem dầu thơm tiếp tục tẩm liệm Chúa. Nhưng khi họ đi vào, họ không thấy xác Chúa nữa, xác Chúa mất đâu rồi.

Theo tường thuật của thánh Mát-thêu, thì các nhà lãnh đạo phao vu là các môn đệ đã ăn cắp xác Chúa. Nếu các môn đệ ăn cắp, thì làm sao còn khăn liệm trong mộ. Đã ăn cắp thì phải ôm cả xác, cả khăn liệm mà chạy, chứ làm gì có giờ để cởi bỏ khăn liệm ra khỏi xác Chúa mà để lại trong mộ.

Thật ra, ở đời có mấy người tin người chết sống lại. Chính các bà ra mộ, không thấy xác Chúa, cũng không tin Chúa sống lại. Thiên thần phải hiện ra bảo các bà : “Sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (24,5).

Nghe thiên thần nói, các bà cũng vẫn chưa tin, nên các thiên thần phải bảo : “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (24,7).

Có lẽ chúng ta cũng khó tin Chúa chết sống lại. Vì thế, chúng ta tin là nhờ Lời Chúa dạy, nhờ giáo huấn của Hội Thánh.

Lời Chúa và giáo huấn mới giúp chúng ta tin sự sống lại. Không yêu mến Lới Chúa và giáo lý chúng ta cũng khó tin sự sống lại.

Do đó trong mùa phục sinh này chúng ta luôn được nhắc nhở là “Theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”  (Ga 20,9).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành